Vận động đầu thú nhằm góp phần phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm… Vậy nhưng, không phải đối tượng nào cũng hiểu được chủ trương, chính sách nhân đạo, nhân văn ấy; và cũng không phải gia đình nào cũng hợp tác với cơ quan Công an. Trong những tình huống ấy, người cán bộ được phân công nhiệm vụ phải biết gạn đục, khơi trong, nhân lên tính thiện trong những con người lầm lỗi, giúp họ ý thức được trách nhiệm của bản thân…
Cho đến bây giờ, Thượng tá Đỗ Văn Thắng, nay là Trưởng Công an huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn không quên lần vận động đối tượng trốn truy nã 16 năm ra đầu thú. Đối tượng đó là Nguyễn Khánh Toàn (51 tuổi, HKTT tại Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái).
Anh nhớ lại: Trước khi trở thành kẻ có lệnh truy nã toàn quốc về hành vi tham ô tài sản, Toàn là thủ quỹ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu. Lợi dụng vị trí được giao, Toàn sử dụng tiền để chi tiêu cá nhân, không còn khả năng chi trả. Sự việc bị lộ tẩy, khi cơ quan tiến hành thanh, quyết toán, phát hiện số tiền bị thâm hụt là 50 triệu đồng. Xoay xở khắp nơi không được, Toàn bỏ trốn. Vụ việc sau đó được chuyển đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái, Toàn sau đó bị truy nã toàn quốc về tội danh trên.
Sau khi Toàn bỏ trốn, vợ con anh ta cũng dắt díu nhau về TP Yên Bái. Thời gian thấm thoát thoi đưa, vậy mà  đã 16 năm trôi qua… Ngầy ấy thời gian, vợ cũ và các con của Toàn đều tin rằng người cha đã tuổi già sức yếu và có lẽ khó gặp lại. Trong danh sách các đối tượng trốn truy nã lâu năm, Thượng tá Thắng đặc biệt chú ý đến trường hợp của Toàn.
Khi tìm gặp người thân và bạn bè của Toàn, anh hiểu rằng mọi người đều biết Toàn ở đâu. Trong thâm tâm, những người thân đều mong muốn Toàn trở về… nhưng họ còn ngổn ngang với hàng trăm mối lo lắng, chẳng thể giải tỏa. Số tiền 50 triệu đồng vào thời điểm đó là một khoản rất lớn, nếu Toàn về thì lấy đâu để trả…
Cảnh sát truy nã kể chuyện vận động đầu thú : Khơi dậy tính thiện trong những người lầm lỗi 5_phong3570-470
Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lào Cai làm việc với một đối tượng trốn truy nã.

Những ngày lăn lộn hầu khắp các tỉnh, thành, Thượng tá Thắng phần nào nắm bắt được suy nghĩ của những người thân trong gia đình Toàn. Anh kiên trì giải thích để họ hiểu. Thượng tá Thắng chia sẻ: Vận động người thân và gia đình đối tượng trốn truy nã hợp tác là công đoạn khó nhất đối với các cán bộ làm công tác truy nã. Sự thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào lúc này…
Người cán bộ được giao nhiệm vụ phải nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, từ đó tìm được những người có uy tín để tác động. Trở lại việc vận động Toàn, Thượng tá Thắng nhớ lại: Sau khi có được số điện thoại của anh ta, tôi chủ động liên lạc với Toàn. Sau khi nghe giới thiệu, Toàn rất lo lắng, những ngày sau đó điện thoại của anh ta luôn ở chế độ “thuê bao quý khách vừa gọi…”.
Cho đến hết ngày thứ 10, lúc đó khoảng gần sáng thì chuông điện thoại của Thượng tá Thắng đột ngột reo vang. Lúc nhìn thấy số máy của Toàn, anh Thắng bừng tỉnh, một niềm tin nhen nhóm dâng lên. Một cuộc điện thoại kéo dài cả giờ đồng hồ, trong câu chuyện ấy, Thượng tá Thắng không một lần nhắc đến hành vi phạm tội của Toàn cũng như việc vận động anh ta ra đầu thú. Những cuộc nói chuyện sau đó, giúp Thượng tá Thắng  dần hiểu được tâm tư của Toàn.
Cũng như các đối tượng trốn truy nã khác, người đàn ông đó canh cánh nỗi nhớ nhà, mong được trở về quê hương, bản quán… Những khúc mắc của Toàn sau đó đã được giải tỏa, Thượng tá Thắng giúp Toàn hiểu thêm về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người thành tâm hối cải.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Thắng và những cán bộ Công an thầm lặng trên mặt trận phòng, chống tội phạm truy nã nói nhiều về lòng tin. Có lòng tin là có tất cả… để gây dựng lòng tin đối với một người đã khó, với thân nhân của những kẻ trốn chạy càng không thể một sớm, một chiều có thể làm được.
Vào những ngày đầu năm 2014, Công an tỉnh Lào Cai vừa vận động thành công đối tượng trốn truy nã 26 năm ra đầu thú. Người đàn ông này là Đinh Hữu Huấn, trú tại Cam Đường (Lào Cai). Khi bỏ trốn, mái tóc ông Huấn còn xanh nhưng khi trở về thì đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, mắt mờ, chân chậm.
Ngày đó, do mâu thuẫn cá nhân, ông Huấn dùng súng bắn chết một người hàng xóm sống ở liền kề. Sau khi gây án, ông Huấn bị bắt giữ. Trong quá trình giam giữ, đối tượng lợi dụng sơ hở bỏ trốn vào Nam rồi xuống Nha Trang sinh sống. Vợ, con của ông sau đó cũng lén lút vào Nam cùng chồng.  Ở Lào Cai, chỉ còn duy nhất cô con gái của Huấn đang sinh sống…
Cũng vì thế, ông Huấn cắt đứt toàn bộ liên lạc với những người thân trong gia đình. Thời gian sau này, ông Huấn còn tham gia tổ trưởng tổ dân phố và hoạt động rất tích cực. Thượng tá Đỗ Mạnh Tiến đã chủ động gặp con gái của ông Huấn, thuyết phục người này động viên bố đến cơ quan Công an đầu thú, trả món nợ với pháp luật…
Sau khi ra đầu thú, người đàn ông ấy ân hận vì trước đó không được gặp cơ quan Công an, được nghe giải thích. Cũng vì chuyện này mà các con của ông đều chịu thiệt thòi, chẳng được ăn, học cho đến nơi, đến trốn. Ông Huấn sau đó đã đồng ý ra đầu thú. Ông tự nguyện bắt xe ôtô về cơ quan điều tra… 
Trở lại trường hợp của Toàn, sau khi được động viên, anh ta về đầu thú. Lúc gặp Thượng tá Thắng, Toàn cầm chặt tay, nói trong nước mắt: “Cám ơn anh rất nhiều, nhờ có anh tư vấn mà tôi mới có ngày gặp lại mẹ cha, được ăn một bữa cơm sum họp”. Từ ngày bỏ trốn, Toàn sống lang bạt khắp các tỉnh Tây Nguyên. Năm 2000, anh ta lập gia đình với một phụ nữ quê ở Nam Định và có chung một cô con gái.
Trước khi chia tay Thượng tá Thắng, trả nợ với pháp luật, Toàn có một yêu cầu là muốn cô con gái 10 tuổi được trở về Yên Bái theo học. Nguyện vọng đó của Toàn, anh Thắng đã nhận lời giúp đỡ.
Theo Xuân Mai - CAND Online