Ngày 23/12/2013, Ban Bí thư đã có quy định về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an. Ngày 17/3, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của lực lượng quan trọng này trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đó là sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng Cảnh sát cơ động trong giai đoạn hiện nay.

“Với đặc thù là đơn vị vũ trang, chiến đấu tập trung, quân số đông, trong đó chiến sĩ phục vụ có thời hạn chiếm trên 50% quân số. Các đơn vị trực thuộc đóng quân tại các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự trên địa bàn cả nước. Hình mẫu người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động phải hội tụ đủ các phẩm chất quan trọng, đó là: Có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, có ý chí tiến công, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, hết lòng vì nhân dân phục vụ…”, Trung tướng Nguyễn Văn Vượng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết.

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, lực lượng CSCĐ đang nỗ lực không ngừng trên mọi lĩnh vực. Phải thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, cần được đổi mới về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, hiện đại hóa về trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Trong đó, xây dựng hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động là điều kiện quan trọng. Pháp lệnh Cảnh sát cơ động vừa được công bố, khẳng định đây là văn bản pháp quy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Cảnh sát cơ  động được xác định là lực lượng nòng cốt thực hiện các biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo đó, Cảnh sát cơ động vừa có chức năng tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về công tác vũ trang trong bảo vệ ANTT, vừa giữ vai trò trực tiếp chỉ huy, điều động con người, phương tiện, vũ khí và thực hành phương án tác chiến, dập tắt bạo loạn, khủng bố và trấn áp tội phạm hình sự nguy hiểm có sử dụng vũ khí, hung khí. Đồng thời, Cảnh sát cơ động tham gia phối hợp bảo vệ trại giam, bảo vệ phiên tòa, phối hợp vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn đóng quân, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lũ, thảm họa thiên tai. “Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động hết sức nặng nề, luôn phải đối mặt với nguy hiểm, hy sinh. Đối tượng đấu tranh của Cảnh sát cơ động cũng hết sức đa dạng, phức tạp…”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hải, Phó Tư lệnh CSCĐ cho biết.

Thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên: Bước phát triển mới của Bộ Tư lệnh CSCĐ 3_CSCD3161-450
Tích cực luyện tập, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ.

Cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng phải được đào tạo, tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ ưu tú giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững và áp dụng đúng pháp luật, có kiến thức khoa học kỹ thuật cần thiết, trang bị tiên tiến. Pháp lệnh đã pháp luật hóa trang bị cho lực lượng Cảnh sát cơ động. Theo đó, Cảnh sát cơ động sẽ được trang bị vũ khí, phương tiện tàu bay, tàu thủy, công cụ hỗ trợ, trang bị đặc chủng, tiên tiến, hiện đại… Cảnh sát cơ động là “binh chủng” quan trọng của CAND, nhiệm vụ hết sức nặng nề, tính chất công việc của Cảnh sát cơ động luôn phải đối mặt với nguy hiểm, hy sinh, lại phải thường xuyên ứng trực, chiến đấu ở các địa bàn khó khăn… Để pháp lệnh Cảnh sát cơ động đi vào cuộc sống, cần phải quan tâm đào tạo, tuyển dụng, xây dựng, huấn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chính quy, tinh nhuệ, làm chủ vũ khí, thiết bị hiện đại được trang bị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngày 9/12/2013, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 216-QĐ/TW về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an. Thủ trưởng đơn vị và chính ủy, chính trị viên là hai người có trách nhiệm, quyền hạn cao nhất trong đơn vị, được Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an giao những quyền hạn thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ và hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cùng cấp, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy (chi bộ) cùng cấp về toàn bộ hoạt động của đơn vị.

Chính ủy, chính trị viên là người chủ trì về công tác chính trị, chịu trách nhiệm trước cấp ủy, thủ trưởng cấp trên và cấp ủy cùng cấp về toàn bộ hoạt động công tác Đảng, công tác tổ chức cán bộ, công tác chính trị, công tác quần chúng trong đơn vị. Thủ trưởng đơn vị và chính ủy, chính trị viên phải chấp hành nghiêm túc mọi chỉ thị, mệnh lệnh của Thủ trưởng, chính ủy, chính trị viên và các cấp phó cấp trên. Kịp thời báo cáo, xin chỉ thị và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của đơn vị theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn trước thủ trưởng, chính ủy, chính trị viên và các cấp phó cấp trên. Quan hệ giữa thủ trưởng đơn vị với chính ủy, chính trị viên cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác.

Ngày 25/2, Đảng ủy Công an Trung ương đã có hướng dẫn thực hiện Quy định của Ban Bí thư về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND phối hợp với Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đề xuất kiện toàn chính ủy, phó chính ủy trung đoàn, chính trị viên, phó chính trị viên tiểu đoàn, đại đội, đội đặc nhiệm… Sau 2 năm thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định những bước tiếp theo…

PV