QĐND- Thông tư liên tịch số 1/2013/TTLT-BNV-BQP giữa Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng (BQP) hướng dẫn việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng chỉ huy trưởng, chỉ huy phó Ban CHQS xã, phường, thị trấn (cấp xã) chính thức có hiệu lực. Để  giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với các cơ quan chức năng.

Ban hành Thông tư để tháo gỡ những bất cập

“Cuối năm 2012, khi tiếp nhận các học viên đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ngành quân sự cơ sở, nhiều học viên tâm sự bày tỏ băn khoăn lo lắng với chúng tôi liệu sau khi đào tạo về địa phương có được sử dụng không? Điều đó, cho thấy công tác tuyên truyền, quán triệt ở cơ sở về công tác đào tạo chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, công tác sử dụng cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã còn nhiều vướng mắc, bất cập”- Đó là những chia sẻ của Đại tá Nguyễn Vọng Đằng, nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh Thái Nguyên trong buổi khảo sát làm việc giữa Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Bộ Nội vụ) và Bộ Quốc phòng với Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng Huấn luyện Cục DQTV (Bộ Tổng tham mưu) cho biết: Tính đến hết năm 2012, toàn quốc  có 19.203 cán bộ đã được đào tạo trình độ TCCN và cao đẳng (CĐ) ngành quân sự cơ sở và 5.435 đang đào tạo, trong đó có 607 đồng chí đào tạo trình độ đại học (ĐH). Trong tổng số 19.203 cán bộ đã qua đào tạo, có 17.157 đồng chí đã được địa phương bổ nhiệm là chỉ huy trưởng, chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã và phát triển lên các vị trí cao hơn. Kết quả trên, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở và năng lực tham mưu của ban CHQS cấp xã cho cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Tuy nhiên, cũng theo Đại tá Lê Văn Ninh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ ban CHQS cấp xã vẫn còn những bất cập, cần khắc phục, đó là: Sau khi được đào tạo trình độ TCCN và CĐ ngành quân sự cơ sở, đến nay, toàn quốc vẫn còn 1.146 đồng chí chưa được bổ nhiệm đúng chức danh, 7.139 đồng chí đương chức chưa được đi đào tạo. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc sắp xếp, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ ban CHQS cấp xã ở các địa phương chưa thống nhất và kịp thời, việc xây dựng đề án đào tạo từ trình độ TCCN đến trình độ CĐ, ĐH ở một số tỉnh, thành phố chưa hoàn thiện. Hiện cả nước mới có 54/63  tỉnh, thành phố xây dựng hoàn chỉnh đề án đào tạo từ trình độ TCCN đến trình độ CĐ, ĐH. Do không có đề án nên việc tổ chức đào tạo và chi trả kinh phí bảo đảm cho cán bộ đi học gặp rất nhiều khó khăn. Ông Dương Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: “Một số anh em làm cán bộ công tác quân sự cấp xã chưa được đào tạo cơ bản nhưng tuổi đã cao nên không đủ tiêu chí đào tạo và rất khó bố trí công việc mới, vì muốn phát triển được phải có chứng chỉ, bằng cấp”... Từ lý do trên, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BNV-BQP nhằm thống nhất việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng chỉ huy trưởng, chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã trên cả nước.

