Đúng 40 năm trước, ngày 18/3/1973, hàng ngàn tù binh của Trại giam tù binh những chiến sỹ cộng sản Việt Nam/Phú Quốc do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai dựng lên, đã được chở ra sân bay Phú Quốc về đất liền để trao trả tù binh. Lúc đi ngang qua Đồi 100 - nơi mà giặc đã tàn sát, chôn vùi hàng ngàn đồng chí, đồng đội mình, không ai bảo ai, gần như tất cả tù binh đều cúi đầu mặc niệm, nước mắt tuôn dài.
Là những người may mắn có cuộc hội ngộ sau 40 năm kể từ mốc ngoặc lịch sử này, những cựu tù binh năm nào đã kể lại những ngày mà họ ở “địa ngục trần gian”. Đấy cũng là câu chuyện thể hiện đậm nét truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, khiến cho con cháu mãi tự hào…

Trong số 1.900 cựu tù binh về Phú Quốc dự họp mặt Kỷ niệm 40 năm “chiến thắng trở về” và lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh tại Phú Quốc hôm 15/3 rồi, có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông cũng từng nằm gai, nếm mật, chịu cảnh tra tấn dã man với hàng chục ngàn tù binh khác tại Phú Quốc cách nay hơn 40 năm. Phát biểu hôm lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: “Mấy hôm nay, khi nhận lời tham dự cuộc gặp mặt này, lòng tôi lại bồi hồi, xúc động nhớ lại 40 năm về trước, tại nơi này, anh em ta trần trụi giữa “bầy sói” hung dữ…, sẵn sàng thẳng tay hành hạ, đàn áp tù binh, thậm chí đánh đến chết. Lúc đó tuổi đời của anh em chúng ta chỉ trên dưới đôi mươi, nhưng dưới sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của Đảng ủy, chi bộ trong từng phân khu giam, anh em ta đã đoàn kết thành một khối vững chắc, kiên cường chiến đấu trong một thế trận mới. Kẻ địch thì nham hiểm, độc ác, tàn bạo và sẵn sàng xả đạn vào anh em chúng ta. Còn mỗi chúng ta thì chỉ có tay không với lòng quả cảm và lý tưởng cách mạng cao cả sẵn sàng nhận mọi sự hy sinh mà không tính toán thiệt hơn bất cứ điều gì. Hơn 4.000 đồng đội chúng ta đã gửi trọn tuổi thanh xuân của đời mình vào trong lòng đất đảo Phú Quốc thân yêu…”.

Có 5 năm là tù binh Phú Quốc (1968 - 1973), ông Phạm Bá Lữ - hiện là Trưởng Ban Liên lạc Tù binh Việt Nam cho biết, bấy giờ ông là cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gia Lai. Theo ông Lữ, Trại giam tù binh Phú Quốc lúc bấy giờ được xem là trại tù lớn nhất không phải chỉ tại Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á do thực dân Pháp, rồi sau này là đế quốc Mỹ và tay sai dựng lên để giam cầm, tra tấn dã man chiến sĩ cách mạng.

Khác với các nhà tù khác, khi đế quốc Mỹ và tay sai củng cố lại (ngày 6/7/1967), chúng đã xác định đây là trại giam trung ương phục vụ chiến tranh quy mô lớn nhất Việt Nam, giam giữ tù binh khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam. Mục đích của địch khi dựng lên Trại giam này là bắt giam càng nhiều càng tốt, rồi dùng mọi âm mưu thâm độc và thủ đoạn tàn bạo nhất hòng làm tê liệt ý chí chiến đấu của tù binh cộng sản để chiêu hồi.

Về lâu dài, chúng xem tù binh như “vốn liếng chính trị” dùng để trao đổi với ta khi chiến tranh kết thúc. Nhưng mọi âm mưu của chúng đã thất bại trước ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng quyết thề “thà chết vinh hơn sống nhục”.

Tự hào với những người chiến thắng 1_ctn2791-450
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng khi gặp lại những đồng đội cũ. Ảnh: Khoa Nam.

Ông Lữ cho biết nếu như ở Nhà tù Côn Đảo hầu hết là tù chính trị đã có án, thì ở Trại giam Phú Quốc tù binh không có án và cũng không có thời hạn ở tù cố định.

“Chính vì điểm này, mà kẻ địch đã lần lượt ban hành nhiều bản “huấn thị” hết sức tàn khốc, đến mức cuối cùng là cho phép bọn quân cảnh cai ngục có thể thoải mái hành hạ, tàn sát tù binh dưới đủ mọi hình thức dã man không kém thời trung cổ mà vẫn không bị xử lý gì cả. Cứ mỗi lần địch thua to trên chiến trường, thì y như rằng anh em trong Trại giam Phú Quốc lại chịu đánh đập, hành hạ dã man, kể cả dùng súng máy xả thẳng vào phòng giam tàn sát tập thể mỗi lần hàng chục chiến sĩ cách mạng”.

Và cũng chính vì thế mà cuộc đấu tranh của tù binh Phú Quốc càng trở nên quyết liệt. Ông Lữ kể tù binh lúc đó phải đấu tranh để đòi quyền lợi, chống đàn áp, bảo vệ tính mạng, bảo vệ lý tưởng và bảo vệ phẩm chất chính trị của mình.

Theo ông Lê Văn Thi – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Căng Cây Dừa (1953 - 1954), Trại Huấn chính Cây Dừa (1955 - 1957), Trại giam tù binh các chiến sĩ Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (1967 - 1973) là nơi địch giam cầm, đọa đày các chiến sĩ cách mạng với quy mô, số lượng lớn nhất ở Việt Nam. Giai đoạn 1967 - 1973, nhà tù này đã giam giữ gần 40.000 lượt tù binh là những chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và cán bộ cách mạng Dân - Chính - Đảng.

Phần lớn những chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở đây đã vượt qua cái chết, vượt qua mọi sự đọa đày, dã man của kẻ thù cho đến ngày chiến thắng trở về mang trên mình nhiều thương tật thì hơn 4.000 người đã bị kẻ địch sát hại, anh dũng ngã xuống với khí phách hiên ngang, ý chí cách mạng kiên cường, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

Thực hiện Hiệp định Paris, từ ngày 15/3/1973, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ buộc phải thực hiện việc trao trả tù binh của Nhà tù Phú Quốc và cũng là ngày đánh dấu “Địa ngục trần gian” tại đảo này vĩnh viễn bị xóa bỏ

CAND online