Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ học tập và làm theo quan điểm
của Hồ Chí Minh về giáo dục
Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Gv. Phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin tư liệu
Trong suốt cuộc đời hoạt động cứu nước, cứu dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và vai trò, vị trí của người thầy Khi tìm thấy con đường cứu nước Hồ Chí Minh đã bỏ nhiều công sức phân tích phê phán nền giáo dục phong kiến (kinh viện, xa thực tế, coi sách của thánh hiền là đỉnh cao của tri thức...) và nền giáo dục thực dân (ngu dân, đồi bại, xảo trá, nguy hiểm hơn cả sự dốt nát Trước Cách mạng Tháng Tám, Người coi giáo dục là một bộ phận của công cuộc giải phóng dân tộc. Bản thân Người đã tích cực tham gia huấn luyện, đào đạo đội ngũ cán bộ cách mạng ngay từ khi trở về đất Quảng Châu (Trung Quốc): tổ chức lớp học, biên soạn tài liệu, trực tiếp giảng dạy. Người thực sự là một thầy giáo cách mạng đầu tiên. Nhiều học trò của Người sau đó cũng là những thầy giáo, những nhà giáo dục đi sâu vào phong trào quần chúng vừa dạy văn hóa, vừa tuyên truyền cách mạng cho đồng bào… Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc. trong hoàn cảnh mới, giáo dục trở nên hết sức quan trọng và cấp bách. Chính vì vậy, Hồ Chủ tịch đã đặt nhiệm vụ giáo dục ở hàng thứ hai trong khẩu hiệu “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người đánh giá rất cao đội ngũ giáo viên: “anh chị em là đội tiên phong trong sự nghiệp tiêu diệt giặc dốt. Anh chị em chịu cực khổ, khó nhọc, hi sinh phấn đấu để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc”(1). Người nhắc nhở phải “chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”(2). Người cũng chỉ ra rằng: Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề mình. “Còn gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và CNCS? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang, ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”(3). Người phân biệt rõ vị trí khác nhau của người thầy trong xã hội cũ và xã hội mới. Xưa nghề thầy giáo là gõ đầu trẻ để kiếm cơm ăn, nay là sự nghiệp quan trọng “trăm năm trồng người”, để thực hiện nhiệm vụ nặng nề và cao cả đó, người thầy phải có năng lực phẩm chất cao, phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ, phải “làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”(4). Hồ Chí Minh xác định, xây dựng nền giáo dục mới là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ cấp bách phải tiến hành ngay, không thể để chậm trễ. Mục đích trọng tâm và xuyên suốt tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là vì con người, cho con người, là xây dựng con người mới. Nhưng ở mỗi thời kỳ cách mạng khác nhau, Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giáo dục khác nhau cho phối hợp. Ở thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng, Người tập trung vào việc triển khai các lớp huấn luyện tại Quảng Châu, Trung Quốc nhằm nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ về con đường cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Đến giai đoạn toàn quốc kháng chiến và xây dựng nền dân chủ, Người kêu gọi sửa đổi giáo dục cho phù hợp với việc đào tạo nhân tài kháng chiến kiến quốc. Tất cả giáo dục tập trung phục vụ kháng chiến kiến quốc. Bước sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, mục đích giáo dục lại gắn liền với tình hình mới. Đó là thời kỳ rất cần những con người làm chủ xã hội, làm chủ sản xuất, biết quản lý cơ quan, xí nghiệp, trường học... Về phương pháp giáo dục. Tuy Hồ Chí Minh không để lại cho chúng ta một tác phẩm, một hệ thống lý luận về phương pháp giáo dục, nhưng những việc làm thiết thực, những bài viết ngắn gọn, súc tích của Người đã hàm chứa các phương pháp giáo dục mẫu mực. Người lấy nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Nguyên tắc này được Người sử dụng trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, học sinh, sinh viên… Nó được coi như "kim chỉ nam" để lồng dẫn nhận thức, hành động và bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho tất cả mọi người. Hơn nữa, nguyên tắc này có tính chất quyết định trong việc chuyển hướng giáo dục và trở thành đặc trưng của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Người nhấn mạnh: "Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng muốn nâng cao trình độ nhận thức của người lao động, cần có quan điểm dân chủ, thẳng thắn, không nhồi sọ và cần có sự đối thoại trong quá trình học tập, nhận thức. Từ đó, Người kêu gọi cán bộ, nhà giáo phải biết tôn trọng ý kiến người khác, không nên có thành kiến đối với các ý kiến trái với ý kiến của mình. Đối với Hồ Chí Minh, viết và nói là làm cho người khác hiểu, cho nên viết và nói phải biết cách. Viết và nói phải thiết thực, ngắn gọn, rõ ràng, dễ nhớ và phải xuất phát từ người đọc, người nghe. Vì vậy trong khi viết và nói, Hồ Chí Minh luôn dùng các