Diễn đàn Chiến Sĩ Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn đàn Chiến Sĩ Trẻ Việt NamĐăng Nhập

Nơi giao lưu cho các đ/c và các bạn đang công tác hoặc yêu mến lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam


descriptionChếtCuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt

more_horiz

của Lý Thường Kiệt
Cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt 000000000000000

Báo điện tử Một Thế Giới xin giới thiệu loạt bài về chống ngoại xâm phương Bắc và bắt đầu về cuộc chiến thần thánh phạt Tống của Lý Thường Kiệt.
Lời tòa soạn
Nước Việt kể từ khi Ngô Quyền nối lại quốc thống, thoát khỏi ách đô hộ ngót ngàn năm của phương Bắc đã vượt qua nhiều thăng trầm sóng gió để tồn tại và phát triển. Xuyên suốt từ các triều đại đều phải liên tiếp chống trả các thế lực ngoại bang để bảo vệ đất nước. Để giúp độc giả có cái nhìn sâu hơn về lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc, báo điện tử Một Thế Giới xin giới thiệu loạt bài về chống ngoại xâm phương Bắc và bắt đầu về cuộc chiến thần thánh phạt Tống của Lý Thường Kiệt.
Có thể nói một trong những biến cố quan trọng trong tiến trình dựng nước, giữ nước của dân tộc là cuộc chiến đấu của quân dân Đại Việt dưới thời vua Lý Nhân Tông chống lại âm mưu xâu xé nước ta của liên minh Tống - Chiêm Thành - Khmer do nước Tống cầm đầu. Trong giai đoạn này đã phát sinh những sự kiện chấn động, những chiến công hiển hách như cuộc hành quân đẩy lùi quân Chiêm Thành (1075), cuộc Bắc phạt đánh Tống ngoạn mục và đầy mưu trí của Lý Thường Kiệt (1075 – 1076), và cuối cùng là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống trên lãnh thổ Đại Việt thần thánh (1076 – 1077), đánh bại một đội quân xâm lược khổng lồ hàng chục vạn tên với những danh tướng hàng đầu của Tống triều. Sử sách và tâm trí người dân Việt mãi ghi nhớ chiến công của quân dân Đại Việt thời nhà Lý, với những tên tuổi mãi lưu danh thơm như Lý Thường Kiệt, Tông Đản, Lý Kế Nguyên, Thân Cảnh Phúc, Hoằng Chân, Chiêu Văn, Ỷ Lan, Lý Đạo Thành… Những tên tuổi đã góp phần làm nên niềm tự hào bất tận của dòng dõi Lạc Hồng, khẳng định sức sống mãnh liệt, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam.
Ở loạt 18 bài này, chúng tôi cố gắng gởi đến Quý độc giả một cái nhìn mới mẻ, vừa khái quát liền mạch lại vừa đầy đủ chi tiết nhất có thể. Trong quá trình nghiên cứu và tường thuật chúng tôi đã tham khảo và đối chiếu những tài liệu sau: Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý (Hoàng Xuân Hãn) ; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên); Đại Việt Sử Lược (Khuyết danh); Đại cương Lịch sử Việt Nam tập 1 (nhiều tác giả); Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam (Phạm Hồng Sơn) ; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Quốc sử quán triều Nguyễn); An Nam Chí Lược (Lê Tắc); Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim), Quân thủy trong lịch sử chống giặc ngoại xâm (nhiều tác giả), Lịch Sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX (Lê Thành Khôi) … cùng các tài liệu sưu tầm khác. Rất mong sẽ nhận được sự đón nhận và góp ý của Quý độc giả!
Kỳ 01: Từ cuộc chiến nội cung nhà Lý đến cuộc Bắc phạt phá Tống của Lý Thường Kiệt
Sau khi Lý Thánh Tông mất, triều đình rơi vào cuộc đấu đá giữa phe của hoàng thái phi Ỷ Lan được Thái úy Lý Thường Kiệt ủng hộ và phe của Thượng Dương hoàng thái hậu được thái sư Lý Đạo Thành phò tá. Nhà Tống nhân cơ hội đó nhòm ngó nước ta.
