Những ngày này, không khí thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Công nhân dân dân (CAND), 47 năm Ngày thành lập Học viện Cảnh sát nhân dân (15-5-1968 - 15-5-2015) và Ðại hội Ðảng bộ Học viện lần thứ 16 của thầy, trò nhà trường rất sôi nổi. Với phương châm hành động "truyền thống, đổi mới, năng động, phát triển", Học viện nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo đại học trọng điểm của Bộ Công an và quốc gia, trung tâm đào tạo cảnh sát của khu vực và thế giới.
Ở Học viện Cảnh sát nhân dân, mỗi sinh viên có một máy tính xách tay. Với wifi phủ sóng ký túc, ở bất kỳ phòng nào họ cũng có thể vào mạng, cập nhật tìm kiếm thông tin hỗ trợ. Mạng điện thoại Gmobile cũng giúp nhắn tin tới từng học viên về tình hình học tập. Học viện đã áp dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy và quản lý giáo dục..., tạo môi trường chính quy, hiện đại. Cơ ngơi khang trang với nhà thi đấu đa năng, thư viện nghiệp vụ 10 tầng có gần 50 nghìn sách, Văn Miếu học viện, khu công viên - nhà sàn, ký túc xá đẹp và tiện lợi, nhiều giảng đường và phòng học chuyên dụng mới... trong khuôn viên xanh, sạch, đẹp có thể gây ấn tượng, thiện cảm với bất kỳ ai tới thăm trường.
Nhớ lại thuở học bằng đèn dầu, ở nhà tranh vách nứa tận Suối Hai (Sơn Tây, Hà Nội), TS Vũ Văn Hòa, giảng viên Khoa Nghiệp vụ giáo dục cải tạo phạm nhân bộc bạch, điều kiện học tập của sinh viên hiện nay tốt hơn, họ có trình độ, tư chất, tư duy giỏi, hiểu biết rộng, nhạy bén. Thế nên, ngay cả giảng viên kỳ cựu phải luôn "làm mới" mình trong từng bài giảng. Ðại tá Hoàng Bích Ngọc, Chủ nhiệm bộ môn Nghiệp vụ cơ sở tâm sự, có lúc chị ở trại giam cả tháng nghiên cứu tâm lý học tội phạm, tìm đọc tư liệu, từ đó chọn cách truyền thụ dễ hiểu, hấp dẫn nhất, giúp sinh viên say mê, hứng thú học, khao khát khám phá, sáng tạo.
Chia sẻ của nhiều giảng viên trẻ cho thấy, người học luôn yêu cầu lý thuyết gắn liền với thực tiễn để ứng dụng hiệu quả nên không thể áp dụng cách giảng chay, đọc-chép rập khuôn, lối mòn. Trong thời đại công nghệ, bài giảng sinh động hơn nhờ có phim tư liệu, vật dụng thực nghiệm, hồ sơ vụ án... minh họa, tuy nhiên cốt yếu vẫn là người thầy phải biết "thổi hồn", định hướng cho sinh viên phương pháp tiếp cận, tìm hiểu vấn đề. Thiếu tá Lê Hữu Anh, Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ cảnh sát điều tra nhiều lần sắm vai điều tra viên "ba cùng" ở các đơn vị nghiệp vụ, lăn lộn phá án để tìm "độ vênh" giữa thực tiễn với lý luận, và không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm từ những lần gợi mở, tổ chức cho học viên thảo luận. "Khi tâm huyết, yêu nghề, tự mình sẽ biết cách vượt khó, trau dồi nghiệp vụ, ngày càng trưởng thành" - Thiếu tá Nguyễn Thị Hải Yến bộc bạch. Yến cùng nhiều giảng viên và học viên, sinh viên được nhà trường tạo mọi điều kiện nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng, phát triển lý luận khoa học công an. Lương Thị Thu Thảo, sinh viên lớp B1, D37 trải lòng, dù triển khai đề tài nghiên cứu nóng và khó "Nâng cao hiệu quả quản lý khách du lịch, người nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội" nhưng được các thầy cô động viên, hướng dẫn tận tình đã hoàn thành tốt, đạt giải nhất cấp trường. Những lần kiến tập, thực tập cũng rất bổ ích, giúp Thảo và các bạn hình dung được công việc tương lai, bước đầu vận dụng kiến thức trong sách vở vào thực tế.
