(CATP) Cuối năm, nhu cầu về quê ăn tết của người dân đã khiến các bến xe ở TPHCM trở nên quá tải. Đây là cơ hội để bọn móc túi, xin đểu hoành hành. Tại một số bến xe  (BX) như BX Miền Đông, BX Miền Tây, BX An Sương, chúng tôi nhận thấy công tác tổ chức bến bãi vẫn có nhiều điểm chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng lộn xộn.
NHIỀU “CÒ” Ở BẾN XE MIỀN ĐÔNG
Trước cổng chính vào BX Miền Đông sáng 18-1-2014, hàng trăm người cùng các phương tiện như xe máy, taxi... đậu ngổn ngang, chắn hết cả lối vào. Ai nấy đều muốn giành vị trí đậu xe đẹp nhất để chờ người thân mua vé trở ra. Bên trong bến, tại các quầy bán vé, đặc biệt là quầy các hãng xe như: Phương Trang, Đông Hưng... người đến mua vé rất đông. Tuy nhiên, không ai chịu xếp hàng, tất cả đều chen lấn nhau, giành mua vé thật sớm. Trên các hàng ghế chờ, nhiều người vì quá mệt mỏi nên đã tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi. Anh Nguyễn Hoàng Nam (quê Bình Định) cho biết: “Tôi đọc báo thấy người ta chen lấn nhau mua vé nên cố tình đến thật sớm mà vẫn hết vé, chỉ còn giờ trưa. Vậy nên tranh thủ chút thời gian ngả lưng chờ tới trưa mới được lên xe. Chen lấn kiểu này làm sao tránh khỏi chuyện mất ***, cũng có người mất điện thoại rồi đó”.
Cảnh giác với nạn móc túi, trấn cướp tại các bến xe Ben_xe_3-2551
Cảnh lộn xộn ngay cổng chính BX Miền Đông
Lực lượng “cò” cũng tập trung rất đông trước các quầy bán vé tuyến xe đường dài. Theo ghi nhận của chúng tôi, “cò” vé thường đi theo nhóm từ hai đến ba người. Một hoặc hai người sẽ chịu trách nhiệm chèo kéo con mồi, người còn lại sẽ ngồi từ xa quan sát, thoáng chốc lại tập trung lại với nhau để bàn bạc. Chỉ cần thấy hành khách nào vào bến với vẻ mặt ngơ ngác thì lập tức “cò” liền áp sát gạ gẫm. Sau một hồi mồi chài với một phụ nữ trung niên bất thành, một “cò” chửi thề: “Điên thật, bán cho nó mười hai (120 nghìn đồng – PV), mười lăm (150 nghìn đồng – PV) nó không chịu đi”.
Không chỉ hoạt động tại khu vực quầy bán vé, tại các cửa ra vào luôn có rất nhiều cò túc trực. Ai xách hành lý vào bến đều bị “cò” chèo kéo, xin mua vé dùm cho khách và “xin” hoa hồng. Dù lực lượng bảo vệ bến xe hoạt động rất tích cực nhưng vẫn không kiểm soát được, vì số lượng “cò” quá đông. Thoáng thấy một thanh niên khả nghi đeo thẻ ngành vận tải, một bảo vệ nhanh chân đến trước quầy vé chặn lại, kiểm tra và mời anh này ra ngoài. Một bảo vệ cho biết: “Hiện nay tình trạng “cò” mồi đã giảm rất nhiều, tuy nhiên một số hành khách không biết nên dễ bị mắc bẫy.
Bên ngoài bến xe, đoạn đường Quốc lộ 13 đi qua BX Miền Đông rất đông người đứng bên lề đường đón xe về quê. Khi được hỏi vì sao không vào BX mua vé, chị Nguyễn Kim Mai (quê Bình Thuận) phân trần: “Vào bến vừa đông vừa phải chờ lâu, có khi vào đó từ sáng mà tới trưa mới có xe. Đứng ở ngoài này thiếu gì xe để đi, vào đó phải chen lấn mệt lắm”. Theo chúng tôi được biết, rất nhiều trường hợp đón xe ngoài bến như chị Mai bị xe dù gài bẫy, hoặc bị đám “ma cô” xin đểu. Mới đây, các trinh sát Đội 2, Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an TPHCM đã ra mật phục, bắt giữ Huỳnh Văn Hưng (SN 1971), Huỳnh Dũng Minh Lâm (SN 1990, cùng ngụ Q.Bình Thạnh), Nguyễn Văn Thanh (tự Thanh “mập”, SN 1970, ngụ Q.Tân Phú) và Tống Việt Thanh (SN 1970, ngụ Q7) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. 
Cảnh giác với nạn móc túi, trấn cướp tại các bến xe Ben_xe_2-2551
Chen chúc tại BX An Sương
Nhóm này thường giả dạng “cò” xe, luôn túc trực trước cổng BX Miền Đông. Khi phát hiện hành khách đang muốn vào bến mua vé, đón xe, chúng giả bộ hỏi thăm và nhiệt tình  cho biết “xe vừa rời bến được vài phút, để chúng tôi dùng xe máy chở đuổi theo cho kịp”. Khi đã ép đưa được hành khách lên xe máy, chúng sẽ chở đến một địa điểm đã định sẵn ở phường Hiệp Bình Chánh hoặc Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Tại đây, tên đồng bọn trong nhóm đã có mặt trước đón xe tuyến đường hành khách có nhu cầu đi, rồi cùng đồng bọn áp tải nạn nhân lên xe. Sau đó chúng sẽ thu tiền xe với giá đắt gấp đôi, gấp ba giá vé mua tại quầy. Nếu người nào phản ứng, chúng sẽ dùng hung khí uy hiếp. Khi hành khách trả tiền, các đối tượng sẽ nhanh tay đánh tráo các tờ tiền có mệnh giá lớn như 500.000 đồng, 200.000 đồng thành 20.000 đồng và 10.000 đồng rồi uy hiếp, bắt đưa thêm. Lo sợ bị hành hung, nhiều hành khách đành chấp nhận, còn các nhà xe cũng không dám bênh vực khách vì sợ liên lụy. Vì vậy, những hành khách có suy nghĩ “đón xe ngoài bến dễ đi hơn” như chị Mai phải hết sức cảnh giác, vì rất dễ rơi vào tay bọn du thủ du thực.
