Tìm hiểu thông tư 01/2013về hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự tội mua bán người
Quyết định số: 1427/ QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/8/2011 quan điểm chỉ đạo nêu rõ: “Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 được xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện Chương trình này.Lấy phòng ngừa là chính, tạo ra những bước đột phá nhằm ngăn chặn, giảm cơ bản tình trạng mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”.
Luật phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm mua bán người của các lực lượng chức năng. Trong thực tiễn cho thấy, những quy định của luật đã phát huy hiệu lực, mang tính khả thi cao. Các lực lượng chức năng đã áp dụng một cách có hiệu quả trong thực tiễn, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong quá trình áp dụng vẫn phát sinh, bộc lộ những khó khăn về một số quy định trong các điều luật. Một trong những khó khắn nhất là luật chưa quy định cụ thể một số hành vi phát sinh trong thực tiễn, dẫn đến các cơ quan chức năng gặp những vướng mắc, chưa có sự thống nhất trong một số hành vi phạm tội cụ thể.
Đồng thời, thực tiễn áp dụng luật hình sự hiện nay cho thấy, để cấu thành tội phạm mua bán người thì phải có hành vi giao người nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất; tiếp nhận người mà đã trả hoặc hứa hẹn trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất. Tuy nhiên, theo Điều 3, Công ước quốc tế (Nghị định thư Palermo) các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và nhận người bằng các thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt, lợi dụng tình trạng quẫn bách hoặc sự lệ thuộc của nạn nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là hành vi mua bán người.
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2013 TTLT/TANDTC/VKSNDTC/BCA/BQP/BTP ngày 23 tháng 7 năm 2013, hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (có hiệu lực ngày 09 tháng 9 năm 2013).
Nội dung Thông tư gồm 3 chương, 9 điều. Điểm nổi bật và có ý nghĩa quan trọng là đã làm rõ nội dung một số thuật ngữ, hành vi, thủ đoạn của tội phạm mua bán người,mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, như:
"Mua bán người"là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa.
“Vì mục đích mại dâm” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 119 của Bộ luật Hình sự là trường hợp mua bán người nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán dâm (như: mua bán người rồi đưa họ đến các ổ mại dâm hoặc tổ chức cho họ bán dâm...).
“Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 119 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội mua bán người từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy các lần mua bán người làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc mua bán người làm nguồn sống chính.
Đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”, “đối với nhiều người”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “có tính chất chuyên nghiệp"…
Những nội dung của hướng dẫn này tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền trong thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, góp phần hoàn thành tốt chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm mua bán người.
Nguyễn Quốc Khánh (BMPL)