Năm 2010 là năm đầu của nhiệm kỳ khoá VII của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Hội đã họp thường kỳ lần thứ 2 vào tháng 3/2010 và lần thứ 3 vào tháng 9/2010. Ban Chấp hành đã thảo luận các nhiệm vụ công tác trong năm, sửa đổi các quy chế hoạt động của Hội, tổ chức các Đại hội Chi hội trong toàn quốc, bầu các Hội đồng Nghệ thuật, bầu Ban Kiểm tra Trung ương Hội nhiệm kỳ VII (2009-2014), bầu Ban Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật và các CLB chuyên đề trực thuộc, xét kết nạp hội viên mới, tổng kết công tác chấm giải thưởng triển lãm Mỹ thuật khu vực năm 2010, tài trợ sáng tác, giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2010, triển khai giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước 2011… Bên cạnh đó, Hội còn làm một số việc khác nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội. Ban thường vụ Hội đã sắp xếp họp mỗi tháng một lần để giải quyết các công tác của Hội theo chức năng và nhiệm vụ đã được quy định trong điều lệ.

Hoạt động chuyên môn như: đi thực tế, trại sáng tác, tài trợ sáng tác, vận động sáng tác và tổ chức triển lãm giới thiệu tác phẩm có chất lượng tốt đến với công chúng rộng rãi ở trong nước và nước ngoài vẫn được tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện quan trọng, Hội đã tập trung tổ chức tốt triển lãm Mỹ thuật khu vực, triển lãm Mỹ thuật chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt có nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đã tham gia vào ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật của triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 do Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội tổ chức. Cuộc vận động sáng tác tranh cổ động, tranh tượng về biển đảo quê hương do Hội phát động được đông đảo nghệ sĩ tham gia triển lãm Mỹ thuật vì biển đảo quê hương đã thành công rực rỡ.

Năm 2010 Hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức được nhiều cuộc triển lãm với trên 2500 tác phẩm trong đó 40 cuộc tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (triển lãm chung 09, nhóm 12, cá nhân 19 với 1816 tác phẩm). Phối hợp với các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương tổ chức 09 cuộc Triển lãm Mỹ thuật tại 8 khu vực ( 07 triển lãm tại các tỉnh thành với 1959 tác phẩm của 1474 tác giả của 61/64 tỉnh thành gửi tới tham dự. Ban tổ chức đã chọn trưng bày 1674 tác phẩm của 1474 tác giả trong đó 800 tác phẩm của 600 tác giả hội viên Hội MTVN, 874 tác phẩm của 874 tác giả hội viên địa phương.) Triển lãm Mỹ thuật Khu vực lần này các tác phẩm trưng bày được Hội đồng nghệ thuật chọn lựa kỹ. Mặt bằng nhìn chung khá đồng đều. Nhiều tác giả trẻ và trung niên vẫn khẳng định được sáng tác của mình. Nhiều tác phẩm trung bình và nhỏ có chất lượng tốt. Các đơn vị đăng cai đã chuẩn bị khá chu đáo, địa điểm trưng bày rộng rãi, khang trang. Một số tỉnh như: Đồng Nai, Cao Bằng sử dụng Nhà Thi đấu Thể thao có diện tích rộng giúp cho việc trưng bày tác phẩm khá thoáng. Tỉnh Tiền Giang sử dụng sảnh của Hội trường lớn làm không gian trưng bày đã làm cho triển lãm Mỹ thuật Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay bề thế, trang trọng, xứng tầm với một triển lãm khu vực. Tỉnh Đắc Lắc sử dụng Nhà văn hoá có không gian rộng, nhiều panô nên việc trưng bày đẹp. Riêng khu vực Thành phố Hà Nội, năm nay số lượng tác phẩm của triển lãm Hội hoạ, triển lãm Đồ hoạ, Điêu khắc, Trang trí nhiều hơn năm trước, chất lượng nghệ thuật tốt, đặc biệt là triển lãm Hội hoạ.

Hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 21 trại với 248 tác giả tham dự trong đó 10 trại sáng tác Đồ hoạ tại Trung tâm MTĐĐ với 84 tác giả, 02 trại sáng tác kết hợp với tài trợ sáng tác: tại Nhà sáng tác tại Tam Đảo và trại sáng tác Vũng Tàu của Bộ VH-TT-DL với 29 tác giả , tổ chức các trại sáng tác tại Hà Giang, Phù Lãng (Bắc Ninh), Quảng Ninh, Bình Thuận, Đà Lạt (Lâm Đồng), TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp với 135 tác giả. Các trại phối hợp với địa phương đã tổ chức cho trại viên sáng tác Đồ hoạ độc bản, thời gian dự trại 10 ngày nên các trại viên đã sáng tác được nhiều tác phẩm tốt, học tập thêm nhiều kỹ thuật đồ hoạ mới, nâng cao quan niệm thẩm mỹ trong sáng tác được các Hội VHNT địa phương đánh giá cao. Các hoạ sĩ Việt Nam dự Trại in đá (Mỹ) và Trại in lưới (Tây Ban Nha) đã học được kỹ thuật mới trong sáng tác tranh Đồ hoạ.

Hội đã tổ chức 14 đoàn cho 112 hội viên đi thực tế tại ngoại thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hoà Bình, Hà Giang, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh, Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nổi bật của việc đi thực tế năm nay là tổ chức được 3 chuyến đi Trường Sa, Bạch Long Vĩ và các hải đảo. Đoàn đi Trường Sa đã mang theo hoạ phẩm tặng chiến sĩ, nhân dân trên đảo và tổ chức được những buổi vẽ cho thiếu nhi cùng các chiến sĩ trên đảo.

Hội đã tài trợ sáng tác 271 tác giả trong đó có 224 tác phẩm được nghiệm thu tại các triển lãm Mỹ thuật khu vực, triển lãm Mỹ thuật 1000 năm Thăng long - Hà Nội, triển lãm của các Câu lạc bộ Mỹ thuật, triển lãm Mỹ thuật vì biển đảo quê hương; 06 cuộc triển lãm cho: Chi hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Hội VHNT tỉnh Phú Thọ, Chi hội Đồ hoạ TP. Hồ Chí Minh, Chi hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng. 33 tác giả được tài trợ tại trại sáng tác, 14 tác giả và đơn vị được tài trợ in sách, 05 tác giả hội viên cao tuổi và 06 chi hội Mỹ thuật tổ chức triển lãm cá nhân, hỗ trợ kinh phí 05 trại sáng tác phối hợp với các Hội VHNT: Hà Giang, Cao Bằng, Tiền Giang, Quảng Trị, Đồng Nai.

Năm 2010 Hội đã xét tặng 17 Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam (Giải thưởng hàng năm, giải thưởng triển lãm Mỹ thuật 1000 Thăng Long - Hà Nội và giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc). Giải thưởng Mỹ thuật Khu vực năm 2010 đã tặng 84 giải thưởng trong đó có 41 giải chính thức ( 05 Giải Hội, 10 giải B, 26 giải C) cùng với 43 tặng thưởng và 01 giải B, 02 giải C ngành Phê bình Mỹ thuật. Tại triển lãm Mỹ thuật khu vực, được sự uỷ nhiệm của Uỷ ban Toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội đã chọn được 93 tác phẩm của 93 tác giả hội viên địa phương và hội viên cao tuổi giới thiệu dự Giải thưởng Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2010. Kết quả 02 giải hội viên cao tuổi, 05 giải C, 07 giải trẻ và 07 giải khuyến khích.

Hội đã tổ chức được 15 cuộc toạ đàm nhân các triển lãm Mỹ thuật, đặc biệt là Hội thảo Mỹ thuật 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại diễn ra 08 cuộc chiếu phim slide về cuộc đời hoạ sĩ nước ngoài. Hội đã phối hợp với nhiều cơ quan Trung ương và địa phương để tổ chức các cuộc thi biểu trưng, và các hoạt động Mỹ thuật khác. Câu Lạc bộ Mỹ thuật đã tổ chức được 06 đoàn cho 127 thành viên đi Sơn tây, Sóc Sơn - Hà Nội, Hoa Lư - Ninh Bình,

Ban Chấp hành Hội Mỹ Thuật Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương “Vì Sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam” năm 2010 cho 164 cá nhân trong đó: 115 hội viên đang sinh hoạt, 05 hội viên mất, 40 cá nhân là lãnh đạo các tỉnh thành, 03 hoạ sĩ nước ngoài và 04 tập thể gồm: Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng; Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh; Tiền Giang; Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk. Hội tặng 25 Bằng khen trong đó có: 05 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang đã đăng cai Triển lãm Mỹ thuật Khu vực lần thứ II năm 2010 và 20 Bằng khen cho các đồng chí tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Hội đồng Nghệ thuật, Ban Kiểm tra Trung ương hội khoá VI (2004 -2009)

