QĐND Online - Vị đại tướng từ đội quân “chân đất” 34 người đã trở thành đội quân đầy đủ quân binh chủng, đánh bại 11 tổng tư lệnh của 2 đế quốc hùng mạnh, mang lại những chiến thắng lừng lẫy năm châu bốn biển. Tài quân sự đó không cần bàn cãi nữa. Khi được làm người “chiến sĩ” dưới tài chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong “trận đánh” trên mặt trận giáo dục (GD), tôi mới thấu hiểu hết vì sao con người ấy lại khiến cả thế giới ngỡ ngàng, nhân dân kính phục… PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam tự hào nói về người “vị tướng” của mình.

Những quyết định vô cùng quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về giáo dục 6137759820131006204315843
Đại tướng được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học Việt Nam trong Đại hội thành lập 2-10-1996. Ảnh chụp lại


Năm 1981, một năm sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Phó Chủ tịch hội đồng bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), phụ trách GD và KH, tôi được cử ra Hà Nội làm Thứ trưởng, và Bộ trưởng lúc đó là bà Nguyễn Thị Bình, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ kể.

Lần đầu tiên gặp Đại tướng cũng là lúc Đại tướng vừa ký một quyết định vô cùng quan trọng đối với ngành giáo dục. Đó là quyết định 126 CP, ký ngày 19-3-1980, về hướng nghiệp và sử dụng hợp lý học sinh ra trường. Việc này giúp học sinh biết năng lực của mình để tự chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, đồng thời cũng biết được nhu cầu xã hội, từ đó nhà trường hướng dẫn cho các em tự xác định ngành nghề mình phải đi học. Có thể nói, không khí học tập lúc đó rất phấn khởi, học sinh được học đúng ngành nghề mình yêu thích, học ra đáp ứng được nhu cầu xã hội, có việc làm, nguyên Thứ trưởng Bộ GD chia sẻ.

Trong lĩnh vực quân sự, trước một trận đánh, khi đưa ra một chủ trương, người cầm quân bao giờ cũng phải nắm rõ được binh khí mình có thế nào, tình hình hậu cần ra sao… tất cả là một kế hoạch đồng bộ. Với ngành GD cũng vậy, khi Đại tướng “chỉ huy” ngành GD, ông đã đưa ra chủ trương hướng nghiệp và sử dụng học sinh ra trường. Điều đáng nói ở vị tướng cầm quân tài tình như Đại tướng là khi có chủ trương, bao giờ Đại tướng cũng đưa ra những biện pháp kèm theo. Đại tướng đã chỉ đạo cho Bộ GD phải tiến hành thành lập trung tâm hướng nghiệp dạy nghề từ trung ương đến địa phương và tận cấp huyện. Tại đây, học sinh có thể học tập và thử làm những nghề mình lựa chọn để xem có phù hợp và yêu thích ngành nghề đó hay không, từ đó quyết định ngành nghề để theo đuổi.

Đại tướng không chỉ chỉ thị xây dựng hệ thống trung tâm hướng nghiệp trên toàn quốc mà còn chỉ thị các nhà trường phải làm vườn trường, xưởng trường, liên kết với tất cả xí nghiệp đưa học sinh tới đó thực hành. Và trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, để làm được những việc này, Đại tướng đã chỉ đạo Bộ GD phải phối hợp với quốc tế. Chính từ gợi mở này, Bộ GD đã liên kết với UNICEF nhận viện trợ, đầu tiên là 20, sau đó là 100 trung tâm. Những trung tâm đó có đủ các thiết bị đào tạo, học sinh hằng tuần, bố trí đến những trung tâm đó để học tập. Sản phẩm của họ làm ra được tổ chức triển lãm hằng năm.

Để phủ kín hơn 500 huyện trong cả nước, Đại tướng đề ra nhiệm vụ của những trung tâm này không chỉ đào tạo học sinh mà phải có nhiệm vụ “đẻ” ra trung tâm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho phép Bộ GD cũng thành lập Ban chỉ đạo lao động hướng nghiệp, sau đó thành lập Vụ hướng nghiệp trong Bộ GD. Như vậy, bên cạnh những tạo điều kiện cho học sinh học tập, Đại tướng còn quan tâm đến việc tìm người để chỉ đạo hoạt động có hiệu quả. Đại tướng cũng tự mình đi kiểm tra các trung tâm đó để có những chỉ đạo sát sao. Kết quả mang lại là khắp nơi đều có trung tâm và học sinh đến đó thực hành, chọn được cho mình hướng đi, nghề nghiệp phù hợp.