Bên trong BX Miền Đông, cảnh tượng những núi hàng hóa chất đống, ngổn ngang đập vào mắt chúng tôi. Những thùng giấy, thùng gỗ đặt san sát nhau choán hết lối đi. Vệ sinh trong bến quá tệ, đủ thứ mùi, từ mùi rác thải, nước thải sinh hoạt, cộng với mùi xăng xe xộc vào mũi hành khách. Phía xa, trong góc bãi đậu xe là những gara rửa xe, nước thải dơ bẩn chảy lênh láng, bốc mùi khai nồng khiến ai nấy đi qua đều phải nín thở.
BẾN XE MIỀN TÂY, AN SƯƠNG KHÔNG QUÁ TẢI
Không đến mức ngột ngạt, chen lấn để mua vé  như tại BX Miền Đông, Bến xe Miền Tây đã bắt đầu bán vé cho hành khách dịp Tết Vào ngày 10-1-2014. Theo ghi nhận của chúng tôi, bắt đầu từ ngày bán vé xe cho đến nay, hoạt động mua bán vé ở đây khá bình ổn. Hiện tượng cháy vé chưa xuất hiện, do khoảng cách từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây khá thuận tiện, nhanh chóng nên hành khách chưa có tâm lý mua vé sớm. Trong cái nắng gắt gỏng giữa trưa, chị Nguyễn Thị Thu (41 tuổi, quê Đồng Tháp) dắt cô con gái là sinh viên đến quầy vé để mua vé xe về Tết. Chị Thu cho biết: “Mua vé bây giờ thì rất thong thả, cho con về quê trước, mình thì phải ở lại đi làm đến 28 - 29 mới được về. Năm nào cũng vậy, nghĩ đến cảnh xe về cận tết là rùng mình. Xe nhồi nhét rất dữ, bắt khách giữa đường. Năm ngoái tôi về tết trễ, đang đứng chen mua vé thì sờ lại túi thấy trống trơn”. 
Cảnh giác với nạn móc túi, trấn cướp tại các bến xe Ben_xe_1-2551
Và tại các quầy bán vé
Bến xe An Sương (Q12) chỉ tập trung một vài nhà xe chạy tuyến đường dài đi Quảng Ngãi, Nam Định... nên chưa xảy ra tình trạng quá tải. Sáng 19-1-2014, tại BX này có khá nhiều hành khách tập trung quanh một vài xe chạy tuyến đường dài. Được biết, giá xe chạy các tuyến đường dài đã tăng tới 90 - 100%. Đơn cử, ngày thường giá vé xe đi Tam Kỳ (Quảng Ngãi) chỉ 350 ngàn đồng thì đến thời điểm này đã tăng lên 650.000 đồng/người. Giá vé đi Hải Hậu (Nam Định) cũng ở mức 1,4 triệu đồng/người, tăng 700.000 đồng so với ngày thường. Anh Hải - quê Nam Định, công nhân tại cụm công nghiệp Cao Phú Thịnh - cho biết chuyến ra Bắc lần này anh đưa cả xe máy về quê nên nặng tiền cước. Giá cước xe máy đắt bằng người, vài ngày nữa có thể còn tăng. “Có lẽ, về chuyến này sẽ không vào nữa anh ạ! Ở quê bây giờ cũng có nhiều chỗ làm, vào Sài Gòn vất vả mà tích cóp cả năm, về một chuyến Tết là hết”- anh Hải tâm sự. 
Cũng như các bến khác, BX An Sương có một đội quân bán vé số, nước uống, bán báo dạo khá đông đảo. Được biết, những người bán hàng rong này phải đóng 300.000 đồng/người/ tháng mới được vào bến để bán hàng. Theo một người bán hàng rong cho biết, bảo vệ BX chỉ cần nhìn màu áo là biết ngay những người đến “bán chui” và họ sẽ bị đuổi ra khỏi bến ngay lập tức.
Một số bác tài, phụ xe cho biết, khu vực BX buýt rất đông người, thường xuyên xảy ra cảnh chen lấn lên xuống xe, nạn móc túi vẫn xảy ra tại các tuyến An Sương - Chợ Lớn, An Sương - Suối Tiên, An Sương - BXMT. “Chỗ nào đông người, có mùi tiền là kiểu gì cũng có móc túi. Trước đây, có một số trường hợp bị móc túi la lên là bảo vệ BX bắt được ngay, vì bến này chỉ có một đường vô, ra, xung quanh là hàng rào kín mít, đâu có chạy đường nào được. Bị bắt mấy lần, tụi nó chuyển hướng không hoạt động trong BX mà mua vé theo ra ngoài bến mới ra tay...” - một bác tài cho biết.
 
 Q.Hà - V.Thụy- M.Vũ