Những thành viên của Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt năm xưa nay người còn, người mất, nhưng câu chuyện về lòng dũng cảm, sự thông minh, gan dạ và chiến công của các chiến sỹ quân báo vẫn luôn là tấm gương cho các thế hệ sau học tập.
Người chiến sỹ già xúc động nghẹn ngào hồi tưởng lại quá khứ oanh liệt của hơn 60 năm trước. Phía dưới hội trường, những cán bộ, chiến sỹ Công an thế hệ sau như được sống trong ý chí kiên cường của lớp người đi trước.

Những thành viên của Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt năm xưa nay người còn, người mất, nhưng câu chuyện về lòng dũng cảm, sự thông minh, gan dạ và chiến công của các chiến sỹ quân báo vẫn luôn là tấm gương cho các thế hệ sau học tập.

Vẹn nguyên tinh thần mưu trí, dũng cảm

Cái tên: “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” đã ngấm vào tâm hồn nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Đó cũng chính là tên của cuốn sách nổi tiếng mà tác giả chính là một nguyên mẫu của nhân vật Thân “bột” - đứa con nuôi tên sỹ quan Lămpe trong cuốn truyện.

May mắn tôi được sinh ra khi đất nước vừa hòa bình, nhưng tôi đã biết đến sự hy sinh, đổ máu và tinh thần dũng cảm, kiên cường của thế hệ đi trước vì nền độc lập, tự do qua lời kể và những cuốn sách như thế. Cuốn sách “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” đã theo tôi và nhiều người khác suốt tuổi thơ với ấn tượng về sự mưu trí của những thiếu niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết cách mạng.

Ngày 18/2/2013, hơn 60 năm sau ngày thành lập Đội thiếu niên Bát Sắt, 10 thiếu niên quân báo năm xưa gặp lại nhau trong buổi lễ trang trọng đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại trụ sở Công an TP Hà Nội. Có người bước chân không còn vững chắc ở tuổi ngoài 80, nhưng tinh thần sắt son theo Đảng vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Câu chuyện lịch sử của các thiếu niên Bát Sắt tái hiện trong không gian ấy.

Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I, Hà Nội bị giặc Pháp tạm chiếm. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Nha Công an Việt Nam: “Phải nhanh chóng đưa lực lượng kháng chiến vào hoạt động trong lòng địch”. Đội thiếu niên Bát Sắt được thành lập và hoạt động từ cuối năm 1946 - 1948 với các tên gọi khác nhau: Tổ giao thông, Đội quân báo thiếu niên, Trạm Giao thông và Trung đội thiếu niên Bát Sắt, gồm các chú bé liên lạc trinh sát của các đơn vị chiến đấu đường phố mặt trận Nam Hà Nội. Đội từ 20-30 em, tuổi đời từ 12-16 tuổi.

Bắt đầu từ tổ mở đường bí mật trở về Hà Nội, các em đội viên lần lượt được tung vào thành phố địch tạm chiếm hoạt động đúng với chủ trương của Hồ Chủ tịch, giúp Trung ương Đảng và Chính phủ nắm được tình hình đế quốc Pháp từ đầu não của địch tại Hà Nội.

Công việc của các đội viên là điều tra tin tức và tình hình địch, gây dựng cơ sở bí mật trong các gia đình công nhân, dân nghèo, trí thức, học sinh, tổ chức việc đưa đón quân đội và cán bộ ra vào nội thành, tham gia tiễu trừ Việt gian phản động cùng nhiều hành động táo bạo khác. Trong khoảng gần hai năm hoạt động, Đội đã lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc trong công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng Thủ đô.

Để thực hiện nhiệm vụ, các thành viên trong Đội phải tìm mọi cách để sống hợp pháp trong nội thành như làm bồi bàn, làm con nuôi, bán lạc rang, thuốc lá, đánh giầy, bán báo…

Họ đã lập chiến công từ những hành động mưu trí, dũng cảm làm giao thông liên lạc đưa thư tín, mệnh lệnh của cấp trên đến các đơn vị, cá nhân trong nội thành, đưa dẫn cán bộ từ ngoài vào trong vùng địch tạm chiếm và từ trong ra ngoài an toàn. Điển hình là việc chuyển thư của Bác Hồ, của đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo đến với một số trí thức, nhân sỹ đang làm việc trong chính quyền của Pháp, nắm tình hình chỉ huy cao cấp của Pháp, tuyên truyền, vận động họ đi theo cách mạng, giao cho họ nắm tình hình bọn chỉ huy cao cấp của Pháp và chống lại âm mưu của Pháp lập Chính phủ bù nhìn để chia rẽ khối đoàn kết của ta.

