QĐND Online - Chúng tôi gặp bác Nguyễn Văn Khôi (tên thường gọi Ba Khôi)- nguyên là y sĩ bệnh xá CK120 (Tỉnh đội Quảng Nam cũ), hiện đang là Bí thư chi bộ thôn 4, xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, người cựu chiến binh này vẫn thường xuyên cơm đùm, cơm nắm, trèo đèo, lội suối lặng lẽ đi tìm đồng đội.
Người cựu chiến binh nặng lòng với đồng đội 3603511820120723213911792
Ông Khôi đưa hài cốt đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hơn 30 năm qua, dấu chân của người cựu chiến binh già đã len lỏi trong những cánh rừng, trên những vùng đất mà trước đây quân giải phóng đóng quân để tìm đồng đội. Những năm chiến tranh, Nguyễn Văn Khôi cùng đồng đội làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh trên khắp các địa bàn Tây bắc tỉnh Quảng Nam. Những địa danh như: Tiên Lãnh, Tiên Sơn, Tiên Hà, Tiên Thọ, Thăng Phước...đã trở nên quen thuộc, bởi đó không những là nơi Nguyễn Văn Khôi cố gắng giành giật sự sống cho đồng chí, đồng đội mình mà đây cũng chính là nơi y sĩ Khôi gạt nước mắt tự tay chôn cất những đồng đội đã hy sinh. Bác Khôi tâm sự “Đất nước hoàn toàn thống nhất, tôi trở về gia đình với tỉ lệ thương tật 25%. Khi trái gió trở trời, vết thương vẫn hay đau nhức. Song, cứ nghĩ đến đồng chí, đồng đội mình còn nằm lại ở các cánh rừng, tôi lại không yên. Vì vậy, từ năm 1982, tôi quyết định về lại những vùng căn cứ năm xưa để tìm đồng đội…”.
Bác kể rằng, nhiều chuyến đi vô cùng khó khăn, đặc biệt là việc xác định vị trí chôn cất liệt sĩ, bởi cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. Song, bằng kinh nghiệm và cả sự linh cảm thiêng liêng, liệt sĩ đầu tiên bác tìm được là Phan Đình Cường ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình và sau đó là ngôi mộ tập thể chôn cất 18 liệt sĩ...
Người cựu chiến binh nặng lòng với đồng đội 7142111620120723213915667
Thương binh Nguyễn Văn Khôi (đội mũ tai bèo) cùng tham gia khai quật mộ liệt sĩ
Không chỉ trực tiếp đi tìm đồng đội, bác còn là ân nhân của rất nhiều gia đình liệt sĩ ở các tỉnh, thành phía Bắc. Lúc thì giúp nơi ăn nghỉ, khi thì vận động kinh phí, phương tiện để thân nhân liệt sĩ đưa hài cốt về quê. Âm thầm, lặng lẽ trong cuộc hành trình hơn 30 năm đi tìm đồng đội đầy gian nan, vất vả, bác đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình và thân nhân liệt sỹ. Nói về bác, đồng chí Hường Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước tự hào: “Hình ảnh người thương binh, người cựu chiến binh Ba Khôi âm thầm đi tìm đồng đội trong suốt 30 năm qua, để lại sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện chúng tôi. Không có bài giáo dục truyền thống nào cho thế hệ trẻ bằng chính tấm gương tận tụy này…”.
Điều làm chúng tôi khâm phục và trân trọng hơn cả là hoàn cảnh gia đình của người cựu chiến binh 40 năm tuổi Đảng này không được may mắn như những gia đình khác. Tai họa ập xuống gia đình bác khi người vợ đã không thể đi lại sau một lần tai nạn lao động. Gánh nặng lại chồng chất lên vai người cựu chiến binh khi một tay bác nuôi 4 người con ăn học thành người và chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho vợ. Không quản ngại khó khăn, vất vả, cựu chiến binh Ba Khôi vẫn sắp xếp công việc để đi tìm đồng đội, chỉ với một suy nghĩ giản dị: “Còn biết bao gia đình và thân nhân liệt sĩ, đang ngày đêm ngóng chờ tin tức cốt nhục của mình. Cố được đến đâu, mang lại hạnh phúc cho gia đình liệt sĩ, cũng là mạng lại hạnh phúc cho chính mình”.