Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Báo CAND xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá Lê Xuân Thư về của Đại tướng Chu Huy Mân.
Cuộc đời với 93 mùa xuân, 76 tuổi Đảng, 61 tuổi quân, Đại tướng Chu Huy Mân đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng Chu Huy Mân, người đảng viên chân chính, vị tướng tài ba, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng 3_dai2788-180
Đại tướng Chu Huy Mân
Là người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc tài ba, thao lược trên chiến trường suốt 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam, luôn gắn liền với hầu hết các sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, ông còn là một người có biệt tài về xây dựng bản lĩnh chính trị, quân sự, niềm tin và đạo đức cách mạng cho người lính.

Đại tướng Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Điền, sinh ngày 17/3/1913, tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An) sớm được tiếp thu, giác ngộ cách mạng; được kết nạp vào Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930, là Đội phó Đội tự vệ ở địa phương, đồng chí bị địch bắt giam ở nhà tù Vinh rồi đưa lên giam ở Kon Tum.

Đồng chí đã cùng với một số đồng chí khác trốn khỏi nhà giam và bắt được liên lạc với tổ chức Đảng ở tỉnh Quảng Nam, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam. Năm 1946 trên điều ra Quân khu 4 rồi lên Việt Bắc làm Trung đoàn trưởng 72, 74, Chính ủy 174, Chính ủy Đại đoàn 316.

Những năm 1948 – 1949, Trung đoàn 72, 74 do ông chỉ huy đã phối hợp với quân giải phóng Trung Quốc đánh tan Quân đoàn Bạch Sùng Hy của Tưởng Giới Thạch, chiến dịch Biên giới 1950, Trung đoàn 174 (Cao Bắc Lạng) do ông lãnh đạo thắng quân Viễn chinh Pháp ở Đông Khê, Thất Khê, trong chiến dịch đường số 4 diệt gọn 5 tiểu đoàn, 8.000 tên địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn, làm chủ dải biên giới 750km, mở rộng căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, tháng 5/1951, Sư đoàn 316 là một trong 4 sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta được thành lập do ông làm Chính ủy đã tham gia vào nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Biên giới và Thượng Lào cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ vang vọng địa cầu đã để lại những dấu ấn trong lịch sử của Sư đoàn 316 và quân đội ta.

Với tài năng về chính trị, quân sự và xây dựng qua thực tiễn hoạt động chiến đấu của đồng chí Chu Huy Mân, tháng 7/1954 Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao đồng chí làm Tổng cố vấn quân sự sang giúp nước bạn Lào cùng với 100 cán bộ quân sự Việt Nam.

Trước khi đồng chí Mân sang Lào, Bác Hồ gọi đến gặp và căn dặn: "Chú Mân và anh em Đoàn 100 có quyết tâm rất cao. Chú đã chịu khó học tập, rèn luyện, biết cả chính trị, quân sự và công tác tổ chức, có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu thế là rất tốt. Tình hình bạn Lào là rất khó khăn, mục tiêu giúp bạn: xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trưởng thành cả phẩm chất chính trị, năng lực, đảm đương được nhiệm vụ, làm chủ lấy công việc, phải kết hợp chặt chẽ giữa giúp công việc với giúp bồi dưỡng con người; Ba điều cần nhớ cốt yếu của cách mạng Lào là: lâu dài, gian khổ, tự lực cánh sinh là chính và nhất định thắng lợi"; Cuối cùng Bác căn dặn "Giúp bạn là tự giúp mình".

Lời dạy của Bác đã trở thành phương châm hành động của đồng chí Chu Huy Mân trong suốt thời gian làm tổng cố vấn - chuyên gia ở Lào, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm cao cả cùng Đảng uỷ, cán bộ Đoàn 100 nghiên cứu, xác định là phương châm, nguyên tắc, phương pháp giúp bạn có hiệu quả cao.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tổng cố vấn, trước khi chia tay lãnh đạo, nhân dân Lào về nước, Tổng Bí thư BCH TW Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Tổng chỉ huy quân đội PaThét Lào Cay Xỏn Phôn Vi Hẳn phát biểu: Chưa đầy 3 năm, được sự giúp đỡ của Tổng cố vấn, Chuyên gia và cán bộ Đoàn 100 đã xây dựng thành công các đơn vị bộ đội chủ lực trung trực thuộc Bộ Quốc phòng, xây dựng, bảo vệ trọn vẹn Hài Lỉnh Hủa Phăn và Phông Xà Lỳ, tạo dựng lực lượng khá vững chắc để phát triển cách mạng Lào… giúp bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng trong lực lượng vũ trang cả số lượng, chất lượng tăng lên gấp bội là lực lượng nòng cốt, vững chắc cho Đảng và cách mạng Lào; chân thành cảm ơn Bác Hồ, Bộ Chính trị TW và Quân ủy Trung ương Việt Nam đã cử đồng chí Chu Huy Mân và 100 cán bộ sang giúp Lào một cách vô tư, tận tình, chân thành có hiệu quả và tin cậy.

