QĐND - "... Ông quay lưng lại vạch cổ áo chỉ cho tôi xem vết thương phía sau gáy, rồi kéo ống quần lên chỉ vào những vết sẹo chằng chịt trên bắp đùi. Ông bảo, đó là dấu tích của ba lần bị thương, hai lần địch bắn và một lần chiến đấu với cá sấu rừng Sác". Ông là Anh hùng LLVT nhân dân Lương Văn Mướt, hiện là Phó giám đốc Xí nghiệp Tập thể Thương binh 19-3 Hải Phòng.

Những trận chiến sinh tử

Dù đã hẹn trước, nhưng tôi phải chờ đến 20 phút tại cổng Xí nghiệp Tập thể Thương binh 19-3 mới gặp được ông. Thời điểm này, Xí nghiệp đang vào mùa sản xuất nên Phó giám đốc Lương Văn Mướt xoay tròn bên bàn làm việc, “chiến đấu” với hóa đơn, chứng từ giao nhận và cả những hợp đồng vừa ký với khách hàng.

Biết ông không muốn nhắc nhiều đến chiến công năm xưa nên tôi phải thuyết phục mãi, ông mới đưa cho xem bản thành tích chiến đấu chỉ ghi vẻn vẹn mấy dòng: 26 năm quân ngũ - một nửa thời gian ấy cầm súng chiến đấu với quân thù, Lương Văn Mướt đã trực tiếp chiến đấu và chỉ *** chiến đấu 57 trận; đánh chìm 9 tàu chiến và tàu hàng quân sự của địch (trong đó 8 tàu trọng tải từ 8000 đến 13.000 tấn); đánh sập 1 cầu cảng Nhà Bè, phá hủy 3 khẩu pháo 105mm, 1 khẩu cối 120mm, 1 khẩu đại liên, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phương tiện chiến tranh; thu một số trang bị của địch. Tháng 12-1973, trực tiếp tham gia đánh vào kho xăng Nhà Bè giành thắng lợi lớn.


“Anh Mướt thương binh” 157937042013090314421431
Anh hùng LLVT nhân dân Lương Văn Mướt.

Theo dòng hồi ức của người là người Cựu Chiến B , trong hàng chục trận chiến đấu ấy thì 2 trận đánh chỉ cách nhau 10 ngày tại cảng Cát Lái-Sài Gòn là dấu ấn đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông:

“Đầu tháng 10-1972, tôi được Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác  giao nhiệm vụ là Phân đội trưởng cùng 2 đồng chí Phúc, Khay có nhiệm vụ điều nghiên, trinh sát. Suốt 3 tháng bám trụ “ăn ngủ” trên sông Sài Gòn để nghiên cứu quy luật hoạt động của địch. Cuối cùng, chúng tôi đã xác định mục tiêu chuẩn xác và tìm ra cách đánh phù hợp.

Đêm 17-10-1972, tôi và Phúc nhận 2 quả mìn, mỗi quả 18kg, kíp hẹn giờ, mìn nam châm có ngòi chống tháo gỡ. Chúng tôi bơi ngược sông 10km, kéo mìn vượt qua nhiều trạm gác của địch. Đến nơi, chúng tôi sử dụng kỹ thuật thả ống, nhanh chóng đột nhập vào cảng Cát Lái bắt được mục tiêu, gắn vào đó 2 quả mìn hẹn giờ và bí mật vượt ra ngoài. 30 phút sau mìn nổ. Con tàu trọng tải 8000 tấn chở nhiều bom đạn của Mỹ bị phá hủy hoàn toàn.

Phát *** thắng lợi, tranh thủ yếu tố bất ngờ, 10 ngày sau, tôi và đồng chí Khay lại được giao nhiệm vụ tiếp tục đánh một mục tiêu nữa tại cảng Cát Lái.

