Các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết, ngày 13/12, Ủy ban quân lực của Hạ Viện Mỹ đã thông qua “Dự luật ủy quyền quốc phòng” năm 2014. Trong đó, vấn đề đặc biệt đáng chú ý là có một điều khoản cấm Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các nguồn viện trợ do Mỹ cung cấp để mua hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc. 
Ngày 26/9 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định chọn mua hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc trong gói thầu 4 tỷ USD, mua sắm hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa mang tên T-Loramids. Tham gia đấu thầu còn có liên danh Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ với hệ thống phòng không Patriot; công ty Rosoboronexport của Nga cung cấp hệ thống phòng không S-300; tập đoàn Eurosam của Italia và Pháp chào bán hệ thống phòng không SAMP/T Aster-30.
Mỹ “cấm” Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa của Trung Quốc HQ_9FD_2000_TQ
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (Phiên bản xuất khẩu là FD-2000) của Trung Quốc
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua bằng được HQ-9?
HQ-9 chiến thắng do Bắc Kinh đưa ra cái giá có hơn 3 tỷ USD, giúp Ankara tiết kiệm được 1 tỷ USD, đồng thời đưa ra những ưu đãi về chuyển giao công nghệ và sản xuất, bao gồm khoảng 40% số lượng thành phẩm sẽ được chế tạo trên đất Thổ Nhĩ Kỳ và các công ty chế tạo vũ khí của nước này được phép tham gia vào quá trình sản xuất. Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực định vị vệ tinh, dẫn đường, thiết bị điều khiển cũng sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao năng lực của nền công nghiệp quốc phòng.
Đương nhiên là Mỹ và NATO không đồng thuận cho phép hệ thống phòng không HQ-9 kết nối với các hệ thống thông tin chỉ huy, cảnh báo sớm và các hệ thống chia sẻ số liệu phòng không, không quân của Thổ Nhĩ Kỳ theo chuẩn của Mỹ và NATO. Nếu người Thổ chấp nhận cho HQ-9 hoạt động độc lập nó sẽ không phát huy được tác dụng trong tổng thể hệ thống phòng không quốc gia của nước này. Vậy tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khăng khăng mua HQ-9 bằng được?
Bài viết trên trang mạng “Báo Thế giới” (Die Welt) của Đức cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định chọn mua hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là vấn đề không mua vũ khí của “bạn bè”, mà còn nói lên một sự thật là Thổ Nhĩ Kỳ đang dần rời xa phương Tây. Điều này xuất phát từ việc Ankara không còn muốn là tên lính “chỉ đâu đánh đấy” theo chỉ đạo của Washington, ngoài ra, còn có nguyên nhân từ chính mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và Israel.
Bàn về vấn đề tại sao nước này không chọn mua hệ thống phòng không của Mỹ và châu Âu, trong bài viết mang tiêu đề: “Một khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel xung đột, NATO có thể ngăn chặn hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ” trên tờ “Kommersant” của Nga, ông Atila Sander Keller, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Bilgesam - Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra nguyên nhân đầu tiên là việc Mỹ đã nhiều lần cự tuyệt bán các vũ khí công nghệ cao cho nước này.
Ông Keller cho biết, trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng hỏi mua các hệ thống phòng không tối tân của Mỹ nhưng đã bị Quốc hội nước này phản đối. Ngoài ra họ cũng đề đạt nguyện vọng mua máy bay tấn công không người lái MQ-1 Predator, nhưng cũng không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển hướng sang các nhà xuất khẩu vũ khí khác, không cần phải dài cổ đợi Quốc hội Mỹ phê duyệt rồi gạt bỏ.
Mỹ “cấm” Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa của Trung Quốc S_300_Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga
Ngoài ra, vị chuyên gia này còn đưa ra một nguyên nhân khiến nhiều người choáng váng là nếu lựa chọn các hệ thống của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải chịu nhiều chế ước, đặc biệt là vấn đề mối quan hệ thù địch giữa họ và Israel. Một khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel xung đột quân sự, Mỹ không bao giờ để Israel lâm vào vòng nguy hiểm, NATO có thể thông qua điều khiển xa để ngăn cản Ankara khởi động các hệ thống tên lửa phòng không của mình để đánh trả các máy bay chiến đấu của Tel Avip.
Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có thể sở hữu và sử dụng một hệ thống phòng không độc lập và đáng tin cậy, có khả năng tự bảo vệ cho mình, không bị lệ thuộc vào bất cứ nước nào.
Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước lựa chọn khó khăn
Quyết định mua HQ-9 của Thổ Nhĩ Kỳ làm Mỹ rất kinh ngạc, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã từng 2 lần lên tiếng cảnh cáo cá nhân Thủ tướng Thổ Nhĩ Tayyip Erdogan là không nên mua các hệ thống phòng không ngoài NATO, đặc biệt là của Trung Quốc. Ông còn nhắc nhở, nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua HQ-9 của Trung Quốc, hệ thống phòng không này sẽ không thể và không được phép kết nối với các hệ thống của NATO.
Mỹ “cấm” Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa của Trung Quốc Patriot_My
Tên lửa Patriot của NATO tại sân bay Diyarbakir, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ
Còn nếu Ankara và Bắc Kinh bắt tay nhau tìm cách kết nối được HQ-9 với các hệ thống Patriot, đương nhiên sẽ làm Mỹ và NATO nổi giận. Việc để lọt các bí mật công nghệ và thông tin bảo mật vào tay Trung Quốc sẽ khiến Mỹ và NATO phải thay thế toàn bộ các chuẩn thông tin, mật mã truy cập các hệ thống thông tin chỉ huy, cảnh báo sớm của họ cùng các mật mã phân biệt địch-ta của các hệ thống phòng không và không quân.
Và đương nhiên, lúc đó những cập nhật mới sẽ không được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ. Khi HQ-9 được tích hợp cũng là lúc hệ thống phòng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ bị tách rời khỏi hệ thống phòng không của NATO. Lúc đó, về danh nghĩa, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên NATO nhưng về mặt quân sự, quân đội của họ đã tách rời, không còn liên hệ gì với NATO nữa. Khi đó, cái giá của HQ-9 có rẻ không? Liệu người Thổ Nhĩ Kỳ có mong muốn điều này không?
Bài viết trên “Die Welt” phân tích tiếp, ngay từ đầu người Mỹ đã nhắc nhở, nếu Thổ Nhĩ Kỳ ham rẻ mà mua hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ bị cô lập về mặt công nghệ vì tên lửa nói riêng và các loại vũ khí tích hợp của Trung Quốc nói chung và NATO không thể dung hòa với nhau. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, họ cũng sẽ bị cô lập về chính trị trong lòng NATO.
Mỹ “cấm” Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa của Trung Quốc Aster_30_chauAu
Hệ thống phòng không Aster-30 SAMP/T của công ty tên lửa phòng không châu Âu (EUROSAM)
Theo kế hoạch, “Dự luật ủy quyền quốc phòng” năm 2014 sẽ được hạ viện Mỹ thông qua vào tuần tới, sau đó sẽ trình lên Tổng thống Obama ký kết thành văn bản luật. Các chuyên gia Mỹ phân tích, nếu không được phép sử dụng các nguồn kinh phí trợ giúp của Mỹ thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất khó khăn trong việc huy động ngân sách để mua hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc.
Cả Hạ viện Mỹ và và Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ đều tuyên bố, các hệ thống phòng không này của Trung Quốc không thể và không được phép tích hợp vào các hệ thống phòng thủ chung của NATO, điều này sẽ xâm hại đến an ninh của Khối đồng minh quân sự này. Vì vậy, người ta có thể đoán trước là chắc chắn điều khoản “răn đe” Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong dự luật này sẽ được thông qua.
Hiện nay, Ankara vẫn chưa quyết định nói “không” với hệ thống phòng không của Bắc Kinh nhưng đã đưa ra quyết định kéo dài thời gian dự thầu đối với các công ty của Mỹ và châu Âu. Điều khoản mới đưa ra của Hạ viện Mỹ hiển nhiên là là biện pháp cuối cùng nhằm “đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào khuôn khổ”. Còn nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết bảo vệ lựa chọn của mình, có lẽ họ nên nộp đơn xin ra khỏi NATO là vừa.
Toàn Thắng (tổng hợp)