Từ "Công an" nghĩa của nó được hình thành bởi hai chữ Hán "Công" nghĩa là "công cộng" và "an" nghĩa là "trật tự", "hòa bình". "Công an", theo đó, có nghĩa là "lực lượng gìn giữ trật tự công cộng".

LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHỮNG NĂM 1930 - 1945

Nguồn gốc của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam được xem là bắt đầu từ các đội Tự vệ Đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), các Đội Danh dự trừ gian, Hộ lương diệt ác... do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập với mục đích bảo vệ tổ chức.

Những năm 1930 - 45, để chống các hoạt động phá hoại và do thám của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, bảo vệ cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành lập các đội: Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, Danh dự trừ gian, Danh dự Việt Minh. Đó là những tổ chức tiền thân của công an nhân dân.

Sau cuộc Cách mạng tháng Tám (nổ ra ngày 19 tháng 8 năm 1945), chính quyền lâm thời của Việt Minh đã có chỉ thị thành lập một lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Tuy nhiên, lực lượng này chưa có tên gọi chung mà mang nhiều tên gọi khác nhau, như Sở Liêm phóng (ở Bắc Bộ), Sở trinh sát (ở Trung Bộ), Quốc gia tự vệ cuộc (ở Nam Bộ). Đến ngày 21 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các lực lượng này thành một lực lượng công an nhân dân ở cả ba miền được thống nhất một tên gọi thống nhất là Công an có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; và thành lập Việt Nam Công an Vụ để quản lý lực lượng công an nhân dân.

Trong thời kỳ đầu, cơ quan quản lý ngành Công an là Nha Công an vụ, trực thuộc Bộ Nội vụ.

19 tháng 8 năm 1945 - 21 tháng 2 năm 1946: Sở Liêm phóng (ở Bắc Bộ), Sở trinh sát (ở Trung Bộ), Quốc gia tự vệ cuộc (ở Nam Bộ).

1946-1953: Nha Công an vụ, trực thuộc Bộ Nội vụ.
1953-1955: Thứ Bộ Công an trực thuộc Bộ Nội vụ.
1955-1975: Bộ Công an.
1975-1998: Bộ Nội vụ.
1998-nay: Bộ Công an.

Ngày 19 tháng 8 hằng năm được lấy làm ngày truyền thống của Công an Nhân dân Việt Nam và đuợc quy định là "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

- Sáu chữ vàng: BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC

- 6 Điều Bác Hồ dạy Công An Nhân Dân Việt Nam

1. Đối với tự mình, phải cần kiệm liêm chính;
2. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ;
3. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành;
4. Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép;
5. Đối với công việc, phải tận tụy;
6. Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo.

- NĂM LỜI THỀ DANH DỰ CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM

1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, với Đảng cộng sản Việt Nam, với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh tổ quốc.

2. Nghiêm chỉnh, chấp hành mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nghị quyết, chỉ thị và Điều lệnh Công an nhân dân. Sẵn sàng đi bất cứ đâu làm bất cứ việc gì khi Tổ Quốc, Đảng và nhân dân cần đến.

3. Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân

4. Đề cao cảnh giác, kiên quyết mưu trí dũng cảm, đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

5. Ra sức học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân, luôn xứng đáng với danh dự và truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam.

- 10 ĐIỀU KỶ LUẬT CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM:

Điều 1: Không có lời nói, hành động xâm hại đến Tổ quốc Việt Nam, đến uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, đến sự vững mạnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến danh dự và truyền thống của CAND Việt Nam.

Điều 2: Nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh CAND. Sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Điều 3: Thực hiện nghiêm chỉnh các qui định về giữ bí mật của Đảng, Nhà nước và CAND.

Điều 4: Trung thực, thẳng thắn, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Không che giấu, báo cáo sai sự thật với tổ chức Đảng, Nhà nước và CAND.

Điều 5: Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người; kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân.

Điều 6: Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không lợi dụng danh nghĩa, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân. Không tham ô, lãng phí, đưa hoặc nhận hối lộ dưới bất kì hình thức nào, gương mẫu thực hiện nếp sống văn hoá.

Điều 7: Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm hại an ninh, trật tự của Tổ quốc, thiệt hại tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Không làm hại người tốt, không bao che kẻ xấu; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Điều 8: Không ngừng học tập để nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ, pháp luật và năng lực công tác, góp phần xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Điều 9: Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; thương yêu giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Chủ động hợp tác với cá nhân và tập thể trong và ngoài lực lượng CAND để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Điều 10: Thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các qui định của chính quyền địa phương nơi cư trú.