Đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng Thủ đô, có sự cống hiến âm thầm của Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt

Hà Nội một ngày thu lịch sử cách đây 60 năm rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô sau 9 năm trường kỳ kháng chiến kể từ cách mạng Tháng 8 mùa thu lịch sử. Đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng Thủ đô, có sự cống hiến âm thầm nhưng đầy vinh quang của Công an Hà Nội.
Đội Thiếu niên Bát Sắt – huyền thoại bất tử Doi_bat_sat_uiuq
Bộ trưởng Trần Đại Quang nói chuyện với các đội viên quân báo Bát Sắt trong dịp đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND
Ngay từ đầu mới thành lập và trong kháng chiến chống Pháp, Công an Hà Nội đã góp phần tích cực bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ trong thế “Ngàn cân treo sợi tóc”. Từ trong lòng thành phố bị tạm chiếm, Công an Hà Nội làm nhiệm vụ diệt ác trừ gian, bảo vệ cơ sở cách mạng, trừng trị nhiều tên việt gian đầu sỏ, tiến hành nhiều hoạt động tình báo, điệp báo và dân vận…
Trong vô số những thành tích tiêu biểu phải kể đến hoạt động của Đội Thiếu niên Bát Sắt, thuộc Công an quận 6, Công an TP Hà Nội. Những chú bé liên lạc trinh sát tuổi đời từ 12 đến 16 tuổi đã lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc với nhiệm vụ mở đường bí mật trở về chiến đấu ở vùng địch tạm chiếm. 
Ký ức hào hùng
Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu 1, Hà Nội bị giặc Pháp tạm chiếm. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Nha Công an Việt Nam phải nhanh chóng đưa lực lượng kháng chiến vào hoạt động trong lòng địch. Năm 1947, Công an quận 6 được thành lập thi hành mệnh lệnh của Ty Công an Hà Nội nhằm tạo thế chủ động bất ngờ trước kẻ địch. Một số đội viên Đội Thiếu niên Bát Sắt, gồm 5 chiến sĩ đã nhận lệnh lên đường tìm lối đi bí mật trở về Hà Nội mở đầu cho sự hình thành một trận tuyến thầm lặng trong lòng Thủ đô tạm chiếm.
Đội Thiếu niên Bát Sắt do đội trưởng Nguyễn Xuân Trinh phụ trách, chính ông là người thày dày công đào luyện một tập thể thiếu niên mưu trí, dũng cảm. Để ngày nay Đội Thiếu niên Bát Sắt trở thành một huyền thoại bất tử về khí phách và lòng nồng nàn yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam, được ghi chép lại trong cuốn truyện Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt do Nhà xuất Bản Kim Đồng phát hành, tái bản 7 lần.
Tổ trưởng tổ mở đường Hoàng Văn Quyến (tức Đại tá Trần Vân nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh) là nhân vật lịch sử tiêu biểu của Đội Thiếu niên Bát Sắt.
Đội Thiếu niên Bát Sắt thành lập và hoạt động từ ngày 19/12/1946 đến cuối năm 1948. Để thực hiện nhiệm vụ, các thành viên trong Đội phải cải trang để sống hợp pháp trong nội thành. Thực hiện các nhiệm vụ đưa thư tín, mệnh lệnh của trên; đưa dẫn cán bộ ra vào vùng địch tạm chiếm. Điển hình chuyển lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài- Tư lệnh quân sự Liên khu 2 cho Tiểu đoàn 202 rút khỏi vòng vây của địch ở khu học xá Việt Nam (nay là phố Bạch Mai- Hà Nội); đưa ông Trần Quang Cơ- quân báo viên quận 6 bị lạc trở về đơn vị (sau này ông Cơ trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); dẫn đường cho một tiểu đội quân Quyết tử vào nghiên cứu đánh địch trong lòng Hà Nội. Đặc biệt chuyển thư của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo đến các nhân sỹ, trí thức, vận động họ đi theo cách mạng. Các giáo sư Hoàng Xuân Hãn và vợ, kỹ sư, Thứ trưởng Bộ Giao thông Đặng Phúc Thông, bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Phạm Khắc Quảng, Trần Văn Lai, các luật sư Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Bùi Tường Chiểu… đã đi theo cách mạng.
