TTM - Theo thông tin TTM vừa nhận được, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã qua đời vào khoảng 16g chiều nay 13-2, hưởng thọ 82 tuổi. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết ba mình trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở quận 7 - TP.HCM vì tuổi già, sức yếu. 

Nhà văn Nguyển Quang Sáng sinh năm 1932 tại An Giang. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Chiếc lược ngà, sáng tác năm 1966. Truyện ngắn này gắn liền với nhiều thế hệ học trò cho đến ngày nay. 
Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng! 52fcab96aa568182510
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Ảnh: Trần Tiến Dũng
Ngoài những truyện ngắn và tiểu thuyết như Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Bàn thờ tổ của một cô đào, Tôi thích làm vua..., Nguyễn Quang Sáng còn là biên kịch của nhiều kịch bản phim như Cánh đồng hoang, Pho tượng, Cho đến bao giờ, Mùa gió chướng, Dòng sông hát, Như một huyền thoại... 
Trong một cuộc trò chuyện trước Tết với TTM, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ năm nay, anh sẽ bắt tay viết kịch bản và tìm ý tưởng thực hiện một bộ phim về đề tài chiến tranh từ truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của ba mình. 
Trên facebook của mình, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng viết: "Kết thúc một chặng đường. Ba tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chia tay gia đình tôi. Ba đến nơi gặp những bạn bè thân: chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc... Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba. Cảm ơn thượng đế để cho con được là con của ba".
Trên trang cá nhân của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhiều đồng nghiệp, độc giả, khán giả đã bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Ca sĩ Thanh Thảo: Em xin chia buồn cùng anh và gia đình.

Ca sĩ Pha Lê: Bác ơi con nghe tin như sét đánh ngang tai...đến giờ con vẫn chưa tin bác đã ra đi...đột ngột quá bác ơi...! Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả của hàng loạt các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam đã vừa từ trần chiều nay để lại biết bao nỗi thương tiếc cho những người ở lại...Chúng con sẽ luôn luôn nhớ về bác...bác ơi! Xin chia buồn cùng gia đình anh Nguyễn Quang Dũng! Hi vọng anh sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này!
Thanh Thúy:
Có mất mác nào hơn cái chết.
Khăn tang vòng tròn con số không
Xin chia buồn cùng anh và gia đình. Đây là sự mất mác lớn lao của nền nghệ thuật văn học nước nhà.

Việt Hoàng: Chia buồn cùng anh và gia đình.Sẽ luôn nhớ bác, nhớ "Chiếc lược ngà" mà em đã được học và những tác phẩm bác để lại cho đời. 
Xuân Hiển:

Trước đây khi đọc tác phẩm này, tôi đã không cầm được nước mắt ở trích đoạn: 

" - Thôi! Ba đi nghe con! - Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người - kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

- Ba... a... a... ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan của mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ Ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ Ba” như vỡ tung ra từ lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

Ba nó bế nó lên - nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa ... "

