Phận gái làng chơi  1340164590_gai-ban-hoa-dAnh ta sống cuộc sống sung sướng nhờ việc "bán sức lao động" của người tình (Ảnh minh họa)

Phận gái làng chơi

Cô gái ấy nếm đủ mọi cay đắng của phận làng chơi nên cô hiểu lẽ đời hơn chúng tôi

Nhìn những cô gái làng chơi mà xem, luật pháp nghiêm cấm, đạo đức khinh bỉ, người đời coi thường, v.v… Nhưng chúng ta lại ít đặt câu hỏi: Từ đâu sinh ra những người làm nghề đó, tại sao lại tồn tại một thế giới có thể gọi là suy đồi đó? Nếu chúng ta có đủ kiên nhẫn để nhìn nhận một cách nghiêm túc về những cô gái này, sẽ nhìn thấy nhiều điều đáng suy ngẫm và giật mình vì rằng, trên đời này có những kẻ đáng khinh bỉ hơn. Không ai khác, chính là những gã đàn ông – những gã đàn ông suy đồi về tất cả…
Câu chuyện tôi sắp kể ra đây, không chỉ nói về những gã đàn ông thích của lạ, chuyện đó xem ra cũng bình thường. Tôi muốn kể về những gã đàn ông hèn đến mức sống nhờ vào sức “lao động” cay đắng của chị em bị gọi là gái làng chơi. Rồi đến một ngày gã còn đẩy người mình “bảo trợ” xuống vực bằng cách cuỗm hết tất cả “xương máu” của họ. Cũng trong lúc khốn khổ đó, ở thế giới làng chơi tưởng lạnh lùng và tăm tối kia lại xuất hiện nhiều điều mà chúng ta tưởng không bao giờ có. Ngay cả những gã đàn ông bình thường như tôi đôi lúc cũng cảm thấy phải xem lại chính mình.
Vào trung tuần tháng 6, có 4 cô gái đến Văn phòng thám tử HN, trụ sở tại Hà Nội. Họ yêu cầu các thám tử truy tìm một gã đàn ông mà họ cho là đểu nhất trần gian. Họ kể rằng, gã đó và cô H (một phụ nữ sống bằng nghề mát-xa) sống với nhau như vợ chồng đã được 6 năm. Hàng ngày, H vẫn đều đặn đi làm công việc mát-xa đầy “tế nhị” đó.
Với mức thu nhập khá cao từ công việc “bán sức lao động” của người tình, gã đàn ông nọ chẳng phải làm gì. Gã sống đàng hoàng với H và hàng ngày chỉ việc đi chơi. Thế rồi, đến cái đêm đầu tháng 6 vừa rồi, H đi làm về và ngã ngửa người khi biết ngôi nhà nhỏ, trị giá hơn 400 triệu đồng của mình bị gã chồng hờ bán mất. Mà gã bán lúc nào, H cũng không hề biết, chỉ khi tra chìa khóa vào ổ, không mở được cửa mới biết ngôi nhà hơn 10 năm tích cóp kia không phải của mình nữa.
Ban đầu, H không tin người đàn ông này có thể bội bạc đến vậy nên H đã tìm đến nhà cha mẹ đẻ của gã. Nhưng H chỉ nhận được sự xua đuổi của gia đình kia như một thứ dịch bệnh. Còn gã đểu giả ấy vẫn không xuất hiện, chỉ vỏn vẹn nhắn một dòng tin rằng: “Từ nay đừng tìm tôi nữa. Vĩnh biệt…”. Quá đau khổ, H đã định tìm đến cái chết! Khi kể chuyện này với tôi, H bảo: “Tiền bạc mất đi em không tiếc, em chỉ không hiểu tại sao người ta người ta có thể hành xử như thế! Bây giờ em muốn tìm bằng được người ta, không hy vọng đòi lại tiền, em chỉ muốn hỏi một câu rằng, tại sao lại đối xử tàn nhẫn với em như thế mà thôi!”.