1. Sự hùng cường của vương triều Lý và quốc hiệu Đại Việt
Những triều đại phong kiến đầu tiên hậu Bắc thuộc trị quốc chủ yếu bằng võ, các quan đa phần là võ tướng. Các vua thu phục nhân tâm bằng uy tín cá nhân, chuẩn mực đạo đức phong kiến chưa thực sự hoàn thiện để có thể duy trì một hệ thống thế tập. Ngai vàng liên tục đổi họ, mỗi một vị vua qua đời là để lại một khoảng trống quyền lực để rồi các phe phái trong hoàng tộc hoặc quý tộc phong kiến nhảy vào tranh giành. Do đó mà gây ra những cuộc nội chiến liên miên. Đó là mầm họa rất nguy hiểm cho đất nước.
Vào thế kỷ XI, khi vương triều Lý thành lập thì những rường mối cho một chính quyền phong kiến thế tập mới thực sự được hoàn thiện. Vua Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn là nhân vật được sự hậu thuẫn của giới tăng lữ Phật giáo, lại là một người được học tập cả sách Nho và sách Phật. Lý Công Uẩn làm quan dưới triều Lê Long Đĩnh được phong đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, uy tín và đức độ bậc nhất triều đình. Năm 1009, ông được triều thần suy tôn làm vua sau khi vua Lê Long Đĩnh chết.
Cuộc đổi ngôi này êm thắm hiếm thấy bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong thời gian trị vì, vua Lý Thái Tổ đã thiết lập lại trật tự cho nhà nước quân chủ. Ông thường xuyên phải đi đánh dẹp những phiên thần không quy phục triều đình, sửa sang văn trị, trọng nông nghiệp, mở rộng giao thương. Dưới thời ông, tam giáo Nho, Phật, Lão đều được phát triển, bổ khuyết cho nhau để hình thành một hệ thống tư tưởng mới cho đất nước.
Nếu như Nho giáo dạy người trung quân, ái quốc giúp thuận lợi cho xây dựng nhà nước quân chủ, thì đạo Phật làm góp phần làm nên một xã hội hài hòa, thuận lợi cho phát triển đời sống nhân dân. Đặc biệt, Lý Thái Tổ đã cho định đô ở thành Đại La, đổi tên là thành Thăng Long, đánh dấu một thời kỳ mới của dân tộc. Người Việt đã không còn giữ thế thủ ở đô thành Hoa Lư hiểm trở, mà đã hiên ngang với một kinh đô mới nằm giữa đồng bằng cao thoáng, nhằm phát triển mọi mặt từ kinh tế, văn hóa đến sức mạnh quân sự.
Cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt 1111111111111

Bản đồ nước Việt thời Lý

Các vua đầu triều Lý đều là những bậc minh quân. Nhờ vậy mà thế nước ngày một vững mạnh. Trải qua các đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông thì nước Đại Cồ Việt đã dần vươn lên trở thành một đất nước thịnh vượng, văn minh và mạnh mẽ. Năm 1054, Lý Thánh Tông đã đổi tên nước thành Đại Việt. Từ đây, quốc hiệu Đại Việt đã cùng dân tộc ta trải qua biết bao vinh quang, cay đắng, những thăng trầm trong tiến trình lịch sử.
Chuyện kể rằng, vua Lý Thánh Tông tuổi đã gần tứ tuần mà chưa có con trai nối ngôi, nên ngày ngày cầu khấn mong sinh được hoàng tử. Vua thường đi chơi khắp các chùa quán, dân gian thấy xa giá đến đâu thì rủ nhau xúm lại xem. Vua đi cầu tự ở chùa Dâu, thấy dọc đường mọi người đổ xô ra đón, duy chỉ có người con gái hái dâu đứng ở phía xa, tựa vào gốc cây lan mà hát. Vua lấy làm thích, đưa người con gái ấy vào cung, phong làm Ỷ Lan Phu Nhân. Được vua yêu, ít năm sau Ỷ Lan sinh hoàng tử, đặt tên là Lý Càn Đức. Ngay sau khi sinh ra, hoàng tử Càn Đức đã được vua Lý Thánh Tông phong làm Đông cung Thái tử. Trăm họ vui mừng, bá quan phấn khởi. Số mệnh của cậu bé Lý Càn Đức đã được định sẵn, sinh ra để làm quân chủ nước Đại Việt.
