(CATP) Qua nghiên cứu một số điều của chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chúng tôi có một số góp ý cụ thể như sau:

Trong chương này, khái niệm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân chưa được làm rõ, các điều trộn lẫn với nhau, khó phân biệt, cho nên cần sắp xếp lại, đưa những điều về quyền con người lên đầu chương. Chẳng hạn, đối với con người “Sống” là quyền cơ bản nhất, có ý nghĩa hàng đầu, quyết định để con người được hưởng các quyền khác nhưng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lại nêu ở điều 21 sau một số quyền khác không cơ bản và không quan trọng bằng. Đề nghị chuyển điều này vào phần đầu chương II của dự thảo.

Trong điều 27 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu về quyền của nam, nữ bình đẳng và ngang nhau về mọi mặt, đề nghị vẫn giữ nguyên cụm từ: “Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức Nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh con mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật” như nội dung của Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong các trường hợp hưởng lương và chế độ thai sản, vừa phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay. Tại điều 41, khoản 1 dự thảo, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Vệ sinh công cộng” vào cuối khoản 1, cụ thể: “Công dân có quyền... khám bệnh, chữa bệnh, vệ sinh công cộng” và bổ sung đoạn: “Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn giảm viện phí, ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi và dân tộc ít người”. Lý do bổ sung, cần phải kế thừa những nội dung có tính nhân văn và cần thiết của điều 36, 61 Hiến pháp năm 1992 đã quy định.

Tại điều 31, khoản 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Đề nghị bổ sung cụm từ “trong thời hạn pháp luật quy định”, vì quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo thể chế nội dung này của Hiến pháp đã quy định rõ thời hạn giải quyết khiếu nại tố cáo trong từng trường hợp nên cần thiết phải nêu trong Hiến pháp. Trong khoản 2, điều 33 dự thảo nêu về: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ” đề nghị thay thế cụm từ “pháp luật” bằng cụm từ “Nhà nước” (giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992) vì pháp luật là do Nhà nước ban hành, các quy định của pháp luật nhằm bảo hộ quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế có thể thay đổi, chỉnh sửa để điều chỉnh những mối quan hệ nảy sinh trong xã hội. Do vậy, đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992 và sửa lại khoản này như sau: “2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được Nhà nước bảo hộ”. Điều 51 dự thảo nêu: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam” là chưa đầy đủ. Đề nghị bổ sung đối tượng là người không có quốc tịch (được hiểu là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam - như nội dung đã quy định tại khoản 2, điều 3, Luật Quốc tịch năm 2008) và sửa lại điều này: “Người nước ngoài, người không có quốc tịch cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam”.

ĐINH TUẤN KHANH (Phòng Pháp chế CATP)