Lịch sử Hội Sinh viên Việt Nam
Trong những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam chí Bắc nhằm chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của Mỹ, chống “độc lập” giả hiệu, chống khủng **đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho sinh viên, học sinh, đòi được học bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt)… Ngày 9-1-1950, Đoàn thanh niên Cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho gần 10.000 SVHS nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn, biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho SVHS học tập và trả tự do cho HSSV bị bắt. Bọn cảnh sát và lính lê dương đã đàn áp dã man đoàn biểu tình và giết hại anh Trần Văn Ơn, một thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của HSSV. Thanh niên học sinh cả nước đều tổ chức bãi khóa phản đối địch khủng bố tàn sát học sinh Sài Gòn và làm lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn. Run sợ trước khí thế đấu tranh sục sôi của nhân dân Sài Gòn, Thủ hiến Trần Văn Hữu đã hứa thỏa mãn các yêu sách: mở cửa các trường, trả tự do cho các học sinh bị bắt, nhận những công nhân bị sa thải vì đã bãi công để dự đám tang trò Ơn, cho phép ra lại những tờ báo đã bị đóng cửa vì đã loan tin các cuộc đấu tranh của quần chúng.

Tháng 2 năm 1950, Đại hội Liên đoàn thanh niên Việt Nam tại Việt Bắc đã quyết định chọn ngày 09/01 làm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 5 (11/1993) tổ chức tại thủ đô Hà Nội đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 làm ngày truyền thống Hội Sinh viên Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào sinh viên - học sinh và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc, trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của các thế hệ học sinh - sinh viên ngày nay. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai cùng với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các cháu” (trích Hồ Chí Minh toàn tập) và chủ trương của Đảng để đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ học vấn cao cho đất nước là nguồn động viên cổ vũ lớn lao đối với học sinh - sinh viên nước ta.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Châu Á - là sự kiện trọng đại trong thế kỷ XX của dân tộc ta. Nhân dân và tuổi trẻ Việt Nam sau hơn 80 năm nô lệ dưới ách thực dân trở thành người chủ thực sự của đất nước mình, đã nêu lên quyết tâm bảo vệ những thành quá cách mạng, giữ vững lời thề trong ngày Tuyên ngôn Độc lập: “Quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền độc lập, tự do” (trích Hồ Chí Minh toàn tập). Học sinh - sinh viên nước ta vô cùng phấn khởi, tự hào trước thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tinh thần yêu nước, vừa tích cực học tập, vừa tham gia bảo vệ, xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ và anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi cứu quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…” (trích Hồ Chí Minh toàn tập), cùng với nhân dân cả nước học sinh, sinh viên bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài. Các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội rời về nông thôn, miền núi.

Phong trào học sinh - sinh viên phát triển ngày càng sâu rộng với sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Trước sự phát triển của phong trào học sinh - sinh viên Việt, ngày 15/6/1952 Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc đã phối hợp cùng Hội Sinh viên Việt Nam và Đoàn sinh viên Việt Nam tổ chức hội nghị cán bộ học sinh - sinh viên lần thứ ba. Đây là sự kiện chính trị rất quan trọng của phong trào. Học sinh - sinh viên Nam Bộ sau khi vượt qua vòng vây trùng điệp của kẻ thù để ra họp đã phản ánh sâu sắc tính thống nhất của phong trào học sinh - sinh viên nước ta dưới ngọn cờ của Đảng.

Cùng với tuổi trẻ và nhân dân cả nước, học sinh, sinh viên Việt Nam đã có một phần đóng góp sức mình vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Từ tháng 7 - 1954, miền Bắc sạch bóng quân xâm lược và bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào tạm thời là vùng tập kết của quân đội Liên hiệp Pháp. Theo quy định của hiệp định Giơnevơ, sau hau năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước nhằm tiến tới thống nhất nước nhà. Nhưng trên thực tế, quá trình lịch sử không diễn ra như vậy do sự xâm lược của đế quốc Mỹ và hành động phản bội của bè lũ tay sai. Bối cảnh đặt ra cho tuổi trẻ mỗi miền đất nước những nhiệm vụ cụ thể trong mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh đi lên chủ nghĩa xã hội.

Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng. Với sứ mệnh lịch sử cao cả trước hiện tình hình đất nước, hàng vạn học sinh, sinh viên cùng với hàng triệu thanh niên miền Bắc đã đi đầu, góp phần tích cực giải quyết hàng vạn nhiệm vụ đề ra.