Giữa thời bình, có một lực lượng Cảnh sát vẫn phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với hiểm nguy và sự hy sinh tính mạng lợi ích cá nhân gia đình. 16 năm phấn đấu và trưởng thành kể từ khi được thành lập, có đến 17 cán bộ chiến sỹ (CBCS) và quần chúng nhân dân tham gia chiến đấu với tội phạm ma túy đã hy sinh, gần 300 CBCS bị thương, phơi nhiễm HIV…
Đấy là chưa kể những hy sinh khó có thể nói thành lời của họ trong đời sống tình cảm, gia đình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành một "binh chủng" rất đỗi tự hào của lực lượng Cảnh sát nhân dân, góp phần đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy, một hiểm họa của toàn nhân loại, đang đe dọa đến từng gia đình, đến từng con người trong xã hội. Họ là lực lượng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy trên toàn quốc, trong đó nhân tố điển hình là Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) vừa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Bài 1: Những người lính đầu tiên và 4 lời thề danh dự

Chiều cuối tháng 6. Lâu lắm chúng tôi mới có dịp gặp lại Anh hùng LLVTND Vũ Hùng Vương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Cục trưởng Cục C47 đầu tiên. Ông vẫn vậy, năng động và nhiệt huyết khi nói về những lĩnh vực liên quan đến tội phạm ma túy. Kí ức của 16 năm trước với những khó khăn, gian khổ trong ngày đầu thành lập dường như vẫn vẹn nguyên trong con người của Thiếu tướng Vũ Hùng Vương. Ngày ấy, cả nước đang nhức nhối với tệ nạn ma túy tràn vào học đường, làm hư hỏng bao thế hệ trẻ. Vụ án Vũ Xuân Trường cùng đồng bọn lại vừa được khám phá, khiến người ta giật mình trước sự ghê gớm của tội phạm ma túy.

Chính vì thế, để có lực lượng chuyên sâu, nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm ma túy (TPMT), ngày 12/3/1997, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ra Quyết định thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy (nay là Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47). Thời gian đó, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục VI (thời điểm đó là Tổng cục Cảnh sát) giao cho nhiệm vụ tuyển chọn cán bộ. Lấy người vào lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy thời điểm đó đã khó, lấy được người giỏi trinh sát, trung thực và trung thành với lực lượng còn khó hơn rất nhiều.

Thời điểm đó, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương cứ miệt mài đến gặp từng cán bộ có danh sách chuyển sang lực lượng phòng, chống ma túy. Ông hỏi cán bộ sẽ về làm lính của mình là: Anh có yêu nghề hay không? Có tự nguyện đứng trong hàng ngũ của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy không? Bởi có tự nguyện, yêu nghề, họ mới gắn bó và dám hy sinh cho công việc. Sau đó, xem xét tiếp đến khả năng trinh sát, đạo đức nghề nghiệp…

CSĐT tội phạm về ma túy - Hy sinh cho sự sống hồi sinh 5_dan2889-450
Dẫn giải các đối tượng phạm tội trong một vụ án.