Những năm tiếp đó ông có 2 lần lại được Bộ Chính trị, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương tín nhiệm cử sang Lào giúp bạn đưa lực lượng vũ trang Pa Thét Lào tham gia hoà nhập dân tộc và làm Trưởng đoàn cố vấn quân sự bên cạnh Trung ương Đảng - Bộ Quốc phòng Lào, làm cố vấn cho Chính phủ Vương quốc và Neo Lào Hắc - Xạt.

Hình ảnh một vị tướng cố vấn quân sự Việt Nam được bạn và đồng bào các bộ tộc Lào gọi với cái tên tình cảm, trìu mến, kính trọng là tướng Thao Chăm đã để lại tình sâu, nghĩa rộng mãi mãi trong Đảng, quân đội và nhân dân Lào, trở thành một huyền thoại được lưu truyền trong quân đội, nhân dân các bộ tộc Lào qua các thế hệ.

Đánh giá về công lao giúp đỡ của đồng chí Chu Huy Mân, Tổng cố vấn - chuyên gia quân sự cả kiến thức, năng lực, tổ chức và chỉ huy, về phương pháp giúp đỡ Lào, Đại tướng Khăm Tày Xì Phăn Đon, chỉ huy tối cao quân đội Lào (sau là Tổng Bí thư - Chủ tịch nước) nói: "Đồng chí Chu Huy Mân đúng là Phò Xiều Xan, có nghĩa một chuyên gia có tầm cỡ bậc thầy".

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tổng cố vấn - chuyên gia quân sự ở Lào về nước, đồng chí được cấp trên phân công làm Chính ủy Quân khu 4. Tháng 5/1958, được Bộ chính trị, Bác Hồ và Quân uỷ Trung ương tín nhiệm giao trọng trách là Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu Tây Bắc. Cùng lên Tây Bắc còn có Sư đoàn 316 đang đóng quân ở Thanh Hoá.

Trước khi đồng chí Chu Huy Mân và Sư đoàn 316 lên Tây Bắc được Bác Hồ đến thăm, động viên giao nhiệm vụ. Đồng chí Chu Huy Mân và toàn thể cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn hứa với Bác Hồ và Trung ương Đảng: "Nhiệm vụ mới tuy khó khăn, phức tạp nhưng chúng cháu đã thắng "Tây" ở Điện Biên, nay chúng cháu nhất định phát huy được sức mạnh đoàn kết thống nhất, gắn bó với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, quyết thắng nghèo nàn lạc hậu ở Điện Biên Phủ.

Quyết tâm của đồng chí Chu Huy Mân hứa với Bác đã trở thành sự thực, chưa đầy 2 năm đồng chí đã cùng tập thể Khu ủy - Quân khu ủy xây dựng Tây Bắc phát triển về mọi mặt, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phát triển đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm hầu hết các vùng nông thôn Tây Bắc có cơ sở Đảng. Tổ chức được một số nông trường ở Điện Biên, Mộc Châu kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng

Đầu năm 1961, từ chiến trường Lào về nước, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng uỷ Quân khu 4 được gần 2 năm thì trên cử làm Trưởng đoàn cán bộ cao cấp đi học công tác tham mưu ở Liên Xô cùng với Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Lê Ngọc Hiền… Từ Liên Xô về nước ông làm Chính ủy kiêm Tư lệnh - Bí thư Đảng ủy Quân khu 4.

Cuối năm 1963 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điện ra Hà Nội chuẩn bị đi Miền Nam. Theo quyết định điều vào B2 (R) làm Phó chính ủy Miền do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh Chính ủy. Nhưng sau mấy ngày làm công tác chuẩn bị thì Quân uỷ - Tổng tư lệnh thay đổi quyết định, giao ông làm Trưởng đoàn kiểm tra của Quân uỷ vào làm việc với Khu ủy 5 - Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Là một cán bộ luôn có tác phong sâu sát, cụ thể, thực tiễn ông đi khảo sát xuống một số tỉnh, một số tiểu đoàn, đại đội chiến đấu, từ đó rút ra kết luận 5 vấn đề cần tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, được Khu ủy 5 - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhất trí cao và báo cáo với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Sau đó Bộ Chính trị, Quân ủy, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định ông ở lại chiến trường đảm nhiệm Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy viên Quân khu 5, rồi chuyển làm Tư lệnh Quân khu 5.

