Sự đồn thổi về những "bóng ma" sẽ được lan truyền nhanh chóng khiến nhiều nhà không thể bán được, nhà trọ không có người thuê. Nhiều nhà trong số ấy đành bỏ hoang cho dù chủ nhà đã tìm nhiều thầy cao tay đến trấn yểm, bạt vía. 
Bỏ tiền "đặt cọc", chạy thoát thân
Ngôi nhà nằm trong con ngõ rộng của đường Giải Phóng (Hà Nội) cũng được xếp vào nhà "ma ám" mới. Mặc dù người nhà vẫn ở, nhưng khi rao bán chẳng ai dám mua. Lý do đơn giản tất cả những người mua nhà sau khi tìm hiểu thông tin đều... chạy mất dép. Số là trong ngôi nhà mà người dân nơi đây đang đồn thổi "có ma" này có người tự tử.
Ngày ấy, cả nhà ông Nguyễn Văn Phong (tên nhân vật đã được đổi) về quê, ông ở nhà một mình. Khi ở quê, những người thân gọi điện lên số máy điện thoại bàn liên tục không thấy ông Phong nhấc máy. Ban đầu người nhà còn nghĩ ông đi chơi đâu đấy không có nhà. Đến ngày thứ 2, gọi điện vẫn không được, quá nóng ruột vợ con ông Phong từ quê gấp rút về nhà. Khi mọi người mở cửa đã thấy ông Phong chết rồi. Lực lượng công an được gọi đến khám nghiệm tử thi, kết luận cuối cùng không có dấu hiệu người bên ngoài đột nhập vào ngôi nhà, ông Phong chết là do tự tử hoặc đột tử.
Sau cái chết bất đắc kỳ tử của ông Phong, những người dân nơi bắt đầu đồn đoán về chuyện xuất hiện bóng ma đi lại trong nhà. Một thời gian ngắn sau, vợ con ông Phong cũng rao bán nhà thì những câu chuyện đồn thổi lại càng được những người hàng xóm hay chuyện khẳng định chắc chắn. "Vì không ở được, vì bóng dáng của ông Phong vẫn hiện về. Nghe nói, nhà ấy đi xem có thầy phán phải chuyển đi nơi khác nếu không những đứa con trai sẽ "đi cùng với bố". Nhà ấy rao bán, nhưng nhiều năm rồi chưa có người mua", một bà hàng xóm nói.
Ghi nhận của chúng tôi khi đến nhìn ngôi nhà luôn khoá trái cửa, im lìm. Cả gia đình ông Phong đã chuyển đi chỗ ở khác và treo biển cho thuê nhà. Ngôi nhà không có người ở càng khó bán về sau, chính vì thế, chủ nhà treo biển cho thuê nhưng khách gọi đến thuê được khuyến khích cứ vào ở đi, chưa phải trả tiền, thậm chí không lấy tiền thuê nhà. Cũng có nhiều người đã đến đây thuê nhưng chỉ được 1-2 ngày là họ lại chuyển đi cho dù hàng xóm chẳng ai kể chuyện có người tự tử. Những người chuyển đi đều nói rằng, họ không ngủ được và cảm thấy bất an.