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, có khả năng nghiên cứu, tổ chức, là cách Học viện tạo dựng "thương hiệu". Mấy năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào hệ chính quy của Học viện đạt "top" cao nhất cả nước. Biến tiềm năng thành lợi thế, Học viện nỗ lực tạo "đầu ra" tương xứng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ TTATXH trong tình hình mới. Trung tướng, GS, TS Nguyễn Xuân Yêm, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Học viện hồ hởi thông báo về nhiều điểm nhấn đột phá như: đào tạo lớp cử nhân cảnh sát điều tra chất lượng cao, cảnh sát môi trường, phòng, chống khủng bố, tội phạm công nghệ cao; bắt đầu đào tạo tín chỉ, đại học hệ dân sự khóa đầu tiên và đặc biệt thực hiện đề án chuẩn đầu ra theo chuẩn ASEAN. Học viên được học thêm một lượng kiến thức khá lớn để tốt nghiệp đạt chuẩn chính trị (được kết nạp đảng hoặc trong diện cảm tình đảng), giỏi nghiệp vụ chuyên môn và vững thực tiễn, sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học, giỏi võ thuật và bắn súng, biết lái xe ô-tô và nắm vững một số kỹ năng mềm khác.
Với chủ đề năm học 2014 - 2015 là "chuẩn hóa, tin học hóa", Ðảng ủy, Ban giám đốc Học viện chỉ đạo rất sát sao việc thực hiện. Hàng loạt khẩu hiệu Khỏe để xây dựng, bảo vệ an ninh Tổ quốc; Học thật, thi thật để ra đời làm thật; Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân; Nhà trường kỷ cương, nhà giáo mẫu mực, học viên tích cực hiện diện khắp trường... nhắc nhở mỗi giảng viên, cán bộ, học viên, sinh viên luôn ra sức cố gắng.
Phát huy thế mạnh sinh viên ăn ở tập trung, các hoạt động phong trào sôi nổi như hội thi, hội diễn văn nghệ - thể thao, hội chợ sách, hiến máu, thanh niên tình nguyện... của Học viện cũng giúp xây dựng môi trường văn hóa, đồng thời qua đó giao lưu, cọ xát, học hỏi các trường bạn. Thiếu úy Sin-thăm Sa-li, quê ở Chăm Pa Sắc (Lào) và Cao Hương Giang, sinh viên lớp 1K1 hệ dân sự cho biết, tham gia phong trào giúp họ nhanh chóng hòa đồng với sinh viên các hệ, mở rộng quan hệ và tự tin hơn. Không chỉ đào tạo cán bộ cảnh sát cho Lào, Cam-pu-chia, Học viện còn tạo điều kiện cho các sinh viên, học viên có cơ hội nghiên cứu, học tập thông qua các chương trình liên kết đào tạo với cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới, các dự án hợp tác quốc tế mà điển hình là liên kết với Trường đại học Maryland (Hoa Kỳ) đào tạo thành công khóa đầu tiên hệ thạc sĩ về lãnh đạo, quản lý tư pháp hình sự, dạy và học bằng tiếng Anh.
Ðến nay, Học viện Cảnh sát nhân dân đào tạo gần 40 nghìn sĩ quan cảnh sát có trình độ đại học và sau đại học với 40 khóa đại học chính quy, 24 khóa đào tạo thạc sĩ và 21 khóa đào tạo tiến sĩ (hơn 3.000 thạc sĩ và hơn 400 tiến sĩ đã tốt nghiệp). Học viện đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập và danh hiệu Anh hùng LLVTND. 

TUẤN ANH (Nhân Dân)