Mỹ đang trên đà thất bại chiến lược chiến tranh đặc biệt ở miền Nam - Việt Nam, đồng chí Chu Huy Mân đã chủ động đề xuất Khu ủy ra nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ, những công tác lớn của toàn khu, đề ra 3 mục tiêu chính cần giải quyết đó là phá ấp chiến lược, phá kìm kẹp của địch, giành và làm chủ căn cứ và vùng giải phóng vững mạnh giành thông minhồn nhân lực lớn cho cách mạng. Xây dựng lực lượng vũ trang đủ sức tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã từng bộ phận quân địch. Củng cố phát triển mạnh mẽ lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, 3 thứ quân tăng cường thực lực kinh tế đảm bảo đánh lâu dài và quyết thắng.

Tháng 7/1964, Quân khu 5 phát động phong trào đẩy mạnh tác chiến tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta và mở chiến dịch thu đông đánh địch trận Kỳ Sanh (Tây Nam - Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam). Trước khi lâm trận ông xuống trực tiếp Tiểu đoàn BB90 Trung đoàn 1 động viên cán bộ, chiến sĩ và giao nhiệm vụ phải đánh theo chiến thuật "đánh điểm diệt viện" tiêu diệt bộ phận lớn quân cơ động địch, bắn cháy và bắt sống xe bọc thép M113, đánh bại chiến thuật "Thiết xa vận" của địch, bắn rơi máy bay bằng súng trường, tiểu liên... qua đó sẽ nâng cao được trình độ tác chiến, sức chiến đấu của đơn vị và quân đội.

Hình ảnh một vị tướng xuống tận cơ sở và vào rừng chặt cây gỗ vót nhọn đứng trước hàng quân, trước khi ra trận hướng dẫn cho cán bộ, chiến sỹ cách đánh địch, đánh xe bọc thép M113, cách đào công sự bằng cọc gỗ để bám trụ kiên cường bắn cháy và bắt sống được xe bọc thép M 113 của địch, đã để lại tình cảm, lòng kính phục mãi mãi với lực lượng vũ trang Quân khu 5.

Sau Nghị quyết 11 Trung ương Đảng khóa 3 (nghị quyết đặc biệt) về tình hình nhiệm vụ cấp bách khi Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, đồng chí Chu Huy Mân lại chủ động đề xuất Khu ủy, Đảng ủy Quân khu 5 ra chủ trương xây dựng vành đai diệt Mỹ quanh các căn cứ Mỹ, khẩn trương đánh phủ đầu quân Mỹ. Quân và dân khu 5, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam đã đi đầu diệt Mỹ, đánh thắng Mỹ ngay từ những trận đầu, với phương châm lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn.

Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ thất bại, quân ngụy Sài Gòn đã suy yếu toàn diện. Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam... Trước tình hình trên, Bộ Chính trị và Quân khu ủy điều đồng chí Chu Huy Mân từ Quân khu 5 làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Bí thư Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên (B3). Sau một thời gian ngắn nắm tình hình, khảo sát thực địa tại chiến trường Tây Nguyên... Chính ủy kiêm Tư lệnh Chu Huy Mân quyết định mở Hội nghị Đảng ủy mở rộng toàn mặt trận nghiên cứu, quán triệt nhiệm vụ tác chiến, xây dựng kế hoạch chiến đấu, biểu thị quyết tâm, quyết đánh, quyết thắng Mỹ của quân và dân Tây Nguyên.

Cuối hội nghị, đồng chí kết luận: Cứ đánh thắng trong chiến dịch này sẽ tìm ra cách đánh Mỹ có hiệu quả nhất. Quyết tâm đó của người lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường được thấu triệt đến cán bộ, chiến sỹ toàn mặt trận Tây Nguyên bằng trận mở đầu thắng lợi trong chiến dịch PLâyme lịch sử của quân, dân Tây Nguyên với trận quyết chiến tại thung lũng IAĐrăng.

Tháng 6/1967 quân dân Tây Nguyên đang triển khai chiến dịch Đắk Tô thì có điện của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương gọi đồng chí Chu Huy Mân ra Hà Nội báo cáo với Bác về tình hình chiến trường khu 5, Tây Nguyên.

Sau buổi làm việc, Bác ân cần động viên căn dặn đồng chí Chu Huy Mân: "Đã làm tướng trong tình huống nào cũng không được xúc động". Trong bữa cơm riêng cùng ăn với Bác, Bác nói tiếp: "Chú Mân trở lại chiến trường Tây Nguyên Quân khu 5 cứ yên tâm làm nhiệm vụ, sức khoẻ của Bác chưa có vấn đề gì đâu; chú phải luôn nhớ nội bộ Đảng, quân dân đoàn kết nhất trí, cả nước một lòng chiến đấu thắng lợi Bác càng khoẻ; chú nhớ chuyển lời Bác thăm sức khoẻ bộ đội đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cán bộ địa phương, chú làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị, chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe".

