SGTT.VN - Thời gian vừa qua dư luận bức xúc trước thông
tin có một số tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động của mình đã
thu thập rất nhiều thông tin cá nhân của khách hàng như tên tuổi, số
điện thoại, địa chỉ v.v. và cuối cùng những thông tin này lại được rao
bán công khai trên mạng internet.


Gần đây nhất, người dùng dịch vụ của Google nhận được
thông báo theo đó chính sách bảo mật/điều khoản sử dụng của Google sẽ
thay đổi với cái tên có vẻ rất hấp dẫn là “One policy, One Google
experience”. Thực ra, chính sách này có lợi cho Google hơn là người
dùng, bởi lẽ từ nay các thông tin mà người dùng khai báo và Google thu
thập được trên một dịch vụ nào đó như Gmail chẳng hạn, sẽ được chia sẻ
trên tất cả các dịch vụ khác được phát triển bởi công ty này. Google từ
đó có lẽ sẽ sắp xếp, phân loại và cuối cùng là khai thác và bán các
thông tin này cho các công ty khác nhau? Hãy thử tưởng tượng, một ngày
kia toàn bộ thông tin về bạn như hồ sơ bệnh án, mã gen AND, bí mật đời
tư, tài sản bạn đang nắm giữ v.v bị ai đó biết được và sử dụng, lúc đó
chắc hẳn bạn sẽ cảm giác bất an và bị đe doạ.

Thực ra không phải bây giờ người ta mới nhận thấy bên
cạnh những tiện ích vô cùng to lớn mà công nghệ thông tin mang lại, thì
công nghệ thông tin còn là một sự đe doạ tới quyền tự do của con người.
Chẳng hạn sẽ rất nhiều khó chịu với việc phải nhận những tin nhắn, thư
quảng cáo bởi ngoài việc phải mất thời gian để đọc những thông tin được
gửi tới họ còn cảm thấy bị quấy nhiễu, làm phiền, bị xâm phạm vào cuộc
sống cá nhân của mình.

Điều 71
luật Công nghệ thông tin quy định không được tạo ra, cài đặt, phát tán
virút máy tính, phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác để thu
thập thông tin của người khác; điều 46.2 luật Giao dịch điện tử quy định
cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ không được tiết lộ thông tin về
bí mật đời tư mà mình tiếp cận được trong giao dịch điện tử nếu không
được sự đồng ý của họ hoặc pháp luật có quy định; điều 6 luật Bảo vệ
người tiêu dùng quy định về quyền của người tiêu dùng được đảm bảo an
toàn, bí mật thông tin cá nhân...; điều 226 bộ luật Hình sự về tội đưa
hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông,
mạng internet.

Nhìn chung, các quy định này chỉ giải quyết “phần ngọn” của vấn đề nảy sinh.

Để tránh những phiền toái trên, trong pháp luật Việt
Nam cũng đã có những quy định nằm rải rác trong các văn bản khác nhau,
nhưng nhìn chung có thể nhận thấy rằng các quy định của pháp luật Việt
Nam đang đi vào giải quyết “phần ngọn” của vấn đề nảy sinh hơn là tìm ra
cơ chế, phương án giải quyết “phần gốc”.

Tại các nước phát triển, vấn đề giải quyết hài hoà mối
quan hệ giữa quyền tự do cá nhân và nhu cầu, đôi khi là quyền hợp pháp
được thu thập, lưu trữ thông tin thường được điều chỉnh bằng một đạo
luật, đạo luật này thường sẽ quy định các vấn đề như: i) có được quyền
thu thập thông tin cá nhân hay không; ii) nếu có thì hình thức thu thập
ra sao, với điều kiện gì; iii) được phép lưu giữ thông tin trong bao
lâu; iv) chế tài vi phạm là gì nếu không tuân thủ v.v.

Tại Pháp, luật số 78-17 ngày 6.1.1978 (được sửa đổi năm
2004) đã đặt ra các nguyên tắc như công nghệ thông tin phải tuân thủ và
hướng tới việc phục vụ con người, tôn trọng bí mật đời tư và quyền tự
do của các cá nhân cũng như quy định rất cụ thể về nội dung lẫn hình
thức của quá trình thu thập thông tin cá nhân. Để thực thi đạo luật này,
Quốc hội Pháp cũng đã thành lập một cơ quan hành chính độc lập là Uỷ
ban quốc gia về công nghệ thông tin và tự do để giám sát sự tuân thủ các
quy định cũng như cảnh báo hay trừng phạt những hành vi vi phạm. Vụ
việc gần đây nhất là ngày 17.3.2011, uỷ ban này đã xử phạt Google số
tiền lên tới 100.000 euro vì đã có hành vi thu thập số lượng lớn thông
tin từ ứng dụng “Google cars” và những thông tin này, sau đó, được Uỷ
ban quốc gia về công nghệ thông tin và tự do xác định là những thông tin
cá nhân chỉ được phép thu thập, lưu trữ, sử dụng theo quy trình do pháp
luật Pháp quy định.

Ở cấp độ khu vực, châu Âu đã có chỉ thị ngày 24.10.1995
hài hoà hoá các quy định pháp luật trong các nước thuộc khối về việc
thu thập, xử lý thông tin cá nhân. Cho đến nay đã có tới 27 nước thuộc
Liên minh châu Âu có luật riêng về việc thu thập, lưu trữ, xử lý thông
tin cá nhân. Các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan tuy không có đạo
luật riêng về lĩnh vực này nhưng cũng có các quy định nhằm bảo đảm quyền
tự do cá nhân trước việc thu thập, xử lý thông tin bằng máy tính và đảm
bảo cơ chế các cá nhân có quyền khởi kiện ra toà để chống lại các hành
vi thu thập, sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp.

Thiết nghĩ, để giải quyết một bước căn bản vấn đề phát
sinh tại Việt Nam, đã đến lúc chúng ta cũng cần phải có một đạo luật
riêng làm nền tảng cho tất cả các hoạt động thu thập, xử lý, sử dụng
thông tin cá nhân nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tất cả các chủ
thể có liên quan.

ThS.LS Lê Xuân Lộc