Xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu, song Internet đã có tác động đáng kể đến đời sống văn hóa của người dân nói chung và lứa tuổi thanh thiếu niên nói riêng. Theo kết quả nghiên cứu về thị trường Internet Việt Nam năm 2012 vừa được công bố, Internet đã vượt qua radio (23%) và báo giấy (40%) để trở thành phương tiện thông tin được sử dụng hàng ngày phổ biến nhất tại Việt Nam (42%), trong đó giới trẻ độ tuổi từ 15 đến 24 là đối tượng dùng Internet nhiều nhất[1]. Với cách thức tiếp cận, lựa chọn và xử lý thông tin phục vụ cho việc sử dụng, khai thác Internet vào mục đích học tập, nghiên cứu, làm giàu tri thức đã được các em học sinh, sinh viên khai thác hiệu quả, thiết thực như hiện nay thì chúng ta không thể phủ nhận những tác động tích cực mà Internet đã mang lại. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực và hạn chế của Internet cũng không phải là ít mà bằng chứng là việc dựa dẫm vào những kết quả có sẵn trên mạng để từ đó đánh mất đi thói quen tư duy, đào sâu suy nghĩ trước một vấn đề đặt ra. Hay việc các em dễ bị bối rối trong biển thông tin khổng lồ trên Internet mà không xác định được thông tin nào mình cần hoặc thông tin nào đáng tin cậy. Bên cạnh đó nếu quá lạm dụng Internet trong giải trí thì ngoài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng thì việc thường xuyên chơi Game online - loại hình giải trí thu hút rất đông người tham gia, đặc biệt là giới trẻ dẫn đến việc nghiện game khi chơi quá đà, các em sẽ trở thành “con nghiện” quên cuộc sống thực của mình, sa đà vào cuộc sống ảo giác và tìm mọi cách để thỏa mãn cơn nghiện của mình ngay cả phải thực hiện những hành vi tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật và phạm pháp hình sự.
Trong một nghiên cứu về điều kiện khiến người chưa thành niên phạm tội, khi khảo sát 2.599 đối tượng vi phạm pháp luật hình sự được giáo dục tại 4 trung tâm giáo dưỡng của Bộ Công an ở các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai và Long An, kết quả cho thấy tỷ lệ anh yêu em chiếm đến 70%, tiếp đến là hành vi gây rối trật tự công cộng với 23,6%, đứng thứ ba là hành vi cố ý gây thương tích với 6,8%, cướp tài sản (2,5%), hiếp dâm (2,3%) và cướp giật/lừa đảo tài sản (2,7%). Đặc biệt, tới 70% số đối tượng thích chơi game mang tính bạo lực, trong đó có 25% nghiện game nặng, tức là mỗi ngày nếu các em không được chơi game từ 1 - 3 giờ thì không thể chịu được. 70% các em thường xuyên xem phim hoặc chơi các loại game sex (nhất là các em ở lứa tuổi 12 - 16). Trong games có đến 77% là bạo lực, 9% là cờ bạc và chỉ có 14% là giải trí. Trong khi đó, công tác quản lý trò chơi này của ngành chức năng thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Cũng theo kết quả cuộc khảo sát này khi tiến hành phỏng vấn số người chưa thành niên phạm tội giết người và số đối tượng cố ý gây thương tích thì các em cho biết nhiều lúc trong cuộc sống các em vẫn có cảm giác hành xử, đánh nhau giống như nhân vật trong Gameonline, nghĩa là cũng thích đâm chém, bắn giết, sử dụng công cụ gây thương tích như trong thế giới ảo, dù đang sống ở đời thực. Theo lý giải của chuyên gia tâm lý TS Trịnh Hòa Bình thì do các em không dám khám phá, chinh phục nhân vật ngoài đời, nên tìm đến nhân vật trong game. Khi đã bị nhiễm nặng, trở về thế giới thực thì các game thủ đã không thể kiểm soát được bản thân, kéo theo đó là tình trạng rối loạn tâm sinh lý, hành động đồi bại. Có thể kể một vài vụ việc điển hình: Đỗ Minh Tân (SN 1993, ngụ huyện Ninh Kiều, Cần Thơ) do thiếu tiền chơi game đã đi cướp giật; giữa năm 2008, tại Thường Tín (Hà Tây, Hà Nội), cũng vì thiếu tiền chơi game mà một học sinh lớp 8 đã bắt cóc em họ học mầm non để tống tiền; Vụ Lê Văn Luyện (sinh ngày 18/10/1993) giết 03 mạng người rồi cướp tài sản ở tiệm vàng Ngọc Bích, tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Luyện là muốn kiếm tiền để trả nợ và chơi game online “Kiếm thế”. Đáng lo ngại đây không phải là trường hợp cá biệt bởi sẽ không khó khăn gì để có thể tìm kiếm các vụ án mạng đau lòng, mà thủ phạm là những người có tuổi đời còn rất trẻ với những điểm chung về cách thức và hành vi gây án của đối tượng trong các vụ án mạng nguyên nhân đều xuất phát từ việc nghiện game online. Như vậy, có thể thấy rằng ảnh hưởng Internet nói chung và của game online nói riêng đã tác động không nhỏ đến cảm xúc của người chơi dẫn đến họ có những hành vi, cách ứng xử thờ ơ, lạnh lùng.