Đội Thiếu niên Bát Sắt trực tiếp đưa ông Phan Khắc Hòe, nguyên đổng lý văn phòng của Bảo Đại và hai con trai cùng vợ chồng kỹ sư Đặc Phúc Thông vượt vòng vây địch lên chiến khu Việt Bắc, được Hồ Chủ tịch đánh giá là một thắng lợi. Đội còn tổ chức xử tử hình tên việt gian Paquet (Lê Hữu Bá Kế) tại nhà riêng; nắm địa chỉ nhà riêng, quy luật hoạt động của tên việt gian đầu sỏ Trương Đình Tri, Chủ tịch hội đồng an dân Bắc Kỳ, để đưa đường cho đội trừ gian của ta tiêu diệt…
 Xứng danh anh hùng
Ông Phạm Thắng, tác giả cuốn truyện “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”, chính là một trong 5 chiến sĩ, mở đường trở về hoạt động tại Thủ đô những ngày đầu bị tạm chiếm, nhớ lại: “Trước khi 5 em trong tổ mở đường từ đình làng Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội lên đường tìm lối đi bí mật đồng chí Quận trưởng Công an quận 6 Lê Quang Hòa nói “Nhiệm vụ giao cho các em đêm nay sẽ đi vào lịch sử”. Lời nói ấy của đồng chí Lê Quang Hòa nay đã thành sự thật”.
Một điều đặc biệt và hết sức thú vị đội viên trong Đội Thiếu niên Bát Sắt có nhiều người là anh em, cha con tham gia hoạt động trực tiếp. Tiêu biểu là gia đình 3 anh em ruột đồng chí Nguyễn Xuân Sinh (tức Võ Tương đội trưởng đội Bát Sắt, đồng chí Nguyễn Xuân Trường (tức Lê Tám- em ruột đồng chí Võ Tương) đã công giáo dục, rèn luyện hình thành trạm giao thông là các em thiếu niên để bổ sung vào lực lượng hoạt động nội thành, người em út thứ 3 là đồng chí Xuân Thọ (tức Tấn) chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Một gia đình cách mạng khác có tới 7 người gồm bố mẹ, các em và các con trực tiếp tham gia hoạt động trong đội Bát Sắt là gia đình ông bà Hoàng Xuân Đài, chủ hiệu Quốc Việt 12 Hàng Nón- hậu phương an toàn của đội Bát Sắt ngay trong lòng địch. Hai người em ruột của ông Đài là Hoàng Xuân Tuế, người cùng đồng chí Nguyễn Văn Hoạch xử tử tên Việt gian Paquet (Lê Hữu Bá Kế)… Ngoài ra, trong số những người con của ông bà Đài, có một cậu bé lúc đó mới 10 tuổi “Mỗi lần đội viên Bát Sắt chúng tôi đến 12 Hàng Nón để nhận báo cáo đưa về căn cứ và chuyển chỉ thị từ căn cứ vào hậu phương lớn trong địch thì cậu bé này được bố mẹ cử ra đầu phố canh gác, nếu có cảnh binh đi tuần bố giáp ngay lập tức chạy về báo cho các đội viên, giải nguy để các đội viên không bị địch bắt. Cậu bé 10 tuổi hồi ấy giờ đã trở thành một ông già trên 70 tuổi gần 50 tuổi Đảng đó là ông Hoàng Xuân Lập”, ông Thắng kể.
Hồi tưởng về một thời tuổi trẻ hoạt động đầy vinh quang trong lòng địch với sự che chở giúp đỡ của nhân dân Đội Thiếu niên Bát Sắt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, ông Thắng càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng công an: “ Nếu không có tai mắt của nhân dân, không có sự hy sinh giúp đỡ của nhân dân dù lực lượng công an có tài giỏi đến mấy cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ”. “Chúng ta hãy trân trọng hướng về phía nhân dân”, ông Thắng nhắn nhủ./.
Ghi nhận những chiến công đặc biệt xuất sắc của Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt, Thành ủy Hà Nội đã khắc tấm bia ghi nhận công tích của mở đường bí mật về chiến đấu ở vùng địch tạm chiếm tại làng Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì Hà Nội. Ngày 19/12/2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt.

(Theo VOV)