Mình kể các bạn nghe chuyện cơ quan mình và bệnh xá của đoàn Ngô Quyền bị địch vây nhịn đói 45 ngày đêm.

45 ngày đêm bị dịch vây nhịn đói Rung0110
Chuyện xảy ra vào khoảng giũa năm 1966, lúc đó cơ quan đóng ở xã Cò Lúi thuộc huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên bây giờ. Địch càn lên căn cứ và mình bị vây giữa rừng già 45 ngày đêm.

Trước trận càn này chưa bao giờ chúng càn lên căn cứ của ta quá một tuần, rồi cũng phải rút ( vì ta đánh vào căn cứ của chúng) . Vì vậy số lương thực chuẩn bị của mỗi người chỉ một ruột nghé gạo 5kg (Ai cũng có một ruột nghé này để chống càn chứ không dám ăn). Không ngờ lần này chúng càn đến 45 ngày. Lúc này bị kẹt trong rừng già Phước Tân(xã Cò Lúi hiện nay) chỉ còn có mình với mấy cô chú trong Ban Kinh Tài Phú Yên, cùng với bệnh viện quân y của đoàn Ngô Quyền. Sau mấy ngày phát hiện tình hình không ổn nên còn lại một ít gạo và muối chỉ dành cho thương binh, còn tất cả mọi người phải ăn bất cứ thứ gì trong rừng có thể ăn được để sống. Mọi người đều sống dưới gộp đá (nói thêm về gôp đá: đó là những tản đá rất lớn chồng lên nhau nhiều lớp giữa chúng có những khe hở, ta chui sâu xuống gộp để trú. Lỡ bom có dội trên đầu cũng không sao, lỡ chúng có phát hiện và tấn công vào thì ít ra một mạng ta cũng đổi mười mạng giặc - lúc này phía ta ngoài súng ngắn và không kể khẩu cacbin của mình thì chỉ có 12 khẩu AK47 của các chú bảo vệ bệnh viện là lính chính qui - nhưng chừng đó với cái gộp đá cũng đủ để nói chuyện với chúng nếu chẳng may bị chúng phát hiện và tấn công vào, nhưng thật may là chúng không phát hiện).
" Nếu chỉ thiếu thức ăn thì thời gian bạn có thể chịu được phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe vốn có, thời tiết và ý chí của bạn. Rất nhiều những chiến sỹ cách mạng kiên cường của chúng ta đã từng tuyệt thực vài ngày cho tới vài tuần trong nhà lao của quân địch. Lịch sử cũng ghi nhận Gandhi đã từng nhịn ăn tới 21 ngày khi đã thất thập. Hầu hết các bác sỹ cho rằng, nếu vẫn được uống nước đầy đủ, chúng ta có thể tồn tại được … 8 tuần mà không cần ăn bất cứ thứ gì...."
Thức ăn lúc đó chỉ có đọt cau rừng là nhiều, ngoài ra còn có đọt cây mây song ( Cây cau rừng cũng giống cây cau nhà nhưng chỉ to bằng ngón chân cái, cây mây song hiện nay người ta dùng làm đồ Mỹ nghệ đó), lột lấy đọt non luộc ăn)

Sau khoảng 1 tháng thì bắt đầu xuất hiện bệnh phù thũng

do thiếu muối, phụ nữ phù trước rồi mọi người đều bị phù. Khi địch rút rồi , trở ra có đủ sắn, muối thì vài hôm là hết phù.

Trong 45 ngày đêm này còn có vài chuyện :
- Chuyện thứ nhất: Sau khi trú ở đây khoảng 10 ngày, thấy tình hình dễ bị vây nên di chuyển đi nơi khác. Đi đầu là tiểu

đội bảo vệ, mình đi sau rồi đến các cô chú khác Mới lên gần đến đỉnh một quả núi thì phát hiện địch đang ngồi nghỉ trên đó rồi. Ta phát hiện chúng thì đồng thời chúng cũng phát hiện ra ta ngay. Vậy là mạnh ai nấy chạy, không một tiếng súng nào nổ ra. Thật hú vía, ta chạy thì đúng rồi vì thế của ta lúc đó phải vậy, nhưng chúng cũng nhác như thỏ đế, nếu không thì ... chắc gì mình còn ngồi đây kể chuyện chiến tranh. Vậy là đành trở lại gộp đá sống tiếp cho đến khi chúng rút.

- Chuyện thứ hai: khi chúng rút rồi, mọi người trở ra, không ngờ đi từ sáng đến trưa thì đến đúng cái gộp đá nơi xuất phát. Nghĩa là đi vòng quanh quả núi, do không thấy mặt trời nên mất phương hướng. Vậy là tiếp tục nhịn đói, cho đến hôm sau mới ra được khỏi rừng.

- Chuyện thứ 3: Suốt 45 ngày nhịn đói nhưng không ai bị sao, kể cả thương binh. Duy nhất có một chú. Mình còn nhớ chú ấy tên Úy, là đại đội trưởng một đơn vị , chiến đấu bị thương được đưa về điều trị. Trên đường về các chú bảo vệ nói khiêng chú ấy đi nhưng chú ấy không chịu, Chú nói : các đồng chí khiêng những anh em khác nặng hơn, tôi tự đi được. Vậy là chú ấy chống gậy đi. Về gần đến nơi thì chú ấy vấp ngã và hy sinh.

Mình kể những chuyện này với hy vọng rằng lớp con cháu mai sau sẽ hình dung được phần nào cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh nhưng cũng rất hào hùng của cha ông chúng ta ngày trước, để thấy giá trị mà cha ông chúng ta đã trả cho ngày chiến thắng.

