QĐND - Một cuộc thảm sát thiêu trụi 196 ngôi nhà, đập nát 44 chiếc thuyền, 27 người bị giết và 70 người bị bắt vào ngày 19-2-1947 tại làng Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) khi thực dân Pháp phát hiện người dân nơi đây đã trực tiếp đưa toàn bộ Trung đoàn Thủ Đô với hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ vượt sông Hồng an toàn. 65 năm đã trôi qua (19-2-1947/19-2-2012), chúng tôi tìm về làng Tứ Tổng xưa để được nghe những nhân chứng kể về cuộc rút quân ***ền thoại và những đau thương ngày ấy.

Thót tim nghe tiếng pháo nổ

Tiếp chúng tôi trên căn gác nhỏ ở cụm 5, phường Tứ Liên, ông Trần Văn Ty (85 tuổi) ngồi lật giở lại những bức ảnh chụp chung với đồng đội năm xưa. Mỗi bức ảnh lật qua là bấy nhiêu ký ức về những ngày hào hùng ấy cứ hiện về vẹn nguyên trong ông.

Ông Ty kể lại: “Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, bà con ở làng Tứ Tổng đi tản cư gần hết, chỉ có trung đội tự vệ ở lại bám đất, giữ làng. Ngày 17-2-1947, chúng tôi nhận được lệnh đem thuyền sang sông đón bộ đội. Với 2 chiếc thuyền, chúng tôi lập tức thực thi mệnh lệnh. Nhưng cập bến, thấy bộ đội tập trung đông quá, ai cũng tỏ vẻ lo lắng, bởi nơi bộ đội chờ thuyền là đất làng Tứ Tổng, chỉ cách bốt gác của quân Pháp khoảng 400m. Vì thời gian rất hạn hẹp trong khi người thì nhiều mà thuyền lại ít, anh em chúng tôi vội vã quay sang bãi giữa vào nhà dân mượn thuyền. Tới nửa đêm thì đoàn thuyền đã tập hợp được 44 chiếc và bắt đầu đưa bộ đội vượt sông”.

Cuộc rút lui huyền thoại 160212hha03235844539
Ông Trần Văn Ty bồi hồi nhớ lại cuộc rút quân của Trung đoàn Thủ Đô. Ảnh tư liệu

Ngừng lại giây lát, uống ly trà nóng, ông Ty kể tiếp: “Buổi trưa ngày 18-2, Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải cho gọi chúng tôi lên nhận nhiệm vụ. Ngồi trước tấm bản đồ Hà Nội, vẻ mặt đăm chiêu, Trung đoàn trưởng nói: “Các đồng chí tự vệ và bà con Tứ Tổng đêm qua vất vả lắm, chèo thuyền giỏi lắm, nhưng còn phải cố gắng thêm nữa đấy. Phải chuẩn bị đưa Trung đoàn qua sông sang bên kia vùng tự do Phúc Yên ngay trong đêm nay”. Nhận lệnh, chúng tôi lại khiêng thuyền ngược bãi giữa lên Tàm Xá để sẩm tối tổ chức cho Trung đoàn Thủ Đô vượt sông. Ở Tàm Xá, chúng tôi được ông Bếp Kịch cho mượn thêm hai chiếc thuyền to, chở được năm sáu chục người mỗi chuyến. Vì thế, việc đưa bộ đội qua sông được tiến hành rất nhanh gọn, chỉ quá nửa đêm Trung đoàn Thủ Đô đã sang đến đất Phúc Yên an toàn tuyệt đối”.  

Ngày “giỗ trận”

Công lao của đội tự vệ và nhân dân các xã ven sông Hồng trong cuộc rút quân ***ền thoại của Trung đoàn Thủ Đô năm xưa đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi: “Hồng Hà được chứng kiến một chiến công của dân tộc với cuộc lui quân thần kỳ của Trung đoàn Thủ Đô vượt qua vòng vây dày đặc của quân địch, một mẫu mực của lòng dũng cảm, khả năng tổ chức và tính kỷ luật, với sự phối hợp và đùm bọc của nhân dân các xã ven sông Hồng”. Thế nhưng, ít ai biết rằng sau sự kiện ấy, nhân dân làng Tứ Tổng xưa đã bị thực dân Pháp dìm trong biển máu.
Dẫn chúng tôi ra khúc sông mà 65 năm về trước, ông Ty đã chứng kiến cảnh dân làng mình bị quân giặc giết hại. Dòng sông bao năm rồi vẫn chảy hiền hòa, vẫn chở đầy cát nặng phù sa. Hai bên bờ sông, những ngôi nhà cao tầng đã mọc lên san sát, thay những mái nhà tranh bị quân thù đốt phá.

Cuộc rút lui huyền thoại 160212hha01235823508
Nhân dân làng Tứ Tổng chở bộ đội Trung đoàn Thủ Đô vượt sông Hồng rút quân an toàn. Ảnh tư liệu
Nhớ về ngày đau thương của cả làng Tứ Tổng, ông Ty không giấu được xúc động: “Khi đã đưa toàn bộ Trung đoàn sang vùng tự do an toàn, gần sáng 19-2, chúng tôi vừa cất thuyền thì phát hiện còn một trung đội bộ đội rút sau cùng đã ngủ quên ở bãi ngô, chưa sang sông. Chúng tôi quyết định tổ chức đưa số chiến sĩ này vượt sông. Tuy nhiên, khi thuyền vừa ra tới giữa sông thì bị quân địch phát hiện. Ngay lập tức máy bay địch ập đến thả bom; pháo địch nã vào bãi giữa và ca nô, tàu chiến của địch kéo tới đổ quân càn quét. Chúng tôi quyết định đánh đắm thuyền, lợi dụng trời mờ sáng bơi vào bờ. Trên bờ, bộ đội ta bị kẹt lại cùng nhân dân và anh em tự vệ Tứ Tổng kiên cường chiến đấu đáp trả lại quân thù. Nhưng do chênh lệch về lực lượng và trang bị, dưới sự chỉ *** của tên đại tá Đép-bơ, địch điên cuồng bắn giết bộ đội, cũng như dân làng Tứ Tổng và Tàm Xá. Riêng ở Tứ Tổng, địch đốt trụi 196 ngôi nhà, phá sập đình Vạn và đình Xuyên, phá nát 44 chiếc thuyền, giết chết 27 người (phần đông là chiến sĩ tự vệ), bắt đi 70 người. Từ đó, ngày 19-2 hằng năm trở thành ngày “giỗ trận” của dân làng Tứ Tổng. Và đây cũng là dịp mỗi người dân trong làng, nhất là thế hệ trẻ nhớ về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của thế hệ đi trước.

Duy Thành
(QĐND)
http://trianlietsi.vn/new-vn/Trang-vang-liet-si/1144/cuoc-rut-lui-huyen-thoai.vhtm