Ỷ Lan được vua phong làm Thần Phi, sau vua lại phong là Ỷ Lan Nguyên Phi, đứng đầu các phi tần, chỉ sau Thượng Dương hoàng hậu. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, lấy cớ là nước Chiêm Thành đã lâu không sai sứ sang chầu và thường quấy nhiễu biên giới phía nam. Ỷ Lan Nguyên Phi được vua tin cậy giao cho làm Nhiếp chính, cùng Thái sư Lý Đạo Thành trông coi chính sự. Bấy giờ, vua đánh Chiêm Thành lâu ngày mà không dứt điểm được, bèn lui quân. Thuyền ngự về đến châu Cư Liên, nghe tin Ỷ Lan Nguyên Phi trị quốc tài giỏi, trong nước muôn dân ca tụng. Vua khẳng khái nói : "Kìa, một người đàn bà còn làm được như thế, ta là tài trai mà không hạ được nước Chiêm Thành nhỏ xíu, chả hóa ra xoàng lắm ru ?”. Nói xong bèn dẫn quân quay trở lại đánh tiếp. Lúc này sĩ khí lên cao, quân Đại Việt đại thắng. Đô thành Vjiaya của Chiêm Thành bị chiếm, vua Chiêm là Chế Củ cùng 5 vạn dân Chiêm bị bắt. Chế Củ dâng ba châu Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý để chuộc mạng. Vua bằng lòng, lãnh thổ Đại Việt được mở rộng về phương nam, bờ cõi phía nam cũng được yên.
Mọi chuyện diễn rất tốt đẹp kể từ sau chiến thắng với Chiêm Thành. Nước Đại Việt bấy giờ là một đất nước thanh bình, thịnh vượng với nền nông nghiệp phát triển, với những công trình cung điện, chùa chiền tráng lệ. Các nghề thủ công như đúc đồng, điêu khắc, làm gốm, làm mộc… đều phát triển rực rỡ. Thuyền buôn Đại Việt giương buồm đi khắp nơi trên vùng biển Đông Nam Á, đến các nước Tống, Chiêm Thành, Chân Lạp, Java… để buôn bán các sản phẩm như gia vị, hương liệu, tơ lụa, đồ gốm, thổ sản … Nước Đại Việt còn có nguồn lợi mỏ vàng, mỏ đồng ở phía Bắc. Người Việt ở các vùng có mỏ vàng trở nên giàu có, hay mua người Tống về để làm nô tì. Hải cảng Vân Đồn tấp nập ghe thuyền ngoại quốc đến buôn bán. Dười triều Lý Thánh Tông, nước Chân Lạp cũng thường gởi sứ sang dâng cống phẩm. Nước Tống khi đó quả không dám vọng động nhòm ngó xuống phương Nam.
2. Ấu chúa và cuộc đấu đá nội bộ
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, hưởng dương 50 tuổi. Thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi vua. Sử gọi là vua Lý Nhân Tông. Vua còn nhỏ tuổi chưa hiểu chuyện để trị nước, triều đình và nội cung rơi vào cuộc đấu đá cạnh tranh quyền lực giữa phe của hoàng thái phi Ỷ Lan được Thái úy Lý Thường Kiệt ủng hộ và phe của Thượng Dương hoàng thái hậu được thái sư Lý Đạo Thành phò tá.
Nguyên bấy giờ Ỷ Lan Hoàng thái phi là mẹ đẻ của vua, lại là người có tài trị quốc, từng có kinh nghiệm nhiếp chính lúc tiên đế Lý Thánh Tông thân chinh nên được nhiều triều thần ủng hộ. Nhưng Thái sư Lý Đạo Thành là người trọng lễ giáo, ông đã cùng những người ủng hộ suy tôn Thượng Dương Hoàng Thái Hậu - người vợ chính thức của tiên đế Lý Thánh Tông lên làm Nhiếp chính. Thượng Dương Hoàng thái hậu tuy có được danh chính ngôn thuận nhưng là người không thông hiểu chính trị và thiếu uy tín.
Ỷ Lan vốn tự phụ mình là người có công sinh ra vua lại giỏi giang hơn, có nhiều công lao hơn mà không được dự quyền chính nên sinh lòng ghen ghét, bất phục. Cô gái hái dâu vùng Kinh Bắc ngày nào giờ đã trở thành người phụ nữ đầy tham vọng và mưu mô. Bà đã cố gắng thuyết phục Thái úy Lý Thường Kiệt về phe của mình trong cuộc chiến tranh giành quyền lực để làm áp lực lên vua nhỏ Lý Nhân Tông và triều thần. Mặc khác, với thân phận là mẹ đẻ của vua, Ỷ Lan Hoàng thái phi đã nói riêng với vua : "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua Lý Nhân Tông đã vì chữ hiếu với mẹ đẻ mà ra tay, Thượng Dương Hoàng thái hậu bị giam lỏng trong cung Thượng Dương cùng với 72 tì nữ của bà.