Cũng hành trình bí mật như lần trước, tôi và Khay kéo 2 trái mìn vượt qua các tuyến gác tuần tra, phòng thủ nghiêm ngặt áp sát mục tiêu. Lần này địch tăng cường quan sát, chúng thường xuyên bắn và ném lựu đạn vu vơ vào những cụm lộc bình trôi trên sông. Khay bơi cách tôi 5m chếch về hướng bên phải. Tôi quan sát kéo mìn về phía mục tiêu. Bỗng đèn pha sáng rực. Cùng với đó là tiếng la hét, quát tháo, tiếng ca-nô gầm rú man rợ, tiếng súng nhả đạn khô khốc. Bị lộ rồi chăng? Tôi quan sát thấy Khay vẫn "án binh bất động" nên vội ra hiệu lặn sâu xuống đáy sông và bơi tản ra vị trí khác. Sau một hồi quần lượn, chửi đổng vu vơ, chiếc ca-nô chạy về phía cảng rồi tắt máy, im bặt. Thời cơ đã đến, hai chúng tôi nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và đặt hai trái mìn hẹn giờ tại đáy khoang máy tàu. Kiểm tra lại lần cuối, hai anh em rút êm về phía hạ lưu. 30 phút sau, một quầng sáng lóe lên, kèm theo tiếng nổ long trời lở đất. Con tàu 10.000 tấn chở đầy vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ đã bị phá hủy.

Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi bơi về căn cứ theo quy định từ trước. Khi đến ngã ba sông Lòng Tàu-Đồng Tranh, cách bờ sông khoảng 15m, bất ngờ một con cá sấu có trong lượng quãng 200-300kg xuất hiện. Tôi chưa kịp bơi thoát thì cá sấu lao đến cắn ngoạm chặt vào đùi phải của tôi. Nhanh như cắt, tôi rút dao găm đâm trúng mắt cá sấu. Bất ngờ bị thương, cá sấu oằn mình quẫy đuôi thật mạnh, hất tung tôi ra một đoạn rồi bỏ chạy. Tôi nhanh chóng vượt lên bờ sông. Máu từ vết răng cá sấu cắn bắt đầu túa ra, đỏ thẫm, tê buốt. Tôi hái lá rừng nhai đắp, sau đó xé vải dù ga-rô tạm thời. Vết thương sâu, lại trúng ngay đầu gối phải, làm tôi đi lại rất khó. Tôi phải bò lết trong rừng, nhịn đói, uống nước mặn suốt 5 ngày mới về đến trạm chốt của đơn vị bạn...”.

Trong lúc cảm xúc dâng trào, ông quay lưng lại vạch cổ áo chỉ cho tôi xem vết thương phía sau gáy, rồi kéo ống quần lên chỉ vào những vết sẹo chằng chịt trên bắp đùi. Ông bảo, đó là vết tích của ba lần bị thương, hai lần địch bắn và một lần chiến đấu với cá sấu rừng Sác. Hành động của ông làm tôi ngỡ ngàng đến khâm phục.

Những việc làm nghĩa tình của anh Mướt

Cuối năm 1991, Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lương Văn Mướt nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường đúng vào thời điểm kinh tế đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, khủng hoảng. Đồng lương hưu của một sĩ quan cấp trung tá lúc bấy giờ không đủ nuôi vợ và 4 con (có một cháu bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô xin).

Không chùn bước trước khó khăn, ông tập hợp một số anh em là Cựu Chiến B , những đồng đội trước đây đều là lính đặc công hoạt động trên khắp mọi miền Tổ quốc nay đã nghỉ hưu, cùng nhau bàn bạc góp vốn mở xưởng sản xuất nội thất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Thời gian đầu vốn liếng ít, ông chỉ thành lập xưởng, đưa một số con em thương binh vào làm. Quá trình sản xuất kinh doanh là quá trình tích lũy, rút kinh nghiệm để rồi 7 năm sau, ông cùng đồng đội quyết định thành lập Xí nghiệp Tập thể Thương binh 19-3. Cái tên Xí nghiệp chính là ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công. Đây cũng là mong muốn của ông, sau này, xí nghiệp sẽ là ngôi nhà chung, là điểm đến của những cựu binh một thời vào sinh ra tử.

Trong chiến đấu, ông luôn xung phong đi đầu, lăn xả vào những nơi nguy hiểm nhưng khi bổ nhiệm làm giám đốc, ông lại khiêm tốn đề nghị chức vụ này cho một đồng đội là một thương binh nặng. Còn ông đảm nhiệm công việc của một cấp phó. Hằng ngày, ông rong ruổi thâm nhập thị trường tìm việc làm chăm lo cho người lao động.

