QĐND - Cùng chiến hào chiến đấu, những người lính đã thề sống chết có nhau, nếu ai may mắn trở về phải có trách nhiệm với đồng đội hy sinh. Giữ trọn lời thề thiêng liêng ấy, ngay sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, những người lính trở về đã miệt mài vượt suối, băng rừng đi tìm đồng đội. Trong một lần theo đoàn đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (HCLS) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi đã gặp những cựu chiến binh (CCB) như thế.
Nước mắt những người lính già
Ấp Bình Giã, xã Xuân Sơn (Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) là nơi diễn ra trận thắng vang dội của Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) vào cuối năm 1964, đầu năm 1965. Những triền đất đỏ năm xưa bị bom đạn cày xới, bây giờ là cánh rừng cao su xanh thẫm ngút ngàn. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, dấu vết những hố bom, giao thông hào, trận địa chằng chịt thời chiến tranh bây giờ không còn nữa. Sự thay đổi đó cũng khiến các CCB thuộc Trung tâm Thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (HCLS) phía Nam (gọi tắt là Trung tâm), Sư đoàn 9 và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rất khó khăn trong xác định chính xác nơi an nghỉ của các đồng đội. Chốc chốc, những mái đầu bạc lại chụm vào nhau trao đổi. Bước chân băng rừng hôm nay nhiều khi như quá sức đối với những người lính già, vì có buổi phải nằm lại giữa rừng làm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Thế nhưng, họ vẫn khẩn trương ngày đêm lặng lẽ vạch từng gốc cây, bờ đất để tìm đồng đội. Chứng kiến những việc làm ấy, chúng tôi thật xúc động, khâm phục tinh thần, nghị lực của các CCB. Đại tá, CCB Trần Nam Hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) - người trực tiếp tham gia trận đánh ấy khẳng định: “Cho dù cảnh vật thay đổi, chúng tôi vẫn có cảm giác vùng đất này thật thân quen, tất cả mọi việc như mới xảy ra hôm qua. Bóng dáng các đồng đội vẫn như đang ẩn, hiện đâu đó quanh đây”. Tiến nhanh về phía Bắc cánh rừng, nơi có những ụ đất mấp mô, cỏ xanh rì, linh cảm mách bảo các CCB đây là nơi yên nghỉ của đồng đội. Được sự hỗ trợ của nhân dân, các ban ngành, đoàn thể tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau hơn ba tháng vất vả tìm kiếm, đào lấp mấy chục khối đất, cuối cùng, ngày 22-5-2013, đoàn CCB đã tìm thấy và cất bốc được 26 bộ HCLS. Đã gần 48 năm trôi qua, giờ tìm lại đồng đội là những bộ hài cốt phủ cờ Tổ quốc, nhưng đồng đội vẫn trong hàng ngũ chỉnh tề như những năm nào ra trận. Không gian như chùng xuống, nước mắt cứ thế lăn dài, không ai nói với ai điều gì, nhưng chúng tôi rất hiểu nỗi nhớ thương đồng đội đang trào dâng trong trái tim mỗi người lính.
Giữ trọn lời thề với đồng đội 1634407620130622163326765
CCB Trần Văn Bản, Đỗ Kim Long, Trịnh Duy Sơn (từ trái sang phải) mặc niệm trước các liệt sĩ trong lần đi tìm kiếm HCLS tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tháng 5-2013.
Thiếu tá, CCB Trịnh Duy Sơn, nguyên Trưởng phòng Hành chính, Nhà máy In Quân đội 2, Phó giám đốc thường trực Trung tâm tâm sự: “Thời gian càng lùi xa, việc tìm đồng đội càng khó khăn, vất vả. Đây chỉ là một trong những tình huống mà chúng tôi thường gặp. Trung tâm thành lập với sự tham gia tích cực của các CCB có kinh nghiệm nhiều năm tìm kiếm HCLS, có người làm công việc thầm lặng này đã gần 38 năm”.
Giữ trọn lời thề
Thắp nén nhang thơm, CCB Trần Văn Bản, nguyên y sĩ Đại đội 10, Ban Quân y Sài Gòn-Gia Định, Phó giám đốc Trung tâm trải lòng: “Là chiến sĩ quân y, những lúc chăm sóc đồng đội bị thương nặng, hay những lúc chiến đấu trong tình huống cam go ác liệt, đồng đội đã thề sống chết có nhau. Nếu sau này, ai may mắn trở về, thì phải có trách nhiệm với đồng đội đã hy sinh”. Do vậy, ngay trong chiến đấu, có trường hợp ông trực tiếp an táng, có trường hợp ông nghe và ghi lại để thuận lợi trong tìm kiếm sau này. Như tại rừng Bưng Còng (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) giữa năm 1971, bom B52 của địch rải thảm trúng hầm thương binh của đơn vị, làm nhiều thương binh đang điều trị tại Ban Quân y Sài Gòn Gia Định hy sinh. Ông là một trong những người trực tiếp mai táng thi thể đồng đội. Im tiếng súng, ông đã tự đi tìm đồng đội từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đến nay. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, phương tiện chủ yếu là chiếc xe đạp, ông vẫn lặng lẽ vượt suối, băng rừng tìm đồng đội.