Năm 1073, vua Lý Nhân Tông cùng một số triều thần lại thể theo tục lệ tùy táng vốn thịnh hành trong giới quý tộc thời trung đại, bắt Thượng Dương Hoàng thái hậu và 72 tì nữ phải chết theo tiên đế Lý Thánh Tông. Sau khi Thượng Dương Hoàng thái hậu chết, Ỷ Lan Hoàng thái phi được vua phong làm Linh Nhân Hoàng thái hậu, giữ vai trò nhiếp chính, cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt làm phụ chính. Vua phong cho Lý Thường Kiệt chức Đôn Quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, gia hiệu Thượng phụ công, đứng đầu cả hai ban văn võ. Thái sư Lý Đạo Thành và toàn bộ những người ủng hộ Thượng Dương hoàng thái hậu đã hoàn toàn thất thế. Thái sư Lý Đạo Thành lãnh chức Tả gián nghị đại phu, được điều ra coi châu Nghệ An. Đối với một vị Thái sư thì chức vụ này chẳng khác gì bị đi đày. Vốn đây là một bước đi loại trừ địch thủ chính trị tại trung ương của Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng thái hậu.
Đánh giá về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên triều Hậu Lê đã có nhận xét dưới cái nhìn của đạo đức Ngo gia : Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to. Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián việc ấy ?
Những sự tranh giành về quyền chính, đấu đá nội bộ này của Đại Việt đã không lọt khỏi tai mắt của thám tử nước Tống. Đây là một trong những tiền đề quan trọng khơi dậy dã tâm xâm lược Đại Việt của vua tôi nước Tống. Tuy quốc lực Đại Việt đầu thời vua Lý Nhân Tông vẫn rất vững mạnh, nhân tài vật lực dồi dào nhưng với nội bộ thiếu đoàn kết, nước ta đã trở thành miếng mồi mà nước Tống nhắm tới.
Kỳ 02: Nhà Lý nhiều lần uy hiếp nhà Tống sau khi bị khiêu khích
Nước Tống tuy ra vẻ bề trên nhưng vẫn sợ uy của triều Lý. Năm 1059 Lý Thánh Tông đã đem quân đánh vào Khâm Châu của Tống, cướp phá các động Tư Lãm, Cổ Vạn, Chiêm Lãng trên đất Tống, uy hiếp thành trì, thị uy rồi rút về.
Kể từ khi vương triều Lý thành lập cho đến thời vua Lý Thánh Tông thì quan hệ Tống – Việt nhìn chung là khá tốt. Hai nước thường xuyên gởi sứ giả qua lại, quan hệ buôn bán cũng rất phát triển. Người Tống mở các Bạc dịch trường nơi gần biên giới làm nơi trao đổi, buôn bán giữa thương nhân hai nước. Quan hệ thương mại với nước Tống là một phần quan trọng trong việc giao thương của Đại Việt. Các vua Lý tỏ ra nhún nhường với Tống, thường gởi cống phẩm và nhận các sắc phong của vua Tống. Thư từ của vua Đại Việt gởi cho vua Tống gọi là Biểu, một tên gọi dành cho văn bản cấp dưới gởi cho cấp trên. Thư từ, văn bản mà vua Tống gửi cho vua Đại Việt thì gọi là Chiếu, tên gọi dùng cho văn bản vua gởi cho cấp dưới. Mặc dù Đại Việt chấp nhận một mối quan hệ nước lớn, nước nhỏ đối với Tống nhưng cũng tỏ ra rất tự cường trong các chính sách đối nội và đối ngoại. Các vua Lý một mặt vẫn nhận sắc phong Vương của vua Tống, mặc khác vẫn tự xưng Đế, và các vấn đề về biên giới đối với nước Tống rất cương quyết.
