Hôm nay, chị lại đến Tòa án Nhân dân TP.HCM. Mấy năm trước, chị đến Tòa để chứng kiến ngày cậu con trai duy nhất của chị bị kêu án. Đầu tháng Tám này, chị đến Tòa để dự khán phiên Tòa xét xử vụ việc “Giết người”, nạn nhân của vụ việc này chính là chồng chị.

Một chuyện ở Tòa 26_mot67
Chị thưa với Tòa: “Tôi cũng có con trai ngồi tù, tôi biết cảm giác chờ đợi nó buồn bã thế nào. Chuyện không may cũng đã xảy ra rồi, tôi mong Tòa cân nhắc tuyên một bản án nhẹ để người thân của cậu bé gây ra cái chết cho chồng tôi rút ngắn được thời gian chờ đợi, để cậu bé sớm có cơ hội làm lại cuộc đời”.

Chị chỉ nói có bấy nhiêu, rồi im lặng. Tôi là một trong những người dõi theo vụ việc liên quan đến chồng chị từ đầu chí cuối… Một câu chuyện rất nhiều nỗi niềm.

1. Chồng chị, sau cái đận con trai đi ở tù, anh cứ buồn hoài. Anh nói với chị, “Thôi thì con dại cái mang, em bình tâm thư thư ít lâu thì con lại về, rồi mình bảo ban con lại”. Anh nói với chị, mà anh như tự nói với chính anh.

Anh đi làm bảo vệ, được bao nhiêu tiền để gói ghém về đưa cho chị. Anh bằng lòng với những gì anh đang có, chị học cách biết đủ với những gì đang diễn ra quanh chị. Đột nhiên, hôm ấy lại xảy ra chuyện không may.

Anh sắp nghỉ việc ở công ty cũ, để chuyển sang cơ quan mới. Anh cùng em gái anh đi ăn ốc nói chuyện phiếm. Anh em của anh ngồi bên này, thì phía bên kia cậu nhóc Huỳnh Nguyễn Phi Long cũng đang ngồi uống bia với chị gái.

Đang chuyện trò vui vẻ thì giữa cậu nhóc và chị gái nảy sinh mâu thuẫn, bốc đồng cầm cái ly ném mạnh xuống nền quán rồi lớn tiếng, la hét ầm ĩ. Em gái của anh thấy chuyện tào lao, nổi hứng tò mò nên từ bàn bên này sang bàn bên kia hỏi thăm nguyên cớ.

Cậu nhóc im lặng, chị cậu nhóc cũng im lặng. Càng im lặng lại càng tò mò, em gái của anh cứ sán lại hỏi hoài, hỏi đến mức cậu nhóc văng tục. Kiềm không được, em gái của anh tát tai cậu nhóc. Bị đánh bất ngờ, cậu nhóc như lên cơn rồ, lao vào định tấn công lại.

Sợ em gái mình bị đánh, anh nhào sang can ngăn. Chủ quán thấy ầm ĩ, đuổi khéo hai anh em anh lẫn chị em cậu nhóc ra khỏi quán. Vừa rời khỏi quán, cậu nhóc cắm đầu cắm cổ chạy một mạch đến quán phở cạnh đó, nhanh tay chụp được con dao thái thịt rồi quay về phía anh.

Cậu nhóc vung tay, anh gục ngã xuống mặt đường đầy máu. Có người đàn ông đi qua, thấy cảnh đâm chém nên can ngăn. Cậu nhóc chưa tiết chế được cơn giận, quay sang chém luôn người can ngăn một nhát. Người can ngăn ôm vết thương bỏ chạy… Nhìn quanh không còn ai, chỉ còn mỗi anh nằm đó. Cậu nhóc lúc đó mới hiểu thế nào là “chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”, vội rời khỏi hiện trường.

Trên đường bỏ chạy, cậu nhóc được một người bạn dừng xe Honda cho đi ké. Thấy cậu nhóc cầm con dao dính đầy máu, bạn hỏi “Gì kỳ vậy?”. Cậu nhóc đáp tỉnh rụi, “Mới chém người xong”. Đến quãng vắng, cậu nhóc quẳng dao phi tang. Bạn chở cậu nhóc về nhà.

