Truyền thông TQ bắt đầu chỉ trích thái độ thất thường của Triều Tiên Truyen-thong-trung-quoc-chi-trich-trieu-tien-hinh-anh_PIEZ
Lãnh tụ Kim bị đồn rằng đã bị quân đội lật đổ
Giới truyền thông Trung Quốc bắt đầu chỉ trích thái độ thất thường của Triều Tiên, theo trang tin Business Insider ngày 8.10 dẫn tin từ BBC.
Các bài viết này đăng trên trang điện tử của tờ Tin tức Bắc Kinh, Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo vốn là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ) và trang blog cá nhân của một nhà bình luận chính trị nổi tiếng.
Theo Business Insider, sự hiện diện các bài báo này trong giới truyền thông TQ vốn được kiểm duyệt kỹ, có thể phát tín hiệu rằng Bắc Kinh thất vọng với thái độ đối đầu liên tục của Bình Nhưỡng với phần còn lại của thế giới.
Bài báo trên trang Tin tức Bắc Kinh cảnh báo: mọi người nên nghi ngờ Triều Tiên cùng “thái độ thất thường” của nước này.
Theo bản dịch của BBC, bài báo này còn viết:
“Vì thiếu sự rõ ràng, các bản tuyên bố của Triều Tiên không thuyết phục được bất kỳ quốc gia nào…. Triều Tiên ráng gây lại sự chú ý bằng cách đưa cán bộ cấp cao qua thăm Hàn Quốc, nhưng việc này vô nghĩa khi câu hỏi quan trọng nhất là liệu Bình Nhưỡng có từ bỏ chương trình hạt nhân của mình”.
Bài của Hoàn Cầu thời báo gồm cuộc phỏng vấn Jin Qiangyi, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế ở đại học Yanbian.
Ông Jin nói TQ hầu như không tiếp tục hỗ trợ mạnh cho Triều Tiên vì những hành động đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Kiểu quan hệ ngoại giao lạnh lẽo này khiến Bình Nhưỡng ráng liên hệ với Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cuối tuần rồi, Triều Tiên cử 3 cán bộ cấp cao qua thăm Seoul, với danh nghĩa dự lễ bế mạc Đại hội thể thao châu Á (Asian Games).
Cú tấn công ngoại giao này có thể là một phản ứng của Triều Tiên, đối với việc TQ ngày càng có quan điểm khó chịu đối với đồng minh Bình Nhưỡng.
Nhà bình luận chính trị Qiu Lin viết blog:
“Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ lúc nắm quyền lực đã không đến thăm TQ. Việc này cho thấy trái tim ông ấy không nghiêng về Bắc Kinh… khi họ không vui trước cảnh cáo của Bắc Kinh về chương trình hạt nhân của họ”.
Theo Business Insider, TQ và Triều Tiên vẫn là đồng minh, dù quan hệ hai bên đang ngày càng nguội lạnh trong vài năm qua.
TQ là đối tác thương mại số 1 của Triều Tiên, nhưng mối quan hệ ngày càng căng thẳng, sau khi ông Kim thay cha ruột Kim Jong-il nắm quyền lực hồi năm 2011, nên TQ quyết định không nên cứ mãi  liên minh với một quốc gia bị cô lập.
Bình Nhưỡng cũng chẳng vừa. Hồi tháng 4, Triều Tiên ra một văn bản nội bộ, khuyến khích cán bộ “từ bỏ giấc mơ Trung Hoa”, phê bình TQ “xích lại gần bọn đế quốc”, do Triều Tiên nhận định Bắc Kinh về phe Mỹ chống lại chương trình hạt nhân của họ.
Cũng theo Business Insider, hồi tháng 8, Triều Tiên còn điều các đơn vị xe tăng hiện đại đến gần biên giới TQ. Động thái quân sự này do có thông tin TQ mở cuộc tập trận dọc biên giới Trung-Triều hồi tháng 4.
Hiện điều thế giới quan tâm là tại sao lãnh đạo Kim “mất tăm hơi”: vị lãnh đạo trẻ bị bệnh hay thật sự đã bị quân đội đảo chính? Các chuyên gia về Triều Tiên nói khó thể có chuyện Kim bị các cấp dưới nhưng cao tuổi lật đổ.