Nước Tống tuy ra vẻ bề trên nhưng vẫn sợ uy của triều Lý. Minh chứng rõ nét là khi Nùng Trí Cao nổi lên dựng nước Nam Thiên, ông muốn thuần phục Tống để chống lại Việt nhưng nước Tống đã không dám nhận lời, vì sợ mất lòng triều Lý. Đặc biệt, vào năm 1059 Lý Thánh Tông đã đem quân đánh vào Khâm Châu của Tống, cướp phá các động Tư Lãm, Cổ Vạn, Chiêm Lãng trên đất Tống, uy hiếp thành trì, thị uy rồi rút về. Về nguyên cớ của cuộc tấn công này, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chỉ ghi chép ngắn gọn là “vì người Tống tráo trở”. Thực chất nguyên nhân cụ thể là chính sách thù địch của viên quan Tri châu tên là Tiêu Chú đối với Đại Việt. Tiêu Chú thường xuyên cho người chiêu dụ những tù trưởng biên giới nước ta bỏ Việt theo Tống, ngầm ngầm nuôi bọn du đãng để chống phá Đại Việt và thường dâng thư về triều Tống khuyên gây chiến. Vua Tống biết do cấp dưới mình khiêu khích trước, sợ sẽ bùng phát chiến tranh nên cũng làm lơ cho qua.
Nguyên bấy giờ phía Bắc nước Tống có nước Liêu của người Khiết Đan, nước Tây Hạ của người Đảng Hạng mới lập đều là những nước có quân đội mạnh, là những dân tộc thiện chiến thường xâm lấn quấy nhiễu nước Tống, buộc Tống phải cống nạp để yên ổn. Vì vậy bao nhiêu binh hùng tướng mạnh của Tống chủ yếu dùng để phòng thủ hướng bắc, không có đủ điều kiện để thi hành một chính sách cứng rắn đối với Đại Việt ở phương nam.
Từ khi vua Tống Thần Tông lên ngôi (năm 1067), đã tin dùng Vương An Thạch, phong làm Tể tướng (năm 1069). Tể tướng Vương An Thạch đã tiến hành cải cách mang tên Tân pháp để củng cố lại kinh tế, binh bị của nước Tống. Tân pháp đã mang lại một số thay đổi tích cực cho kinh tế, quân đội. Tiềm lực nước Tống được cải thiện nhiều, nhất là tập trung được các nguồn lực đất nước vào tay triều đình. Nhưng với những biện pháp quá mạnh tay, và hệ thống quan lại thi hành Tân pháp lại có kẻ tham nhũng nên đã vấp phải nhiều sự bất bình và kháng cự của dân chúng cùng giới quan lại thủ cựu. Tể tướng Vương An Thạch cùng vua Tống chủ trương đánh Đại Việt, nước mà ông cho là yếu hơn Liêu, Tây Hạ, vua Lý Nhân Tông lại còn nhỏ tuổi (Lý Nhân Tông, tên thật là Lý Càn Đức lên ngôi khi mới 7 tuổi) để giải tỏa mâu thuẫn trong nước, dùng chiến công để lấy lại uy thế phe cải cách và uy thế nước Tống, chứng tỏ sự hiệu nghiệm của các Tân pháp, thôn tính mở rộng lãnh thổ, cuối cùng là mưu toan cướp bóc của cải và tài nguyên của Đại Việt để làm giàu cho Tống.
Vốn trong thời trị vì của Lý Thánh Tông, vua tôi nước Tống đã có ý nhòm ngó Đại Việt. Nhưng lúc này họ còn ngại thế lực Đại Việt đang cường thịnh, nội bộ lại đoàn kết. Đến khi biết nội tình Đại Việt có nhiều xáo trộn trong cuộc đổi ngôi, vua mới còn nhỏ thì vua Tống Thần Tông mới hạ quyết tâm. Các quan chức Tống đoán biết ý, đã xàm tấu với vua Tống rằng: "Giao Chỉ vừa đánh Chiêm Thành bị thất bại, quân không còn nổi một vạn, có thể lấy quân Ung Châu sang chiếm Giao Chỉ."
Vua Tống cho mời viên Tri châu Quế là Tiêu Chú để bàn về việc đánh Đại Việt. Tiêu Chú vốn là người thông hiểu tình hình Đại Việt. Tuy trước đây y rất hiếu chiến, nhưng biết tình thế đã thay đổi nhiều nên tỏ ra rất thận trọng. Tiêu Chú đã tâu rằng : “Xưa, tôi cũng có ý ấy. Bấy giờ quân khê động một người ta có thể địch mười; khí giới sắc và cứng; người thân tín thì tay chỉ, miệng bảo, là điều khiển được. Nay, hai điều ấy không như trước; binh giáp không sẵn sàng, người tin chết quá nửa. Mà người Giao Chỉ lại sinh tụ, giáo hối đã mười lăm năm rồi. Bây giờ, nói quân Giao không đầy một vạn thì sợ sai”.