Đồng chí Chu Huy Mân trở lại chiến trường Tây Nguyên sau câu chuyện được ăn cơm riêng cùng Bác, từ đấy cán bộ, chiến sĩ chiến trường Tây Nguyên Quân khu 5 gọi ông là Hai Mạnh cho đến khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ.

Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, quân dân khu 5 đồng loạt tấn công địch, gây cho địch những tổn thất lớn nhưng vẫn bảo tồn được lực lượng, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị gửi điện biểu dương khen ngợi: "Chỉ huy Quân khu 5 nhạy bén sáng suốt sau đợt đầu tổng tiến công đã chủ trương dùng phân đội nhỏ, pháo cối, tiến công các căn cứ và đô thị, đại bộ phận chủ lực lùi ra diệt địch giữ thế trận nông thôn đồng bằng".

Chiến dịch xuân năm 1975 để phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, Quân khu 5 sử dụng Sư đoàn 3 tiến công trên đường 19 đánh chiếm Bình Khê, An Khê, cắt đứt đường 19 thực hiện chia cắt chiến lược quân địch giữa đồng bằng miền Trung và Tây Nguyên. Thường vụ Khu ủy 5 - Quân khu 5 hạ quyết tâm đẩy nhanh tốc độ tiến công địch nhằm giải phóng toàn khu, đặt chỉ tiêu: Diệt Sư đoàn 2 thông minhỵ, đánh chiếm Tam Kỳ, Quảng Ngãi hình thành thế chia cắt chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, phát triển tiến công đánh chiếm căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng.

Trưa 25/3/1975, đồng chí Chu Huy Mân nhận được điện của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, chỉ định Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Chu Huy Mân Chính ủy chiến dịch. Hai ông đang chỉ huy quân, một ở Bắc đèo Hải Vân, một ở Tây Nam Tam Kỳ cách xa nhau 200km, thống nhất với nhau mấy điểm cơ bản trên điện đài và hạ quyết tâm nhanh chóng cùng tiến vào Đà Nẵng đập tan gần 10 vạn quân ngụy không cho chúng "tử thủ" cũng không để chúng rút chạy ra biển và vào Sài Gòn.

Đà Nẵng căn cứ liên hiệp quân sự lớn thứ 2 ở miền Nam được giải phóng cùng với chiến thắng giải phóng Tây Nguyên đã tạo cho ta cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị có sức áp đảo quân địch để bước vào trận quyết chiến cuối cùng của quân dân cả nước trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975.

Nói về Đại tướng Chu Huy Mân - một đảng viên chân chính, nhà chính trị, quân sự tài ba, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tài thao lược của đồng chí Chu Huy Mân ở hai mặt trận Quân khu 5 và Tây Nguyên (B3) đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội; ông luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, dũng cảm, sáng tạo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc, ông là một cán bộ cấp cao tiêu biểu cho Đảng, Nhà nước, Quân đội, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị quân sự song toàn của Quân đội và nhân dân ta, một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân học tập noi theo".

Ghi nhớ về ông, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết: "Ông Chu Huy Mân rất quan tâm tới đạo lý sống, lo thì lo trước mọi người, vui thì vui sau mọi người, ông thường quan tâm thăm hỏi đến các cán bộ lão thành quen biết về tình hình địa phương, gia đình. Ông luôn khao khát cập nhật về nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trên cả 3 miền đất nước, từ đó đi sâu tình hình thực tế về những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm đổi mới. Trải qua 4 kỳ Đại hội Đảng, ông luôn đóng góp tới Trung ương Đảng ta nhiều ý kiến quý báu đầy tâm huyết với mong muốn Đảng, quân đội ta ngày càng vững mạnh, đất nước ngày càng phát triển”.

Nhớ đến đồng chí Chu Huy Mân, tôi nhớ cái biệt danh Hai Mạnh mà cán bộ, chiến sỹ ta trên chiến trường miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ đã thân mật đặt cho ông.

Quả đúng như vậy, trải qua 93 tuổi đời, 76 tuổi Đảng, 61 tuổi quân, Đại tướng Chu Huy Mân thực sự là một tướng quân hùng mạnh, mạnh về quân sự, mạnh về chính trị, mạnh về tinh thần và thể chất, mạnh về ý chí nghị lực cách mạng, mạnh ở lòng trung thành và tận tâm, mạnh ở đức tính hy sinh và xả thân, mạnh ở khí phách bất khuất kiên cường trước những khó khăn thử thách…

Trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay, anh Chu Huy Mân là tấm gương sinh động để cho chúng ta mãi mãi noi theo"

CAND online