Người vẽ tiền và "đôi bàn tay trắng" 22_kieu140-400_1
Là bậc thầy ở cả hai thể loại tranh sơn dầu và sơn mài, tranh phong cảnh và chân dung, có thể nói, vượt xa những gì thuộc về giá trị vật chất, Nguyễn Sáng đã để lại một di sản tinh thần to lớn. Tên ông được ghi trong "Từ điển Bách khoa Larousse" ở Pháp và năm 1996, chưa đầy 10 năm sau khi mất, nhà danh họa đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Không chỉ có vậy, những câu chuyện về một thời nghèo khó của người từng tham gia vẽ giấy bạc cho Bộ Tài chính hiện vẫn còn râm ran đây đó trong những lúc trà dư tửu hậu của giới hội họa...

1.Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh năm 1923 tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Trước Cách mạng, ông từng theo học Trường Mỹ thuật Gia Định, Sài Gòn rồi ra Bắc học Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Cuối tháng 12/1946, ông lên chiến khu Việt Bắc dùng bút vẽ phục vụ kháng chiến. Các bức tranh sơn mài "Giặc đốt làng tôi", "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" ông vẽ hiện vẫn được xem là một trong những bức tranh ấn tượng nhất về đề tài Cách mạng và kháng chiến.

Tuy nhiên, nếu nói đóng góp đầu tiên và thiết thực nhất của Nguyễn Sáng với nền văn nghệ kháng chiến phải kể đến việc ông là người thiết kế bộ tem bưu chính đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (phát hành năm 1946, với việc thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh) cũng như cùng một số họa sĩ tham gia vẽ mẫu giấy bạc (còn gọi là giấy bạc Cụ Hồ) cho Bộ Tài chính.

Họa sĩ lão thành Phan Kế An đã có những nhận xét xác đáng về mảng đóng góp này của danh họa Nguyễn Sáng: "Nguyễn Sáng khi sáng tác hội họa là một tác giả có bút pháp phóng khoáng, có thể nói là tung hoành nữa, nhưng khi vẽ tem, vẽ giấy bạc lại là một nhà đồ họa vững vàng, tỉ mỉ, chính xác, biết tìm những biện pháp tối ưu, thích hợp với kỹ thuật thô sơ của thuở sơ khai...

Vậy mà, như một nghịch lý, từng có giai đoạn Nguyễn Sáng không được nhìn nhận đúng mức. Trong nhật ký ghi cuối năm 1959, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết: "Nghĩ thương hại Nguyễn Sáng. Không có thuốc để vẽ. Trong khi có rất nhiều họa sĩ có thuốc nhưng không vẽ, chỉ thỉnh thoảng giở ra để ngắm, để nghía, và thảm hơn, để đem bán. Người ta có thành kiến với Sáng", "Họa sĩ Nguyễn Sáng không có gỗ vẽ, đã phải phá cả một tấm sơn mài vẽ rất công phu hàng năm giời. Tiếc bức sơn mài ấy, ghi lại những hình ảnh phụ nữ Hà Nội quanh Hồ Gươm".

Theo nhận định của Nguyễn Huy Tưởng khi ấy, "Nguyễn Sáng là một họa sĩ có tài. Có thể nói trong số những người tài nhất của hội họa Việt Nam hiện nay".

"Kiều" - tranh sơn dầu của Nguyễn Sáng.

2. Về đời tư của họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Bùi Thanh Phương (con trai của danh họa Bùi Xuân Phái) từng kể rằng, trước Cách mạng, Nguyễn Sáng đã có một cô vợ là người Pháp lai. Đến khi nổ ra chiến tranh thì cô vợ lai đó rời Việt Nam về Pháp. Nguyễn Sáng sống thui thủi một mình hơn ba chục năm. Cho đến năm 1978, ông gặp một người phụ nữ tên Thủy và sau đó làm lễ thành hôn với cô. Rủi thay, đúng hôm cưới, cô dâu phải đi cấp cứu vì một bệnh mãn tính. Chú rể đành một mình đón khách, nước mắt giàn giụa. Bi kịch đâu đã hết: Ăn ở với nhau được một năm thì cô Thủy mất vì bệnh tim. Sự mất mát này đã khiến Nguyễn Sáng gần như suy sụp: "Cứ mỗi lần ngồi uống rượu với bạn hữu, khi có ai nhắc đến cô Thủy, ông lại mếu máo, than khóc, mặc dù là khi đó ông đã ngoài 60 tuổi".

