Trong chiến đấu, những con người ấy lạnh như thép trước kẻ thù. Nhưng có những phút giây họ không khỏi chạnh lòng khi trở về với vợ con, gia đình, đối diện với muôn mặt đời thường. Và một lần nữa họ lại lặng thầm vượt qua như trong một cuộc chiến...


Gồng mình với đời và với nghề

Ngồi trước mặt chúng tôi là nữ trinh sát Hải Yến có hơn chục năm lăn lộn với nghề. Nghe cô kể về những lần đơn độc phá án mà chúng tôi vẫn thật khó hình dung những hi sinh mà các trinh sát ngoại tuyến phải gồng mình gánh chịu.

Trong vai bụi đời Yến đã từng bị ăn đòn hội đồng vì tội “xâm phạm lãnh địa” khi bám đối tượng ở công viên. Nhiều lúc hạ mình xuống nước, năn nỉ bọn giang hồ để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng có lúc Yến đã vùng lên kêu “đàn anh” là Nhàn và Lưu (cũng là trinh sát ngoại tuyến) mang ống nước ra dằn mặt bọn giang hồ.

Thấy thế lực của người mới đến mạnh hơn, tụi “ma cũ” chấp nhận cầu hòa. Sau đó bọn chúng còn mua bánh mì, bò bía cho ăn, lại còn rủ Hải Yến tham gia - lại thêm một vai trinh sát mới!

Lê Chí Tâm có vóc người thấp, đậm, khuôn mặt bầu bĩnh phúc hậu. Ở người đàn ông đã có vợ và hai con này toát lên một sự trầm tĩnh lạ lùng. Tâm rất ít nói, câu chuyện mà chúng tôi nghe được về anh trong trận đánh phá sòng bạc ở quận 8 chủ yếu do đồng đội của anh kể lại, đầy ắp những chi tiết, sự kiện về sự dũng cảm, nhanh nhạy và quyết đoán của một trinh sát ngoại tuyến.

Quê gốc Bình Định, tốt nghiệp Trường trung học Công an nhân dân năm 1985, Tâm đã gắn bó với “nghề” ngoại tuyến từ đó đến nay. “Hồi chưa cưới, không ít lần lỡ hẹn với cô ấy vì cái nghề suốt ngày ở ngoài đường này” - Tâm kể. Nhưng cũng từ ý nghĩa của công việc chung, vợ Tâm luôn cảm thông và sẻ chia với chồng nên “không phải làm công tác tư tưởng gì nhiều”.

20 năm trong nghề trinh sát ngoại tuyến, tham gia hàng trăm chuyên án khác nhau, có những chuyên án lớn đã làm nên tên tuổi của Tâm trong lực lượng, nhưng ở khu phố nhiều bà con vẫn không biết Tâm làm nghề nghiệp gì, thậm chí có người còn cho rằng “anh này thất nghiệp!”. Tâm bảo “công việc buộc phải vậy, đôi khi cũng cảm thấy có cái gì đó thiệt thòi cho vợ con, gia đình, nhưng đã chọn con đường này thì phải cố mà vượt qua thôi”.

Vợ Tâm làm nghề may gia công, thu nhập hằng tháng chẳng là bao nhưng lại là nguồn thu nhập chính của gia đình có hai con đang tuổi ăn tuổi lớn. “Nhưng nhìn lên cũng phải nhìn xuống, cuộc sống còn biết bao gia đình lao động khốn khổ hơn mình” - Tâm nói.

Và những buồn vui trong đời thường Tâm giấu kín trong tim, để dành trọn tâm tư cho công việc. Anh còn tranh thủ đi học thêm đại học an ninh hệ tại chức và vừa tốt nghiệp năm nay; Tâm cũng là học viên “già” nhất lớp tiếng Anh hằng đêm ở trung tâm ngoại ngữ…

Cám dỗ lớn nhất họ đã vượt qua!


Bùi Công Tú, trinh sát trẻ ở tuổi 30, tham gia nhiều chuyên án lớn, đồng thời là bí thư Đoàn Phòng trinh sát ngoại tuyến, bộc bạch: “Khi quay về với đời thường, anh em cũng không khỏi chạnh lòng cho dù là rất nhỏ, đó là những khi nhận được thiệp mời dự đám cưới, đám tiệc của bạn bè, nói thiệt là tôi phân vân lắm vì tiền lương của một trinh sát có là bao. Những lúc gia đình có người đau ốm, bệnh hoạn thật không biết đâu mà lần…”.

Cuộc sống là thế. Vậy mà Tú cũng như Tâm và nhiều đồng đội khác đã không ít lần “ngồi trên đống tiền”. Khi ập vào sòng bạc ở quận 8, Tú kể: “Tiền, đôla, điện thoại di động đời mới nằm la liệt khắp nơi… Chỉ một giây lóa mắt thôi là anh em có thể bị cám dỗ, nhưng tất cả đã vượt qua”.

Còn khá trẻ, nhưng Trần Ngọc Nam đã có vợ và một con gái đầu lòng vừa được một tuần tuổi. Nam hồn nhiên: “Tụi tôi xài tiền ngân hàng không à”. Hỏi ra mới biết Công an TP tạo điều kiện cho các cán bộ chiến sĩ vay tiền từ nguồn quĩ của công đoàn, vay - trả rồi lại vay - trả tiếp, ngân hàng là vậy!

“Không ít lần gặp bạn bè cùng lứa nay đã là những nhà doanh nghiệp giàu có, bạn bảo đi làm với nó chứ đồng lương của trinh sát chỉ đủ uống cà phê mà hiểm nguy kề cận từng ngày! Nhưng làm sao được, đó là con đường mình đã chọn” - Nam tâm sự thật lòng.

Ở Phòng trinh sát ngoại tuyến có một “nghịch lý” là hầu hết đã vào tuổi 40 nhưng vẫn là “lính phòng không”, nhiều người từng bị người yêu “đá” vì: “nói đi làm lại thấy chở người con gái khác ra quán cà phê, lễ tết thì gần như không thấy mặt mũi, còn túi thì lúc nào cũng... trống vắng chiều nay…”.

Các trinh sát nam đã vậy, trinh sát nữ càng khó khăn hơn. Như Hải Yến bấy lâu nay được anh em trong lực lượng Công an TP biết đến như là một vận động viên thể thao. Cô có thể chơi phối hợp được nhiều môn, nhất là điền kinh.

Nhiều năm liền trong các đợt hội thao TP, cả nước, cô trinh sát này đem giải vàng về cho phòng ngoại tuyến. Hải Yến vừa làm mẹ một bé trai. Chồng Yến cũng là một trinh sát ngoại tuyến, chỉ có anh là người trong nghề mới có thể thông cảm, chia sẻ và hiểu được công việc của vợ mình.

Nữ trinh sát Ngọc Lan như nói thay cho các nữ trinh sát ngoại tuyến: “Nếu không phải đồng nghiệp trong ngành thì thật khó có ai thông cảm, hiểu được công việc thầm lặng nhưng khốc liệt của người trinh sát ngoại tuyến!” - nghe họ tâm sự mà chúng tôi càng chia sẻ và trân trọng họ hơn...
Trần Đại Lợi ( theo CSVN )