QĐND Online – Ngày 19-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQPAN) với 450 đại biểu tán thành (đạt 90,36%). Luật GDQPAN gồm 8 chương, 47 điều quy định cụ thể, rõ ràng nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về GDQPAN...
Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động GDQPAN
Mục tiêu của GDQPAN là giáo dục cho công dân về kiến thức QPAN để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với mục tiêu này, Luật quy định rõ, công dân có quyền và trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nắm vững kiến thức QPAN. Người tham GDQPAN được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh: Công dân có quyền và trách nhiệm học tập để nắm vững kiến thức QPAN 6086784120130619165720187
Học viên lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh đối tượng 2 thăm quan tại Trung đoàn Bộ binh 692, Sư đoàn Bộ binh 301.
Để thực hiện GDQPAN hiệu quả, Luật quy định, Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động GDQPAN, có chính sách ưu tiên đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp trí tuệ, công sức, tiền, tài sản cho GDQPAN. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong GDQPAN được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
GDQPAN được tiến hành theo 6 nguyên tắc: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; GDQPAN là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kết hợp GDQPAN với giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật và gắn với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; giáo dục toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm bằng các hình thức phù hợp; kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành; chương trình, nội dung GDQPAN phải phù hợp từng đối tượng, đáp ứng kịp thời tình hình thực tế; bảo đảm bí mật nhà nước, tính kế hoạch, kế thừa, phát triển, khoa học, hiện đại, dễ hiểu, thiết thực và hiệu quả.
Đã lồng ghép nội dung GDQPAN trong các môn học từ nhiều năm qua
Theo Luật GDQPAN được thông qua, Điều 10 có quy định GDQPAN trong trường tiểu học và THCS. Đây là vấn đề trước khi thông qua còn một số ý kiến chưa thống nhất. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 10 để tránh quá tải đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Giải thích về việc có quy định này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Theo quy định tại khoản 1, Điều 10, việc lồng ghép nội dung GDQPAN trong trường tiểu học, THCS được thực hiện ngay từ khâu biên soạn sách giáo khoa các môn học trong chương trình, không có sách giáo khoa riêng. Hơn nữa, việc lồng ghép nội dung GDQPAN trong các môn học đã được thực hiện trên thực tế nhiều năm qua và không có gì vướng mắc. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội. 
Có ý kiến đề nghị tách Điều 10 thành hai khoản, bổ sung vai trò của Đội Thiếu niên tiền phong và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về GDQPAN trong trường tiểu học và trung học cơ sở (tương tự như vậy, bổ sung vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội sinh viên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở Điều 12 và Điều 13). Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tách nội dung Điều 10 thành hai khoản và bổ sung vai trò của Đoàn, Đội tại khoản 3, Điều 36, Chương VII dự thảo Luật trình Quốc hội. 
Có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của trường quân sự địa phương vào Điều 11, Điều 12 và Điều 13 theo hướng: “Trong năm học các cơ sở giáo dục phối hợp với trường quân sự địa phương tổ chức cho người học nghiên cứu học tập ngoại khóa với nội dung và hình thức thích hợp”. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động ngoại khóa về GDQPAN cho học sinh, sinh viên không chỉ thực hiện ở trường quân sự địa phương, mà còn có thể thực hiện ở nhiều cơ sở khác như các cơ sở văn hóa, nghệ thuật, đơn vị quân đội... Vì vậy, tại khoản 3 các Điều 11, Điều 12 và Điều 13 đã có quy định chung “Nhà trường phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan” là phù hợp.
Trước việc còn có ý kiến khác nhau, Quốc hội đã biểu quyết  thông qua Điều 10 trước khi thông qua toàn văn dự thảo luật. Điều 10 đã được thông qua với 402 đại biểu tán thành (đạt 80,72%).
Xác định rõ cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư
Căn cứ vào sự cần thiết của việc bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo (trên thực tế đã thực hiện ở nhiều địa phương đạt kết quả tốt), đồng thời nhằm huy động được những người có vai trò và ảnh hưởng tích cực khác trong cộng đồng dân cư tham gia vào phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân, Điều 16 được xây dựng theo hướng xác định rõ cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Theo đó, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thuộc diện bồi dưỡng kiến thức QPAN là chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức QPAN cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Căn cứ chương trình khung của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và nhiệm vụ QPAN của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức QPAN phù hợp với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Đồng thời luật cũng quy định rõ, đối với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, khi bồi dưỡng kiến thức QPAN xa nơi cư trú được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi và về, hỗ trợ tiền ăn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Người hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được cấp giấy chứng nhận.
Luật GDQPAN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014.