khái niệm giản dị, dễ hiểu, nhưng văn phong vẫn trong sáng, ý tưởng phong phú. Phong cách đó làm cho mọi tầng lớp, mọi người ở trình độ khác nhau đều hiểu. Trong giáo dục, theo Hồ Chí Minh, cần có phương pháp phù hợp với điều kiện giáo dục và đối tượng giáo dục. Giáo dục phải căn cứ vào "trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng". Cần có phương pháp tổ chức giáo dục sao cho bảo đảm được sự phù hợp giữa điều kiện, hoàn cảnh giáo dục với đối tượng giáo dục. Đối với Hồ Chí Minh, tất cả các phương pháp giáo dục như phương pháp đối thoại, phương pháp học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, phương pháp làm gương... đều nhằm mục đích "nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng", nâng cao nhận thức, chất lượng và hiệu quả giáo dục. Các phương pháp này vừa mang tính truyền thống, lại vừa hiện đại, vừa hệ thống, khoa học, lại vừa cụ thể, thiết thực, luôn gắn với đời sống và thời đại. Nhận thức sâu sắc về vai trò của giáo dục, Hồ Chí Minh đã gắn bó cả cuộc đời mình với việc chăm lo, mở mang và xây dựng một nền giáo dục mới, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa - một nền giáo dục mà mọi người đều có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo, mọi người đều được học hành, không phân biệt giai cấp, tuổi tác, trình độ, giới tính... Phải không ngừng nâng cao đảng trí là mục tiêu của giáo dục đối với cán bộ đảng viên được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Đối với cán bộ, đảng viên, Người đòi hỏi phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác- Lênin, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Cán bộ, đảng viên phải học tập văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, quản lý: Cán bộ chính trị phải chú trọng học tập kinh tế, kỹ thuật để lãnh đạo sản xuất được tốt”, đối với cán bộ “ai lãnh đạo ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn ngành ấy . Có như vậy mới không rơi vào trình trạng lãnh đạo chung chung, quyết định những vấn đề mà mình không hiểu biết. Người khẳng định: Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên vì không có giáo viên thì không có giáo dục. Phải xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất yêu nghề; phải có đạo đức cách mạng; phải yên tâm công tác, đoàn kết; phải giỏi về chuyên môn, thuần thục về phương pháp. Người đi giáo dục cũng phải được giáo dục, phải học thêm mãi, học không bao giờ đủ, còn sống còn phải học Tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra phương hướng cơ bản cho chiến lược con người, chiến lược phát triển giáo dục ở nước ta trong suốt mấy chục năm qua và cả thời gian sắp tới. Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng ta hết sức quan tâm đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vân dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, hưởng ứng ngày thành lập trường (20/11/1949- 20/11/2013) và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Chính Trị Hoàng Văn Thụ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Lãnh đạo Trường luôn luôn quan tâm trang bị vốn thực tiễn cho đội ngũ giảng viên. Thực tiễn hoạt động sẽ phát hiện ra phương pháp, làm cho phương pháp được định hình. Thực tiễn sẽ đánh giá và cho câu trả lời về tính hợp lý hay không hợp lý, về độ đúng, độ sai của phương pháp mà người giảng viên đang áp dụng. Do đó, ngoài việc nghiên cứu tài liệu thông qua sách vở và các phương tiện khác, giảng viên trong trường còn tích cực tham gia nghiên cứu thực tế tại địa phương, cơ sở làm cho bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn. Điều đặc biệt là đa số giảng viên trong trường khi lên lớp luôn quan sát học viên trong quá trình học tập, thấu hiểu được cảm nhận của học viên trước cách truyền đạt của mình và có cách điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp, đúng lúc khi cảm thấy cần thiết. Mỗi giảng viên luôn có ý thức học tập quan điểm của Hồ Chí Minh trong công tác giảng dạy lý luận chính trị là: người cán bộ giảng dạy phải biết mình đang nói cái gì? Nói như thế nào và nói cho ai nghe? Chính điều này đã giúp cho học viên tích cực trong việc học tập, làm quen với cách học nghiên cứu, đề xuất vấn đề và nỗ lực tự mình giải quyết vấn đề. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống các trường chính trị càng có tầm quan trọng đặc biệt. Những quan điểm của Người về giáo dục chính là những bài học có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố hiện nay, đặc biệt là đối với đội ngũ giảng viên. Để làm tốt công tác giảng dạy lý luận chính trị, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc những quan điểm trên của Người. 1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H,2001, tr.220. (2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H,2001, tr.501. (3).Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG H, 2001, tr.329-330. (4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H,2001,