Ngay khi mạng Internet mới manh nha xuất hiện, nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng thế giới người Ba Lan Stanislaw Lem (1921-2006) đã thốt lên: “Mới trong nôi đã làm tôi phát khiếp!”. Tuy nhiên, có lẽ lúc đó một trí tuệ minh triết nhìn xa trông rộng như Lem cũng không thể hình dung được ra ngày mà mạng Internet đã trở thành chiến trường quen thuộc để các lực lượng khủng bố tiến hành thánh chiến (Jihad) như hiện nay. Trang web Slate.fr trung tuần tháng 8 này trong bài “Jihad chuyển lên mạng” đã phải than thở: “Chúng ta chỉ còn thiếu phải gặp mỗi tai họa này thôi!”.


Quả thực đó là một tai họa lớn đối với xã hội loài người. Ở thời điểm hiện nay, các cơ sở địa phương của Al-Qaeda và những phần tử có cảm tình với các lực lượng khủng bố đã sở hữu rất nhiều tài khoản trên mạng xã hội Twitter. Các tay súng Somalia đã tải lên mạng hình ảnh xác một quân nhân trong đơn vị đặc nhiệm đã không hoàn thành được nhiệm vụ giải cứu điệp viên Pháp Denis Allex đang bị chúng bắt giữ. Tại các khu vực cư trú của các bộ lạc ở Afghanistan và Pakistan, phong trào Taliban thường xuyên ra mặt đối đầu với các lực lượng thuộc liên quân quốc tế do NATO đứng đầu trong các trận đấu trên mạng Twitter.  Chi nhánh  Al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo cũng đã quyết định noi theo tấm gương này: Đã vài ba tháng nay, nhóm này đã viết các thông điệp  bằng tiếng Arab, tiếng Anh và tiếng  Pháp (của đáng tội không được trôi chảy cho lắm) lên trên trang web  Andalus-Media của mình. Ngoài ra, chúng còn tổ chức những hoạt động theo kiểu họp báo ngay trên mạng xã hội Twitter… Ai dám bảo những tín đồ của tôn giáo vào loại cổ kính hàng đầu thế giới này xa lạ với những thành tựu công nghệ tân kỳ nhất?!

Ngoài mạng xã hội Twitter, các phần tử Hồi giáo cực đoan còn bám rễ vào cả phần mềm chia sẻ ảnh miễn phí Instagram. Ít ra điều này đã được khẳng định tại Trung tâm Nghiên cứu nhà nước Memri của Israel, cơ quan luôn giám sát chặt chẽ bất kỳ chuyển động nào trên mạng. Trong một  báo cáo của mình, các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về việc các phần tử cuồng tín đang ngày càng gia tăng sử dụng mạng xã hội này.

Trong vòng bốn tháng theo dõi, các chuyên gia đã nhận ra được tốc độ gia tăng đáng kinh hãi của việc “khai khẩn” mạng xã hội từ phía các phần tử Hồi giáo cực đoan. Các nhân viên của Trung tâm Memri đã phải lang thang trong “rừng rậm” của Instagram rất nhiều để phát hiện ra những cơ sở của các phần tử ủng hộ thánh chiến. Và họ đã phát hiện ra được không ít những đối tượng khả nghi. Một vài tháng trước đây, họ còn tìm thấy trên trang web dịch vụ chia sẻ video lớn hàng thứ hai trên thế giới Dailymotion (sau YouTube) với đầy đủ chứng cớ để bị coi là “cánh đồng màu mỡ của video Hồi giáo”. Dĩ nhiên, những người quản lý trang web này đã không tiếc sức để phủ nhận điều đó…

Mạng… thánh chiến 3_mang144-450

Thánh chiến mạng

Về phần Instagram thì các chuyên gia nói rằng họ đã tìm thấy rất nhiều tài khoản được dùng để tôn vinh Osama bin Laden, Anwar al-Awlaki (thủ lĩnh của Al-Qaeda ở bán đảo Arab, đã bị máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt), Abu Yahya al-Libi (từng là nhân vật số hai trong  mạng lưới Al-Qaeda, cũng đã bị tiêu diệt bởi máy bay không người lái)… Sau  khi lộ mặt, phần lớn những tài khoản này đã bị xóa bỏ…

Trong bất luận trường hợp nào, việc tràn ngập các phần tử Hồi giáo cực đoan trên mạng không chỉ gây lo ngại cho những người ngoại đạo mà còn có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới những căng thẳng nghiêm trọng ở bên trong tôn giáo này.

