TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC PCCC
Diễn đàn Chiến Sĩ Trẻ Việt Nam

Nơi giao lưu cho các đ/c và các bạn đang công tác hoặc yêu mến lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam


    TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC PCCC

    dongsongcodon
    dongsongcodon
    Hạ sĩ
    Hạ sĩ

    Tổng số bài gửi : 171
    Tiền của bạn (VND) : 480
    Thank : 5
    Join date : 24/05/2011

    Bay TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC PCCC

    Bài gửi by dongsongcodon Sat Jun 27, 2015 9:30 am

    TÀI LIỆU

    TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC PCCC

    HƯỞNG ỨNG NGÀY TOÀN DÂN PCCC 4/10


    CÁC KHUYẾN CÁO CẦN QUAN TÂM

    Khuyến cáo

    về các biện pháp phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn đối với nhà ở.

    Để đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở, phòng ở, chủ hộ và các thành viên trong gia đình cần thực hiện các biện pháp sau đây:
              1. Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất.
              2. Ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín.
              3. Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.
              4. Phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn, không để hàng hoá dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn nêông.
              5. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện.
              6. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
              7. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun phải có người trông coi.
              8. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
              9. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khoá. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.
              10. Cửa có nhiều khoá nên sử dụng các loại khoá kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khoá dễ thấy, dễ lấy.
              11. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khoá cửa phòng của những người nêu trên.
              12. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn.
              13. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
              14. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
              15. Trao đổi trong gia đình để mọi người đều biết các biện pháp PCCC nêu trên./.

    Khuyến cáo về các biện pháp PCCC đối với trụ sở cơ quan

    Để đảm bảo an toàn PCCC đối với trụ sở làm việc, song song với  việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định an toàn PCCC, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện các biện pháp sau:
               1. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định an toàn PCCC; niêm yết nội  quy PCCC, biển cấm lửa, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ; niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn.
               2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC.
               3. Chỉ đạo tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ đưa nội dung PCCC vào chương trình hoạt động để phát động đoàn viên, hội viên tham gia PCCC. Tổ chức cho các tập thể và cá nhân ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC.
               4. Không lập bàn thờ, thắp hương, nến thờ cúng tại trụ sở cơ quan.
               5. Không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như  xăng dầu, gas.
               6. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, ốp trần, tường, vách ngăn...
               7. Thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC, khắc phục những thiếu sót về PCCC, thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC.
               8. Lắp đặt hệ thống điện theo đúng quy định an toàn PCCC, lắp đặt antomat từ nguồn cấp điện chính, cho từng tầng, từng phòng làm việc và từng thiết bị có công suất lớn; kiểm tra, cắt điện đối với hệ thống điên, thiết bị điện không cần thiết trong giờ nghỉ hoặc khi hết giờ làm việc.
               9. Quy định nơi hút thuốc, có thùng đựng mẩu thuốc lá không cháy
               10. Trang bị đủ phương tiện chữa cháy tại chỗ phù hợp với yêu cầu chữa cháy của từng khu vực, thiết bị cứu người; hướng dẫn cán bộ công nhân viên sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị đó.
               11. Tổ chức lực lượng PCCC cơ sở, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và duy trì hoạt động thường xuyên đối với lực lượng này.
               12. Đầu tư kinh phí cần thiết cho hoạt động PCCC.
               13. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, trong đó có giả định tình huống cháy lớn phức tạp nhất có huy động sự tham gia phối hợp lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, đơn vị.
               14. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho Cảnh sát PCCC số máy 114 và huy động lực lượng, phương tiện  để chữa cháy.
               15. Phổ biến cho toàn thể cán bộ, công nhân viên trong cơ quan biết các nội dung trên./.

