Ngày 28/11/2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam năm 1992. Với tư cách là một giá trị căn bản, phổ quát của nhân loại nói chung và của cộng đồng xã hội Việt Nam nói riêng, những giá trị của công lý đã được ghi nhận và được Nhà nước XHCN cam kết bảo vệ, bảo đảm thực thi tại Điều 102 Hiến pháp: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Có thể nói, Hiến pháp có một chức năng quan trọng là tuyên bố những giá trị căn bản được một cộng đồng chia sẻ, làm nền tảng cho hoạt động quản lý nhà nước hoặc định hướng cho những tranh luận, thương thảo, thỏa thuận trong một cộng đồng xã hội, tránh không để xảy ra xung đột giữa các nhóm lợi ích, các cá nhân. Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã xác định công lý là giá trị căn bản của cộng đồng trong Hiến pháp của mình như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Ba Lan, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa Nam Phi.

1. Một số đặc trưng cơ bản của công lý gắn liền với việc ghi nhận công lý trong các bản hiến pháp

Thứ nhất, công lý là một giá trị mang lại tính chính danh/tính hợp pháp (legitimacy) của một chính quyền. Một nhà nước không cam kết bảo vệ và thực thi công lý là nhà nước của một cộng đồng xã hội chưa tiến tới văn minh. Các nghiên cứu lịch sử cho thấy trong giai đoạn xã hội sơ khai, bán khai, pháp luật dựa trên các giải pháp thô sơ là sử dụng “cường lực”, “bạo lực”, “bản năng”, lẽ phải sẽ thuộc về kẻ khỏe hơn, mạnh hơn. Nhà sử học Hoa Kỳ Will Durant cũng nhận xét: Trong giai đoạn sơ kỳ, “cá nhân là viên cảnh sát của chính mình, người nào đủ mạnh thì dùng cách trả thù để xử tội theo ý mình”. Khi xã hội tồn tại trong trạng thái mà người dân sống thưa thớt và chiến tranh luôn rình rập, công lý còn chưa thực sự được coi là một phẩm hạnh quan trọng của mỗi cá nhân bởi nó còn phải nhường chỗ cho những phẩm chất quan trọng của các chiến binh như sức mạnh, lòng quả cảm, sự khéo léo hay kỹ năng sử dụng vũ khí thuần thục. Cùng với sự tiến hóa của nhân loại, vai trò của “cường lực”, “bạo lực”, “sức mạnh” ngày càng phai nhạt. Khi bước sang giai đoạn phát triển văn minh hơn, loài người nhận ra rằng không thể để cho các cá nhân tự ý định đoạt khu xử, trật tự xã hội cần phải được thiết lập trên cơ sở công lý.

Một nhà nước không cam kết bảo vệ và thực thi công lý là nhà nước phi nghĩa. Trong cuốn “Vương quốc của Chúa” (The city of God), liên quan đến câu chuyện về tên cướp biển bị bắt và đưa đến trước vua Alexander đại đế, tên cướp biển xấc xược hỏi vua Alexander rằng ngoài khác biệt về phạm vi của hành động, điều gì thực sự là sự khác biệt giữa một tên cướp biển và một vị đại đế, St.Augustine đã luận giải rằng công lý là phẩm hạnh mang “tính thể chế”, “tính chính trị” nhất của mỗi cộng đồng xã hội. Tính chính đáng, chính nghĩa của một chính quyền thường được đánh giá thông qua việc nhà nước đó có thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm việc thực thi công lý hay không. Ông coi công lý là điểm tựa chính trị, đạo lý trong mỗi thể chế, vì vậy, “nếu không có công lý, nhà nước chỉ là một băng cướp có tổ chức mà thôi”.

Thứ hai, bảo vệ công lý gắn với quyền lực và được xác định là nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà nước. Theo giáo sư Vũ Văn Mẫu, quyền lực là một “lợi khí” để làm sáng tỏ công lý. Sự cộng tác sáng suốt giữa hai yếu tố công lý và quyền lực đã được văn hào Pascal khẳng định từ thế kỷ 17: Công lý không dựa vào quyền lực thì bất lực; quyền lực không đi đôi với công lý thì tàn bạo. Vì vậy cần phải kết hợp công lý và quyền lực, và nhằm mục đích này, phải làm thế nào cho những điều hợp công lý có đủ quyền lực; hay những điều dựa vào quyền lực phải hợp với công lý. Còn Alexander Hamilton, một trong những người lãnh đạo trong Hội nghị lập hiến Hoa Kỳ cũng thừa nhận một triết lý cơ bản để đảm bảo sự tồn vong của mỗi xã hội tại Bài phát biểu tại Hội nghị phê chuẩn Hiến pháp của tiểu bang NewYork (20-6-1788): “Tôi cho rằng nghĩa vụ đầu tiên của xã hội là công lý” và “Còn gì quan trọng hơn ngoài việc thi hành công lý…?”.

