QĐND Online - Để đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong các chiến dịch lớn, ngày 1-4-1953, Bộ tổng tư lệnh đã ký quyết định thành lập Trung đoàn Pháo phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy phiên hiệu là Trung đoàn 367, với biên chế ban đầu gồm 6 tiểu đoàn cao xạ 37 ly.

Đầu năm 1954, Trung đoàn vinh dự được tham gia chiến dịch Điện Biên phủ- trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta với thực dân Pháp xâm lược. Trong chiến dịch lịch sử này, bộ đội Phòng không còn non trẻ của Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ ác liệt, chiến đấu dũng cảm kiên cường bám sát yểm trợ các đơn vị bộ binh tiến công, dùng hoả lực phòng không bao vây không phận, cắt đứt con đường tiếp tế duy nhất của địch ở Điện Biên Phủ, làm cho địch hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện cho bộ binh bao vây, áp sát, tiêu diện hoàn toàn cứ điểm Điện Biên phủ. Kết thúc chiến dịch đã bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác.

Quân chủng Phòng không-Không quân, 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 230212hha75180929593
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm và chúc Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, tại Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân. Ảnh: Hoàng Hà
Ngày 21-9-1954, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 34/NĐA, thành lập Đại đoàn Pháo Cao xạ hỗn hợp trực thuộc Bộ Chỉ huy Pháo binh mang phiên hiệu truyền thống "367". Đại đoàn Pháo cao xạ 367 gồm 3 Trung đoàn: Trung đoàn 681, Trung đoàn 685 và Trung đoàn 689. Sau khi thành lập Đại đoàn được lệnh lệnh hành quân lên Cao Bằng nhận vũ khí mới và huấn luyện chuyển binh chủng.

Ngày 3-3-1955, Bộ trưởng Quốc phòng- Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định số 15/QĐA thành lập Ban Nghiên cứu Sân bay (Phiên hiệu C47). Đây là bước chuẩn bị cho sự ra đời lực lượng Không quân và là bước đi phù hợp với tình hình, khả năng của đất nước lúc bấy giờ. Thành lập Ban Nghiên cứu Sân bay là việc làm khởi đầu cho quá trình xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam. Ngày 3-3-1955 trở thành ngày truyền thống của bộ đội Không quân.

Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng về chủ trương xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, ngày 21-3-1958, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 047/NĐ quyết định tách Sư đoàn Pháo Cao xạ 367 khỏi Bộ Tư lệnh Pháo binh, tổ chức thành Bộ Tư lệnh Phòng không trực thuộc Bộ Quốc phòng

Quân chủng Phòng không-Không quân, 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 230212hha77180936843
Bộ đội Tên lửa luôn đẩy mạnh huấn luyện, nâng cao khả năng SSCĐ, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Hà
Ngày 1-3-1959, sau thời gian thành lập và huấn luyện không lâu, Trung đoàn Ra đa đầu tiên (e291) đã chính thức phát sóng bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Vì vậy ngày 1-3-1959 được lấy làm ngày truyền thống của bộ đội Ra đa.

Ngày 24-1-1959, Bộ Quốc phòng- Tổng Tư lệnh ra nghị định số 319/NĐ thành lập Cục Không quân trên cơ sở tổ chức và lực lượng của Ban Nghiên cứu Sân bay và Cục Hàng không Dân dụng đã được thành lập ngày 22-12-1955.

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đáp ứng yêu cầu chiến đấu hiệp đồng chỉ huy thống nhất,ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng Phòng không- Không quân, trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.

Quân chủng Phòng không-Không quân, 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 230212hha76180933359
Bộ đội Pháo phòng không tham gia diễn tập có bắn đạn thật năm 2011. Ảnh: Hoàng Hà
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quân chủng Phòng không- Không quân đã bắn rơi 2.635 máy bay trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ trong đó có 64 chiếc B-52, 13 chiếc F-111, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ quan trọng giữa cách mạng nước ta với cách mạng Lào, Cam-pu-chia, bộ đội Phòng không- Không quân đã tận tình giúp đỡ bạn trong xây dựng lực lượng Phòng không- Không quân, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ Phòng không- Không quân cho bạn. Trong những thời điểm quan trọng, được bạn yêu cầu, lực lượng Phòng không- Không quân không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, đã sát cánh cùng lực lượng của bạn cơ động chiến đấu trên nhiều địa hình, góp phần giúp bạn giành được độc lập tự do, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả và lợi ích cách mạng của 3 nước anh em.

Quân chủng Phòng không-Không quân, 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 230212hha79182116437
Bộ đội ra đa - "mắt thần" canh giữ biển trời Tổ quốc
Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Quân chủng PK-KQ không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng vẻ vang của Quân chủng Phòng không- Không quân đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

Quân chủng Phòng không-Không quân, 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 270212hha08094508790
Các phi công trẻ Sư đoàn 372 trao đổi kinh nghiệm trước khi thực hiện nhiệm vụ
Ngày 3-6-1976 bộ đội Không quân được tuyên dương đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; ngày 31-12-1982, Quân chủng Phòng không được tuyên dương đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các binh chủng: Pháo Cao xạ, Tên lửa, Ra đa và 7 sư đoàn: 361, 363, 365, 367, 371, 372, 375; 1 lữ đoàn; 35 lượt trung đoàn; 47 lượt tiểu đoàn, phi đội, đại đội và 69 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có 5 đơn vị được tuyên dương lần thứ 2 là: Trung đoàn 917; Đại đội 1- Trung đoàn 921; Trung đoàn 921; Đại đội 2- Trung đoàn 923; Trung đoàn 213, 1 đơn vị được tuyên dương Anh hùng lần thứ 3 là Đại đội 4- Trung đoàn 923; đồng chí Phạm Tuân được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

Ngoài ra Quân chủng còn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 2 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 4 Huân chương Hồ Chí Minh, hàng trăm huân chương Quân công, hàng ngàn Huân chương Chiến công và Huân chương Lao động; được Bác Hồ đến thăm 18 lần, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm nhiều lần.

QĐND Online
http://www.qdnd.vn/qkqd/vi-vn/109/341/quan-chung-phong-khong-khong-quan-49-nam-xay-dung-chien-dau-va-truong-thanh/177325.html