Trước thực tế hiện nay, ngành GD không có sự hướng nghiệp đầy đủ, học sinh chọn ngành nghề theo cảm tính, không hiểu hết xã hội, học ra không có việc làm… thì quyết định 126 CP cho thấy tầm nhìn xa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là một hướng đi đúng đắn mà hiện nay vấn đề này đang được đặt lại trong Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" được bàn bạc tại Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ nhận xét.

Để thực hiện được nguyên lý học đi đôi với hành, một quyết định quan trọng khác cho nền GD là việc Đại tướng phê duyệt đề án thành lập những trung tâm thí nghiệm thực hành của Bộ GD. Trong điều kiện từng trường không thể có một phòng thực hành với đầy đủ trang thiết bị, Đại tướng đề nghị tập trung đầu tư mỗi huyện có một trung tâm với đầy đủ các phòng thí nghiệm và phân công học sinh các nơi thay phiên nhau đến thực hành.

Là một nhà lãnh đạo am hiểu và quan tâm đến đời sống của tất cả nhân dân, năm 1985, một chủ trương quan trọng đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số đã Đại tướng được đưa ra. Đó là chủ trương xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, tạo điều kiện để con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ kể: "Lúc đó với tư cách là Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, đã học tập “cách đánh” theo kiểu “cuốn chiếu” của Đại tướng, làm đến đâu dứt điểm đến đó, hết vùng này sẽ đến vùng khác. Bởi vậy mà tôi có chủ trương đầu tư tập trung, trang bị đồng bộ; xây trường không chỉ có vỏ trường mà trong đó phải có trang thiết bị, để tất cả mọi thứ có thể vận hành tốt cùng một lúc, tránh lãng phí thời gian và tiền của".

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ: Có thể nói tư tưởng “đồng bộ” trong quân sự của Đại tướng đã được áp dụng rất thành công trong GD, tôi đã học tập được điều này từ Đại tướng và “cách đánh” đó đã theo tôi suốt cả quãng đời làm GD của mình. Đến nay, hệ thống này đang rất phát triển, không kể các trường cấp xã, chúng ta có khoảng 50 trường trung ương và cấp tỉnh, gần 300 trường cấp huyện.

Là một người ủng hộ việc học tập suốt đời, Đại tướng thấy việc học và học suốt đời là việc làm cần thiết và thường xuyên, nên với đề án xây dựng hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên, tất cả người dân đều có thể đi học tiếp khi đủ điều kiện.

Không chỉ quan tâm đến phong trào học tập, Đại tướng rất chú ý đến vấn đề bình đẳng giới, sức khỏe học đường. Trong thời gian đó, với chủ trương bình đẳng phụ nữ mà Đại tướng đưa ra, Bộ GD có chỉ thị tất cả các đơn vị phải có chị em tham gia vào công tác quản lý; hay để nâng cao sức khỏe, luyện rèn cho học sinh, Hội khỏe phù đổng đã ra đời và từ năm 1982 đến nay, cứ 4 năm một lần, hội khỏe lại diễn ra, thu hút đông đảo học sinh cả nước…

Có thể thấy, trong thời gian 5 năm Đại tướng làm Phó Chủ tịch hội đồng bộ trưởng, tất cả những chủ trương ông đưa ra cũng như phê duyệt cho Bộ GD, đến nay vẫn đang tồn tại và có tác dụng rất tốt. Đến nay, tư tưởng học đi đôi với hành, giáo dục phải gắn liền với sản xuất, nhà trường, gia đình phải gắn liền với xã hội, của Đại tướng vẫn luôn là điều mà ngành GD phấn đấu hướng tới, để GD thực sự có chất lượng, sánh kịp với các nước trên thế giới.

Là người rất quan tâm đến GD nước nhà, kể cả khi đã nghỉ hưu và tuổi cao sức yếu, Đại tướng vẫn luôn có những đóng góp cho sự phát triển GD; bản thân ông cũng luôn là tấm gương sáng bởi nỗ lực không ngừng học tập. Chính Đại tướng là người góp phần hình thành nên Hội Khuyến học Việt Nam. Ngay từ đại hội đầu tiên, Đại tướng được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học Việt Nam. Với tư tưởng và tinh thần của mình, Đại tướng đã chỉ đạo hội rất phát triển, đi theo hướng GD Việt Nam góp phần vào khuyến học-khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đến nay hội đã có 11 triệu hội viên.

Với lòng tiếc thương vô hạn dành cho Đại tướng, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định: Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện mong muốn của Đại tướng với tinh thần phấn đấu cao nhất, đó là: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đó là con đường hưng quốc, là động lực quan trọng bậc nhất đưa Tổ quốc Việt Nam ta tiến lên những đỉnh cao của thời đại. Hội Khuyến học Việt Nam sẽ cùng với mọi các nhân và tổ chức góp phần làm cho Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ thực sự trở thành Quốc sách số 1.