Quy hoạch, đào tạo gắn với phát triển

Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Bởi vậy, trước khi ban hành Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đã đi khảo sát ở nhiều địa phương để lấy ý kiến. Thông tư liên tịch số 01 nêu rõ, đối tượng quy hoạch nguồn là cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội và Công an, dân quân nòng cốt hoặc người đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân nòng cốt, đảng viên, đoàn viên đang công tác tại cơ cở; người có hộ khẩu thường trú tại địa bàn sở tại đã có bằng đại học, cao đẳng, trung cấp. Tiêu chuẩn quy hoạch là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến 35 tuổi đối với người chưa qua đào tạo, không quá 45 tuổi đối với người đã có bằng TCCN ngành quân sự cơ sở trở lên, phẩm chất đạo đức tốt, là đảng viên hoặc là đoàn viên đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên; có đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo ông Nguyễn Hữu Tám, Chuyên viên cao cấp Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Bộ Nội vụ), Thông tư số 01 ra đời là cơ sở để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phù hợp với quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức hiện hành. Do đó, việc chọn cán bộ đi đào tạo phải đúng đối tượng, đủ số lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ theo chức danh gắn với quy hoạch cán bộ, công chức cấp xã. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng phải thực hiện đúng quy trình, có nguồn kế cận, kế tiếp, tạo sự ổn định lâu dài từng bước trẻ hóa, nâng cao chất lượng ban CHQS cấp xã. Trên cơ sở đó, hằng năm, chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã rà soát quy hoạch để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp điều chỉnh, bổ sung nguồn quy hoạch chỉ huy trưởng, chỉ huy phó. Trường hợp có biến động đột xuất về nguồn trong quy hoạch thì chỉ huy trưởng phải báo cáo UBND cùng cấp xem xét, bổ sung quy hoạch thay thế kịp thời.

Điều kiện để xem xét bổ nhiệm chỉ huy trưởng trong diện quy hoạch chức danh chỉ huy trưởng là có bằng tốt nghiệp trình độ TCCN ngành quân sự cơ sở trở lên, có năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã trong thực hiện công tác quốc phòng, công tác DQTV. Việc bổ nhiệm chỉ huy phó ban CHQS cấp xã trước hết phải trong diện quy hoạch chỉ huy phó ban CHQS cấp xã và trong quy hoạch nguồn cử đi đào tạo TCCN, CĐ, ĐH ngành quân sự cơ sở hoặc đã có bằng tốt nghiệp trình độ TCCN, CĐ, ĐH ngành quân sự cơ sở. UBND cấp huyện quyết định bổ nhiệm chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban CHQS cấp xã theo đề nghị của chủ tịch UBND cấp xã sau khi thống nhất với chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp huyện. Việc sử dụng sau đào tạo, chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban CHQS cấp xã đương chức tốt nghiệp trình độ TCCN, CĐ, ĐH ngành quân sự cơ sở được UBND cấp huyện bố trí chức danh như trước khi đào tạo. Đối với chỉ huy trưởng ban CHQS do yêu cầu công tác cần bố trí làm chỉ huy trưởng ban CHQS xã khác trong cùng huyện thì Phòng Nội vụ trao đổi, thống nhất với ban CHQS cấp huyện, báo cáo chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. Chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban CHQS cấp xã sau khi tốt nghiệp trình độ đào tạo TC, CĐ, ĐH ngành quân sự cơ sở phải có thời gian công tác trong ban CHQS cấp xã đủ 3 năm (36 tháng) trở lên mới được bố trí các vị trí công tác khác hoặc được chuyển lên làm công chức từ cấp huyện trở lên, trừ trường hợp được bố trí đảm nhiệm các chức vụ, chức danh cao hơn hoặc luân chuyển ở chức danh cũ sang đơn vị hành chính cấp xã khác trong cùng đơn vị hành chính cấp huyện. Đối tượng được đào tạo từ nguồn theo quy hoạch chỉ huy trưởng, chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã sau khi tốt nghiệp trở về địa phương được bố trí đúng chức danh quy hoạch. Trường hợp chưa có điều kiện bố trí đúng chức danh theo quy hoạch thì Ban CHQS cấp huyện xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ thôn đội trưởng, trung đội trưởng dân quân hoặc chức vụ chỉ huy DQTV tương đương.

Để công tác này tiến hành đúng quy trình, hiệu quả, Thông tư 01 quy định rõ, Phòng Nội vụ phối hợp với ban CHQS cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát UBND cấp xã về việc quy hoạch và bố trí sử dụng chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban CHQS cấp xã. Đối với Sở Nội vụ phối hợp với Bộ CHQS cấp tỉnh, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra, giám sát UBND cấp huyện về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban CHQS cấp xã.