Vua Tống Thần Tông không thích lời tâu này. Lại thêm có viên Hình Bộ lang trung Thẩm Khởi tâu: “Giao Chỉ là đồ hèn mọn. Không lý gì không lấy được”. Vua Tống hài lòng với lời tâu hiếu chiến ấy, bèn giao cho Thẩm Khởi làm Quảng Tây kinh lược sứ. Khởi được phép tự tiện hành sự trước rồi tâu sau, lo chuẩn bị cho chiến tranh. Thẩm Khởi nhân đó mà chuyên quyền.
Cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt 2222222222222

Bản đồ các nước thời Lý
Qua việc bổ nhiệm Thẩm Khởi, vua Tống đã thể hiện rõ ý định xâm lược. Vua tôi nước Tống bàn nhau: “Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu Hạ sẽ phải kiêng nể”.
Để thực hiện tham vọng xâm lược, nước Tống có nhiều nước đi chuẩn bị kỹ lưỡng.
Về hậu cần lực lượng, ba thành nằm trên đường tiếp vận của quân Tống sang biên giới Đại Việt là Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu đã trở thành những nơi tích trữ lương thảo, khí giới, mộ tân binh để huấn luyện. Quế Châu cũng được lệnh tăng cường mộ binh trữ lương, huấn luyện quân sĩ, trưng thu thuyền buôn vào làm thuyền chiến. Toàn lộ Quảng Tây nước Tống có đến hàng vạn tân binh được tuyển, tập trung huẩn luyện ở các thành trì. Triều đình Tống dự định sẽ gom số tân binh miền nam Tống và số quân thiện chiến miền bắc Tống để tấn công Đại Việt.
Để yên ổn ở biên thùy phía bắc, rảnh tay ở phía nam, vua Tống đã theo lời Vương An Thạch chấp nhận cắt đất 700 dặm ở Hà Đông cho nước Liêu. Vương An Thạch cũng lên kế hoạch lôi kéo Chiêm Thành, vương quốc Khmer vào một liên minh chống Đại Việt. Tình báo được tăng cường sang nước ta thăm dò tin tức, sai viên chuyển vận sứ Quảng Nam Tây Lộ (tên gọi của Quảng Tây đời Tống) là Đỗ Kỷ báo cáo chi tiết về chính trị, địa thế, dân số, đường sá của Đại Việt. Quan chức Tống ở biên giới cấm không cho dân chúng hai nước qua lại buôn bán nữa. Quảng Tây kinh lược sứ Thẩm Khởi của Tống còn cho người sang chiêu dụ các tù trưởng ở các châu động biên giới Đại Việt. Nước Tống một mặt đẩy mạnh quá trình chuẩn bị xâm lược, một mặt lại hết sức đề phòng kế hoạch sẽ bị lộ khiến Đại Việt có sự đề phòng. Tuy nhiên hai điều này vốn mâu thuẫn nhau nên tình báo của Đại Việt đã sớm biết được ý đồ của nước Tống. Vì hoạt động khiêu khích quá lộ liễu mà Thẩm Khởi đã bị vua Tống bãi chức, cho Lưu Di lên thay. Đến lượt mình, Lưu Di vẫn đẩy mạnh những việc mà Thẩm Khởi đã làm càng khiến cho kế hoạch xâm lược của Tống thêm bại lộ. Viên quan giữ thành Ung Châu là Tô Giám đưa thư cho Lưu Di bảo rằng “chớ làm những sự khiêu khích giặc”. Lưu Di không nghe theo, lại trách Giám bàn nhảm và cấm Giám không được bàn nữa.
Nhìn chung, tuy chính sách của vua tôi nước Tống có nhiều đều bất nhất nhưng tựu chung vua Tống đã quyết chí đánh chiếm nước ta. Vấn đề chỉ là nhanh hay chậm, sự chuẩn bị tới đâu mà thôi. Thời gian càng lâu, sự tập trung binh lực và của cải đổ vào cuộc chiến sẽ càng lớn. Cho đến năm 1075, nước Tống đã có những kho tàng, những trạm tiền tiêu lợi hại ở vùng Quảng Tây, đặc biệt là ba căn cứ Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu tạo thành một thế liên hoàn. Từ đây, tuyến đường xâm lược đã rộng mở cả thủy lẫn bộ tiến vào Đại Việt.
