(TNO) Chiều 13.5, một cô gái chạy xe gắn máy theo hướng từ quận Thủ Đức vào Bình Thạnh (TP.HCM). Đến giữa cầu Bình Triệu, cô dừng xe, cởi áo khoác, bỏ lại đôi dép, leo lên thành cầu nhảy xuống sông Sài Gòn.

Nhiều người đi đường tò mò dừng xe lại khiến cầu nhanh chóng bị ùn ứ, nhưng không ai có phản ứng gì để cứu cô gái.

Lúc đó, anh Danh Nghĩa chở một người bạn đi ngang qua, thấy sự việc lập tức dừng xe. Lúc này nước sông Sài Gòn đang chảy rất mạnh và trong tích tắc, cô gái đã bị cuốn trôi về giữa khu vực cầu Bình Triệu 2 và 1.

Thấy cô gái chới với dưới dòng nước, anh Nghĩa vội cởi chiếc áo khoác, nhảy bổ xuống sông cứu người.

Trong tích tắc, anh Nghĩa tiếp cận, kéo giữ được cô gái nhưng cả hai bị dòng nước cuốn đi qua khỏi cầu Bình Triệu 1. Dòng nước chảy rất mạnh, nhưng anh Nghĩa nhanh trí bám vào trụ chống va của cây cầu.

Nhiều người đi đường kêu gọi những chiếc canô, chiếc tàu đi ngang qua vớt hai người lên.

Khoảng 10 phút sau, một chiếc ca nô dừng lại, đưa hai người lên bờ. Lúc này cô gái đã ngất nên nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.

Sau khi được cấp cứu, cô gái đã qua cơn nguy kịch. Theo lời một người thân của cô gái, do buồn chuyện cá nhân nên cô quẫn trí tìm đến cái chết. Mặc dù vậy, sau khi được cứu sống, cô rất ân hận và rối rít cám ơn Nghĩa.

Anh Danh Nghĩa sinh năm 1989, quê ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Nghĩa cho biết lâu nay phụ gia đình làm việc ở quê, vừa rồi theo lời vài người bạn cùng đi lên Tân Uyên, Bình Dương xin việc làm.

“Tụi em mới lên Bình Dương hôm trước (ngày 12.5), hôm 13.5 đi vào quận 7, TP.HCM để lấy đồ, đi ngang cầu Bình Triệu 2 chứng kiến sự việc liền nhảy xuống sông cứu người. Quả thật, giờ nghĩ lại cũng có chút sợ vì không biết được dưới dòng nước có vật gì nguy hiểm. Nhưng lúc đó em thấy cứu người là quan trọng nên không nghĩ đến chuyện này”, Nghĩa nói.

Nghĩa hồn nhiên nói tiếp: “Lúc nhảy xuống sông, em quên móc cái bóp trong túi quần ra nên bị mất nhiều giấy tờ tùy thân và một ít tiền. Tới đây em phải về quê làm lại CMND mới trở lên xin việc làm”.

Nghĩa cho hay, cầu Bình Triệu có cao thật, nhưng ở Kiên Giang bạn hay đi biển nên việc nhảy xuống cứu người là bình thường. Có điều, với độ cao như vậy, phải có kinh nghiệm để khi tiếp nước không bị ép tim.

Nghĩa chia sẻ: “Nhiều người suy nghĩ bi quan tìm đến cái chết, như vậy là dại quá. Hãy nên nghĩ đến gia đình, người thân, bởi đâu phải chết là xong, mà còn để lại đau khổ cho người thân, gia đình”.
Dũng cảm nhảy cầu Bình Triệu cứu người D_ng_c_m_nh_y_c_u_B_nh-fbe98fb88ef44d79df2e48018ae89cb7
anh Danh Nghĩa