Khi ngôi nhà 3 tầng, diện tích gần 50m2 được rao bán với giá 3 tỷ đã có nhiều người đến xem nhà nhưng lần lượt bỏ đi hết. Về sau, ông Trần Đình Quế, người Quảng Ninh đến xem và trả 2,7 tỷ đồng. ông Quế đã đặt cọc 50 triệu đồng và hẹn 15 ngày sau giao nốt tiền và chọn ngày nhận nhà. Tuy nhiên, chỉ 1-2 ngày sau, ông Quế gọi điện cho chủ nhà xin rút lại tiền đặt cọc vì đã tìm được ngôi nhà nhỏ hơn trên phố. Tất nhiên, chủ nhà không đồng ý, ông Quế đành bỏ cả 50 triệu đồng tiền đặt cọc để khỏi phải mua ngôi nhà có người tự tử ấy. ông Quế phàn nàn: "Số tôi thế nào ấy. Khi tôi tìm nhà ở khu Mỹ Đình cũng gặp được một ngôi nhà rộng 60m2, xây 1 tầng giá bán cũng hấp dẫn. Nhưng khi tìm hiểu, tôi mới hay trong căn nhà ấy, ông bố cũng đã treo cổ tự tử. Vì thế, nhà bán giá thấp so với mặt bằng chung vẫn không có người mua. Và lần này nữa, tuy tôi mất 50 triệu đồng tiền đặt cọc nhưng cũng là an toàn. Có lẽ sau vụ này tôi chuyển sang mua chung cư cho lành".
Đồn thổi chuyện tà khí!
Đó là kiểu than thở của nhiều chủ nhà trọ, nhà nghỉ bị người hào hứng sống thuê để làm nơi tìm đến cái chết. Thời gian trước, một số người thuê trọ tại nhà anh Huấn, ở thôn Nguyên Xá (Từ Liêm, Hà Nội) đã phát hiện tại phòng trọ của Đinh Văn C., sinh viên trường đại học Xây dựng, có mùi gas nồng nặc. Linh cảm có chuyện chẳng lành, mọi người phá cửa xông vào thì phát hiện C. đang nằm bất tỉnh với cổ tay bị cắt, máu chảy lênh láng và bình gas đã được mở van, bốc mùi nồng nặc. Mọi người đã phải đưa C. vào bệnh viện 19/8 cấp cứu. Sau vụ ấy, phòng trọ nơi anh C. thuê không có người ở, thậm chí hai phòng bên cạnh cũng phải giảm giá một nửa mới có người thuê. Cái cảm giác rờn rợn vẫn được những sinh viên trong "xóm trọ" nói khi bước qua phòng C. đã từng ở trước đây.
Giữa nơi phồn hoa đô thị, "tấc đất, tấc vàng" vẫn mọc lên những ngôi "nhà ma" bỏ hoang nhiều năm không ai dám ở. Những ngôi nhà này, xuất phát từ những tin đồn, những câu chuyện ám ảnh khiến không ai dám thuê ở. Nhiều năm nay, người dân Hà Nội thường nghe nhiều lời đồn quái dị xung quanh ngôi biệt thự ở số 300 phố Kim Mã, Hà Nội bị bỏ hoang. Không chỉ bị bỏ hoang hơn chục năm nay mà cũng chẳng ai dám thuê ngôi nhà trên. Theo một số người dân sống gần ngôi biệt thự này đoán già, đoán non: "Trước đây, lâu lắm rồi nghe nói ngôi nhà ấy đã có người tự tử. Người chết oan khuất ấy không siêu thoát, nên quấy quả những người đến đấy sinh sống nên không ai dám ở. Thậm chí ngay cả những người bán hàng rong quán nước cũng tránh ngồi sát tường rào nhà ấy. Không biết thực hư những chuyện đồn có ma quấy quả đúng hay sai, mà cũng chẳng có ai muốn tìm ra chủ nhân của ngôi nhà ấy nữa mà hỏi đúng sai. Với những người dân Hà Nội hay những ai đó đi qua ngôi nhà hai mặt tiền đều mặc định với kết luận ngôi nhà bị bỏ hoang là vì có ma".
Trong quá trình rong ruổi tìm kiếm nhiều câu chuyện liên quan đến những ngôi nhà có người tự tử, ở đâu chúng tôi cũng thấy một cảm giác sợ hãi bao trùm. Bao quanh những ngôi nhà ấy là những tin đồn "ma ám". Cách đây mấy năm các xóm trọ cuối đường Phạm Thận Duật (Mai Dịch- Cầu Giấy- Hà Nội) xôn xao tin đồn có ma xuất hiện. Nhiều sinh viên đang thuê phòng hoảng loạn, nhanh chóng chuyển chỗ khác khiến một xóm trọ nhiều phòng đã phải đóng cửa như khu nhà hoang.