Tâm sự của người chiến sỹ quân báo năm xưa

Nhà văn Phạm Thắng, tác giả cuốn sách “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” chính là nguyên mẫu của nhân vật Thân “bột”. Ông nghẹn ngào khi nhắc lại những kỷ niệm một thời trong niềm xúc động khôn tả. Hơn 60 năm trước, khi từ vùng địch tạm chiếm trở về căn cứ, những chiến sỹ quân báo ở tuổi thiếu niên gặp lại người phụ trách, reo lên: “Thưa các anh, các chị, chúng em đã trở về”.

Ngày hôm nay, trước đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo thành phố, Công an Hà Nội và thế hệ trẻ Công an kế tục, ông xin phép được nhắc lại câu đó, như được trở về với gia đình thân yêu của mình là Công an TP Hà Nội. Ông tâm sự: “Lúc tiễn đưa tổ mở đường vào một đêm mưa rét tại ngôi làng Huỳnh Cung (nay là thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), đồng chí Quận trưởng Công an quận 6 Lê Quang Hòa nói: “Nhiệm vụ trao các em thực hiện đêm nay sẽ đi vào lịch sử”. Lời nói ấy nay đã trở thành hiện thực”.

Tiếp lửa truyền thống cho các thế hệ Công an 3_dai2764-450
Đại tá Trần Vân và nhà văn Phạm Thắng – đội viên Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt ôn lại kỷ niệm xưa.


Những thiếu niên quân báo năm xưa, có 5 cặp là anh em ruột, điển hình như 3 anh em ruột ông Nguyễn Xuân Sinh (tức Võ Thương - Đội trưởng), Nguyễn Xuân Trường (Lê Tám), Nguyễn Xuân Thọ (Tấn). Trong lễ đón nhận danh hiệu anh hùng còn có một nhân vật đặc biệt là ông Hoàng Xuân Lộc. Nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, ít ai biết rằng, khi mới là một em bé 10 tuổi, ông Lộc đã được bố mẹ (ông bà Hoàng Xuân Đài, chủ hiệu Quốc Việt) cử ra đầu phố canh gác khi lực lượng ta vào hoạt động.

Tổ mở đường bí mật vào nội thành Hà Nội tạm chiếm lúc đó do thiếu niên quân báo Hoàng Văn Quyến làm tổ trưởng. Đó chính là Đại tá Trần Vân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Đại tá Trần Vân bày tỏ sự xúc động khi những đóng góp của Đội thiếu niên Bát Sắt năm xưa được trân trọng và ghi nhận. Còn nhà văn Phạm Thắng thì gửi thông điệp tới lực lượng Công an từ kinh nghiệm trong thời gian tham gia cách mạng của mình: “Nếu không có tai mắt của nhân dân, sự hy sinh giúp đỡ của nhân dân thì lực lượng Công an không hoàn thành được nhiệm vụ. Vì vậy hãy hướng về nhân dân”.

Tại buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt, thuộc Công an quận 6, Công an TP Hà Nội, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã bày tỏ sự xúc động khi gặp những chiến sỹ quân báo năm xưa: “Tôi rất cảm kích và trân trọng những cống hiến to lớn của Đội Quân báo thiếu niên như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Ngay từ lúc tuổi nhỏ mà lại có hoài bão và chí khí lớn” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân Thủ đô. Thời gian trôi qua, nhưng gương sáng của các trinh sát Đội Quân báo thiếu niên Bát Sắt năm xưa luôn sống mãi trong tâm khảm các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô. Lực lượng CAND luôn trân trọng và biết ơn về những hy sinh và cống hiến lớn lao của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an tiền bối nói chung, Đội Quân báo thiếu niên Bát Sắt nói riêng. Sự hy sinh anh dũng và công lao to lớn của các bác, các anh chị mãi mãi là niềm tự hào, tài sản, tinh thần vô giá của lực lượng CAND…”

CAND online