Năm 2010 Hội đã đã kết nạp được 42 hội viên mới, trong đó: 26 hội hoạ, 14 đồ hoạ, 01 điêu khắc, 01 trang trí. Theo địa phương: Hà Nội 17 người , thành phố Hồ Chí Minh 02 người, các tỉnh thành khác 22 người . Theo lứa tuổi: có 16 người dưới 35 tuổi, số còn lại phần lớn trung niên. Chuyển chuyên ngành cho 4 hội viên từ các chuyên ngành khác chuyển sang chuyên ngành Hội hoạ. Xoá tên 04 hội viên thuộc thành phố Hồ Chí Minh do nhiều năm không đóng hội phí và không tham gia sinh hoạt Hội. Quyết định đình chỉ sinh hoạt Hội đối với hội viên Cù Huy Hà Vũ do vi phạm pháp luật bị khởi tố, theo quy định của điều lệ Hội. Hội đã tổ chức phúng viếng 12 hội viên mất: Nguyễn Song Kim, Cồ Thanh Đam, Dương Tuấn Dục, Lai Thành, Hoàng Quy, Nguyễn Thuỷ Tuân, Trần Chắt (Hà Nội), Nguyễn Đức Hồng (Cần Thơ), Nguyễn Đức Hạnh (Đà Nẵng), Trần Tuấn Lân (Quảng Ninh), Nguyễn Quỳnh Hương, Lê Nguyên Lợi (TP Hồ Chí Minh). Hội đã tổ chức thăm hỏi từ Quỹ hỗ trợ Mỹ thuật 38 Hội viên ốm đau và 50 hội viên cao tuổi nhân dịp Tết Canh Dần (30 hội viên ở Hà Nội, 20 hội viên ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác), tổ chức kỷ niệm 53 năm ngày thành lập và chúc thọ các hội viên cao tuổi, tổ chức gặp mặt nữ hội viên nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Phối hợp với trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh hoạ Trần Văn Cẩn (1910 - 2010) vào ngày 3 tháng 8 và phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày sinh danh hoạ Bùi Xuân Phái (1920 - 2010) ngày 1 tháng 9 tại Hội trường Liên hiệp VHNT Việt Nam.

Về công tác đối ngoại, trong năm Hội đã tiếp nhận tài trợ của chương trình Nghệ thuật Đông Dương Mỹ 01 máy in Đồ hoạ và hoạ phẩm để sử dụng cho xưởng sáng tác Đồ hoạ Trung tâm Mỹ thuật Đương đại. Tiếp nhận tài trợ của Tổ chức Hợp tác và phát triển Tây Ban Nha thiết bị và hoạ phẩm cho xưởng in lưới của Trung tâm Mỹ thuật Đương đại. Theo kế hoạch đối ngoại đã được cơ quan cấp trên duyệt, Hội đã tổ chức 01 đoàn lãnh đạo Hội đi làm việc với Bộ Văn hoá nghệ thuật và các cơ quan Mỹ thuật của Cam Pu Chia để xúc tiến giúp nước bạn thành lập Hội Mỹ thuật, kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Sau khi đoàn sang ,tháng 9/2010 Hội Mỹ thuật Cam Pu Chia đã được thành lập, 01 đoàn đi dự khai mạc triển lãm Mỹ thuật quốc tế tại Bắc Kinh - Trung Quốc, 01 đoàn đi dự khai mạc triển lãm Mỹ thuật Việt Nam tại QuangDu- Hàn Quốc, kinh phí của 02 đoàn này do phía mời tài trợ). Theo kế hoạch đối ngoại đã được cơ quan cấp trên duyệt, Hội đã mời đoàn lãnh đạo và hoạ sĩ Lào sang thăm và làm việc tại Hà Nội vào cuối tháng 11 và dự triển lãm Mỹ thuật toàn quốc ngày 01 tháng 12, đoàn đã làm việc với một số cơ quan: Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam… đoàn có 06/10 hoạ sĩ lần đầu tiên đến Việt Nam trong đó có 02 hoạ sĩ là Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật tỉnh Savanaket và tỉnh Cham pa sac. Hội đã làm thủ tục cử 08 nghệ sĩ đi thăm và triển lãm ở nước ngoài: Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Brazin, Tây Ban Nha… Toàn bộ chi phí của chuyến đi do phía mời đài thọ hoặc cá nhân tự lo. Làm thủ tục đón 02 hoạ sĩ Pháp vào làm việc và tiếp 02 hoạ sĩ Tây Ban Nha, đoàn đã tặng Hội 05 tranh cổ động. Làm việc với đoàn hoạ sĩ của Đài Phát thanh truyền hình Quảng Tây - Trung Quốc, đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc…. Tặng Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam cho một hoạ sĩ Mỹ và 01 hoạ sĩ Tây Ban Nha đã có những đóng góp thiết bị hoạ phẩm cho xưởng in đá, in lưới của Trung tâm Mỹ thuật Đương đại.