Liệu các phần tử Hồi giáo cực đoan có nhất thiết phải tung lên mạng xã hội Twitter những lời đe dọa của chúng hay nhấn nút like dưới những tấm ảnh các chiến binh tử vì đạo trong các trận đánh và sử dụng các bộ lọc lo-fi khi đưa lên các bức ảnh của Osama bin Laden? Có thể họ phải hài lòng với việc phát biểu trên các diễn đàn thôi? Abu Saad Al-Amili, một trong những nhà tư tưởng chính của Al-Qaeda trên bán đảo Arab tỏ ra ủng hộ “trường phái cũ”.

Trong bài luận viết về phong trào trực tuyến Hồi giáo, Al-Amili tìm cách kêu gọi tất cả mọi người bình tĩnh lại: Không lên mạng Twitter nữa, tốt hơn là tới các diễn đàn! Al-Amili cho rằng,  một trong những lý do khiến cho các phần tử Hồi giáo rời bỏ diễn đàn đi vào các mạng xã hội là sự đóng cửa của hàng loạt các server. Theo Al-Amili, việc giảm như thế đã là cần thiết ở một thời điểm nhất định, tuy nhiên, hiện tượng đó làm suy yếu quá độ phong trào lên mạng Internet để có thể trở thành một tiêu chuẩn mới của chủ nghĩa Hồi giáo quốc tế trên mạng.

Những tín đồ đạo Hồi bắt đầu các hoạt động của mình trên mạng từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Phong trào Al-Qaeda và các chi nhánh khu vực của nó đã tạo dựng nên được những “thương hiệu” riêng của mình như những con dấu đảm bảo cho các thông cáo báo chí trên mạng: As-Shahab được dùng cho cơ quan đầu não của Al-Qaeda, Al-Andalus Fundation cho chi nhánh Al-Qaeda khu vực Maghreb Hồi giáo, Al-Malahem cho chi nhánh Al-Qaeda trên bán đảo Arab và Al Furqan cho chi nhánh Al-Qaeda tại Iraq. Theo lý giải của nhà nghiên cứu Dominique Thomas từ Viện Hồi giáo và Xã hội Hồi giáo trên thế giới, đồng thời với những cơ sở này đã hình thành  cả những thương hiệu đan xen, trước hết là GIMF tức The Globa Islamic Media Found, như một tập hợp các chuyên viên Hồi giáo…

Chuyên gia về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan Marc Trévidic tin rằng, động lực thúc đẩy các trào lưu chính thống tràn lên mạng Internet chính là cuộc chiến tranh mà Mỹ đã phát động ở Iraq, khi mà có nhiều nhóm được trang bị máy quay đã ghi lại những tội ác sát nhân để rồi tung các hình ảnh đau thương đó lên mạng: “Jihad được tiến hành 100% cả trên chiến trường thực tế lẫn trên mạng Internet”…

Tất nhiên là các cơ quan an ninh của phương Tây đã không khoanh tay thúc thủ. Những đòn tấn công quyết liệt của họ đã làm nguội bớt nhiệt tình của những phần tử Hồi giáo. Al Fallujah, một trong những diễn đàn Hồi giáo chính, đã phải đóng cửa một thời gian rồi khi tái xuất giang hồ, đã thay đổi không ít trong giao diện mới... Tuy nhiên, những người dùng cũ của diễn đàn này cảm thấy nghi ngờ nó nên đã nối đuôi nhau “đi chơi chỗ khác”… Rốt cuộc nó đã phải đóng cửa vĩnh viễn vào năm 2010.

Bản thân những phần tử Hồi giáo tham gia hoạt động trên mạng Internet cũng đang suy nghĩ về câu chuyện an ninh thông tin cho chính mình. Họ thậm chí còn dựng nên cả một Trung tâm đặc biệt nghiên cứu công nghệ, chịu trách nhiệm phát triển các giải pháp phần mềm mã hóa. Nổi tiếng nhất trong số các chương trình này là Moujahideen Secret. Tuy nhiên, thời gian gần đây nó đã được thay thế bằng chương trình Chat Secret được coi là đáng tin cậy hơn. Đối với các chuyên gia mạng Hồi giáo cực đoan, an ninh mạng hoàn toàn không phải là điều quan tâm sau cuối…

Thế hệ Facebook

Trong bài viết của mình, Abu Saad Al-Amili, người đã rất mạnh mẽ bày tỏ sự không hài lòng đối với hiện tượng bỏ các diễn đàn đi “chém gió” nơi khác, cho rằng, để bảo vệ danh tính của người vào các diễn đàn hiện đang sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có. Điều đó ngược lại với  những gì diễn ra trên các mạng xã hội, nơi không hề tồn tại bất cứ một sự kiểm soát nào. Al-Amili khẳng định, trên các mạng xã hội, “chúng ta chỉ là khách vãng lai bởi vì các trang web được điều hành bởi những kẻ thù của chúng ta”. Điều này có nghĩa là sử dụng dịch vụ của các công ty khởi động (start-uop) ở California  khó có thể được coi là việc dĩ nhiên nếu bạn là người theo đạo Hồi…