Sòng phẳng mà nói, H không phải người lãng mạn, hoặc quá hiểu biết để thốt ra những lời có vẻ cao thượng đó. Nhưng cứ nhìn cách trò chuyện ráo hoảnh kia có lẽ H nói thật, mà không thật sao được khi cực chẳng đã mới kể ra chuyện này. Ừ thì cứ thử tin thế xem sao.
Phận gái làng chơi  1340164587-gai-ban-hoa-1
Những cô gái đó chưa bao giờ tồi tệ như chúng ta vẫn nghĩ (Ảnh minh họa)
H kể tiếp: “Thực ra hai người (H và gã đàn ông đó) không có hôn thú chính thức, chúng em chỉ sống với nhau thế thôi. Nhưng đã hơn 6 năm trời, chưa bao giờ người đàn ông đó biểu hiện một thái độ lừa đảo. Em cũng biết anh ta là người lười nhác, chỉ thích chơi bời và đã từng có một đời vợ. Thế nhưng, thân gái côi cút, lặn lội ở nơi náo nhiệt của phố phường, tiếp xúc với sự “đổi chác” của tiền bạc đôi khi thấy cô đơn, tủi nhục lắm các anh ạ! Cái em cần là một chút hơi ấm của người đàn ông”. Kể đến đây, H bắt đầu khóc, những giọt nước mắt ứa ra từ khóe mắt quá nhiều mỹ phẩm nên hình nó cứng đơ. Giọt nước mắt phải khó khăn lắm mới ứa ra được – có lẽ thế. Vì rằng, để khóc được, cô gái này hẳn phải đau lắm!
Đi theo H đến công ty thám tử còn hai cô bạn nữa. Chỉ cần nhìn qua ngoại hình cũng đủ biết họ làm nghề gì. Đương nhiên ai cũng cảm thấy dè chừng với họ, ngay cả khi tôi mới nghe câu chuyện cũng cảm thấy ngờ ngợ. Và tự hỏi, chẳng lẽ lại có những gã đàn ông tồi tệ đến thế?
Hay những cô gái này bịa đặt một câu chuyện ly kì để nhằm mục đích khác? Thế nhưng, một cô bạn của H rút từ trong túi ra một khoản tiền khá lớn, cô ấy đề nghị thẳng thừng: “… Tiền này bọn em quyên góp từ bạn bè, nếu chưa đủ sẽ vay tiếp, phải giúp nó (ý nói tới H) thôi anh ạ. Con hâm này đang muốn tự tử thật đấy…”. Rồi cô ta nhìn sang H với đôi mắt thông cảm và nói tiếp: “Mày đừng nghĩ quẩn, có chị em giúp kiểu gì cũng tìm được nó (ý nói tới gã đểu cáng nọ - PV), mà việc gì phải buồn với cái loại người ấy… nó…”. Lần này thì bộ dạng tỉnh bơ, tỏ ra cứng cỏi của cô ta cũng biến mất, thay vào đó là những giọt nước mắt. Và cái “dây chuyền” nước mắt ấy cũng đã bắt đầu tác động cả vào cô bạn kia – cả 3 cùng khóc! Phải, họ khóc! Có lẽ là những người trong cuộc, nếm đủ mọi cay đắng của phận làng chơi nên họ hiểu hơn chúng tôi.
Đến đây, mọi nghi hoặc của tôi và cậu bạn thám tử dần được cởi bỏ. Có lẽ câu chuyện là thật. Nếu không thật, họ chẳng kéo đến đây, ôm theo số tiền không nhỏ, để thuê tìm người. Mà nếu không thật, việc gì họ khóc hu hu ở một nơi xa lạ với họ như thế. Mà nếu có kinh nghiệm một chút sẽ thấy cái phản ứng dây chuyền nước mắt kia không phải là một vở diễn – họ đâu phải diễn viên? Họ là gái làng chơi cơ mà, khi đã dám kể tỉ mỉ về cái nghề (cứ cho rằng xấu xa đi) của mình để đưa ra một đề nghị, có lẽ không phải diễn thật rồi!