Vì đây là lực lượng phải đấu tranh với một loại tội phạm mới nhưng vô cùng nguy hiểm, gian ngoan và xảo quyệt nên đòi hỏi những con người tham gia phải thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, có lòng trung thành và ý chí tiến công tội phạm không khoan nhượng. Có lẽ vì thế nên theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Cảnh sát phòng, chống ma túy sẽ là lực lượng đầu tiên làm lễ tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương được giao nhiệm vụ soạn thảo 4 lời thề của lực lượng Cảnh sát ma túy. Đó là sự kết hợp của 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề của lực lượng Công an nhân dân với các đặc điểm riêng trong cuộc đấu tranh khốc liệt chống tội phạm ma túy. Và ngày 15/7/1997, lễ tuyên thệ của Cục Cảnh sát phòng, chống ma túy đã diễn ra. Trong không khí trang nghiêm, 4 lời thề của lực lượng đã vang lên, tự nhiên lúc ấy, Thiếu tướng Vương nhớ lại, trong ánh mắt của 24 CBCS đầu tiên của đơn vị tham gia lễ tuyên thệ đều rưng rưng. Sau đó, suốt cả chặng đường dài công tác, và cho đến tận bây giờ, những lời thề ấy vẫn như kim chỉ nam soi đường cho từng CBCS của Cục C47, để họ vững vàng chiến đấu và phấn đấu trở thành đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những ngày đầu, cả đơn vị Cục chỉ có 24 người, chia làm 3 phòng. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cực kỳ khó khăn. Các trinh sát phải dùng sức người, lòng dũng cảm, sự mưu trí là chính. Địa bàn hoạt động của tội phạm ma túy chủ yếu diễn ra các vùng biên giới, núi rừng hiểm trở. Chính vì thế, các trinh sát phải đi xe khách, rồi đi bộ, vượt suối, băng rừng để theo dõi và xâm nhập vào các đường dây tội phạm ma túy. Vì là lực lượng mới, lĩnh vực đấu tranh mới nên 6 tháng đầu tiên, hầu như cả đơn vị "học" là chính, làm công tác nghiệp vụ cơ bản để "tích lũy". Nhưng thời gian đó, dù khó khăn, vất vả nhưng khí thế của anh em rất mạnh.

Đại tá Trần Như Nhận, Phó Cục trưởng Cục C47, thời gian đó là Trưởng Phòng 2, phòng trinh sát chuyên đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy, kể rằng, có những chuyên án, các trinh sát phải đi xe máy từ Hà Nội vào tận Quảng Trị. Hay có đêm, đang ở Hà Nam, do yêu cầu nghiệp vụ, các trinh sát chạy thẳng xe máy lên tỉnh Sơn La. Trong các cuộc họp của đơn vị, Đại tá Nhận vẫn động viên anh em trong phòng: Chúng ta phải làm vì danh dự của lực lượng, vì lòng tự trọng của chính chúng ta.

Do làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản nên đến năm 1999, Cục C47 đã phá được chuyên án cực lớn đầu tiên, mang "dấu ấn" của mình, đó là chuyên án 998C vẫn được coi là lớn nhất từ trước đến nay. Đường dây do "ông trùm" Nguyễn Văn Tám liên quan đến 14 địa phương, hoạt động trong suốt 10 năm, đưa ma túy từ Lai Châu về Nam Định và đi các tỉnh tiêu thụ. Cơ quan Công an đã bắt giữ 58 đối tượng, chia làm 3 phần để đưa ra xét xử. "Khai hỏa" cho chuyên án này chính là việc bắt giữ đối tượng Lương Văn Chinh ở khu vực cầu Đò Quan (Nam Định). Tổ công tác nhận nhiệm vụ "đặc biệt" đó là các trinh sát Phòng 2 do trực tiếp Đại tá Trần Như Nhận chỉ huy. "Khi bắt được Chinh, lúc đó chúng tôi mừng khôn xiết, gọi điện về báo cáo lãnh đạo mà giọng lạc đi vì xúc động".

Trong số những CBCS đầu tiên về "đầu quân" cho Cục C47, có một cán bộ nữ duy nhất, đó là Thượng tá Nguyễn Thị Minh Lý, hiện là Phó Phòng 1 của Cục. Tuy là duy nhất nhưng chưa bao giờ chị Lý được "ưu ái" ở nhà làm hậu phương, mà chị cũng không thích sự "ưu ái" đó, vì bản chất của chị là một nữ trinh sát trưởng thành qua nhiều môi trường điều tra, hình sự. Thời kỳ đó, trinh sát nam đi làm đã vất vả, trinh sát nữ như chị Lý càng gian khổ, nguy hiểm trăm bề. Chị Lý kể rằng, thời kỳ đó chỉ có máy nhắn tin kêu tít tít, luôn được các trinh sát giấu trong người, hoặc túi xách để nhận nhiệm vụ của lãnh đạo. Mẹ chị, vốn là một cán bộ, rất thương và lo cho con gái, khi chị về thăm mẹ, chỉ thẽ thọt dặn con: "Nếu cái nhắn tin kêu tít tít, bọn tội phạm nó phát hiện ra thì con phải làm sao?". Chị ôm mẹ động viên: "Chúng con đã lường hết các tình huống rồi, mẹ đừng lo cho con nhé".