Chuyên gia Trévidic lý giải, “giống như một số tiểu cộng đồng của những tín đồ theo giáo phái Salafi ở phương Tây, họ đã tạo ra một hình thức bong bóng bao quanh  lấy mình trong vòng vây của những kẻ vô đạo. Đây là một thứ bàng quan nội hàm Hồi giáo, tuân thủ các nguyên tắc tín ngưỡng của các tín đồ. Bất cứ ai không thích hợp với những nguyên tắc này đều bị trục xuất…”.

Hiện nay những tranh cãi về việc mạng Internet có thích ứng với các tiêu chí trong Sharia (luật Hồi giáo) hay không đã chìm vào quá khứ. Điều này có thể được coi như một minh chứng về việc những người Hồi giáo sẵn sàng thay đổi tư duy thiên về chủ nghĩa thực dụng? Chuyên gia  Trévidic lý giải: “Những người Hồi giáo cực đoan - đó cũng là những  người dám thay đổi và biết sử dụng các khả năng kỹ thuật hiện có của mình để xây dựng một nhà nước Hồi giáo thì tất cả hoặc gần như tất cả các phương tiện đều tốt…”.


Không gian kỹ thuật số không còn là một môi trường ngoại vi nữa. Thế hệ  các tín đồ Hồi giáo mới (ở độ tuổi 25-35) đã làm cho Internet trở thành một phần không thể thiếu được trong học thuyết xã hội cực kỳ bảo thủ của họ. Tại Tunisia, nơi mà Facebook đã giành được thành công lớn, nhóm Ansar al-Sharia đã sử dụng nó rất hiệu quả vào công tác tuyên truyền. Các chuyên gia nhận xét, “giống như các giáo chủ ở khu Londonstana trong những năm 90 của thế kỷ trước, họ đã cho quay các buổi thuyết giáo và truyền bá lên trên mạng Internet để thu hút thêm công chúng”…

Tuyên truyền - đây là mục tiêu chính của cuộc “thánh chiến thông tin”. Cách nói này xuất hiện vào giữa những năm 2000, khi Ayman al-Zawahiri, nhân vật thứ hai trong mạng lưới Al-Qaeda đã đưa ra lời khuyên đối với thủ lĩnh chi nhánh mạng lưới này ở Iraq, yêu cầu chấm dứt việc đưa lên mạng các cảnh quay hành hình những kẻ thù bị bắt giữ với việc chặt đầu dã man: “Chúng ta nên chỉ bắn các nạn nhân, mục tiêu đạt được mà không gây ra những câu hỏi không cần thiết”…

Sau khi lên thay thế Osama bin Laden làm người đứng đầu tổ chức, Al-Zawahiri đã củng cố lời khuyên của mình bằng cụm từ sau đây, có thể được coi là sự khai sinh ra cuộc Jihad mạng: “Chúng tôi đang tiến hành cuộc chiến, và hơn một nửa của cuộc chiến này đang diễn ra trong lĩnh vực thông tin”…

Theo Philippe Migaux, cựu sĩ quan phản gián và nguyên giảng viên ở Học viện Nghiên cứu chính trị Paris, “cuộc chiến” đó nhằm tới 5 mục tiêu chính: Tạo ra một mối đe dọa cho đối phương thông qua tuyên truyền, chuẩn bị các chiến dịch, công tác truyền thông, đào tạo tư tưởng và quân sự, tuyển mộ những người ủng hộ. Philippe Migaux cho rằng, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công trên mạng với quy mô như ngày 11/9/2001 chỉ là kết quả của trí tưởng tượng quá phong phú. Tại cuộc họp báo vào tháng 3 năm nay, ông đã nhận định:  “Jihad mạng được sử dụng để truyền bá khủng bố…”.

Cũng theo lời ông Philippe Migaux, hiện nay các chuyên gia đang ra sức nghiên cứu về các phương thức tiến hành “Jihad mạng”, phương tiện thực hiện các cuộc tấn công hủy hoại trên mạng. Trong thực tế ở thời điểm hiện nay chưa hề xảy ra chuyện gì tương tự và cũng chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ các nhóm khủng bố có đủ phương tiện và khả năng kỹ thuật  để làm việc này. Tuy nhiên, trong tương lai, mọi sự có thể thay đổi rất mau lẹ…

Và thế giới cần phải cảnh giác…

Trần Thanh Tịnh
Bão CAND.COM)