Ngay đêm hôm đó, cậu nhóc bị bắt giữ. Ngay chiều hôm đó, anh tử vong trong bệnh viện. Cũng ngày hôm đó, chị đón nhận khoảnh khắc bi kịch của đời mình.

Chị nghe hàng xóm báo tin anh gặp nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện. Chị vừa đến bệnh viện thì nhận được tin anh đã tử vong do mất máu quá nhiều. Chị gục xuống khóc váng vất. Chị đưa anh về nhà, vay mượn khắp nơi được 50 triệu để lo tang chế. Mấy hôm sau, người nhà cậu nhóc mang sang đưa cho chị số tiền 35 triệu, gọi là phụ giúp ma chay.

Chị cô độc hoàn toàn, chồng chị mất, con trai chị đang thụ án tù.
Một chuyện ở Tòa 26_motchuyen67-450
Thời điểm gây án, cậu nhóc Huỳnh Nguyễn Phi Long chưa đầy 18 tuổi. Dạo đó, báo chí đang cuồng vì chuyện của Lê Văn Luyện. Cứ thấy có cậu nhóc nào gây án dưới 18 tuổi là lập tức viết bài giật tít “Xuất hiện thêm một Lê Văn Luyện”. Loạn hết lên. Nhà Long ở đường Lạc Long Quân, phường 13, quận 11, TP HCM. Long bị tạm giữ tại Cơ quan Công an quận 11.

Một ngày sau khi Long gây án, tôi có ngồi với cậu ở phòng tạm giam của Cơ quan Công an quận 11. Cậu nhóc hình như còn chưa tỉnh hẳn sau biến cố lớn vừa xảy ra, mắt cậu đỏ ké, người như mơ ngủ. Cậu trả lời cộc lốc, không chủ ngữ vị ngữ, dáng đúng kiểu anh hùng mới lớn, không ngại gì chuyện gió mưa đời người. Tôi lục lại bài viết cũ, trích nguyên văn đoạn trao đổi hôm đó.

- Long là con thứ mấy trong nhà?

- Thứ hai. Chị Hiền là chị đầu. (Hiền là người cùng ngồi ăn với Long, rồi dẫn đến cãi vã).

- Long học đến lớp mấy thì nghỉ?

- Lớp 10.

- Nghỉ học rồi ở nhà làm gì?

- Phụ cha mẹ làm chuyện lặt vặt.

- Cha mẹ Long có buôn bán à?

- Không, cha đi làm thợ sửa máy. Mẹ ở nhà may quần áo. Phụ việc lặt vặt và quét dọn nhà cửa.

- Mâu thuẫn đơn giản, sao lại có thể xuống tay hạ sát người có số tuổi đáng cha mình?

... Im lặng..

- Ở trong phòng tạm giam, có nghĩ lại việc mình đã làm mà lo lắng không?

- Không.


Một điều tra viên Công an quận nói với tôi rằng, Long vẫn chưa biết nạn nhân bị Long tấn công đã tử vong, nên thái độ còn khá lấc cấc. Long là cậu con trai duy nhất của gia đình, cha mẹ cưng chiều Long hết mực. Giữa Long và chị gái vốn dĩ thường nảy sinh mâu thuẫn, chị em khắc khẩu với nhau. Hồ sơ vụ án thể hiện, trước khi Long ghé quán để cùng ngồi với chị, thì Long đã uống hơi tây tây tại tỉnh Bình Dương.

Long trò chuyện với tôi ở Cơ quan Điều tra ra vẻ hảo hán bao nhiêu thì khi đến Tòa lại rúm ró bấy nhiêu. Cậu nhóc cứ cùi gằm mặt, tránh nhìn về hướng gia đình người bị hại. Đến khi nghe vợ của nạn nhân xin Tòa giảm nhẹ hình phạt cho Long, mắt Long đỏ hoe.