Các cơ quan trực thuộc Hội đã có nhiều cố gắng tổ chức, phục vụ các hoạt động của Hội và hội viên. Văn phòng TW Hội đã tổ chức tổ chức tốt các hoạt động của BCH, Ban thường vụ và các hoạt động chuyên môn của Hội như: lập kế hoạch, triển khai kế hoạch hoạt động trại sáng tác, đi thực tế, tài trợ sáng tác, giải thưởng hàng năm, chuẩn bị triển lãm mỹ thuật khu vực, gửi tạp chí cho hội viên, các chi hội. Làm tốt công tác hành chính và tổ chức cơ quan Hội như: chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nâng bậc lương và đề bạt cán bộ. Sơn sửa lại Văn phòng TW Hội. Trung tâm Mỹ thuật Đương Đại trực thuộc Văn phòng TW Hội, tổ chức 07 trại sáng tác, 08 cuộc toạ đàm và chiếu phim slide, tổ chức và sắp xếp lại Trung tâm. Văn phòng Trung ương Hội đã làm việc với đoàn Kiểm toán Nhà nước, Cục Chống tham nhũng - Bộ Công an. Đối với Kiểm toán Nhà nước và Cục chống tham nhũng, công việc của Hội làm không có sai phạm về quản lý kinh tế, tài chính. Văn phòng Đại diện phía Nam là đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Hội đã triển khai các kế hoạch hoạt động của Hội ở phía Nam, tổ chức tốt các cuộc triển lãm Mỹ thuật ở khu vực V, VI, VII, VIII, phối hợp tổ chức 02 cuộc triển lãm, 05 trại sáng tác…Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền - Hà Nội là đơn vị sự nghiệp hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi: đã tổ chức 40 cuộc tại 09 triển lãm chung, 12 nhóm,19 cá nhân với 1816 tác phẩm. Riêng vì có đơn của hoạ sĩ Ngô Văn Chính gửi lên cơ quan thuế nên Cục thuế quận Hoàn Kiếm đã xuống làm việc yêu cầu truy thu thuế của Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền mặc dù trong nhiều năm Nhà triển lãm đề nghị được đóng thuế nhưng không có cơ quan thuế nào nhận thu thuế. Trường hợp phải truy nộp thuế từ 1999 đến 2009 thì Nhà triển lãm sẽ phải truy thu từ các hoạ sĩ đã tổ chức triển lãm và bán tranh trong thời gian trên tại Nhà triển lãm để nộp thuế. Từ năm 2011 ở Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền sẽ thu nộp thuế từ các hoạ sĩ tổ chức triển lãm. Tạp chí Mỹ thuật đã hoàn thành 12 số Tạp chí Mỹ thuật chuyên đề và 12 số Đặc san Mỹ thuật Đời sống với những chuyên mục thường kỳ, phản ánh hoạt động sáng tác, triển lãm của Hội MTVN. Tạp chí có thêm các mục diễn đàn nghệ sĩ, hoạ sĩ nói chuyện nghề, kiến thức Mỹ thuật. Tạp chí Mỹ thuật là một đơn vị hành chính sự nghiệp ngoài tiền lương Hội cấp và 50 triệu đồng tài trợ của Nhà nước trợ cấp, tạp chí hàng năm chỉ đủ 40% số tiền ra 12 số tạp chí, số còn lại Tạp chí phải tự lo nên rất hạn hẹp về tài chính. Việc ra đều 12 số tạp chí là sự cố gắng của cán bộ, nhân viên Tạp chí Mỹ thuật. Nhà xuất bản Mỹ thuật là đơn vị sự nghiệp lấy thu bù chi: Năm 2010 đã xuất bản được hơn hai trăm đầu sách, trong đó có những cuốn như: “Tranh dân gian Đông Hồ”, “Mỹ thuật hiện đại Việt Nam-sưu tập của bảo tàng Mỹ thuật t.p Hồ Chí Minh”, “Mỹ thuật Hà Nội”, “Mỹ thuật Đắc Lắc”, “Mỹ thuật Bắc Giang”... Sách của Nhà xuất bản đã được tặng 01 Huy chương Bạc giải sách đẹp quốc gia. Nhà xuất bản đã báo cáo đầy đủ cho Ban Kiểm toán Nhà nước về hoạt động tài chính và hoạt động chuyên môn của cơ quan, đã tiến hành kiểm kê các sách tồn kho để thực hiện đúng theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.

