QĐND - Ngày 10-10, cuốn sách La Marseillaise du général Giap (tạm dịch là Hành khúc La Mác-xây-e của Tướng Giáp) đã đến tay bạn đọc Pháp. Cuốn sách của tác giả C.Blăng-sơ-me-dông (Claude Blanchemaison), cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam (nhiệm kỳ 1989-1993), người từng nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Trong lời giới thiệu về cuốn sách trên, cựu Đại sứ C.Blăng-sơ-me-dông đã kể về lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào đúng ngày kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp (14-7-1789/14-7-1989) tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội. Tại cuộc gặp đó, ông C.Blăng-sơ-me-dông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trò chuyện khá cởi mở. Khi đó, Đại tướng cho biết, Việt Nam đang mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, vì vậy, doanh nghiệp Pháp không nên chậm chân, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Khi nhạc bài La Marseillaise (Quốc ca Pháp) vang lên, Đại tướng đã khẽ hát đoạn điệp khúc “Aux armes, citoyens”…

Vị tướng lỗi lạc nhưng hết sức dung dị 11372640201310102125320
Trang bìa cuốn sách La Marseillaise du général Giap vừa ra mắt độc giả Pháp hôm 10-10. Ảnh: huffingtonpost.fr



Người hội tụ những tính cách đặc biệt

Đối với những ai được gặp và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họ đều có chung một nhận định rằng, ông là một vị tướng lỗi lạc nhưng rất dung dị. Đối với nhà báo U-ru-goay Ni-cô Svát (Niko Schvarz), trong con người Đại tướng hội tụ ở mức cao độ những tính cách đặc biệt ở con người Việt Nam, đó là tình cảm anh em, cư xử nhẹ nhàng, sự cống hiến và tôn trọng người khác, một niềm tin vững chắc và kiên quyết bảo vệ lý tưởng của mình.

Nhà báo Ni-cô Svát cho biết, năm 1965, thời điểm Việt Nam đang chìm trong giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, Đại tướng vẫn dành thời gian và sự kiên nhẫn để kể cho ông tất cả các chi tiết của Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch được coi là điều thần kỳ của nghệ thuật quân sự.

Trong bài viết đăng trên Báo Nhân đạo (Pháp) gần đây, nhà sử học A-lanh Rút-xi-ô (Alain Ruscio) bày tỏ sự đau buồn khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. “Trong cuộc đời của mình, Võ Nguyên Giáp không có nhiều dịp để nghỉ ngơi hay dành thời gian để nhìn lại chặng đường ông đã đi qua. Chặng đường đó là một cuộc đấu không cân sức giữa những chiến sĩ du kích đầu tiên, với nắm đấm quyết tâm và vũ khí thô sơ, đã chống lại một nước Pháp thực dân muốn duy trì ách thống trị bằng mọi giá. Và tiếp đến là cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước-cũng là một cuộc đấu không ngang sức, ngang tài giữa một dân tộc luôn được coi là "nhỏ bé" với những hạm đội phức hợp quân sự-công nghiệp khổng lồ, sẵn sàng dội hàng triệu tấn bom chùm, bom na-pan và cả chất độc đi-ô-xin...

Nhưng Việt Nam đã chiến thắng.

“Vĩnh biệt đồng chí Văn! Nghĩ đến ông, chúng tôi sẽ luôn nhớ về những vần thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi: "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có", nhà sử học A-lanh Rút-xi-ô kết lại bài viết của mình trên tờ Nhân đạo.

"Một chiến lược gia đại tài"

Chiến thắng Điện Biên Phủ và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ gắn liền với cách mạng Việt Nam mà cả với cuộc đấu tranh giành độc lập ở An-giê-ri. Trong nỗi thương tiếc trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng An-giê-ri Áp-đen-ma-lếch Xên-lan (Abdelmalek Sellal) bày tỏ, Đại tướng là "một trong những nhà cách mạng vĩ đại nhất thế giới" và một "vị anh hùng vĩ đại đã để lại dấu ấn cho thế kỷ qua".

Thủ tướng A.Xên-lan nhấn mạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những chuyên gia giỏi nhất về chiến tranh, đặc biệt là đấu tranh chống thực dân". Tướng Giáp "biết cách dùng trí thông minh của mình để dẫn dắt chiến tranh cách mạng" và từ thực tế đã "tạo ra một trường phái quân sự lớn", đồng thời "để lại nhiều, rất nhiều cho tất cả các nhà quân sự yêu tự do" vì "chiến thuật và nghệ thuật quân sự được Tướng Giáp sử dụng đã và tiếp tục được giảng dạy trong các trường quân sự danh tiếng" trên thế giới.

Có cùng quan điểm trên, Giáo sư C.Thay-ơ (Carlyle A.Thayer) thuộc Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a cho biết, mặc dù chưa từng được gặp hay trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, song qua nghiên cứu tìm hiểu, ông rất cảm phục tài năng và trí thông minh của Tướng Giáp. Theo Giáo sư C.Thay-ơ, những điều ông ấn tượng nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tầm nhìn chiến lược của Đại tướng.

Đánh giá về thời gian cuối đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ông khuyến khích tăng cường quan hệ nồng ấm với Mỹ, Giáo sư C. Thay-ơ nhận định, đây là một chiến lược khôn khéo. Khi Việt Nam chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay lập tức đã ủng hộ tăng cường quan hệ với Mỹ, đồng thời vẫn coi trọng việc giữ quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và Liên Xô. Giáo sư C.Thay-ơ khẳng định: "Tướng Giáp là một chiến lược gia đại tài".

Phương Linh và TTXVN