“Thưa Hội đồng Xét xử, những ngày trong trại tạm giam, bị cáo suy nghĩ rất nhiều về hành vi của mình. Nếu thời gian quay trở lại, chắc chắn bị cáo không dám làm điều đó. Bị cáo nhận thức rất rõ, nỗi ân hận của bị cáo ở thời điểm này là đã quá muộn màng. Nhưng bị cáo mong phía gia đình người bị hại nhận lời xin lỗi của bị cáo. Bị cáo xin Hội đồng Xét xử cân nhắc các tình tiết để bị cáo sớm có cơ hội trở về làm lại cuộc đời. Điều mong muốn nhất của bị cáo lúc này, là bị cáo được trở về nhà để thắp một nén nhang xin người bị hại tha thứ” Long nói một hơi rất dài. Thường thì ở Tòa, lời nói sau cùng của các bị cáo bao giờ cũng tập trung vào ý đó với mong muốn được giảm án. Nhưng tôi tin là Long đang nói rất thật, Long nói thật là bởi không có sự hối hận nào khủng khiếp hơn phải tự vấn lương tâm trong suốt những đêm dài ở trong phòng giam giữ.

Sau giờ nghị án, nhận định những tình tiết nặng nhẹ của vụ việc. Hội đồng Xét xử đã quyết định tuyên phạt 13 năm tù giam đối với Long.

2. Đây là phiên xét cử để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, tôi vẫn thường nghe nói “Oán thù nên cởi, không nên trói”. Cứ nghĩ đó là câu răn của tiền nhân thôi, bởi chuyện thiên hạ gì dễ xét, chuyện cá nhân luôn khó bàn. Vậy mà, người phụ nữ ấy đã làm được điều cực khó này.

Chị không đòi bồi thường tổn thất tinh thần, trong lúc chị hoàn toàn có thể làm được chuyện đó. Gia đình cậu nhóc gửi chị 35 triệu tiền phụ tang ma, chị còn gánh số nợ thêm 15 triệu. Chị chỉ mong gia đình cậu nhóc phụ chị khoản nợ này. Là chị mong như vậy, vì chị không còn cách xoay sở nào khác.

Chị nói: “Tôi không nhân cơ hội này kia để gây khó khăn cho gia đình của Long, tôi nghĩ là mọi thứ không may xảy ra rồi, thôi thì cứ để nó trôi vào quên lãng. Long còn trẻ, cuộc đời Long còn dài, Long được ra tù sớm ngày nào tôi mừng ngày đó. Long ở tù thêm vài năm, thì chồng tôi cũng có thể sống lại được đâu”.

Đáp lại chị là sự phản ứng khá tiêu cực của cha ruột Long. Nhưng thôi, chuyện này không nhắc đến làm gì để bận lòng nhau.

“Vô phúc đáo tụng đình”, ông bà đúc kết rồi. Ra tòa cho dù ở phía bị hại hay bị cáo gì đó, đều là bi kịch hết. Làm gì có ai đến tòa mà lòng hân hoan vui sướng đâu, người đến tòa đều là những cá nhân buộc phải gánh chịu sự rủi xui ập vào phận mình một cách thụ động.

Nặng nhẹ nhau làm gì ở những phiên xét xử, chúng ta hữu hạn và chúng ta không thể khiến thời gian quay trở lại. Thôi thì, cứ cởi lòng với nhau mà sống… Cho người một cơ hội, tức là cho mình một cơ hội. Quả chỉ có thể ngọt nếu hạt được gieo trên cánh đồng chan chứa tình yêu thương, sự vị tha, nghĩ đến người biết đến mình.

Có lần, tôi ngồi với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, ông có nói câu đại ý rất hay, ông bảo: “Hãy biết cách bắn đi mũi tên yêu thương. Bất cứ chuyện gì, cũng nên nghĩ cho người trước, nghĩ cho mình sau. Sự nhân ái bắt nguồn từ đây chứ không phải từ sự màu nhiệm nào xa xôi cả”.

Và hành động của chị trong phiên Tòa hôm ấy, đúng là hành động bắn đi một mũi tên yêu thương.

KINH HỮU
Báo CAND.COM