Tại rừng Bưng Còng, từ năm 1979-1981, ông Bản đã thực hiện 3 đợt tìm kiếm, cất bốc được 83 bộ HCLS. Sau đó, ông báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương. Lần khác vào năm 1996, tại ấp 4, xã Trung Anh (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), chỉ trong ngày nghỉ cuối tuần, ông đã tìm kiếm, cất bốc 4 bộ HCLS là đồng đội của mình. Đã gần 42 năm qua, ông vẫn nhớ như in họ, tên, quê quán những đồng đội hy sinh. Năm 1985, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ông nhận nhiệm vụ bác sĩ kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ông đã tham mưu cho UBND quận thành lập Đội Thanh niên tình nguyện tìm kiếm HCLS, gồm 40 người, do ông phụ trách. Từ đó, ông thuận lợi hơn trong việc tìm HCLS. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân, được sự giúp đỡ của nhân dân, hơn 37 năm qua, ông đã tìm kiếm, cất bốc được 2.100 bộ HCLS. Căn nhà nhỏ bé của gia đình ông ở phường Tân Thới Nhì, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh bao năm qua đã trở thành nơi tiếp đón đồng đội, thân nhân liệt sĩ từ miền Bắc vào Nam tìm hài cốt người thân.
Còn đối với CCB Đỗ Kim Long, ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nguyên cán bộ Tuyên huấn Sư đoàn 5 (Quân khu 7), Trưởng ban liên lạc Hội CCB Sư đoàn 5, tại TP Hồ Chí Minh, đến bây giờ ông cũng không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần đi tìm hài cốt đồng đội. Nhập ngũ năm 1977, trong 4 năm chiến đấu trên đất bạn Cam-pu-chia, ông đã chứng kiến nhiều đồng đội bị thương, hy sinh vì bom mìn của địch. Sự hy sinh đó đã ăn sâu vào trái tim ông suốt những năm tháng trở về công tác tại Đài Phát thanh TP Hồ Chí Minh. Do vậy, khi kinh tế gia đình tạm ổn, ông luôn tìm cách hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi tìm HCLS. Năm 2002, gia đình ông mua được xe ô tô 12 chỗ ngồi. Ông đã tình nguyện dùng xe của gia đình mình làm phương tiện đưa đón thân nhân liệt sĩ. Ông nói vui: “Xe của mình làm nhiệm vụ liêng thiêng, nên luôn được các liệt sĩ phù hộ, nên có tháng cơ động cả 1000km, qua nhiều địa hình rừng núi phức tạp, sang cả Cam-pu-chia, nhưng luôn bảo đảm an toàn”. Gần 20 năm qua, ông đã cùng các thân nhân liệt sĩ tìm kiếm, cất bốc được 190 bộ HCLS. Ngoài công việc tìm kiếm HCLS, ông luôn nhiệt tình giúp đỡ các CCB có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Chúng tôi trở lại trụ sở của Trung tâm ở phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, cũng chính là căn nhà của gia đình CCB Trịnh Duy Sơn. Nếu căn nhà ông Sơn cho thuê, mỗi tháng cũng có thêm thu nhập từ 8 đến 9 triệu đồng. Ông giải thích: “Mình đã 20 năm gắn bó với gia đình liệt sĩ đi tìm đồng đội, cất bốc được 220 bộ HCLS với bao khó khăn vất vả. Trung tâm thành lập tháng 2-2012, cơ sở vật chất còn khó khăn. Đây là trách nhiệm, nghĩa cử tri ân đồng đội". Cán bộ của Trung tâm hầu hết là các CCB tự nguyện. Trung tâm do Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm cố vấn; Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 làm Trưởng ban chỉ đạo và nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp. Tuy mới thành lập, Trung tâm đã nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy của thân nhân liệt sĩ. Chỉ hơn một năm qua, Trung tâm đã tìm kiếm, cất bốc được 221 bộ HCLS, đón tiếp và tư vấn cho hơn 400 lượt thân nhân liệt sĩ. Theo kế hoạch năm 2013, Trung tâm sẽ tìm kiếm khoảng 300 liệt sĩ thuộc địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; huyện Đồng Xoài, tỉnh Đồng Nai. Trò chuyện với chúng tôi, chốc chốc, điện thoại của CCB Trịnh Duy Sơn lại đổ chuông. Ông cho biết: Đó là những cuộc gọi của thân nhân liệt sĩ hỏi về kết quả tìm kiếm và tư vấn hướng dẫn. "Công việc tuy vất vả, nhưng tôi thấy vui, vì mỗi ngày trôi qua, mình lại làm được những việc ý nghĩa!” -  Tâm sự của ông Sơn cũng chính là tâm niệm của những CCB Trung tâm, những người lính Cụ Hồ mãi giữ trọn lời thề với đồng đội.