[url=http://media.doisongphapluat.com/thumb_x670x/256/2013/10/8/ANH MINH HOA NHA MA AM.jpg]Ám ảnh những ngôi nhà có "bóng ma" người tự tử ANH%20MINH%20HOA%20NHA%20MA%20AM[/url]
Ảnh minh họa.
Có thể chỉ là chiêu cạnh tranh trong kinh doanh
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày ấy, tin đồn có ma xuất phát từ câu chuyện ba sinh viên nữ thuê một phòng trọ nơi cuối đường Phạm Thận Duật nửa đêm bày trò vui bói chén. Ba cô để tay vào cái chén nhỏ, hỏi về người yêu tương lai cua mình như thế nào. Họ để tay, tập trung thần trí nhìn vào cái chén. Hỏi rồi chờ đợi cái chén tự di chuyển về các ô chữ cái vẽ sẵn để ghép chữ lại thành tên người. Không biết vì tập trung quá nên bị "tẩu hoả nhập ma" hay sao mà cả ba cô sau đó đã "phát điên", liên tục gào khóc, khai tên tuổi khác và lảm nhảm rằng ngày xưa mình bị hãm hiếp rồi bị giết chết trên mảnh đất này. Thậm chí, tin đồn này còn được thêu dệt thêm là trong ba cô gái đã có một cô tự tử vì bị "ma nhập".
Hoang tin ấy chỉ một thời gian ngắn bung ra đã lan truyền khắp khu xóm trọ cuối đường Phạm Thận Duật mà còn lan sang các khu trọ lân cận. Không biết thực hư thế nào, chẳng tìm đâu ra một lời giải thích xác đáng vì quá hoang mang, nhiều sinh viên đang thuê trọ tại khu vực trên đã chuyển đi nơi khác. Sau khi bỏ đi nơi khác sống, họ tiếp tục rỉ tai nhau về câu chuyện ly kỳ trên khiến cho nhiều người không dám thuê phòng. Cả khu nhà trọ đông đúc bỗng trở nên vắng vẻ như một khu nhà hoang. Chủ trọ rất bức xúc vì công việc kinh doanh cho thuê phòng trọ của họ đang thuận lợi thì bị những tin đồn nhảm trên phá hỏng. Không biết tin đồn ấy xuất phát từ đâu, bà chủ nhà trọ cho rằng có thể những người cạnh tranh trong kinh doanh cố tình dựng chuyện để phá công việc đang thuận lợi của bà.
Không biết lý giải ra sao, nhưng với những ngôi nhà có người tự tử hay đột tử vẫn là ám ảnh với nhiều người xung quanh. Chính vì sự ám ảnh ấy, nhiều người đã tạo ra những câu chuyện không đầu, không cuối gây hoang mang cho nhiều người. 
Tâm lý tạo ra nỗi sợ
Ông Nguyễn Cung Hà (viện Nghiên cứu Tiềm năng con người) cho rằng: Khi một người chết đi thì phần thể xác của họ tiêu mất nhưng phần tinh thần, phần năng lượng sinh học của họ là một dạng vật chất đặc biệt vẫn còn và lưu lại nơi họ chết, ở đất, đá, hoặc là xe cộ, cây cối... Có những căn nhà do "vong tiền chủ" linh thiêng, người khác mua nhà đến ở thấy đau đầu, bệnh tật, tâm thần bất an... Nếu nhà có mộ phần bên dưới thì càng nguy hiểm, người ta gọi là ám khí. Năng lượng âm có tác động không tốt tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng người ta bước vào ngôi nhà nào đó bỗng có cảm giác rợn người, lạnh sống lưng là vì yếu tố tâm lý, do họ đã được nghe kể nhiều chuyện không hay về ngôi nhà ấy từ trước.