(CATP) Dân số hiện khoảng gần 8 triệu người nhưng trên thực tế thành phố Hồ Chí Minh phải gánh khoảng trên dưới 10 triệu dân. Riêng với ngành công an, tình trạng trên khiến việc quản lý nhân hộ khẩu phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Phòng CSQLHCVTTXH) Công an TPHCM luôn nỗ lực làm tốt công việc, tạo điều kiện cho người dân đăng ký thường trú.
Nỗ lực giải quyết vướng mắc trong đăng ký hộ khẩu 	  2357-4

Cán bộ Đội CSQLHCVTTXH, CAQ Bình Tân hướng dẫn một trường hợp khai thủ tục ĐKTT
Niềm vui cho những người nửa đời không có hộ khẩu

Vợ chồng ông Hồng Kim Nguôn, bà Tạ Tố Phương từ Campuchia về Việt Nam năm 1979. Không có giấy tờ, cuộc sống lại khó khăn nên dù ở Việt Nam đã hơn 30 năm nhưng cả gia đình năm người này không ai có hộ khẩu. Cuộc sống không giấy tờ tùy thân, không nơi thường trú khiến vợ chồng ông bà và cả ba người con gặp không ít thiệt thòi. Năm 2007, sau khi ông Nguôn mất, chị Hồng Sơ Chiêu, con ông Nguôn, bà Phương thấy không thể sống mãi như thế nên đã làm đơn gửi Công an TPHCM đề nghị được giải quyết đăng ký thường trú. Tiếp nhận hồ sơ của gia đình chị Chiêu, Phòng CSQLHCVTTXH đã phối hợp với Sở Tư pháp thành phố xác định lại quốc tịch cho gia đình chị (từ quốc tịch Campuchia sang quốc tịch Việt Nam), sau đó hướng dẫn quận Tân Bình giải quyết nhập khẩu cho gia đình chị Hồng Sơ Chiêu. Gia đình bà Nguyễn Thị Tám tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM thì lại vướng do đi kinh tế mới. Năm 1988, vợ chồng bà Tám đưa 12 người con rời Gò Vấp, TPHCM đi Kiên Giang sinh sống. Sau khi chồng mất, cuộc sống quá khó khăn, bà Tám đưa các con quay lại TPHCM. Lúc đầu, gia đình bà ở kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, sau đó chuyển về phường 16, quận 8 mua nhà ở cho đến nay. Sống tại TPHCM mấy chục năm trời nhưng nhà ở không hợp pháp nên không đủ điều kiện nhập khẩu. Năm 2010, gia đình bà Tám được con rể là anh Vũ Viết Tĩnh bảo lãnh cho nhập hộ khẩu vào nhà anh tại quận Bình Tân. Khi anh Tĩnh làm thủ tục, Công an quận Bình Tân đồng ý giải quyết nhưng yêu cầu phải có xác nhận xóa khẩu gia đình bà Tám tại nơi đăng ký hộ khẩu cũ (Kiên Giang). Quay về Kiên Giang xin giấy xác nhận xóa khẩu nhưng không được do rời địa phương đã quá lâu, gia đình bà Tám rơi vào bế tắc. Khi thông tin về trường hợp bà Nguyễn Thị Tám được báo chí đăng tải, Phòng CSQLHCVTTXH đã chủ động liên hệ để hướng dẫn. Thực tế, trường hợp gia đình bà Tám không chỉ vướng về thủ tục xóa khẩu mà còn vướng cả về việc xác định quốc tịch, điều kiện không thể thiếu để được đăng ký thường trú. Lý do là giấy khai sinh của anh Lê Hoàng Long (con trai bà Tám) do chế độ cũ cấp. Trong giấy khai sinh không có mục quốc tịch và dân tộc nên Công an quận không có căn cứ để làm hộ khẩu. Phòng CSQLHCVTTXH trực tiếp làm việc với Sở tư pháp thành phố để tìm hướng giải quyết. Sau khi có công văn trả lời của Sở Tư pháp, Phòng CSQLHCVTTXH đã hướng dẫn cho Công an quận Bình Tân làm thủ tục đăng ký thường trú cho bà Tám và anh Lê Hoàng Long. Những người con còn lại của bà tám sẽ tiếp tục được giải quyết sau khi hoàn thành những thủ tục cần thiết.