Đúng vậy, vì phương tiện kỹ thuật thiếu nên chị Lý và các trinh sát trong đơn vị đã tự mày mò học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đặt ra các tình huống và mưu trí giải quyết các tình huống đó một cách hợp lý, giải tỏa sự nghi ngờ của tội phạm. Những ngày đó, chị Lý và đồng đội đi suốt, thậm chí phải luân chuyển cả mấy tháng vào Nam, giải quyết tụ điểm ma túy phức tạp ở Cầu Kho vì lực lượng trong đó mỏng. Mấy tháng ròng, chị thuê một chiếc xe đạp, rồi cùng một trinh sát khác, lúc nào cũng tất tưởi như những phụ nữ làm nghề thu mua ve chai. Những tài liệu do chị và đồng đội thu thập được sau này đã góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ tụ điểm ma túy ở Cầu Kho.

Trong vụ bắt các đối tượng ma túy tại tụ điểm Thanh Nhàn, vì đối tượng quá đông nên chị Lý phải 2 tay bắt giữ 2 đối tượng nữ. Chồng một đứa ném cốc thủy tinh vào chị hòng giải thoát cho vợ. Chị Lý nhanh nhẹn thoát được, nhưng trong quá trình vật lộn để khống chế các đối tượng, có lúc, chị phải quỳ chân lên đống thủy tinh vỡ. Khi giao 2 đối tượng cho đồng đội đến chi viện, thấy lành lạnh, chị nhìn xuống dưới chân thì 2 ống quần đã ướt sũng máu..

Bây giờ, ngoảnh lại đã 16 năm, lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy đã lớn mạnh và trở thành một "thương hiệu" được người dân tin yêu. Đến nay, Cục C47 đã có 7 phòng, 20 đội công tác, hơn 200 cán bộ ở cơ quan Cục, tất cả 63 địa phương trong toàn quốc đã thành lập Phòng CSĐT tội phạm về ma túy; Công an các quận, huyện thành lập tổ, Đội CSĐT tội phạm về ma túy chuyên trách với hơn 5000 cán bộ, chiến sỹ. Những con người của ngày đầu gian khó ấy, đằng đẵng suốt 16 năm qua, đa số vẫn tiếp tục vững vàng và trưởng thành trên mặt trận đấu phòng, chống tội phạm ma túy. Họ đã nguyện suốt đời gắn bó với cuộc chiến đấu gian khó này, sẵn sàng hy sinh vì nó, bởi trong họ luôn có 4 lời thề danh dự của người lính ma túy. Và sau này, với bất cứ CBCS mới nào gia nhập lực lượng của C47, họ đều phải tuyên thệ 4 lời thề trước lá cờ Tổ quốc. Sự thiêng liêng ấy sẽ khắc ghi vào con tim, để mỗi CBCS của đơn vị nguyện phấn đấu, trưởng thành vì danh dự của lực lượng...

4 lời thề của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy

1. Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với bọn tội phạm ma túy, tất cả hành động vì lợi ích quốc gia; vì bình yên của nhân dân và hạnh phúc của mọi gia đình; vì danh dự của lực lượng Công an nhân dân.

2. Trong bất kì điều kiện hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng luôn giữ gìn lối sống trong sạch và có bản lĩnh kiên định vững vàng; không sa ngã trước tấn công, mua chuộc của bọn tội phạm; không làm bất cứ điều gì tổn hại đến danh dự, uy tín và truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

3. Không ngừng tu dưỡng rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, kiến thức pháp luật và năng lực nghiệp vụ chuyên môn; đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ với các ngành, các lực lượng; thực sự dựa vào nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

4. Phấn đấu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; thực sự là lực lượng nòng cốt, sắc bén trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, sẵn sàng nhận các hình thức xử lý và kỷ luật nghiêm khắc nhất nếu thiếu công minh chính trực, cố ý để lọt tội phạm, làm oan người ngay và có biểu hiện vi phạm pháp luật, tiêu cực dưới bất cứ hình thức nào.

CAND online