Khi chính quyền cách mạng mới thành lập, lực lượng Công an nhân dân ra đời, các bộ phận làm công tác Văn phòng tham mưu giúp việc cho hoạt động lãnh đạo chỉ huy ở các Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng đã hình thành. Ngày 18/4/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Nghị định số 121/NĐ quy định về tổ chức Việt Nam Công an vụ, từ Trung ương đến địa phương gồm 3 cấp. Trong mỗi cấp, từ Nha Công an Việt Nam đến Sở Công an Kỳ, các Ty Công an đều có tổ chức Văn phòng làm nhiệm vụ tham mưu, phục vụ trực tiếp cho các cấp lãnh đạo chỉ huy. Nghị định số 121 của Bộ Nội vụ ngày 18/4/1946 là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời chính thức của lực lượng Tham mưu Công an nhân dân. Ngày 08/12/1998 Bộ trưởng Bộ Công an ra Chỉ thị số 14 về tăng cường công tác tham mưu trong tình hình mới, trong đó quyết định ngày 18/4 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng Tham mưu Công an nhân dân Việt Nam.

65 năm một chặng đường đã đi qua, lực lượng Tham mưu ở Công an các cấp luôn khẳng định được vị trí hết sức quan trọng của mình trong toàn bộ các mặt hoạt động của lực lượng Công an nhân dân. Trong bất cứ thời điểm nào, điều kiện nào, công tác tham mưu cũng luôn gắn liền với hoạt động lãnh đạo chỉ huy, gắn liền với sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân. Trong mỗi thành tựu, mỗi chiến công mà lực lượng Công an đã giành được, đều có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng Tham mưu. Dù ở mỗi thời kỳ khác nhau với những tên gọi khác nhau nhưng cơ quan tham mưu Công an đều đã thực hiện tốt chức năng phục vụ Đảng ủy và lãnh đạo Công an các cấp trong việc tổ chức công tác nắm tình hình, nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình, đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước hoàn thiện đường lối, chủ trương, phương châm công tác, đối sách và tổ chức triển khai thực hiện cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
     Trong những ngày đầu cách mạng tháng 8/1945, chính quyền non trẻ mới thành lập đã phải đương đầu với một tình thế hết sức khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”. Lực lượng Tham mưu Công an nhân dân lúc đó mới chỉ là các bộ phận rất mỏng được hình thành theo bộ máy Công an vụ đã nỗ lực vượt lên, nghiên cứu, nắm tình hình, cùng với các lực lượng khác trong Công an chuẩn bị và phục vụ kịp thời cho lãnh đạo các cấp Công an chỉ đạo các phương án, kế hoạch trấn áp các đảng phái phản động tay sai, tấn công tiêu diệt các sào huyệt gây tội ác của chúng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
     Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu được tăng cường một bước theo Nghị định số 219/NĐ ngày 05/4/1948 của Bộ Nội vụ về tổ chức Nha Công an Việt Nam. Trong điều kiện kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt, lực lượng Tham mưu Công an các cấp đã nêu cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, ý thức tổ chức kỷ luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, cần cù, sáng tạo, vừa trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa tham mưu phục vụ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Công an trong suốt cuộc kháng chiến; tập trung nghiên cứu, phân tích, dự báo sát tình hình, đề xuất kịp thời nhiều vấn đề đối sách đấu tranh có hiệu quả với các loại đối tượng, bảo vệ an ninh, trật tự ở vùng tự do, căn cứ du kích, căn cứ địa cách mạng; đẩy mạnh phong trào “Bảo mật phòng gian”, phong trào “Ba không”; các kế hoạch bảo vệ an toàn các chiến dịch; bảo vệ an ninh, trật tự khi tiếp quản các tỉnh, thành phố… góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954.
     Đặc biệt, trong thời kỳ này, công tác tham mưu đã phục vụ lãnh đạo Bộ tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc đầu tiên, mở nhiều lớp huấn luyện nghiệp vụ Công an Trung, Sơ cấp, đào tạo trang bị những kiến thức cơ bản về công tác Công an cho cán bộ, chiến sỹ; sơ kết, tổng kết đúc rút được nhiều kinh nghiệm mang tính nghiệp vụ. Những kinh nghiệm, nội dung đó đã là cơ sở để chỉ đạo công tác và xây dựng lý luận nghiệp vụ về sau.
     Sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954), đất nước tạm thời chia làm 2 miền, tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nặng nề, lực lượng tham mưu đã tích cực nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo củng cố và kiện toàn bộ máy của lực lượng Công an nhân dân cả về tổ chức và xây dựng lực lượng. Tổ chức nghiên cứu tổng hợp ở miền Bắc được hoàn thiện một bước lực lượng chuyên trách có hệ thống từ Bộ đến các Vụ, Cục, Sở, Ty. Ở miền Nam, Văn phòng Ban bảo vệ An ninh Trung ương Cục được thành lập. Cơ quan tham mưu Công an từ trung ương đến địa phương có nhiều cải tiến trong tổ chức công tác thông tin, nắm tình hình, phát hiện sớm các hoạt động của địch, tích cực phục vụ lãnh đạo Công an các cấp đề ra và hướng dẫn đôn đốc thực hiện các chủ trương, kế hoạch đấu tranh với bọn phản cách mạng. Đã nghiên cứu, tham mưu phục vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra nhiều Nghị quyết về đường lối, phương châm công tác Công an; phòng chống gián điệp biệt kích, bảo vệ an ninh, trật tự phục vụ sản xuất; tham gia chuẩn bị một số chính sách và kế hoạch lớn về công tác an ninh miền Nam… Lực lượng an ninh miền Nam đã kiên cường bám đất, bám dân, diệt ác phá kìm; đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp, các hoạt động bình định, chiêu hồi của địch… cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên “đồng khởi” tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, quét sạch đế quốc xâm lược, non sông thu về một mối.
     Tổ quốc thống nhất, đất nước ta bước vào thời kỳ mới. Thực hiện nhiệm vụ khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với các lực lượng khác trong Công an, lực lượng Tham mưu được triển khai trên phạm vi toàn quốc hệ thống tổ chức từ cơ quan Bộ đến các Tổng cục, Vụ, Cục và Công an các địa phương theo Nghị định 250/CP của Chính phủ. Chức năng nhiệm vụ của cơ quan tham mưu được quy định rõ hơn. Phát huy những kinh nghiệm và thành tích trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, công tác tham mưu được đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời bình. Đã chủ động phục vụ kịp thời lãnh đạo Công an các cấp chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác góp phần tích cực vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
     Những năm cuối của thế kỷ XX đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, đặt ra cho công tác an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân hàng loạt những vấn đề mới vừa cơ bản, vừa cấp bách, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ và chưa lượng đoán hết. Trước tình hình đó, tham mưu Công an các cấp đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, tiến hành đổi mới toàn diện cả về tư duy, phương pháp công tác và tổ chức lực lượng. Công tác tham mưu đã thực hiện nhiều biện pháp cải tiến việc tổ chức công tác thông tin, nắm tình hình, tổng hợp nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình; Chủ động phát hiện âm mưu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng, giúp cho việc bố trí kế hoạch, phòng, ngừa, đấu tranh có kết quả. Trong công tác nghiên cứu, đã chủ động phối hợp các mặt nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu tổng hợp, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, từng bước làm sáng tỏ những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra, đề xuất được nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược; nghiên cứu hoạch định đường lối, chủ trương đối sách trong cuộc đấu tranh bảo vệ An ninh Tổ quốc, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn của các thế lực thù địch, phòng ngừa và tấn công các loại tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Phục vụ lãnh đạo Công an các cấp phối hợp với các ngành, đoàn thể ra nhiều Nghị quyết liên tịch huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự… tất cả những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào những thành tựu và thúc đẩy quá trình vận động, đổi mới các mặt công tác của toàn lực lượng Công an nhân dân.