Khi đã nguôi nước mắt, một cô nhìn chúng tôi mếu máo: “Đến bây giờ cái con hâm này vẫn chưa tin mình bị lừa… Nó bảo anh ấy chắc gặp khó khăn gì nên mới thế… hâm lắm cơ…”. Cô ta nói có lý do, dù sao H cũng là phụ nữ, cô ta có nhiều kinh nghiệm cay đắng trong cuộc sống phù du của mình. Cái nghề đầy sương gió này có thể tạo ra một hình thức ráo hoảnh, tinh ranh nhưng sâu thẳm, họ vẫn là những người phụ nữ yếu đuối và nhu nhược. Họ cần một chỗ dựa về tinh thần, cần hơi ấm của đàn ông khi trở về với chính mình. Vì thế họ bị lợi dụng. Tôi tin đôi lúc, H lờ mờ nhận ra sự lợi dụng của người tình, nhưng tự đánh lừa mình để níu kéo niềm tin mong manh đó. Và cho đến tận bây giờ cái niềm tin ngốc nghếch kia có lẽ vẫn còn, thế nên H muốn tìm gã kia chỉ để hỏi: Tại sao lại đối xử với em như thế? Chỉ khi đứng trước mặt người đàn ông 6 năm chung sống để hỏi được một câu như vậy, H mới yên lòng chăng? Tôi tin chuyện này có thật và cái gã đểu giả kia cũng có thật.
Có ai đó đã từng nói: đàn ông đáng kinh tởm nhất vẫn là thằng chuyên dắt gái. Cái nghề dắt gái để kiếm lời, độc ác hơn bất cứ tội ác nào, vì hắn đã giết chết tâm hồn người khác. Nếu thế, những gã đểu giả đó cũng độc ác không kém. Hắn sống bằng sức “lao động” cay đắng của người tình trong nhiều năm và rồi hắn còn cuỗm cả tài sản của cô ta thì chẳng còn gì để so sánh. Những đồng tiền kia người phụ nữ phải trả bằng thể xác lẫn tâm hồn. Cô ta chỉ còn lại một chút lòng tin – chút lòng tin yếu đuối – chút ấm áp cuối cùng để đi qua những ngày đen tối – hắn cuỗm nốt! Tội nào có thể sánh bằng?! Đê hèn nào có thể sánh bằng?! Ăn cắp lòng tin thật sự đáng bị nguyền rủa!
Và trong lúc hoạn noạn này, sự xuất hiện của hai người bạn H đã làm thay đổi cái nhìn của chúng tôi. Thì ra trong cái giới tưởng chỉ còn lừa lọc kia, cũng có những góc khuất thật dịu dàng. Họ biết xích lại gần nhau, bênh vực nhau, yêu thương nhau như bất cứ người phụ nữ nào. Cứ nhìn sự quyết tâm của họ, sẽ thấy rõ sự đùm bọc yêu thương kia thật đáng suy ngẫm. Họ chưa bao giờ tồi tệ như chúng ta vẫn nghĩ.
Ba cô gái ra về, cậu bạn thám tử nhìn tôi rồi buột miệng: “Đàn ông nhiều thằng bẩn lắm! Tôi làm nghề này chứng kiến nhiều chuyện liên quan đến phụ nữ toàn đàn ông có lỗi…”. Bỗng chốc, tôi và anh bạn thám tử cùng nhìn nhau cười ngượng. Không ngượng làm sao được vì chúng tôi đều là đàn ông.
Viết đến đây tôi bỗng thấy hoảng sợ và cố tìm xem mình có những tật xấu nào, rất khó tìm ra tật xấu của chính mình. Đàn ông bao giờ cũng thế, rất khó chấp nhận rằng mình là người khiếm khuyết. Nhưng có lẽ tôi may mắn vì mỗi lần đi làm về, vợ tôi vẫn mỉm cười và nấu những món ăn tôi ưa thích. Có thể tôi đầy tật xấu, nhưng vợ tôi lớn hơn tôi nên tôi chẳng thèm chấp. Có lẽ thế!


theo 24h