Một lần khác, Nguyễn Sáng đến chơi đúng lúc gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái chuẩn bị bữa ăn tối. Bùi Xuân Phái mời Nguyễn Sáng ngồi ăn cùng gia đình. Trong bầu không khí ấm cúng, gần gũi và đang khi câu chuyện vào hồi rôm rả, đột nhiên Nguyễn Sáng đặt bát cơm xuống bàn, ôm mặt khóc nấc lên, tức tưởi như một đứa trẻ. Bùi Xuân Phái vỗ vai bạn, hỏi: "Sáng, cậu sao vậy?". Nguyễn Sáng đáp: "Tớ muốn có một cuộc sống gia đình như cậu đã có, tớ thèm được có một bát canh nóng mỗi ngày".

3. Cùng với các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng là một cây đại thụ của tranh sơn mài Việt Nam. Tuy nhiên, sinh thời, do hoàn cảnh sống eo hẹp, nhiều lúc ông phải đem tranh đến ông Lâm toét (chủ quán Cà phê Lâm) để cầm cố lấy tiền tiêu, cũng như chọn những bức tranh ưng ý nhất của mình đem đến chỗ nhà sưu tập Đức Minh để bán.

Về giá trị quy ra tiền của tranh Nguyễn Sáng thời ấy, đã có những câu chuyện "cười ra nước mắt" như sau:

Bức tranh sơn mài của Nguyễn Sáng về Hồ Gươm bình thường vẫn được treo trên tường một căn phòng ở Câu lạc bộ quốc tế (Hà Nội). Một cán bộ phụ trách Câu lạc bộ cho đề tài bức tranh là lạc hậu (vẽ Hà Nội về đêm) nên đã dỡ xuống. Bức tranh bị tước bỏ khung và vứt một xó, một thời gian sau thì người ta gọi bán. Đạo diễn Phạm Văn Khoa đi qua, hỏi giá thấy nói khoảng 100 đồng thì mừng quá, vội chạy về nhà bán xe, bán đồ để mua. Hay tin, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đánh tiếng muốn mua bức tranh. Một cán bộ Rumani đã ngã giá tới 700 đồng. Đến lúc này thì người phụ trách câu lạc bộ mới giật mình, đoán là bức tranh có giá trị, bèn không bán nữa.

Năm 1984, Nguyễn Sáng tổ chức triển lãm hội họa đầu tiên (và cũng là cuối cùng) của đời mình. Trong buổi lễ khai mạc, ông đã làm bạn bè thân hữu ngậm ngùi bởi lời phát biểu của mình: "Con người lúc sơ sinh hai bàn tay trắng hiền lành. Như trẻ thơ vê tròn vú mẹ. Con người tay áp tay, trao cho nhau chiếc nhẫn, cái hôn đầu ngày cưới. Tôi chẳng có gì ngoài tấm lòng và hai bàn tay trắng". Sự thật, đến khi giã biệt thế giới (năm 1988), ông vẫn là một họa sĩ gần như... trắng tay.

Theo một số họa sĩ từng chứng kiến tang lễ của nhà danh họa kể lại, khi đọc điếu văn, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã giàn giụa nước mắt kể lại câu chuyện: Ít ngày trước lúc "lên đường", Nguyễn Sáng đùa với mấy người bạn, là khi ông mất, hãy thiết kế riêng cho ông một chiếc quan tài có khoét 2 lỗ nhỏ ở hai bên. Mọi người ngạc nhiên hỏi làm vậy để làm gì? Nguyễn Sáng đáp: "Để khi tôi chết, tôi sẽ thò hai cánh tay ra ngoài, chứng tỏ cho người đời thấy rằng khi vào đời, tôi chỉ có hai bàn tay trắng và khi ra đi vẫn vậy, rằng Nguyễn Sáng giã từ cõi trần với hai bàn tay trắng".

Được biết, trước khi Nguyễn Sáng tạ thế, Đảng, Nhà nước đã quyết định tặng thưởng ông Huân chương Độc lập. Chi nhánh của Hội Mỹ thuật ở phía Nam chưa kịp làm lễ trao thì ông đã vội vã ra đi.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong nhật ký của mình từng cho thấy cái bản lĩnh vững vàng, không a dua thời thượng của Nguyễn Sáng: "Khuynh hướng của Sáng: Biết chắc là những tranh "Chợ Bo", "Giặc đốt làng tôi" làm ra thế nào cũng được hoan nghênh, còn những tranh "Niềm vui" vv... thế nào cũng bị phản ứng. Nhưng cứ làm. Đời sau sẽ biết".

Trái ngược với sự lặng lẽ khi Nguyễn Sáng còn sống, hiện tranh của Nguyễn Sáng có mặt trong nhiều bộ sưu tập đắt giá trên thế giới. Các họa sĩ trẻ vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, học hỏi được nhiều điều từ ông.

Nghĩa là ông không chỉ bị "đóng khung" trong bảo tàng mà tiếp tục đồng hành cùng cuộc sống. Và như vậy, đâu phải Nguyễn Sáng hoàn toàn "tay trắng"