Ngay sau khi các tờ báo của Đoàn và thanh niên loan tin Chính phủ đã đồng tình về chủ trương xây dựng một mạng xã hội cho thanh niên thì sự bàn tán cũng rôm rả trên chính… mạng xã hội.

Đã có nhiều con số được nhắc tới: 200 tỉ đồng hay 200 triệu USD nhưng từ Trung ương Đoàn đến các chuyên gia IT chưa ai có thể đưa ra ngay một con số chính xác, song ước tính để xây dựng một mạng xã hội “Made in Vietnam” chắc chắn không rẻ. Bởi các chi phí đầu tư phần cứng, thuê chuyên gia, tập huấn, hội thảo, khảo sát v.v.. sẽ chiếm thời gian và khoản chi phí khổng lồ…

Không ai có thể phủ nhận việc tập hợp thanh niên, việc truyền lửa cũng như chia sẻ các kiến thức về đời sống xã hội thông qua mạng xã hội trong khi số lượng sử dụng Internet ở Việt Nam đang tăng nhanh là hết sức cần thiết, đang dần thay thế các hình thức tập hợp truyền thống. Hơn thế trong bối cảnh nhiều kẻ xấu đang lợi dụng mạng xã hội để phát tán các quan điểm và lối sống sai lệch thì việc đưa các luồng quan điểm chính thống cùng với văn hóa sinh hoạt hướng về cộng đồng lên môi trường mạng là việc làm cần khuyến khích…

Thế nhưng giữa tâm huyết và kỹ năng mang tính chuyên nghiệp có một khoảng cách rất xa, đặc biệt là ở một “chiến trường” mới, phức tạp, nhạy cảm như “mặt trận” Internet thì việc hình thành một dự án lớn như vậy cần cân nhắc rất kỹ. Chúng ta cũng đã đổ cả trăm tỉ đồng xây dựng mạng go.vn với mục tiêu thu hút người sử dụng Internet, song đến nay khảo sát trên mạng số người đang sử dụng mạng này quá… hiếm hoi. Cạnh đó nhiều mạng xã hội do doanh nghiệp đầu tư bước đầu đã thu hút hàng triệu người mở tài khoản, song việc có giữ được họ ở lại hay không là một bài toán cực kỳ đau đầu mà ban lãnh đạo các doanh nghiệp hiện vẫn chưa có lời giải…

Vì thế những mục tiêu rất tốt đẹp cùng sự ủng hộ từ Chính phủ mới chỉ là điều kiện cần, mà kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức của những người chủ trì dự án ở Trung ương Đoàn mới là điều kiện đủ để dự án khả thi, hiệu quả.

BẰNG LĨNH
Theo PL