    Khuyến cáo

    về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy

    và chữa cháy đối với cơ sở sản xuất

    Để đảm bảo an toàn PCCC, chấp hành nghiêm túc quy định an toàn PCCC, các cơ sở sản xuất cần thực hiện những biện pháp sau đây:
              1. Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi  có nguy hiểm về cháy, nổ.
              2. Thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt.
              3. Sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như xăng dầu, khí cháy chỉ đủ cho từng ca sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Hàng hoá sản xuất ra được chuyển đi ngay, không lưu giữ tại nơi sản xuất.
              4. Hàng hoá trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC.
              5. Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptômat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng biệt các nguồn điện: chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt.
              6. Lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò điện phù hợp với từng loại công trình; có giải pháp chống tĩnh điện đối với những dây chuyền sản xuất, thiết bị phát sinh tĩnh điện.
              7. Không lập bàn thờ để thờ cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc.
              8. Không sử dụng vật liệu là chất cháy để làm mái, trần nhà, vách ngăn.
              9. Xây tường ngăn cháy giữa các bộ phận sản xuất có diện tích lớn theo quy định. Cửa đi qua tường ngăn cháy có giới hạn chịu lửa theo quy định.
              10. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả công trình, cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
              11. Có hệ thống thông gió, chống tụ khói, chống tác động của nhiệt trên lối thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời; không để hàng hoá cản trở lối thoát nạn.
              12. Thành lập đội PCCC cơ sở; mỗi bộ phận, phân xưởng có tổ hoặc có người tham gia đội PCCC; mỗi ca làm việc bố trí lực lượng thường trực chữa cháy. Lực lượng PCCC cơ sở phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu hộ, cứu nạn.
               13. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm  cháy, nổ của cơ sở.
               14. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa chay, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất.
               15. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất (báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc Công an nơi gần nhất) đồng thời tìm mọi cách để dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án./.

    Khuyến cáo

    về các biện pháp cấp bách phòng cháy và

    chữa cháy đối với khu dân cư

    Để đảm bảo an toàn PCCC cho các khu dân cư (thôn, ấp, bản, tổ dân phố), đặc biệt là các khu dân cư tập trung nhiều nhà làm bằng vật liệu dễ cháy, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, chủ tịch UBND cấp xã; trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản, tổ trưởng dân phố cần thực hiện những biện pháp sau đây:
              1. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC, kiên quyết đấu tranh với tư tưởng “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”.
              2. Xây dựng các quy ước, hương ước về PCCC để triển khai thực hiện trong các khu dân cư. Thống nhất các biện pháp phòng cháy trong hộ gia đình, đặc biệt là việc sử dụng điện và việc đun nấu, thực hiện chế độ kiểm tra nguồn lửa, điện, chất cháy vào thời điểm có nguy cơ cháy cao và trước khi đi ngủ phổ biến tới từng gia đình để thực hiện.
              3. Tổ chức tuần tra canh gác ban đêm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn, bị động.
              4. Phối hợp với ngành điện lực kiểm tra, khắc phục ngay những sơ hở thiếu sót trong việc cung ứng, truyền tải điện trong khu vực dân cư đến các hộ tiêu thụ điện, đề phòng chập, cháy từ đường dây lan vào nhà ở.
              5. Kiểm tra chặt chẽ và yêu cầu các hộ kinh doanh các cơ sở, các hộ sản xuất các mặt hàng dễ cháy xen lẫn trong các khu dân cư cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.
              6. Vận động các hộ gia đình tự giác dỡ bỏ các bộ phận cơi nới, lều lán, mái vảy bằng các vật liệu dễ cháy sát nhau hoặc thay thế vật liệu dễ cháy bằng khó cháy hoặc không cháy trước hết làm theo từng dãy tạo thành khoảng cách để ngăn cháy lan. Đồng thời tiến hành giải phóng các vật cản trên các đường làng, ngõ xóm để tạo điều kiện cho việc chữa cháy, cứu người, cứu tài sản được dễ dàng.
              7. Vận động các hộ gia đình dự trữ nước sinh hoạt kết hợp để chữa cháy. Nơi nào có điều kiện thì tổ chức xây bể chứa nước chữa cháy cho từng cụm hoặc cho cả khu.
              8. Vận động gia đình tự mua sắm, trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy đồng thời bổ sung, trang bị mới cho lực lượng Dân phòng một cơ số phương tiện chữa cháy cần thiết như câu liêm, thang, bình chữa cháy xách tay, xô, thùng xách nước … Đối với những khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, chính quyền địa phương cần trang bị ngay máy bơm chữa cháy.
             9. Củng cố lực lượng dân phòng, bố trí những người thường xuyên hoạt động trên địa bàn để tổ chức việc thường trực sẵn sàng chữa cháy và khi cần huy động được ngay.
             10.  Xây dựng mới hoặc bổ sung phương án chữa cháy khu dân cư. Phương án chữa cháy cần được tổ chức nghiên cứu, thực tập với các tình huống sát thực tế nhằm chủ động đối phó với các vụ cháy xảy ra trên địa bàn. Trong phương án cần tính đến khả năng phải phá dỡ những công trình, nhà cửa để ngăn chặn cháy lan.
             11. Để đảm bảo sự chỉ huy thống nhất cũng như tạo thành thói quen trong cộng đồng dân cư khi cần thực hiện các công việc về PCCC, Chính quyền địa phương nên quy định thống nhất các hiệu lệnh bằng trống, kẻng, còi hoặc các hình thức khác để các gia đình và mọi người trong khu dân cư đều biết để thực hiện. Như hiệu lệnh trước khi đi ngủ phải kiểm tra bếp, nơi đun nấu, nơi thờ cúng; các thiết bị, dụng cụ điện hay hiệu lệnh báo động thực tập phương án; hiệu lệnh báo động có cháy; hiệu lệnh báo an khi sự cố cháy nổ đã được xử lý xong.
             12. Xây dựng các cụm liên gia tự quản về an ninh trật tự và PCCC quy định chế độ kiểm tra và nhắc nhở lẫn nhau giữa các gia đình trong cụm, tạo nên một phong trào hoạt động PCCC có hiệu quả ở khu dân cư./.

