Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, cái tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946 và năm 1959.

Tuy nhiên, xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngoài tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên toàn lãnh thổ Việt Nam tồn tại tới 3 tên nước khác. Đó là, Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955) do chính quyền Bảo Đại thành lập ở vùng tạm chiếm; Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1975) của chính quyền Ngô Đình Diệm và bè lũ tay sai, được quy định trong hiến pháp của chính quyền tương ứng vào các năm 1956 và 1967; vùng giải phóng ở miền Nam thuộc quyền quản lý của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, sau gọi là Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1960 – 1975).
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng đã mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc cũng như tên nước. Hoàn cảnh mới, yêu cầu mới, trong bối cảnh hân hoan toàn thắng, năm 1976, cả nước tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước lần đầu tiên. Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thống nhất đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cái tên ấy đã gắn bó với những đổi thay của đất nước suốt từ ngày non sông liền một dải, “Bắc Nam sum họp một nhà” tới nay. Có thể thấy rằng, việc đổi tên nước lúc ấy là thể theo nguyện vọng của quần chúng nhân dân và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử. Khi mà, dân tộc Việt Nam vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trải qua gần 20 năm, tới khi xây dựng Hiến pháp năm 1992, một lần nữa, cái tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được vững vàng khẳng định lại. Và cho tới tận ngày nay, khi công cuộc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tổ chức lấy ý kiến toàn dân, như một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, việc sửa đổi tên nước lại một lần nữa làm dư luận xã hội “nóng” lên. Nhiều ý kiến đề nghị, nên quay lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đặt ra từ năm 1945, bởi cho rằng, đây là cái tên gắn với chính thể cộng hòa đầu tiên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố với quốc dân đồng bào. Các lập luận được đặt ra là, tên gọi này phản ánh đúng trình độ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với tính chất của định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng có ý kiến cho rằng, tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ có khả năng tập hợp đoàn kết dân tộc, tạo thế đi lên cho đất nước… Tuy nhiên, phần nhiều các ý kiến khác lại khẳng định, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, vẫn nên tiếp tục giữ tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đó là bởi, giữ nguyên tên nước sẽ đảm bảo tính ổn định, tránh những thế lực lợi dụng xuyên tạc, khẳng định hướng đi chính trị, đồng thời không tạo ra xáo trộn về quốc huy, văn bản hiện nay. Tên gọi này cũng đã sử dụng ổn định từ năm 1976 và quen thuộc với nhân dân ta và quốc tế.

Tên nước đã khẳng định Nhà nước là của dân Xuan-ve-ben-lang-bac090813
Phân tích sâu sắc ra, có thể thấy rằng, nếu chấp nhận phương án sửa tên nước sẽ gây tốn kém, phức tạp trong quá trình thay đổi tên gọi. Cụ thể như, phải làm các thủ tục công bố cho thế giới biết việc thay đổi tên nước theo thông lệ quốc tế; thay đổi quốc huy, thay đổi con dấu của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; thay đổi các biểu mẫu, giấy tờ,… Nghiêm trọng hơn, việc thay đổi tên nước còn gây ra sự hoang mang, dao động trong nhân dân, khiến cho các thế lực thù địch dễ bề lợi dụng, xuyên tạc, kích động. Điều này có thể dẫn tới nảy sinh tư tưởng đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, đổi thay chế độ.
Trong quá trình tập hợp ý kiến xung quanh vấn đề nên đổi hay giữ nguyên tên nước hiện tại, còn nảy sinh một vấn đề khác. Đó là có những ý kiến cho rằng, giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ gây cản trở sự phát triển của kinh tế, xã hội đất nước, không đúng với bản chất nền kinh tế dân chủ, thị trường như hiện tại. Tuy nhiên, trong các phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan tới vấn đề thay đổi tên nước, đa phần các đại biểu đều tán thành ý kiến, tên nước như hiện nay không gây cản trở gì tới sự phát triển đất nước, cũng như giữ nguyên tên nước là điều cần thiết.
Bằng chứng là, suốt gần 40 năm qua, tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quen thuộc với các nước trên thế giới. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta đã phá được thế bị bao vây cấm vận, tiến hành bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhiều nước lớn. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng nhanh (tăng hơn 10 lần trong vòng 20 năm), tại thời điểm năm 1992 chỉ mới ở mức 140 USD, đến năm 2012, con số này đạt gần 1.600 USD. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được bảo đảm; an ninh, chính trị được giữ vững. Thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Với những bước phát triển nhanh chóng và các thành tựu đã đạt được như trên có thể khẳng định tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không hề có rào cản trong phát triển đất nước và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Có thể thấy rằng, từ 2-9-1945 đến nay, gần 7 thập niên trôi qua, tên nước cũng có ít nhiều thay đổi cùng với những thăng trầm của lịch sử. Tuy nhiên, rõ ràng, dù tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều không ảnh hưởng tới bản chất Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, hướng tới sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, dưới lá cờ lãnh đạo của Đảng, dải đất Việt hình chữ S sẽ ngày càng sáng rõ hơn trên bản đồ thế giới. Cùng với đó, đất nước sẽ ngày càng thêm giàu mạnh, phồn vinh.

(BHQ)