Kỳ 03: Trước khi phạt Tống, Lý Thường Kiệt nam chinh đại phá Chiêm Thành
Trong bối cảnh nước Tống đang ráo riết chuẩn bị xâm lược từ phía bắc, thì quân Chiêm Thành lại đánh phá dữ dội phía nam. Nước Đại Việt lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch...
Cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt 3333333333333333

Chiêm Thành là một đất nước của người Chăm nằm ở dải đất miền Trung Việt Nam ngày nay, từng là một nước có nền văn minh phát triển cao. Dân nước này sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp và nghề biển. Họ là những nông dân, ngư dân, thương nhân và cướp biển. Quan hệ giữa hai nước Chiêm – Việt vốn từ lâu rất phức tạp. Chiêm Thành là một nước có truyền thống đối ngoại rất hiếu chiến, đối với lãnh thổ người Việt họ vẫn luôn nhòm ngó xâm lấn để cướp bóc và bành trướng. Nhưng kể từ thời vua Lê Hoàn trở đi, thế lực người Việt đã vươn lên mạnh mẽ lấn lướt người Chăm. Chiêm Thành khi thế yếu thì chấp nhận triều cống Đại Cồ Việt hay về sau là Đại Việt, nhưng hễ mạnh lên lại thường tấn công quấy nhiễu.
Người Việt cũng tỏ ra không hề khoan nhượng. Chỉ với thời gian tái lập quốc gia không lâu, từ thế kỷ thứ 10 đến nửa cuối thế kỷ 11, người Việt đã nhiều lần đánh bại và tàn phá các kinh đô của người Chăm, bắt hoặc giết các vua Chăm. Vua Lê Hoàn từng giết vua Paramesvaravarman I (Bề Mi Thuế), tàn phá kinh đô Indrapura (Đồng Dương) vào năm 982.
Các đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông đều có chiến tranh với Chiêm Thành và thường là quân Việt giành phần thắng. Năm 1020 tướng Chiêm Thành là Bố Lệnh mang quân tấn công Đại Việt, vua Lý Thái Tổ sai thái tử Lý Phật Mã và tướng Đào Thạc Phụ đem quân chống lại. Quân Chiêm Thành bị đánh bại và chết đến quá nửa, tướng Bố Lệnh bị giết. Năm 1044 người Chăm bại trận trước cuộc tấn công của quân đội vua Lý Thái Tông. Vua Chiêm Thành là Jaya Sinhavarman II (Sạ Đẩu) tử trận cùng với 3 vạn quân, 5.000 người Chiêm Thành bị bắt, Quân Việt thừa thế chém giết dân Chiêm Thành không kể xiết.
Tình cảnh đến mức vua Lý Thái Tông thấy thương xót mà hạ lệnh: "Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha". Kinh đô mới của người Chiêm là Vjiaya (Phật Thệ) cũng bị chiếm đóng một thời gian cho đến khi quân Việt chủ động rút lui. Đến năm 1069, vua Lý Thánh Tông lại đánh chiếm được kinh đô Vjiaya, bắt sống vua Rudravarman III (Chế Củ) cùng toàn bộ hoàng gia và nhiều tù binh, buộc vị vua này phải cắt đất ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý (thuộc Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) để chuộc mạng. Ba châu này vốn là đất cũ của nước Văn Lang thưở xưa, đã trở thành lãnh thổ của Chiêm Thành trong thời Bắc thuộc.
Các cuộc chiến Việt – Chiêm được sử sách người Việt ghi chép đều nói nguyên nhân do phía Chiêm Thành khơi màu trước bằng những vụ cướp phá biên giới. Có thể hiểu điều này, vốn nước Chiêm Thành thường có tập quán cướp biển, bắt người để buôn bán nô lệ. Lại thêm nước Chiêm Thành đánh nhau với người Việt thường bị thua nên hễ thế nước mạnh lên là lập tức tổ chức đánh cướp người Việt hòng báo thù.