    Khuyến cáo

    về các biện pháp phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn đối với các công trình thường xuyên tập trung đông người

    (Bệnh viện, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, rạp hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc, nhà văn hoá, nhà hàng, vũ trường và những nơi đông người khác).
    Để đảm bảo an toàn PCCC đối với các công trình thường xuyên tập trung đông người, chấp hành nghiêm chỉnh quy định an toàn PCCC, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có các công trình nêu trên cần thực hiện các biện pháp sau đây:
              1. Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi cần thiết.
              2. Có quy định về đảm bảo an toàn PCCC trong việc sử dụng nguồn lửa, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
              3. Không đưa xăng, dầu, khí ga và các chất nguy hiểm cháy, nổ khác vào công trình; trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hạn chế tối đa số lượng và phải có các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
              4. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, ốp trần, tường, trang trí nội thất, cách âm...; phông màn, rèm cửa phải được xử lý bằng chất chống cháy.
              5. Phải lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng khu vực, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn; bóng đèn điện chiếu sáng, trang trí, chấn lưu đèn nê ông phải đặt cách xa vật cháy tối thiểu 0,5m.
              6. Thiết kế lắp đặt hệ thống chống sét theo đúng tiêu chuẩn chống sét cho từng loại công trình.
              7. Có tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các khu vực. Cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy làm bằng vật liệu không cháy. Công trình có yêu cầu mặt bằng rộng không thể xây tường ngăn cháy thì lắp đặt hệ thống ngăn cháy bằng màn nước.
              8. Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống phải làm bằng vật liệu không cháy và được chèn kín bằng vật liệu không cháy.
              9. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động hoặc bán tự động đảm bảo chữa cháy trên toàn bộ diện tích.
              10. Lối thoát nạn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
              - Bố trí đủ cầu thang, hành lang thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời; cửa vào buồng thang thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời làm bằng vật liệu không cháy và có cơ cấu tự động đóng.
              - Có giải pháp ngăn lửa và chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn.
              - Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khuvực, từng tầng; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
              11. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người ở tình huống cháy phức tạp nhất.
              12. Thành lập đội PCCC cơ sở, bố trí lực lượng thường trực chữa cháy tại các ca làm việc.
              13. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho cán bộ quản lý, lực lượng PCCC cơ sở, an toàn viên và những người làm việc trực tiếp tại những nơi có nhiều nguy hiểm cháy, nổ.
              14. Trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy cứu người tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy nổ  của công trình;
              15. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho Cảnh sát PCCC (số máy 114), báo cho chính quyền hoặc Công an nơi gần nhất đồng thời tìm mọi cách dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án./.