Từ những ảnh hưởng tiêu cực của Internet nói chung và của Game online nói riêng đối với việc hình thành nhân cách và tâm lý tiêu cực, dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội của giới trẻ hiện nay thì việc tìm ra các giải pháp nhằm hạn chế và đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực, phát huy những mặt tích cực và hiệu quả của Internet mang lại là điều vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên. Cụ thể:
- Đối với gia đình có con em đang trong độ tuổi trưởng thành thì không nên đơn thuần chỉ cấm mà không giải thích, phân tích cặn kẽ hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội, cho công nghệ thông tin phát triển mà phải có sự chọn lọc các thông tin lành mạnh, bổ ích để hướng dẫn cho con em nên xem, đọc và chơi gì; giải thích rõ tại sao không nên và dẫn chứng những tác hại của các loại thông tin xấu, đồng thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với việc truy cập mạng của con em mình. Ngoài sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ là yếu tố quyết định, giúp các em tránh xa những tiêu cực mà Internet có thể mang lại thì cũng cần phải kết hợp với nhà trường, đặc biệt là với thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp để luôn nắm bắt tình hình việc học tập trên lớp, để cùng nhà trường giáo dục con em mình tốt hơn.
- Đối với nhà trường, ngoài việc dạy học theo chương trình giáo dục thì thầy cô cũng cần hướng dẫn cho học sinh tham gia sử dụng mạng xã hội, các trang web cá nhân có ích cho việc học tập, phù hợp với chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tuân thủ các quy định của pháp luật. Thường xuyên tổ chức các trò chơi tập thể, tham gia những chuyến đi, làm những bài tập trên máy tính để giúp các em hạn chế đáng kể thói quen chơi game online, chăm chỉ học tập và hòa nhập với cuộc sống thực.
- Đối với các cơ quan ban ngành chức năng cần nhận thức sâu sắc được nhiệm vụ cụ thể của từng ngành để tránh chồng chéo, dẫn đến sơ hở, buông lỏng trong quản lý. Không vì những lợi ích kinh tế trước mắt mà làm ngơ hay vô tình tiếp tay cho việc truyền bá những thông tin độc hại, đồi trụy vào mạng Internet quốc gia, ảnh hưởng tới người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Cần nghiêm cấm các doanh nghiệp quảng cáo các trò chơi Game online trực tuyến mang nội dung bạo lực, hoặc có yếu tố sex trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các địa điểm cung cấp dịch vụ Internet hiện đang kinh doanh để củng cố lại theo quy định của Nhà nước về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, thực hiện theo đúng quy định không được hoạt động trò chơi điện tử sau 23h00 đến 6hh00 ngày hôm sau. Xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, đồng thời tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra cũng cần có những biện pháp về mặt kỹ thuật yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet dừng cung cấp đường truyền tới các đại lý truy cập Internet công cộng vi phạm quy định giờ đóng, mở cửa, đặc biệt là các đại lý gần trường học, khu dân cư.
Qua những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực mà Internet mang lại, cùng đưa ra các giải pháp cơ bản nêu trên, hy vọng trong thời gian tới chúng ta có những giải pháp hữu hiệu để quản lý và phát triển Internet một cách đúng hướng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước./.


Theo báo cáo của Net Index Vietnam 2012

ThS. Bùi Thành Chung - ThS. Nguyễn Tấn Luật
GV. Khoa NV CSCPTPHS