Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các băng nhóm tội phạm trên thế giới ngày càng có xu hướng liên kết với nhau, móc nối để thực hiện các hành vi phạm tội trên lãnh thổ của nhiều quốc gia. Chính vì thế, thời gian qua, lực lượng thi hành pháp luật Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, thu được những thành tựu đáng kể…

Phối hợp triệt phá các tổ chức tội phạm ma túy, buôn người 


Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã tích cực hợp tác, trao đổi thông tin với các nước ASEAN và Đối tác Đối thoại liên quan đến tội phạm ma túy.


Cụ thể từ tháng 1/2012 đến nay, các cơ quan phòng, chống tội phạm về ma túy của Việt Nam đã tiếp nhận và xác minh trả lời 365 dữ liệu thông tin có nghi vấn hoạt động phạm tội ma túy có liên quan đến nước ngoài của Văn phòng Sỹ quan liên lạc Cảnh sát Liên bang Australia, Văn phòng cơ quan chống ma túy của Mỹ (DEA) và các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Nga, Canada... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phối hợp phát hiện, điều tra các hoạt động của đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại, giúp cho công tác điều tra, khám phá nhiều chuyên án đạt hiệu quả.


Từ tháng 1/2012 đến tháng 3/2013, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 19.582 vụ với 29.786 đối tượng tội phạm, trong đó có 29 vụ, 51 đối tượng là người nước ngoài.


Tang vật thu giữ gồm 390,3kg heroin, 74,6kg thuốc phiện, 134,5kg cần sa khô, 128,9kg và 335.470 viên ma túy tổng hợp và nhiều phương tiện, tài sản vật chứng có liên quan.


Tuy đã được kiềm chế nhưng tội phạm mua bán người tại Việt Nam còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia.


Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã tích cực hợp tác trong trao đổi thông tin với các nước ASEAN và Đối tác Đối thoại liên quan đến tội phạm mua bán người, đặc biệt là thông qua kênh hợp tác INTERPOL, ASEANAPOL. Công an các địa phương giáp biên giới các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ nhằm trao đổi thông tin phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.


Theo thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, toàn quốc đã phát hiện, xử lý 528 vụ mua bán người với 914 đối tượng, 1.041 nạn nhân. Đồng thời, Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức quốc tế (UNODC, UNICEF, AusAid, Rồng Xanh, IOM…) triển khai có hiệu quả các dự án phòng, chống mua bán người, trong đó tập trung vào trang bị kỹ thuật và đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về.


Tích cực chống khủng bố, cướp biển


Tuy ở Việt Nam chưa xảy ra khủng bố quốc tế, nhưng Công an Việt Nam đã tích cực hợp tác trong trao đổi thông tin với các nước ASEAN và đối tác đối thoại liên quan đến công tác phòng, chống khủng bố, giúp nâng cao năng lực và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCKB, duy trì an ninh trật tự (ANTT) trong nước và góp phần vào sự ổn định chung của khu vực…


Năm 2012 và các tháng đầu năm 2013, tình hình an ninh hàng hải trong khu vực và trên biển Đông diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều vụ cướp biển và trộm cắp tài sản trên biển, tính chất nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, không những gây thiệt hại về người, tài sản mà còn ảnh hưởng đến môi trường an ninh trên biển.




Việt Nam tích cực phối hợp đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia 3_luc2879-450
Lực lượng Cảnh sát Việt Nam tiếp nhận đối tượng truy nã Phạm Thế Vinh được dẫn giải về từ Liên bang Nga.




Các vụ trộm cắp trên tàu biển nước ngoài tại các vùng nước cảng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam vẫn xảy ra, tuy chưa gây thiệt hại lớn về kinh tế, chưa gây mất an toàn về tính mạng con người, phương tiện nhưng cũng đã tác động xấu đến môi trường an ninh hàng hải, gây mất ANTT, an toàn trên các vùng biển của Việt Nam.


Thủ đoạn của chúng là lợi dụng đêm tối và sự mất cảnh giác của thuyền viên, đột nhập dùng vũ lực khống chế thủy thủ cướp đi tiền bạc, thậm chí cả tàu, một số vụ bắt giữ tàu và thủy thủ sau đó đòi tiền chuộc… Có một số vụ, chúng tổ chức cướp tàu biển, thay đổi biển số, sơn sửa chữa lại tàu, sau đó ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng “con tàu ma” này.