*
* *


Mình đã từng kể chuyện này và có người hỏi:
- Chuyện ăn là vậy còn nước uống thì sao? Bạn không phải tự uống của mình như những chuyện ở chiến trường k-c mà mình đã nghe chứ?
Mình tình thiệt nên trả lời ngay:
- Chuyện nước uống không như bạn nghĩ đâu, nhưng cũng thật đặc biệt. Nước không thiếu nhưng phải bấm đèn pin xuống tận đáy gộp lấy mang lên gần miệng gộp nấu.

Ui, giờ mình mới nghĩ ra đây là câu hỏi kiểm tra, vì cũng thật khó tin chuyện mình kể là sự thật. Thảo nào mà bác Cao Xuân Thiêm trong bài "Hậu cần Nhân dân" đăng trên báo Phú Yên online có viết "Chuyện kể hôm nay, các thế hệ mai sau có tin là sự thật? Hay do mấy “lão già khịa ra” để rồi trở thành huyền thoại."

Có người còn muốn biết thêm về bộ đội đoàn Ngô Quyền ngày ấy, nhưng mình có biết gì đâu mà kể.
Khi đó mình chí là một chú bé liên lạc mà thôi. Chỉ là bệnh xá của của Ngô Quyền đóng ngay cạnh cơ quan mình và trong trận đó cùng bị vậy chung, cùng nhịn đói chung với nhau. Mình không biết bộ đội Ngô Quyền đánh địch ra sao nhưng các chú bảo vệ bênh xá thì thì cũng có một trận đánh thật ngoạn mục ngay bên cạnh mình, giũa vùng căn cứ.

Chuyện kể: Sau 45 ngày đêm đó mọi người trở ra và mọi hoạt động lại diễn ra bình thường, Mình tham gia sản xuất cùng các cô các chú ở bên cạnh sông cò Lúi. Nhưng có nhiều tin tức do đồng bào dân tộc tại buôn Ma Tro báo là họ đi rừng lên phía Hòn Lở thường gặp địch, khi thấy đồng bào thì chúng bỏ chạy lên đỉnh Hòn Lở. Có lần chúng còn chặc cả chuối cây, thấy đồng bào chúng bỏ chạy. Mọi người cũng bán tín bán nghi...

Sau 45 ngày đêm đó khoảng chứng một tháng, mình cùng các cô các chú trong cơ quan đang thu hoạch đậu phụng ngay dưới chân Hòn Lở thì trên sườn núi bỗng có 4 -5 phát súng liên tiếp. Với phản xạ tự nhiên mọi người bỏ sản xuất vội vàng xốc ba lô lên vai sẵn sàng chạy. Sau những phát súng lẻ tẻ thì im lặng được một lúc bỗng nổi lên hàng tràng tiểu liên dòn giã. Mọi người vùng chạy men sông Cò Lúi về hường Buôn Gộp. Phía sau lưng rộ lên không chỉ có tiểu liên mà đủ các loại , có cả tiếng đại liên, cối. Đồng thời trực thăng đến đổ quân . Vậy là một trận cà tiếp theo.

Tạm ngưng chuyện mình chạy để nói về các chú Ngô Quyền.
Khoảng một tuần sau địch rút, về gặp lại các chú Ngô Quyền nghe các chú kể: Vì những tin tức do đồng bào báo nên các chú nghi có địch cài lại trên đỉnh Hỏn Lở sau trận càn 45 ngày đó. Các chú đoán chúng cài lại dưới dạng biệt kích nên chừng một trung đội là cùng.

Vậy là các chú có 7 người với 7 khẩu AK47 chia làm 3 mũi mò lên Hòn Lở, nếu địch khoảng chừng một trung đội như dự đoán thì các chú đánh luôn. Khi lên đến lưng chừng núi thì 2 mũi gặp ngay 4 thằng gát (mỗi nơi 2 tên). Các chú lượm luôn 4 tên này (đó chính là những phát sùng lẻ tẻ mình nghe đầu tiên). Phía địch vẫn im hơi lặng tiếng , không một tiếng súng đáp trả nào. Các chú tiếp tục mò lên đỉnh núi. Không ngờ lên đến nơi thấy địch quá đông. Các chú nhất loạt xả tiểu liên vào đội hình chúng rồi nhanh chóng rút về điểm tập kết đã định. Địch có lé đang chờ thông tin từ bọn gát nên chưa có phản ứng thì bị đánh bất ngờ. Khi chúng định thần lại và đáp trả với đủ các loại hỏa lực mà chúng có thì các chú đã rút, tuyệt đối an toàn, không một ai bị thương. Dựa vào hỏa lực của chúng các chú đoán chúng có khoản một tiểu đoàn cài lại trên đỉnh Hòn Lở Sau trận càn 45 ngày đó

Phía địch do bị lộ nên chúng lập tức kêu tiếp viện và một trận càn mới diễn ra

Chuyện chỉ có vậy, nhưng mình muốn nói thêm nếu không có các chú Ngô Quyền phá rối chúng trận đó thì thật là nguy hiểm cho cán bộ các cơ quan ở dưới chân Hòn Lở, ven sông Cò Lúi. Ở Trên đỉnh Hòn Lở chúng nhìn thấy hết mọi hoat động của ta và chỉ chờ dịp đánh úp băt trọn. Ở đây cũng cần nói đến tinh thần cảnh giác của bà con dân tộc, nhất là đồng bào ở buôn Ma Tro ở ngay trên sườn Hòn Lở.