Và giờ đây ông không còn nữa…

Còn nhớ, lúc học “Chiếc lược ngà”, cô giáo có bảo chúng tôi diễn lại trích đoạn này, tôi được đóng vai người ba trong truyện. Lúc đó, mình cũng không biết diễn như thế nào, chỉ biết nhập tâm vào những gì tác giả đã viết và tôi đã thật sự xúc động khi hiểu sâu sắc về truyện ngắn này. 
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: Anh Nguyễn Quang Sáng Lớn lớn về tâm và tầm
Tôi sửng sốt khi nghe tin anh Nguyễn Quang Sáng qua đời. Tôi thấy choáng cả người. Tôi như đang nghe tiếng anh cười sảng khoái mỗi lần uống với anh vài ly rượu, anh nói với bạn bè: Cái thằng này lạ! Người ta thường phổ thơ, nó lại đi phổ truyện. Với tôi thì chẳng lạ gì, vì tôi có nhiều bạn bè là nhà văn nên mỗi lần được tặng tác phẩm mới tôi đọc lấy đọc để rồi hứng bất tử phổ thành ca khúc. Đến bây giờ cũng được hai chục bài. Nhiều nhất là Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền…
Tôi thích nhất là truyện ngắn Bàn thờ tổ của một cô đào của anh, một câu chuyện mang tính nhân văn, tình nghĩa. Tôi phổ thành ca khúc rồi nói với anh: tựa đề dài quá! Em đặt ngắn lại thành Bay cao ước mơ đươc không? Anh cười hề hề đ/c muốn làm sao thì làm. Năm vừa qua tôi phổ tiếp truyện Chiếc lược ngà. Tôi có báo tin cho anh biết nhưng chưa hát cho anh nghe thì anh đã đi xa...
Đối với anh em nhạc sĩ trong nhóm Những người bạn anh 5 Sáng luôn là người bạn lớn. Lớn về tuổi tác, lớn về tầm nhìn, lớn về cái tâm trước cuộc đời vô vàn biến chuyển. Tôi không thể nào quên được anh, một nhà văn lớn của miền Tây Nam bộ - An Giang.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên
Tiểu sử:
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn có bút danh Nguyễn Sáng, sinh ngày 12 tháng 0l năm 1932, tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Từ tháng 4 năm 1946, ông xung phong vào bộ đội, làm liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2. Đến năm 1948 được bộ đội cho đi học thêm văn hoá ở Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1950, về công tác tại phòng chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo và Hoà Hảo).
Năm 1955, ông theo (đơn vị tập kết ra Bắc, chuyển ngành với cấp bậc chuẩn úy, về làm cán bộ Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1958, công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ biên tập nhà xuất bản Văn học, cán bộ sáng tác.
Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng. Năm 1972, trở ra Hà Nội, tiếp tục làm việc ở Hội Nhà văn.
Sau ngày đất nước thống nhất tháng 4.1975, ông về Thành phố Hồ Chí Minh, giữ chức Tổng thư ký (về sau đổi tên gọi thành Chủ tịch) Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh các khoá l, 2, 3.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957; Uỷ viên Ban Chấp hành Hội khoá 2, 3 và là Phó tổng thư ký Hội khoá 4.
Tác phẩm đã xuất bản:
* Văn xuôi:
- Con chim vàng (truyện ngắn, 1957);
- Người quê hương (truyện ngắn, 1958);
- Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1962 );
- Đất lửa (tiểu thuyết, 1963);
- Câu chuyện bên trận dịa pháo (truyện vừa, 1966);
- Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1968);
- Bông cẩm thạch (truyện ngắn 1969);
- Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, 1975);
- Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975);
- Người con đi xa (truyện ngắn, 1977);
- Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985);
- Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, 1985);
- Tôi thích làm vua (truyện ngắn, 1988);
- 25 truyện ngắn (1990);
- Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn (ký, 1990);
- Con mèo Fujita (truyện ngắn - 1991).
* Kịch bản phim:
- Mùa gió chướng (1977);
- Cánh đồng hoang (1978),
- Pho tượng (1981);
- Cho dến bao giờ (1982);
- Mùa nước nổi (1986);
- Dòng sông hát (1988);
- Câu nói dối đầu tiên (1988);
- Thời thơ ấu (1995);
- Giữa dòng (1995);
- Như một huyền thoại (1995).
Giải thưởng văn học:
- Ông Năm Hạng - truyện ngắn giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959);
- Tư Quắn - truyện ngắn, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (1959);
- Dòng sông thơ ấu - giải thưởng Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam (1985);
- Con mèo của Fujita - tập truyện ngắn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994;
- Cánh đồng hoang (kịch bản phim)- bộ phim được tặng Huy chương vàng Liên hoan Phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng Liên hoan Phim quốc tế ở Moskva (1981);
- Mùa gió chướng (kịch bản phim)- Huy chương bạc Liên hoan Phim toàn quốc (1980)
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2001.
Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng! 52fcb05dbecc1184533
Từ trái sang, ba đời Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Quang Trang tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3 ở Bến Nhà Rồng 5.2011
Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng! 52fcaffe6578c184358
Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng! 52fcb039aabf2184457