Có thể nói năm 2010, năm đầu của nhiệm kỳ VII, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tập trung làm tốt công tác tổ chức đầu nhiệm kỳ, tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn góp phần vào sự phát triển của Mỹ thuật trong cả nước.

Về nhiệm vụ công tác năm 2011 có những nội dung sau đây:

Công tác chuyên môn: Tiếp tục thực hiện các hoạt động chuyên môn: Đi thực tế, mở trại sáng tác, triển lãm, toạ đàm, hội thảo về mỹ thuật, tài trợ sáng tác… Xây dựng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đưa những tác phẩm mỹ thuật đến với đông đảo công chúng. Triển lãm: Tiếp tục thực hiện triển lãm Mỹ thuật khu vực năm 2011 tại khu vực I - Hà Nội, khu vực II tại Hải Phòng, khu vực III tại Tuyên Quang, khu vực IV tại Quảng Bình, khu vực VI thành phố Hồ Chí Minh, khu vực VII tại Gia Lai, khu vực VIII tại Cần Thơ. Tiếp tục tổ chức các triển lãm chuyên đề. Đề xuất với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức festival 2011. Trại sáng tác: Tiếp tục tổ chức các trại sáng tác trong đó có 2 trại tổ chức tại Nhà sáng tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đi thực tế: Tiếp tục tổ chức các chuyến đi thực tế, đặc biệt là các chuyến đi biên giới và hải đảo. Các chi hội đề xuất các việc cụ thể để Ban Thường vụ xem xét đưa vào kế hoạch. Năm 2011 sẽ thực hiện việc Hội thảo, tọa đàm nhân các cuộc triển lãm mỹ thuật lớn và triển lãm chuyên đề. In sách: Sách tác phẩm được giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2011, sách Điều lệ quy chế Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ VII (2009 - 2014), sách Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tài trợ sáng tác: Tiếp tục tài trợ sáng tác thông qua nghiệm thu tác phẩm tại các triển lãm Mỹ thuật khu vực và các triển lãm lớn trong năm 2011, tài trợ cho các trại sáng tác với đầu tư sáng tác, tài trợ các trại sáng tác và đi thực tế theo kế hoạch, tài trợ để in sách tuyển tập, sách lý luận phê bình, tài trợ cho triển lãm chuyên đề và triển lãm cá nhân của các hoạ sĩ cao tuổi. Các hội viên làm bản đăng ký tài trợ sáng tác, đi thực tế, dự trại sáng tác gửi về Hội vào đầu năm 2011. Điều chỉnh kinh phí cho tài trợ sáng tác cao hơn năm trước. Hoạt động Câu lạc bộ Mỹ thuật: Câu lạc bộ Mỹ thuật chủ động đề xuất các hoạt động phù hợp với quy chế hoạt động của các câu lạc bộ. Về công tác chi hội và hội viên: Tiếp tục thúc đẩy hoạt động của các chi hội trong cả nước. Các chi hội chủ động đề xuất kế hoạch với Ban Chấp hành và ban Thường vụ Hội. Tiếp tục làm tốt công tác hội viên và kết nạp Hội viên mới. Công tác Đối ngoại: Đoàn lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam đi làm việc với Hội Mỹ thuật Lào. Mời đoàn đại biểu lãnh đạo Hội Mỹ thuật Cam Pu Chia đến thăm và làm việc tại Hà Nội. Tổ chức cuộc họp lãnh đạo ba Hội Mỹ thuật Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia tại Viêng Chăn để bàn về việc phối hợp hoạt động Mỹ thuật giữa ba Hội và một số công tác đối ngoại khác. Công tác cơ quan trực thuộc Hội: Tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của các cơ quan Hội theo hướng tinh giảm biên chế làm việc có hiệu quả. Các cơ quan trực thuộc Hôị làm kế hoạch chuyên môn, tổ chức, tài chính để Ban Thường vụ Hội duyệt và tổ chức thực hiện.



BAN THƯỜNG VỤ HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM