Viết tiếp bài "Suýt chết vì bác sĩ vô trách nhiệm": Nạn nhân rơi vào nguy kịch 11benh-w
Ông Đức trong tình trạng hôn mê sâu
Ngày 28-10-2013, chị Bùi Lệ Thủy (SN 1971, Việt kiều Mỹ) gọi điện cho biết cha chị là ông Bùi Hồng Đức (SN 1940), nhân vật trong bài viết Suýt chết vì bác sĩ vô trách nhiệm đăng trên Báo CATP số ra ngày 19-10-2013 đang rơi vào hôn mê sâu và tình hình sức khỏe rất nguy kịch.
>>  Suýt chết vì bác sĩ vô trách nhiệm
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 17-9-2013 ông Đức đến Phòng khám đa khoa Hoàng Ân (ấp 1, xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) khám tổng quát. Kết quả, ông bị men gan cao và hen phế quản. Sau đó, bác sĩ Trần Hoàng Ân bán cho ông một loạt thuốc, trong đó có Cefpodoxin 200mg và Sylimarin. Dùng được khoảng 2 ngày, ông Đức bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy, không sốt nhưng trên người xuất hiện nhiều mụn đỏ. Lập tức ông được đưa đến phòng khám kiểm tra lại. BS Ân giải thích đó chỉ là những biểu hiện thải độc tố bình thường và bán thêm thuốc. Dùng khoảng một tuần nữa, toàn thân ông Đức đỏ ửng, mặt và cổ phù nề, khó thở, niêm mạc miệng lở loét nặng, không ăn uống được, gia đình lại chở ông đến Phòng khám Hoàng Ân trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, phải thở ôxy. Trước diễn biến quá nặng, thay vì tập trung cứu chữa bệnh nhân thì bác sĩ Ân lại bảo phải giao hồ sơ bệnh án và số thuốc đang uống để kiểm tra rồi giữ luôn. Khi gia đình yêu cầu, BS Ân chỉ giao lại một số thuốc bổ và các xét nghiệm cận lâm sàng đã thực hiện lúc đầu ở phòng khám, còn đơn thuốc và một số loại thuốc đã kê thì ông này giấu nhẹm. Sau đó, BS Ân bỏ mặc để gia đình tự xử.
Ông Đức được gia đình chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM điều trị ngày 13-10-2013. Sau khi kiểm tra số thuốc BS Ân trả lại cho gia đình, các bác sĩ cho biết đây chỉ toàn... thuốc bổ! Chính vì không biết bác sĩ Ân đã cho ông Đức uống thuốc gì nên các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới không thể lên phác đồ điều trị phù hợp. Phải đến ngày 14-10-2013 bác sĩ Phòng khám Hoàng Ân mới cho biết loại thuốc đã cho ông Đức uống. Kết quả xét nghiệm: bệnh nhân bị dị ứng thuốc nặng. Sau bốn ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bệnh của ông Đức có giảm chút ít nhưng ngày 20-10-2013 ông lại trở nặng và hôn mê sâu. Ngay hôm đó, ông Đức được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy mổ cấp cứu. Hiện tại, ông đang trong tình trạng nguy kịch.
Mắt ngấn lệ, chị Thủy cho biết: “Tôi nghĩ là một thầy thuốc, đáng lẽ khi xảy ra tình huống tương tự bác sĩ Phòng khám đa khoa Hoàng Ân phải có trách nhiệm phối hợp với gia đình cứu chữa sao cho hiệu quả nhất. Đằng này, ông Ân lại để gia đình tự xử lý và thu lại toa cùng thuốc chữa bệnh khiến cho việc cứu chữa gặp khó khăn. Nếu có đơn thuốc và được xử lý kịp thời thì có lẽ bệnh tình cha tôi không  nguy kịch như hiện nay. Gia đình chúng tôi rất đau khổ khi có người thân lâm cảnh ngặt nghèo này nên không muốn sau này lại có những gia đình khác phải chịu cảnh đau lòng tương tự”. 
Hiện gia đình chị Thủy đã làm đơn tố cáo gửi Sở Y tế tỉnh Bến Tre cùng các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Phòng khám đa khoa Hoàng Ân trong việc tắc trách khiến nạn nhân nguy kịch. Cùng với các trường hợp bác sĩ tắc trách gây chết người xảy ra liên tiếp gần đây như vụ ba trẻ sơ sinh tử vong ở Quảng Trị hay gần nhất là bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác nạn nhân khi xảy ra sự cố thì trường hợp trên lại thêm một hồi chuông báo động về vấn đề y đức trong ngành y tế hiện nay.
  Nguồn CAO