Câu chuyện bước ra thương trường làm ăn của Anh hùng Lương Văn Mướt cùng Xí nghiệp Tập thể Thương binh 19-3 những ngày đầu không hề "xuôi chèo mát mái". Nhiều ý kiến trái chiều không đồng thuận trong kinh doanh. Thị trường của những mặt hàng mà xí nghiệp sản xuất bấp bênh, thất thường, lúc được, lúc thua. Đã có lúc, nhiều người thật phấn khởi và muốn bỏ cuộc.

Với bản lĩnh của một người lính cầm súng chiến đấu, Anh hùng Lương Văn Mướt đã động viên ban giám đốc xí nghiệp kiên trì, từng bước cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Bản thân ông tích cực quan hệ với đối tác, lăn lộn trên thị trường tìm kiếm việc làm cho người lao động. Có những hôm ông thức đến khuya chỉ để thuyết phục một khách hàng ký một đơn hàng trị giá vài triệu đồng. Có hôm, vừa bưng bát cơm lên chưa kịp ăn thì khách hàng điện thoại muốn tham quan sản phẩm, ông lại vội vã dắt xe đi chiều “thượng đế” của mình.

Khó khăn rồi cũng qua, Xí nghiệp Tập thể Thương binh 19-3 ngày càng ăn nên làm ra. Đến nay, 15 cơ sở sản xuất của xí nghiệp đang hoạt động đều đặn. Công nhân có việc làm ổn định và thu nhập khá. Hiện tại, ông và đồng đội đang tập trung đầu tư vào 2 cơ sở kinh doanh ở ngoại thành Hải Phòng, đồng thời ký hợp tác sản xuất kinh doanh với nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố. Mong muốn của ông là liên kết với thương binh các tỉnh bạn để mở rộng thị trường, để mỗi thương binh “góp chân, góp tay” cùng nhau xây dựng cuộc sống.

Ông Nguyễn Bá Biểu, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: Mục tiêu của Xí nghiệp Tập thể Thương binh 19-3 hết sức cao cả, đó là đưa thương binh, bệnh binh, con em gia đình chính sách, người có công vào làm việc. Mục tiêu ấy đến nay cơ bản đã thực hiện được. Hiện xí nghiệp có tới 90% lao động là thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ. Trong số họ, có người còn mang thương tích chiến tranh, có người đói nghèo đeo bám. Nhưng ở họ có một điểm chung là bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm và lấp lánh những tài hoa.

Nói về người đồng chí của mình, Phó giám đốc Phạm Công Chức cho biết: Là phó giám đốc xí nghiệp bận nhiều việc nhưng ông Mướt không bao giờ phàn nàn. Ông lạc quan và có trách nhiệm, luôn trăn trở và tìm nhiều việc làm cho người lao động. Mặc dù, mỗi khi trái gió trở trời, các vết thương lại hành hạ nhưng ông Mướt vẫn âm thầm chịu đựng.

Ngoài cương vị Phó giám đốc xí nghiệp, Anh hùng Lương Văn Mướt còn dành thời gian xây dựng và quản lý một xưởng sản xuất nội thất gia đình. Khi mở xưởng sản xuất này, điều ông mong muốn nhất không phải là lợi nhuận mà là tạo việc làm, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ để khi trở về địa phương họ có việc làm ổn định.

Giờ đây, Xí nghiệp Tập thể Thương binh 19-3 ngày càng khẳng định được thương hiệu và uy tín của mình trên thị trường. Từ chỗ chỉ kinh doanh một vài ngành nghề đơn lẻ, đến nay, xí nghiệp đã đa dạng hóa các ngành nghề, giải quyết việc làm và có thu nhập ổn định cho hàng trăm thương binh, bệnh binh. Trong 3 năm trở lại đây, doanh thu của xí nghiệp đều tăng cao. Hằng năm, xí nghiệp đều nộp vào ngân sách Nhà nước từ 500 đến 700 triệu đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 3 triệu đồng/tháng. Năm nào cũng vậy, xí nghiệp thường trích một phần kinh phí để chăm sóc những đồng đội là thương binh nặng, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Hai ngôi nhà tình nghĩa cùng hàng trăm suất quà mà xí nghiệp tặng đồng đội trong thời gian qua là việc làm thể hiện tình cảm, sự tri ân của những con người “tàn nhưng không phế” dành cho nhau. Thành quả ấy có phần đóng góp không nhỏ của “anh Mướt thương binh”…

Bài và ảnh: TRỊNH VĂN DŨNG
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/58/58/260384/Default.aspx