Kể từ lúc vua Rudravarman III cắt đất cho Đại Việt để chuộc thân, ông đã mất uy tín để lãnh đạo đất nước. Các sứ quân nổi lên cát cứ khắp nước Chiêm Thành. Vua Rudravarman III bị xua đuổi và phải lưu vong sang Đại Việt. Vào năm 1074, một hoàng thân xứ Panduranga nước Chiêm Thành tên là Thăn lên ngôi vua, lấy hiệu là Harivarman IV, chấm dứt thời kỳ loạn lạc. Harivarman IV là người có xuất thân đặc biệt, với cha là người của dòng tộc Cau, mẹ lại là người dòng tộc Dừa. Đây là hai dòng quý tộc lớn nhất của nước Chiêm Thành vẫn thường hay cạnh tranh với nhau.
Vì có xuất thân như vậy, cùng với tài năng của mình mà Harivarman IV đã thu phục được các quý tộc, đoàn kết dân chúng Chiêm Thành. Chỉ trong một thời gian ngắn (1074 – 1075), nước Chiêm Thành đã khôi phục lại sức mạnh của mình. Kinh đô Vjiaya và các đền đài bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh được sửa sang lại, nền kinh tế Chiêm Thành được khôi phục dưới sự cai trị của vị vua mới. Vua Harivarman IV đã chủ động kết thân với nước Tống, ông gởi cống phẩm, xin mở rộng buôn bán với Tống và được nước Tống chào đón nhiệt tình. Người Chiêm Thành nhờ đó mà có được nguồn nhập khẩu lương thực mới và nguồn ngựa chiến.
Vua Harivarman IV nuôi chí báo thù Đại Việt. Có được đồng minh và đối tác thương mại mới, trong năm 1075 Chiêm Thành lập tức cắt đứt quan hệ với Đại Việt, ngưng triều cống, tung quân đánh phá ba châu Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý mà vua Rudravarman III đã chính thức cắt nhượng cho Đại Việt năm 1069. Trong bối cảnh nước Tống đang ráo riết chuẩn bị xâm lược từ phía bắc, thì quân Chiêm Thành lại đánh phá dữ dội phía nam. Nước Đại Việt lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch.
 
Dấu tích kinh đô Chiêm Thành
Mùa thu năm 1075, Thái úy Lý Thường Kiệt đã mang đại quân vào nam để đánh Chiêm Thành. Phía Chiêm Thành biết quân Đại Việt đông, thiện chiến và trang bị tốt nên chủ động tránh những trận giao chiến lớn. Quân Đại Việt đã đẩy lui được quân Chiêm Thành ra khỏi biên giới nhưng không gây được thiệt hại đáng kể cho quân Chiêm. Lý Thường Kiệt không dám đưa quân tiến sâu và đất Chiêm Thành như những lần viễn chinh trước của người Việt, vì ông hiểu rằng có một kẻ thù nguy hiểm hơn rất nhiều đang rình rập ở phía bắc. Một bài toán khó được đặt ra với vị Thái úy nước Đại Việt.
Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt cho tổ chức lại bộ máy chính quyền vốn còn sơ sài ở các châu mới sáp nhập, đổi tên châu Ma Linh thành Minh Linh, châu Địa Lý đổi thành châu Lâm Bình. Ông sai người vẽ lại bản đồ chi tiết ba châu Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình. Các dân chúng dũng cảm được chiêu mộ đến để khai khẩn đất đai. Vốn ngay từ thế kỷ X, cư dân người Việt và người Chăm đã chung sống với nhau trên vùng Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý nhưng mật độ vẫn còn thưa thớt.
Nay với việc tổ chức di dân quy mô lớn, Lý Thường Kiệt đã khiến số dân người Việt trở nên áp đảo so với người Chăm và làm cho mật độ dân cư vùng này dày hơn, tạo điều kiện cho việc cai trị và phòng thủ lâu dài của chính quyền Đại Việt. Ngoài những người dân nghèo tham gia vào cuộc khai khẩn vùng lãnh thổ mới còn có các thành phần tù tội bị lưu đày, các binh lính trá hình. Mọi việc được gấp rút sắp xếp đặt xong trong một quãng thời gian ngắn, ngay trong cuối thu năm 1075 Lý Thường Kiệt đem đại quân về bắc để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới, sau khi để lại một phần quân lực đồn trú ở biên thùy phía nam.
Mối nguy Chiêm Thành được giải tỏa ít nhiều đối với Đại Việt. Nhưng với binh lực vẫn còn gần như nguyên vẹn và ý chí báo thù, đội quân của vua Harivarman IV nước Chiêm Thành vẫn như mũi dao hiểm chực chờ đâm sau lưng nước Đại Việt.
Quốc Huy
privacy_tip Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
power_settings_newLogin to reply