    Khuyến cáo

    về các biện pháp PCCC và thoát nạn đối với chợ

    và trung tâm thương mại

    Để đảm bảo an toàn PCCC đối với chợ và trung tâm thương mại, chấp hành nghiêm túc các quy định an toàn PCCC cần thực hiện các biện pháp sau:
             1. Mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong một ngày với số lượng tối thiểu; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định.
             2. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm cháy như xăng dầu, cồn, ga và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ.
             3. Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
             4. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ và trung tâm thương mại.
             5. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh.
             6. Để hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, chấn lưu đèn nê ông, bảng điện tối thiểu 0,5 m. Không sử dụng bàn là điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi; không dùng bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm.
             7. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng.
             8. Chợ, trung tâm thương mại có diện tích vượt quá tiêu chuẩn (2.200m2/tầng) phải xây tường ngăn cháy, trường hợp không thể áp dụng được giải pháp trên thì lắp đặt màn nước ngăn cháy lan tại ví trí xây tường ngăn cháy.
             9. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy.
             10. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định.
             11. Không làm thêm mái che, mái vẩy cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe và không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận.
             12. Không bố trí nhà ở, khách sạn, vũ trường, trường học và các hoạt động tập trung đông người ở tầng trên của các chợ, trung tâm thương mại.
             13. Siêu thị, trung tâm thương mại bố trí phía trên của nhà nhiều tầng phải:
             - Bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp.
             - Bố trí phòng lánh nạn tạm thời, bố trí lối thoát nạn dự phòng. Có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói trong cầu thang thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời.
             - Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, được làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng.
             - Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực, từng ngành hàng, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn.
             14. Thành lập đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này.
             15. Trang bị phương tiện chữa cháy phục vụ việc thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy.
             16. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu người trong tình huống xẩy ra cháy phức tạp nhất.
             17. Khi xẩy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số máy 114, cho Công an nơi gần nhất đồng thời tổ chức lực lượng phương tiện bằng mọi cách ngăn chặn cháy lan, chữa cháy và cứu người theo phương án./.
    MỘT SỐ QUY ĐỊNH
    Theo Điều 47 (trích) - Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.
     Uỷ ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy ở địa phương và có nhiệm vụ cụ thể sau:
          1. Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương; bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư; xử lý hành chính các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền;
          2. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy, xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy;
          3. Tổ chức quản lý đội dân phòng tại các thôn, ấp, bản, tổ dân phố;
          4. Đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy; trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho các đội dân phòng theo quy định;
          5. Bảo đảm điều kiện về thông tin báo cháy, đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy;
          6. Chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy;
          7. Tổ chức chữa cháy và giải quyết hậu quả vụ cháy;
          8. Thống kê, báo cáo về phòng cháy và chữa cháy lên Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
    Theo Điều 3 - Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.
    Trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức
    Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý và nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm:
            1. Ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy;
            2. Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy và yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;
            3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy; quản lý và duy trì hoạt động của đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc đội  phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
            4. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
            5. Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy; tổ chức chữa cháy và giải quyết khắc phục hậu quả cháy;
            6. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
            7. Tổ chức thống kê, báo cáo theo định kỳ về tình hình phòng cháy và chữa cháy; thông báo kịp thời cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trực tiếp quản lý những thay đổi lớn có liên quan đến bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức mình;
            8. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; không gây nguy hiểm cháy, nổ đối với các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;
           9. Tổ chức tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
    Theo Điều 4 - Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.
             Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:
            1. Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp, giải pháp về phòng cháy và chữa cháy và yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;
            2. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
           3. Mua sắm phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; phát hiện cháy, báo cháy, chữa cháy và tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy;
           4. Phối hợp với các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; không gây nguy hiểm cháy, nổ đối với các hộ gia đình và cơ quan, tổ chức lân cận;
           5. Tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
    Điều 5. Trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của cá nhân
    1. Chấp hành quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy và yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền; thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
    2. Tìm hiểu, học tập pháp luật và kiến thức về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình; bảo quản, sử dụng thành thạo các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng và các phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác được trang bị.
    3. Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy; kịp thời khắc phục các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
    4. Tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy ở nơi cư trú, nơi làm việc; tham gia đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành theo quy định; góp ý, kiến nghị với chính quyền địa phương nơi cư trú, với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi làm việc về các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
    5. Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy và những hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
    6. Báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện thấy cháy; chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy và hoạt động phòng cháy và chữa cháy khác.
    Những địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm tốt công tác PCCC sẽ được biểu dương, khen thưởng.
    MỘT SỐ QUY ĐỊNH
    XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG CÔNG TÁC PCCC
    Các hành vi vi phạm quy định về PCCC sẽ bị phê phán, xử phạt theo quy định của pháp luật. Tùy mức độ, hành vi vi phạm có thể xử phạt từ 100.000đ đến 50.000.000đ, đình chỉ hoạt động.
    Theo Nghị định số 52/2012/NĐ-CP ngày 14/6/2012 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy:
    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Chấp hành không đầy đủ nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy;
    b) Làm mất tác dụng hoặc để nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy cũ mờ, không nhìn rõ chữ, ký hiệu chỉ dẫn;
    c) Trang bị nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy không đúng quy cách theo quy định.
    2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
    b) Không chấp hành nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy;
    c) Không phổ biến nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy cho những người trong phạm vi quản lý của mình;
    d) Ban hành các nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ nội dung hoặc không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.
    3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí, niêm yết nội quy về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
    4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành hoặc ban hành quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
    Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy
    1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ cho kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy.
    2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những  hành vi sau đây:
    a) Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các kiến nghị về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản;
    b) Không cử người có trách nhiệm tham gia Đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
    c) Không tự tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
    3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền;
    b) Không thực hiện các kiến nghị về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản;
    c) Gây cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy của cơ quan chức năng.
    4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi  sau khi cơ sở được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa cơ sở vào hoạt động người đứng đầu cơ sở không có văn bản thông báo và ký cam kết cơ sở đã đáp ứng đủ các yêu cầu và duy trì các điều kiện về đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nhà, công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.
    Hành vi vi phạm về hồ sơ quản lý công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy
    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không thực hiện việc thống kê, báo cáo về công tác phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
    b) Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy không đủ tài liệu theo quy định;
    c) Không cập nhật những thông tin thay đổi liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở.
    2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ quản lý, theo dõi phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
    Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt
    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Bố trí nơi đun nấu, thờ cúng không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
    b) Mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.