Thứ ba, công lý không phải là một phẩm chất thuần túy mà là một phẩm hạnh cao cả và căn bản trong mỗi cộng đồng xã hội. Theo Plato, công lý có thiên chức là nuôi dưỡng, bồi đắp một trật tự trong mỗi cá nhân mà ở đó nguyên tắc của lẽ phải và sự khôn ngoan phải đứng trên mọi sự xô đẩy và cảm xúc của con người. Trong một thành bang lý tưởng có bốn phẩm hạnh cơ bản: thông thái, dũng cảm, sự tiết chế và công lý. Trong bốn phẩm hạnh đó, công lý là yếu tố nuôi dưỡng, giúp cho ba phẩm hạnh phía trước phát triển, từ đó giúp các cá nhân, các tầng lớp trong xã hội tự tiết chế và làm đúng vai trò, bổn phận của mình, không can thiệp vào công việc của cá nhân, tầng lớp khác. Triết gia La Mã Cicero thì cho rằng công lý là phẩm hạnh đứng thứ hai trong bốn phẩm hạnh căn bản (sự thông thái, công lý, dũng cảm và khả năng tiết chế). Công lý là phẩm hạnh giữ cho mỗi thành viên xã hội gắn kết chặt chẽ vì lợi ích chung của toàn xã hội. Còn John Rawls, triết gia chính trị người Mỹ quan niệm công lý là một phẩm hạnh cơ bản của xã hội, là lẽ phải, điều thiện và là phẩm hạnh tối cao của con người. Công lý với tính cách là công bằng chính là chuẩn mực của trạng thái xã hội lý tưởng mà ở đó mỗi cá nhân khi tham dự vào hợp tác xã hội hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện và ngày càng đạt được lợi ích tối đa của mình.

2. Công lý trong Hiến pháp của một số quốc gia trên thế giới

a) Hiến pháp Nhật Bản:

Hiến pháp Nhật Bản được công bố ngày 03/11/1946, có hiệu lực ngày 03/5/1947.

Tại Phần Lời nói đầu, Hiến pháp Nhật Bản ghi nhận các giá trị của công lý:

“Chúng tôi, nhân dân Nhật Bản, mong muốn hòa bình cũng như hiểu rằng những lý tưởng về mối tương quan giữa con người, quyết tâm bảo vệ an ninh và sự sinh tồn của đất nước, tin tưởng vào công lý cũng như những dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới”.

Điều 67 Hiến pháp Nhật Bản quy định: “Các Thẩm phán xét xử một cách độc lập, theo lương tâm, Hiến pháp và luật pháp”.

b) Hiến pháp Cộng hòa Hàn Quốc:

Hiến pháp Cộng hòa Hàn Quốc được công bố ngày 29/10/1987.

Tại Lời nói đầu, Hiến pháp Cộng hòa Hàn Quốc tuyên bố:

“Chúng tôi, nhân dân Hàn Quốc, tự hào về lịch sử rực rỡ và truyền thống có niên đại xa xưa…, sẽ chống lại bất công, đặt ra các nhiệm vụ cải cách dân chủ và hòa bình thống nhất đất nước và quê hương, đồng thời quyết tâm củng cố đoàn kết quốc gia với công lý, nhân đạo và tình anh em”.

Điều Điều 103 Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Thẩm phán xét xử độc lập theo lương tâm của họ và tuân theo Hiến pháp và luật”.

c) Hiến pháp Indonesia:

Hiến pháp Indonesia được sửa đổi, bổ sung năm 1999, 2000, 2001 và 2002.

Tại Lời nói đầu Hiến pháp Indonesia tuyên bố:

“Vì độc lập là quyền bất khả xâm phạm của mọi dân tộc, do đó, toàn bộ chủ nghĩa thực dân phải được chấm dứt trên thế giới này vì nó không phù hợp với nhân loại và lẽ công bằng”.

Điều 24 Hiến pháp Indonesia tuyên bố trách nhiệm thực thi công lý của cơ quan tư pháp:

“Quyền lực tư pháp là độc lập và có quyền tổ chức bộ máy tư pháp để thực thi pháp luật và công lý”.

Điều 24A Hiến pháp Indonesia tiếp tục quy định:

“Thẩm phán của Tòa án phải là người liêm chính, có nhân cách đáng kính, công bằng, chuyên nghiệp và có kinh nghiệm pháp lý”.

d) Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp:

Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp được thông qua ngày 4/10/1958 với 24 lần sửa đổi.

Điều 67-68 Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp quy định việc thành lập một Tòa án công lý tối cao bao gồm các Hạ nghị sỹ và các Thượng nghị sỹ có số lượng ngang nhau do Hạ viện và Thượng viện bầu ra. Khi Tổng thống có các hành vi cấu thành tội đại phản quốc thì Tổng thống do Tòa án công lý tối cao xét xử.

