QĐND - Mãi đến khi những đồng đội còn sống tập hợp nhau lại, thực hiện lời thề năm xưa để trọn nghĩa tri ân đồng đội, thì câu chuyện về gần 600 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 28 Đặc công (Quân đoàn 4) hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mới làm “nóng” truyền thông. Trong bề dày chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các anh hùng, liệt sĩ, có những câu chuyện bi tráng, cảm động lần đầu tiên được kể lại sau 38 năm, kể từ ngày đất nước thống nhất.

Chuyện liệt sĩ trở về

Những ngày cuối tháng 7-2013, Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn 28 Đặc công (thuộc Sư đoàn 7-Quân đoàn 4) đón một vị khách đặc biệt trở về từ Côn Đảo dự họp mặt. Ông là Đại úy CCB Ngô Ngọc Minh, sinh năm 1930, quê Cà Mau, nguyên sĩ quan xe tăng từng được đào tạo bài bản ở Liên Xô (trước đây), nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 28 Đặc công từ những ngày đầu thành lập đơn vị. 83 tuổi, ông Minh không còn khỏe nhưng đầu óc vẫn còn khá minh mẫn. Gặp lại người Chính trị viên được mệnh danh là “Anh Cả” của tiểu đoàn, nhiều CCB các thế hệ không giấu được xúc động, nước mắt rưng rưng. Ông Minh trở thành nhân vật đặc biệt còn bởi đời binh nghiệp của ông là một cuộc hành trình “trở về từ cõi chết”.

Một thời để nhớ: Tiểu đoàn 28 Đặc công và câu chuyện 38 năm chưa kể..... 2431046820130812145555843
Ông Minh (thứ ba, từ phải sang) hội ngộ đồng đội sau hơn 40 năm.

Trong tài liệu “Danh sách liệt sĩ của Tiểu đoàn 28 Đặc công” ở Quân đoàn 4 đã ghi rõ: 587 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh, trong đó ở số thứ tự 80 là tên của liệt sĩ Ngô Ngọc Minh, nhập ngũ tháng 2-1951, đi B năm 1966, Chính trị viên Tiểu đoàn 28 Đặc công, hy sinh ngày 5-5-1968. Tại công trình bia tưởng niệm đặt ở khu di tích Suối Sọ, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, tưởng niệm 34 cán bộ, chiến sĩ đặc công hy sinh trong trận đánh kinh điển vào trung tâm Lữ đoàn 1, Sư đoàn 1 của Mỹ tại căn cứ Dĩ An đêm mồng 4, rạng sáng ngày 5-5-1968 cũng đã ghi tên Chính trị viên Ngô Ngọc Minh vào danh sách liệt sĩ. Đây là một trong những trận đánh lớn nhất, gây tiếng vang khắp chiến trường miền Nam lúc bấy giờ và đây cũng chính là thời điểm tạo bước ngoặt lớn của cuộc đời ông Minh. Trong trận đánh xuất quỷ nhập thần này, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Anh Đào và Chính trị viên Ngô Ngọc Minh, Tiểu đoàn 28 Đặc công đã tiêu diệt 250 tên Mỹ, phá hủy 2 máy bay, 19 xe tăng, 10 khẩu pháo của địch. Ông Minh nhớ lại: “Trận chiến đấu diễn ra không cân sức. Bên ta chỉ có 37 cán bộ, chiến sĩ, đối đầu với một lữ đoàn thiện chiến của Mỹ. Đến 14 giờ ngày 5-5, ta chỉ còn lại 5 đồng chí, chúng tôi quyết định phải mở đường máu, nhưng chỉ có 2 đồng chí thoát ra được, 2 đồng chí hy sinh. Tôi đang chiến đấu mở đường máu thì bỗng nghe một tiếng nổ inh tai, toàn thân bị nhấc bổng lên rồi chẳng biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong trại giam Chí Hòa, cánh tay trái bị mất, đùi phải bị gãy dập, gãy 2 răng, vỡ quai hàm trái, toàn thân quấn băng kín mít, thân thể đau buốt. Những người bạn tù ở trại giam cho hay, tôi đã mê man bất tỉnh 12 ngày đêm”.

Ông Minh bị mất liên lạc hoàn toàn với đơn vị từ đó. Để giữ bí mật cho tổ chức, ông giấu biệt danh tính, không hé răng khai báo nửa lời, mặc cho kẻ thù tra tấn hết sức dã man. Tháng 11-1968, ông và 2 đảng viên cốt cán của chi bộ Đảng trong nhà tù tổ chức vượt ngục về Khu 9-miền Tây Nam Bộ. Vừa thoát được ra ngoài thì tổ 3 đồng chí vượt ngục dính ngay đòn tâm lý chiến của địch. Chúng lập tức cho in truyền đơn có in hình và ghép chữ ký của 3 đồng chí mang đi rải khắp nơi, đồng thời sử dụng trực thăng, cho người giả giọng của 3 ông phát lời kêu gọi chiêu hồi. Ngón đòn tâm lý chiến quá hiểm của kẻ thù khiến ông Minh bị mang tiếng oan suốt từ đó. Ông sống lặng lẽ, âm thầm ở miền Tây Nam Bộ, sau đó đưa vợ con ra định cư ở Côn Đảo. Mãi đến năm 2008, sau khi nối lại liên lạc với các đồng đội cũ ở Tiểu đoàn 28 Đặc công, ông Minh mới được minh oan, được phục hồi Đảng. Cũng năm đó, ông được nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Hạnh phúc trào nước mắt. Ông Minh hạnh phúc vô cùng nhưng những đồng đội của ông cũng hạnh phúc không kém, bởi người “Anh Cả” của họ, người Chính trị viên mẫu mực của Tiểu đoàn 28 Đặc công năm xưa, tưởng đã hóa thân vào cát bụi, ngờ đâu lại trở về từ cõi chết.