Những trường hợp quan hệ ruột thịt nhưng người dân làm mất giấy tờ chứng minh quan hệ, Phòng CSQLHCVTTXH cũng tạo điều kiện tối đa bằng cách lục lại hồ sơ lưu dù công việc này tốn rất nhiều thời gian, công sức. Trường hợp bà Lê Thị Xinh (77 tuổi) tại huyện Hóc Môn là một ví dụ. Bà Xinh muốn nhập hộ khẩu vào nhà em gái là bà Lê Thị Kim Liên tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn nhưng không thể chứng minh được quan hệ ruột thịt do mất giấy khai sinh. Làm thủ tục xin cấp lại giấy khai sinh nhưng gặp phải những vướng mắc về thủ tục hành chính nên gia đình bà bỏ cuộc. Việc đăng ký thường trú cho bà Xinh tưởng sẽ vô vọng nhưng khi gia đình bà liên hệ với Phòng CSQLHCVTTXH công an TPHCM, phòng đã hướng dẫn Công an Hóc Môn lục lại hồ sơ khai nhân khẩu trước đây của bà Lê Thị Kim Liên (trong đó có phần khai lý lịch gia đình), từ đó căn cứ nhập hộ khẩu cho bà Xinh và chị Lê Thị Thanh Thảo (con gái bà Xinh).

Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong rất nhiều hồ sơ vướng mắc về thủ tục đăng ký hộ khẩu đã được phòng CSQLHCVTTXH Công an TPHCM căn cứ vào những điểm mở trong Luật Cư trú để giải quyết.

Không ngại khó khăn

Hiện nay, mặc dù công tác hộ khẩu đã được phân cấp về công an các quận huyện nhưng Phòng CSQLHCVTTXH Công an thành phố vẫn luôn phải gồng mình giải quyết những vướng mắc từ các nơi chuyển về do quận huyện không đủ thẩm quyền giải quyết. 62 trường hợp nhập khẩu được Phòng CSQLHCVTTXH giải quyết trong thời gian qua, không trường hợp nào giống trường hợp nào. Tùy theo thực tế, Phòng CSQLHCVTTXH phải xin ý kiến của Công an thành phố, ý kiến của Bộ Công an thậm chí phải phối hợp với nhiều ngành, nhiều cấp để giải quyết. Khó khăn như thế nhưng quan điểm của thượng tá Cao Văn Đen, Phó trưởng Phòng CSQLHCVTTXH, phụ trách về nhân hộ khẩu là vướng tới đâu tìm cách tháo gỡ tới đó, miễn sao tạo điều kiện tối đa cho người dân.

Tiếp xúc chồng hồ sơ đã giải quyết cho nhập khẩu của Phòng CSQLHCVTTXH, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn, vất vả mà cán bộ chiến sĩ của phòng phải xử lý mỗi ngày. Hồ sơ từ quận huyện chuyển về hầu hết là những trường hợp người dân sống ở thành phố đã nhiều năm nhưng không có hộ khẩu. Có người thì do chiến tranh biên giới Tây Nam nên đưa gia đình từ Campuchia hồi hương, có người thì đi kinh tế mới nhưng cuộc sống quá khó khăn nên quay lại thành phố, có người thì đi nghĩa vụ quân sự nhưng trốn về nên không được nhập khẩu... Tất cả các hồ sơ đều được cán bộ của phòng phân loại, nghiên cứu kỹ càng trước khi đề xuất hướng giải quyết.

Quân số ít, công việc lúc nào cũng ngập đầu nhưng thượng tá Cao Văn Đen vẫn đề nghị chúng tôi đăng số di động của mình trên báo để người dân tiện liên hệ khi gặp khó khăn trong việc đăng ký thường trú. Đồng chí Phó phòng chia sẻ “Kiến thức của một bộ phận người dân về pháp luật còn hạn chế, cùng với đó là tình trạng ở một số địa phương, cán bộ nội cần chưa tận tình trong hướng dẫn nên khi gặp vướng mắc, hầu hết người dân bỏ cuộc vì không biết phải làm thế nào. Cứ đăng số điện thoại của tôi lên báo. Người dân có thể liên hệ bất cứ lúc nào khi có thắc mắc về thủ tục đăng ký thường trú”.

Số điện thoại của Thượng tá Cao Văn Đen, Phó trưởng Phòng CSQLHCVTTXH là: 0988800799

Ngọc Anh
CAO