Điều 68-1, 68-2 Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp quy định trách nhiệm hình sự của các thành viên Chính phủ: Tòa án công lý Cộng hòa xét xử các thành viên của Chính phủ khi có các hành vi thực hiện trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Người nào bị thiệt hại do hành vi phạm tội của thành viên Chính phủ gây ra trong khi thi hành công vụ có quyền gửi đơn kiện lên một Ủy ban giải quyết đơn thư khiếu nại. Ủy ban này có quyền quyết định đình chỉ vụ việc hoặc chuyển hồ sơ sang Viên trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa phá án để khởi tố trước Tòa án công lý Cộng hòa.

e) Luật Cơ bản Cộng hòa Liên bang Đức:

Luật Cơ bản Cộng hòa Liên bang Đức được ban hành ngày 23/5/1949, được sửa đổi vào ngày 20/12/1993.

Điều 1 Luật Cơ bản Cộng hòa Liên bang Đức tuyên bố:

“Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm.

Tôn trọng và bảo vệ nó là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan Nhà nước.

Nhân dân Đức do đó thừa nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người như là cơ sở của mọi cộng đồng, của hòa bình và công lý thế giới”.

g) Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan:

Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan được thông qua ngày 02/4/1997.

Lời nói đầu Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan tuyên bố:

“Chúng tôi, đất nước Ba Lan và tất cả những người dân của nền Cộng hòa,

Từ những người tin rằng Đức Chúa là nguồn gốc của lẽ phải, công lý và những điều tốt đẹp,

Cho đến những người không có cùng niềm tin này nhưng tôn trọng những giá trị phổ quát đó được cho là phát sinh từ những nguồn gốc khác…”.

Điều 175 Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan quy định trách nhiệm của hệ thống tòa án trong việc thi hành công lý:

“Việc thi hành công lý ở Cộng hoà Ba Lan do Tòa án Tối cao, các tòa án có thẩm quyền chung, tòa án hành chính và tòa án quân sự thực hiện”.

Điều 177 Hiến pháp tiếp tục quy định:

“Tòa án có thẩm quyền chung thi hành công lý đối với tất cả các loại vụ việc nhằm giảm tải công việc theo luật định cho các tòa án khác”.

Điều 182 Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan quy định về việc công dân tham gia bảo vệ công lý:

“Luật sẽ quy định phạm vi tham gia của công dân trong việc thi hành công lý”.

i) Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ:

Lời mở đầu Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tuyên bố:

“Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nhằm xây dựng một liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong liên minh, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu…”

Điều 3 khoản 2 Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định:

“Quyền lực tư pháp căn cứ vào Hiến pháp này sẽ có hiệu lực đối với tất cả các vụ việc trên phương diện luật pháp và công lý..”

k) Hiến pháp nước Cộng hòa Nam Phi:

Hiến pháp nước Cộng hòa Nam Phi được ban hành năm 1996.

Lời nói đầu Hiến pháp nước Cộng hòa Nam Phi tuyên bố:

“Chúng tôi, nhân dân Nam Phi

Nhận thức về tình trạng bất công trong quá khứ của mình,

Vinh danh những người đã hy sinh cho công lý và tự do của đất nước chúng ta

Kính trọng những người đã làm việc để tạo lập và xây dựng đất nước chúng ta….”

Điều 165 Hiến pháp nước Cộng hòa Nam Phi quy định:

“Quyền tư pháp của nước Cộng hòa được trao cho các tòa án. Các tòa án độc lập và chỉ phải tuân thủ Hiến pháp và luật, và phải áp dụng Hiến pháp và luật một cách vô tư, không sợ hãi hay thiên vị”.

Điều 173 Hiến pháp nước Cộng hòa Nam Phi quy định:

“Tòa Hiến pháp, Tòa Phúc thẩm tối cao và các tòa cấp cao có quyền về bảo vệ và điều chỉnh tiến trình làm việc riêng của mình, và được đưa ra các quy tắc thông luật trên cơ sở vì lợi ích của công lý”.

Các thẩm phán hoặc quyền thẩm phán trước khi được bổ nhiệm, trước Thẩm phán tối cao hoặc một thẩm phán do Thẩm phán tối cao chỉ định phải có tuyên thệ hoặc khẳng định như sau;

Tôi xin thề/chính thức khẳng định rằng là một thẩm phán của Tòa án Hiến pháp/Tòa án tối cao phúc thẩm/Tòa án tối cao, tôi sẽ trung thành với nước Cộng hòa Nam Phi, sẽ bảo vệ Hiến pháp và quyền con người được ghi nhận trong đó và sẽ thực thi công lý đối với mọi người không e sợ, không thiên tư, thiên vị, tuân theo Hiến pháp và pháp luật./.

Tài liệu tham khảo:

1. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội: Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia, Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2012.

2. GS.TS. Trần Ngọc Đường-Ths. Bùi Ngọc Sơn: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về việc xây dựng và ban hành Hiến pháp, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2013.

3. Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2013.

4. TS. Võ Trí Hảo: Luận về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2013.

5. David Johnston: A Brief History of Justice, Wiley-Blackwell, 2011.
Nguồn (http://moj.gov.vn/)