Và hôm nay, một lần nữa ông Minh lại trở về trong vòng tay đồng đội. Dòng họ tên của ông không còn trong bản danh sách liệt sĩ có số thứ tự lên đến gần 600 của Tiểu đoàn 28 Đặc công, nhưng trên tấm bia tưởng niệm đặt ở nơi diễn ra trận đánh kinh điển trong đời làm chính trị viên của ông thì vẫn chưa được xóa. “Chúng tôi đang làm thủ tục đề nghị cơ quan quản lý di tích lịch sử văn hóa địa phương sửa lại bia tưởng niệm”-Trung tá Nguyễn Tấn Phát, Trưởng ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 28 Đặc công, cho biết.

Tri ân đồng đội

Câu chuyện liệt sĩ trở về của ông Minh là một trong rất nhiều chuyện cảm động của Tiểu đoàn 28 Đặc công mà nếu không phải người trong cuộc, rất khó để hình dung một cách đủ đầy. Đại tá Lê Anh Đào, Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 28 Đặc công, người bạn chiến đấu thân thiết của ông Minh kể: “Tiểu đoàn 28 Đặc công, tiền thân là Đại đội 100 Đặc công được thành lập ngày 19-3-1967 tại rừng Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, do tôi làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Mai Văn Đỗ làm Chính trị viên. Đầu năm 1968, khi Đại đội 100 được nâng cấp, phát triển thành Tiểu đoàn 28 Đặc công thì đồng chí Ngô Ngọc Minh về làm Chính trị viên. Đây là đơn vị đặc công đầu tiên của Bộ tư lệnh Miền. Lúc bấy giờ, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ cấp bách đối với Bộ tư lệnh Miền là phải có lực lượng đặc biệt tinh nhuệ để đánh phủ đầu các đơn vị quân đội Mỹ bằng hình thức đặc công, đánh hiểm, thắng lớn, vừa khuấy đảo tâm lý của địch, vừa tạo thế cho các đơn vị chủ lực kết hợp lực lượng vũ trang địa phương thực hiện các trận đánh lớn. Tiểu đoàn đánh địch ở khắp nơi trên chiến trường Đông Nam Bộ. Từ ngày thành lập đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tiểu đoàn đã đánh hàng trăm trận, trong đó có nhiều trận kinh điển được biên soạn thành tài liệu giáo khoa của lực lượng đặc công. Tháng 1-2011, tiểu đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Một thời để nhớ: Tiểu đoàn 28 Đặc công và câu chuyện 38 năm chưa kể..... 5760952020130812145751265
Phác thảo tượng đài liệt sĩ Tiểu đoàn 28 Đặc công.
Trong câu chuyện tri ân đồng đội của các CCB Tiểu đoàn 28 Đặc công sau gần 40 năm đất nước thống nhất, chúng tôi chợt thấy nhói lòng khi nghe những CCB nhắc lại những giây phút sinh tử của đồng đội, để rồi mãi mãi sau đó, thân xác các anh tan vào đất đai. Trung tá Nguyễn Tấn Phát, Trưởng ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 28 Đặc công, chia sẻ:

- Các lực lượng khác khi chiến đấu hy sinh, sau này còn có thể tìm được hài cốt, nhưng với những đồng đội của chúng tôi, bằng lối đánh cảm tử trong lòng địch, khi ngã xuống, thân xác hầu như không còn nguyên vẹn. Mà nếu có nguyên vẹn thì đồng đội cũng không thể đem thi thể ra ngoài được.

Cũng bởi thế nên trong danh sách gần 600 liệt sĩ, cho đến nay, số liệt sĩ tìm được hài cốt mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tâm nguyện lập một nơi thờ tự, tưởng niệm chung cho gần 600 liệt sĩ ở đơn vị đặc công đầu tiên của Bộ tư lệnh Miền là khát vọng nung nấu trái tim những người còn sống. Trung tá Nguyễn Tấn Phát cho biết, thân nhân, gia đình các liệt sĩ Tiểu đoàn 28 Đặc công có mặt ở khắp các địa phương trong cả nước. “Nhiều gia đình từ miền Bắc vào tìm thông tin về mộ liệt sĩ chỉ biết cùng những CCB chúng tôi tìm đến các địa điểm nơi đồng đội đã hy sinh năm xưa, bốc một nắm đất đem về thờ, chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm. Chỉ làm được đến thế thôi. Ai cũng mong muốn có một đền thờ, một nơi tri ân, tưởng niệm để hằng năm, thân nhân, gia đình liệt sĩ đến đây thắp nén nhang tưởng nhớ”.

Và những ngày cuối tháng 7-2013, đúng vào dịp cả nước thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, một tin vui đã đến với các CCB Tiểu đoàn 28 Đặc công: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 28 Đặc công tại Chiến khu Đ, tỉnh Bình Dương, nơi diễn ra nhiều trận đánh của Tiểu đoàn 28 Đặc công năm xưa.

“Chờ cho công trình hoàn thành, rước các linh hồn đồng đội về đây an nghỉ rồi chúng tôi có nhắm mắt xuôi tay cũng thỏa lòng!”-Đại tá Lê Anh Đào bùi ngùi chia sẻ.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẾ TRUNG
Nguồn: Báo QĐND