ôi gặp anh vào một buổi chiều Đắk Nông lặng gió, được anh kể cho nghe về gia đình yêu dấu và hành trình anh đến với TNXP. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngành Tâm lý Giáo dục, anh tình nguyện đến với TNXP mà không cần toan tính thiệt hơn. Cầm bộ hồ sơ xin việc, anh vượt chặng đường gần 300 km từ thành phố Hồ Chí Minh lên Trường 5 (nay là Trường 1 Đăk Nông) nhận công tác với tâm trạng hồi hộp và bỡ ngỡ. Qua thời gian, anh đã vững tin hơn ở vị trí công tác. Bên cạnh nhiệm vụ trực tiếp quản lý, giáo dục học viên, anh còn tham gia dạy chuyên đề và dạy xóa mù chữ cho học viên. Mỗi tiết học, bằng tình thương và trách nhiệm, bằng tâm huyết của người làm công tác giáo dục, anh truyền đạt cho học viên những kiến thức bổ ích để làm thay đổi hành vi nhân cách và các kiến thức dự phòng tái nghiện, để khi về với cộng đồng, họ có các kỹ năng đoạn tuyệt với ma túy. Anh là Lê Văn Bình, Cán bộ tổ Đội Quản lý Học viên số 3.
    
Lớp học đặc biệt giữa đại ngàn



Lớp học hôm đó thật đặc biệt, có khoảng gần 40 học viên, đầy đủ các thành phần xã hội, lứa tuổi và trình độ cũng khác nhau. Trời nắng như đổ lửa. Tới giờ học tất cả các học viên quần áo chỉnh tề đi theo hàng lối vào lớp. Mở đầu buổi học, Bình bắt nhịp cho các bạn hát những bài ca tập thể và các trò chơi vận động, không khí lớp học từ tẻ nhạt bỗng sôi nổi và hào hứng hắn lên. Sau 10 phút giải trí Bình mới bắt đầu đi vào bài giảng. Anh khơi gợi cho học viên những ví dụ minh họa ngoài đời sống thực tế xã hội cho học viên dễ nhớ và tiếp thu. Mặc dù chất giọng Quảng Bình khó nghe, nhưng anh cố gắng phát âm chuẩn, rõ, to khiến học viên tập trung lắng nghe và phát biểu sôi nổi. Sau khi giảng giải cho học viên hiểu rõ vấn đề, anh lại mở những video clip liên quan đến nội dung bài học và đặt ra những câu hỏi mở cho học viên phát biểu và thảo luận. Bình giải thích, sở dĩ anh cho học viên xem các đoạn clip liên quan vì phần lớn học là học viên tư tưởng không ổn định, có nhiều học viên "đi mấy khóa liền" nên đã nghe nội dung, có những học viên muốn đi học chuyên đề chỉ nhằm mục đích được "xả hơi" thay vì đi lao động... nên khi dạy mà chỉ nói lý thuyết suông thì học viên rất nản, buồn ngủ và không tập trung, rồi "chữ thầy trả lại cho thầy". Anh cũng thường xuyên thay đổi phương pháp dạy cho phù hợp với đối tượng học thực tế tại đơn vị. Lúc thì cho học viên thảo luận nhóm, sắm vai, đố vui, lúc thì chơi trò chơi vận động liên quan tới bài học. Giáo án của anh là thế nên được các bạn học viên thích thú, hưởng ứng tham gia nhiệt tình, có hôm hết giờ học mà cả thầy và trò vẫn say sưa. Kết thúc buổi học mà học viên  vẫn tiếc nuối và chờ cho đến tiết dạy hôm sau.

Người thầy "tiếp đuốc" Image_gallery?uuid=b9fe0b98-bda0-482b-88f2-a8514462a361&groupId=21303&t=1364875375282

Lê Văn Bình (trái) cùng chia sẻ tâm sự với học viên tại Trường GDĐT và GQVL số 1.


 Không phải bất cứ ai dù có nghiệp vụ sư phạm hay cả ngành sư phạm chính quy cũng đứng lớp giáo dục chuyên đề về tâm lý người nghiện ma túy thành công, được học viên hưởng ứng, tiếp thu và hiểu vấn đề như thế. Đó là kết quả cả quá trình trải nghiệm. Họ hiểu rõ tâm lý và mong muốn của những người học đặc biệt này, hiểu rõ học viên cần gì để từng bước cảm hóa giáo dục phục hồi hành vi nhân cách.
 
      Xuất thân từ mảnh đất kiên cường
 
      Bình là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em. Mặc dù gia đình khó khăn, nhưng chị em Bình cũng được mẹ lo cho đi học hết phổ thông, riêng Bình thì được học Đại học. Lớn lên từ vùng quê nghèo khó nên đi đâu, làm gì anh cũng hướng về quê. Năm 1972, đế quốc Mỹ tăng cường phá hoại miền Bắc, và Quảng Bình quê anh là vùng thiệt hại rất nặng nề, mọi sinh hoạt chủ yếu sống trong hầm để tránh bom đạn. Làng của Bình là một trong những căn cứ của bộ đội bị giặc Mỹ phát hiện, chúng trút bom đạn giày xéo tan hoang gần như hết làng. Trong cảnh khói lửa hoang tàn đó, mẹ Bình đã liều mình xông vào hầm còn nghi ngút cháy để cứu lấy đứa con trai gần 2 tuổi (là anh cả của Bình). Trong cuộc vật lộn sinh tử đó, mẹ anh bị cháy như ngọn đuốc nhưng vẫn cố gắng ôm con thoát ra khỏi miệng hầm. Người anh cả của Bình thoi thóp được ít phút rồi cũng ra đi, còn mẹ anh thì cháy toàn thân, cứu chữa ở Trung tâm Y tế Quân đội đóng trên địa bàn xã Xuân Trạch. 6 tháng sau mẹ mới bình phục nhưng nửa bàn chân phải cưa đi. Bình cho biết, theo lời những người trong làng kể lại, buổi sáng hôm đó, cả làng hầu như tang tóc đau thương, bom bi nổ rung chuyển đất trời, nhà cháy người khóc than, trâu bò lẫn người chết la liệt và vùi lấp khắp nơi, cả làng hoang tàn xơ xác, có nhiều nhà trúng bom chết không còn một ai. Chiến tranh đã lùi xa nhưng người làng Bình bây giờ vẫn nhớ như in cảnh tang thương năm đó!
 
      Bình tâm sự: “Mình nghe mọi người kể lại ký ức năm nào của làng thì cảm động lắm, và tự hứa với lòng sẽ cố gắng đem sức trẻ của mình cống hiến cho quê hương đất nước. Mình tham gia TNXP cũng vì điều đó. Và dù đi đâu, làm gì, mình luôn hướng về quê hương Quảng Bình, nơi có người mẹ đã từng vượt qua bom đạn của kẻ thù, vào sinh ra tử để che chở nuôi nấng đàn con trưởng thành đến ngày hôm nay”.
 
      Đăk Nông tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, hoa rừng thơm ngát hương Trường 1 bên hồ Doãn Văn thơ mộng vẫn còn đó những con người đang thầm lặng từng ngày cảm hóa, giáo dục học viên thoát khỏi cám dỗ của ma túy, giúp họ trở thành những người có ích cho xã hội.