Nhưng dựa trên tình hình kinh tế Triều Tiên đang rất eo hẹp do bị cấm vận quốc tế, cộng với những hành vi khiêu khích-như thứ Ba qua hải quân Triều-Hàn đấu pháo ở vùng biển Hoàng Hải-nỗi quan ngại lớn hơn nữa là liệu sự vắng bóng của ông Kim sẽ dẫn đến một cuộc chiến với Hàn Quốc?
Truyền thông TQ bắt đầu chỉ trích thái độ thất thường của Triều Tiên Truyen-thong-trung-quoc-chi-trich-trieu-tien-hinh-anh-1_leky
Truyền thông Trung Quốc bắt đầu chỉ trích thái độ thất thường của Triều Tiên 
Quân đội Triều Tiên có khoảng 690.000 quân cùng 4,5 triệu lính dự bị tiềm năng vốn cần huấn luyện nhiều và được kích thích tinh thần ở nhiều cấp độ. Nhưng số lính này không được trang bị vũ khí hiện đại.
Trên lý thuyết, Triều Tiên có hàng ngàn máy bay, xe tăng, tàu chiến, được xem là một trong những lực lượng chiến đấu lớn nhất thế giới.
Nhưng số khí tài quân sự ấy “chỉ là đồ cổ” của nhiều thời kỳ: Liên Xô từng trang bị vũ khí cho Triều Tiên suốt cuối thế kỷ 20, gồm tàu ngầm lớp Romeo được thiết kế thời 1950 và đóng trong những năm 1960.
Không quân Triều Tiên thì có hàng trăm chiếc, gồm một số chiến đấu cơ Mig -29 tương đối hiện đại do Liên Xô cung cấp, nhưng chúng không thể so bì máy bay Hàn và chiến đấu cơ kỹ thuật cao của Mỹ đóng ở Hàn và Nhật.   
Nhiều chiếc Mig-29 của quân đội Triều Tiên còn có niên hạn sử dụng nhiều hơn cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Việt Nam: chúng không được trang bị vũ khí không đối đất đạt độ chính xác hiện đại nhất.
Không những thế, đồ để lâu thì khó thể tái sử dụng, thậm chí gây nguy hiểm. Riêng năm 2014, Triều Tiên bị rớt 3 chiếc Mig, cuối năm 2013 liên tục bị chìm 2 tàu tuần duyên khiến hàng chục thủy thủ thiệt mạng.  
Nhưng dù là đạo quân cũ kỹ, Triều Tiên tỏ ra là một đối thủ đáng nể trong cuộc chiến trên bộ: cuộc nã pháo vào một đảo Hàn năm 2010 đã giết 4 người gồm 2 dân thường.
Hàn biết Triều có khoảng 13.000 cỗ pháo, một số có thể bắn từ biên giới đến thẳng Thủ đô Seoul của Hàn.
Năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn nói quân đội Hàn có thể dập tắt dàn pháo này trong 5 ngày, nhưng điều này không thể xảy ra trước khi Seoul bị oanh kích nặng nề.
Dù vậy, Ted Gallen Carpenter, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về Đông Á của tổ chức nghiên cứu Cato, nói: quân đội Triều Tiên “sẽ rất không khôn ngoan” nếu khiêu chiến với Hàn Quốc.
Bởi lẽ: mục tiêu chính của quân đội chỉ là bảo vệ và phát huy quyền lực riêng của họ, chứ các chỉ huy biết rõ họ sẽ thua trong cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, vì khí tài quân sự lạc hậu, thiếu rèn luyện cũng như không thể đương cự sức mạnh quân sự Hàn-Mỹ.
Ông Carpenter nói:
“Một vụ tấn công Hàn Quốc sẽ là tự sát, vì Mỹ đã nói: nếu Triều Tiên mở cuộc tấn công mà không thể có thể giải pháp ngưng bắn, thì chế độ Triều Tiên chỉ còn cách ngưng tồn tại”.
Ông nói tiếp: “Và tôi không nghĩ TQ sẽ nhảy vào ngăn chặn cuộc chinh phạt này. TQ đã mất kiên nhẫn với TQ nhiều lắm rồi”.