Để phòng ngừa tội phạm cướp biển, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã triển khai và duy trì kíp trực an ninh hàng hải (24/24h), tiếp nhận và xử lý kịp thời, hiệu quả các thông tin an ninh hàng hải, tổ chức diễn tập vận hành cơ chế xử lý tình huống sự cố an ninh hàng hải tại các cảng biển trọng yếu.


Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã xử lý 15 lượt thông tin về an ninh hàng hải, điều tra 2 vụ trộm và cướp tài sản tại các cảng biển Việt Nam. Tháng 11/2012, Việt Nam đã phối hợp với Malaysia, Singapore tổ chức truy tìm, phát hiện và trấn áp, bắt giữ thành công vụ cướp biển có sự tham gia của 11 đối tượng mang quốc tịch Indonesia, giải cứu thành công tàu ZAFIRAH bị tấn công và cướp trước đó trên biển Indonesia.


Ngăn chặn tội phạm “rửa tiền” và tội phạm công nghệ cao


Để phòng chống tội phạm “rửa tiền”, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp các nước trao đổi thông tin tài liệu liên quan đến các giao dịch đáng ngờ tại Việt Nam cho các nước ASEAN và các Đối tác Đối thoại khi có yêu cầu. Từ năm 2012 đến nay, đã tiếp nhận xử lý 650 báo cáo về các giao dịch đáng ngờ, trong đó, đã tiến hành điều tra 22 vụ, thanh tra 4 vụ.


Từ năm 2012 đến nay, tình hình an ninh, an toàn mạng máy tính tại Việt Nam tiếp tục bị đặt trong tình trạng báo động với nhiều cuộc tấn công, phá hoại, phát tán virus, phần mềm gián điệp, mã độc với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Cảnh sát Việt Nam đã tích cực hợp tác trong trao đổi thông tin với các nước ASEAN và Đối tác Đối thoại liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là với Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Canada...


Trong năm 2012, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện, xác minh, điều tra 261 đầu mối vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tổng thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó đã xác lập 44 chuyên án, 217 vụ việc và vụ án. Trong 3 tháng đầu năm 2013, đã xử lý 17 vụ việc mới, tổ chức xác minh, giải quyết 22 vụ việc, trong đó đã điều tra, khởi tố 2 vụ án; khởi tố, bắt tạm giam 34 bị can….


Đồng thời, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã tích cực hợp tác trong trao đổi thông tin với các nước, đặc biệt là với Lào, Malaysia,  Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Nga, New Zealand. Từ tháng 1/2012 đến tháng 3/2013, toàn lực lượng phát hiện điều tra hơn 8.500 vụ có yếu tố nước ngoài, trong đó chủ yếu là tội phạm buôn lậu…




Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) lần thứ 13 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Furama Resort, Đà Nẵng từ ngày 17 đến 22/6 với sự tham gia của các đại biểu của 10 quốc gia thành viên ASEAN; Ban thư ký ASEAN; các nước Đối tác Đối thoại gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia, New Zealand, Liên minh châu Âu; Mỹ; các tổ chức quốc tế UNODC và ARTIP (SOMTC).

Đây là diễn đàn để 10 quốc gia thành viên nêu tình hình và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm khủng bố, buôn lậu ma túy, buôn người, rửa tiền, cướp biển, buôn lậu vũ khí, tội phạm kinh tế tài chính và tội phạm công nghệ cao. Đồng thời đánh giá kết quả các dự án, sáng chế về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia vì một ASEAN hòa bình, ổn định, thịnh vượng…

Bên cạnh các cuộc họp chung, cuộc họp các trưởng đoàn các nước ASEAN sẽ bàn luận đến những kinh nghiệm, biện pháp chống tội phạm tại các quốc gia thành viên và tăng cường hợp tác của các nước ASEAN, biện pháp chống tội phạm xuyên quốc gia tại các quốc gia thành viên và tăng cường hợp tác ASEAN giữa các quốc gia thành viên trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.




CAND online