     Những năm đầu của thế kỷ XXI, cục diện chính trị thế giới biến động sâu sắc, khó lường. Nguy cơ khủng bố và lợi dụng chống khủng **đe dọa nghiêm trọng đến an ninh các nước và an ninh quốc gia của Việt Nam. Nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân ngày càng nặng nề, khẩn trương. Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi, lực lượng Tham mưu Công an nhân dân đã có sự đổi mới toàn diện các mặt công tác, cả về nhận thức, chủ trương và biện pháp công tác; mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với cơ quan Tham mưu và An ninh, Cảnh sát các nước; tích cực nghiên cứu cải tiến công tác nắm tình hình, thu thập xử lý thông tin, sát cơ sở, sát thực tiễn. Hàm lượng trí tuệ trong nghiên cứu tổng hợp, nhất là nghiên cứu chuyên đề, nghiên cứu khoa học không ngừng được nâng lên, phát hiện kịp thời các vướng mắc, sơ hở và những vấn đề cấp bách đặt ra trong công tác và chiến đấu, từ đó đề xuất chủ trương, biện pháp phục vụ lãnh đạo Công an các cấp chỉ đạo kịp thời, chính xác và hiệu quả. Đã phục vụ lãnh đạo Bộ Công an đề xuất Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương ban hành các Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”, về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới”, Quyết định số 107 của Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng” trong công tác đảm bảo ANTT, góp phần quan trọng vào thành tích của lực lượng Công an nhân dân, chủ động giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
     Trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động khủng bố, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ xảy ra ở nhiều nơi. Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của các nước trên thế giới. Tình hình tội phạm trong nước diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, quán triệt các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, lực lượng Tham mưu đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong đó đã tập trung tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh quốc gia trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, các Chương trình quốc gia, các Đề án về đấu tranh phòng, chống âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, theo hướng huy động và phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các biện pháp trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự cho phù hợp với đòi hỏi của tình hình và điều kiện hội nhập quốc tế. Công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá dự báo tình hình để tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến chủ quyền, lợi ích và an ninh của đất nước đã có bước phát triển. Đề xuất Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, đối sách kịp thời và phù hợp để giải quyết các yếu tố gây mất ổn định chính trị, xã hội đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước.
     Ghi nhận những công lao, thành tích của lực lượng Tham mưu Công an nhân dân trong 65 năm qua, lực lượng Tham mưu Công an nhân dân cả nước đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương Quân công, Chiến công các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác cho tập thể, cá nhân về thành tích chiến đấu và xây dựng lực lượng. Riêng cơ quan Tham mưu Bộ Công an (Văn phòng Bộ) 02 lần được Bác Hồ tặng lẵng hoa; 02 lần được nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất; 03 lần được tặng thưởng Huân chương Quân công. Trong những năm đổi mới, cơ quan Tham mưu của Bộ liên tục được Bộ Công an tặng cờ “Đơn vị Thi đua xuất sắc” và Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; 03 năm liền từ 2001 - 2003 Văn phòng Bộ được tặng cờ luân lưu của Chính phủ trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống tham mưu CAND, Văn phòng Bộ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
     Có được những thành tích trên, trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm sâu sắc của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, của đảng ủy và lãnh đạo Công an các cấp. Những thành tích trên cũng chính là kết quả của sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng Công an với lực lượng tham mưu Công an; giữa tham mưu Công an các cấp, giữa các bộ phận trong lực lượng Tham mưu. Đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu CAND. Trong bất cứ tình huống nào, kể cả những lúc khó khăn phức tạp nhất, cán bộ, chiến sỹ tham mưu Công an nhân dân luôn vững vàng kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, chấp nhận gian khổ, năng động, chủ động sáng tạo, cần cù nghiên cứu, quyết tâm giành kết quả cao nhất trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ.
     65 năm xây dựng, công tác và chiến đấu, lực lượng Tham mưu Công an nhân dân đã khẳng định những bước trưởng thành. Phát huy những thành tích đã đạt được và những kinh nghiệm quý báu của chặng đường đầy gian nan và rất đáng tự hào, lực lượng Tham mưu Công an nhân dân nhất định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với chức năng cơ quan tham mưu giúp đảng uỷ, lãnh đạo Công an các cấp trong tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của lực lượng Công an./.
Văn phòng Bộ Công an