    2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
    3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm;
    b) Hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
    Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong thiết kế, lắp đặt, quản lý, sử dụng điện
    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không có quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng điện tại cơ sở.
    2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị điện không theo đúng chỉ dẫn của nhà chế tạo.
    3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống chiếu sáng sự cố;
    b) Thay đổi thiết kế hoặc thay đổi kết cấu, thông số chủ yếu của hệ thống điện, thiết bị điện mà không được người hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;
    c) Lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy;
    d) Sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế;
    đ) Sử dụng thiết bị điện ở những nơi đã có quy định cấm.
    4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, nổ theo quy định trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ;
    b) Không có nguồn điện dự phòng theo quy định.
    5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thiết kế, lắp đặt các hệ thống điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
    Hành vi vi phạm quy định về khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy và ngăn cháy
    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hoá không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy và ngăn cháy theo quy định;
    b) Không tổ chức vệ sinh công nghiệp dẫn đến khả năng tạo thành môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ.
    2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xây tường ngăn cháy, vách ngăn cháy hoặc làm cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy khác không bảo đảm yêu cầu theo quy định.
    3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Làm trần, sàn, vách ngăn, mái che hoặc tập kết vật liệu dễ cháy ở những nơi không được phép theo quy định;
    b) Làm nhà ở trong rừng hoặc ven rừng không đảm bảo an toàn về chống cháy lan theo quy định.
    4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không dọn sạch chất dễ cháy nằm trong hành lang an toàn tuyến ống dẫn dầu mỏ, khí đốt và sản phẩm dầu mỏ;
    b) Xây dựng công trình vi phạm khoảng cách ngăn cháy.
    5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không làm tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy theo quy định;
    b) Làm mất tác dụng ngăn cháy của tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy.
    Xử phạt vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy
    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi thiết kế cửa thoát nạn không mở theo hướng thoát nạn, lắp gương trong cầu thang thoát nạn.
    2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hoá, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn;
    b) Tháo, gỡ hoặc làm hỏng các thiết bị chiếu sáng sự cố, biển báo, biển chỉ dẫn trên lối thoát nạn;
    c) Không lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn thoát nạn trên lối thoát nạn.
    3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ cứu nạn theo quy định;
    b) Không có thiết bị thông gió, thoát khói theo quy định cho lối thoát nạn;
    c) Không có thiết bị chiếu sáng sự cố trên lối thoát nạn hoặc có nhưng không đủ độ sáng theo quy định hoặc không có tác dụng;
    d) Thiết kế, xây dựng cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn không đủ số lượng, diện tích, chiều rộng hoặc không đúng theo quy định.
    4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi khoá, chèn, chặn cửa thoát nạn.
    5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi làm mất tác dụng của lối thoát nạn.
    Hành vi vi phạm về phương án chữa cháy của cơ sở
    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không quản lý phương án chữa cháy theo quy định.
    2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Xây dựng phương án chữa cháy không đảm bảo yêu cầu theo quy định;
    b) Không phổ biến phương án chữa cháy theo quy định.
    3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không trình phê duyệt phương án chữa cháy theo quy định;
    b) Không tham gia thực tập phương án chữa cháy theo quy định;
    c) Không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy theo quy định;
    d) Không thực tập đầy đủ các tình huống chữa cháy trong phương án chữa cháy đã được phê duyệt.
    4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không xây dựng phương án chữa cháy theo quy định;
    b) Không tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo quy định.
     
    -------------------------
              Nâng cao tinh thần cảnh giác về tai nạn cháy, nổ.
              Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: “ Lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ”. 
              - Phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi là thiết thực góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
    - Mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi.
    - Không để xảy ra cháy, nổ là hạnh phúc của mọi nhà.


      Diễn đàn Chiến Sĩ Trẻ Việt Nam

      Trân trọng cảm ơn những Đồng chí đã đóng góp cho Diễn đàn:
      Ban Quản Trị: Nguyễn Tri Thức, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thụy Lan Vy
      Email:chiensitrevietnam@gmail.com
      Giấy phép số 268/GP-BTTT, Cục quản lí PTTH & TTĐT (Bộ TTTT) cấp
      ® Không sao chép thông tin từ Forum này khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản trị Diễn đàn Chiến Sĩ Trẻ Việt Nam.
      © 2012chiensitre. All Rights Reserved
      Hôm nay: Thu Oct 10, 2024 8:42 pm