QĐND - Nhiều du khách tới tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh đã lặng đi khi đứng trước tấm ảnh đang được trưng bày trong khu “chuồng cọp”. Một thiếu niên thân thể đầy vết thương, bất tỉnh, hai tay bị còng, miệng há hốc và bị găng bởi một đoạn sắt ngắn. Ám ảnh trước sự man rợ đến tột cùng của chế độ Mỹ-ngụy, du khách càng cảm nhận rõ lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, bất khuất của nhân vật trong bức ảnh lịch sử-một chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn trẻ tuổi. 
Dũng sĩ diệt ác ôn
Một ngày cuối tháng 5-2013, trong căn nhà nhỏ trên đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), ông Lê Thanh Cảnh đã ôn lại cho chúng tôi nghe quãng thời gian tham gia cách mạng của mình. Sinh năm 1954 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), lúc nhỏ, cậu bé Cảnh từng chứng kiến cha mình bị giặc bắn chết. Năm 1964, do chiến tranh ở quê ngày càng ác liệt nên người mẹ đã bồng bế mấy chị em ông vào Sài Gòn sinh sống. Lúc này dù mới 10 tuổi, nhưng Lê Thanh Cảnh đã phải đi làm công nhân cho một xưởng dệt để nuôi gia đình. Năm 1966, Lê Thanh Cảnh được cách mạng giác ngộ, trở thành đội viên Đội K41, Liên quận 4, Biệt động thành Sài Gòn với bí danh Lê Cảnh. Dù còn rất trẻ nhưng với sự dũng cảm và trí thông minh, nhanh nhẹn, Lê Cảnh đã có nhiều trận đánh táo bạo như: Phá cuộc bầu cử của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; đốt cơ quan ấp 3 xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp; đánh vào Chi cảnh sát Gò Vấp. Tuy nhiên, thành tích ấn tượng nhất là việc tiêu diệt những tên ác ôn. Chỉ trong 3 năm (1966-1969), Lê Cảnh đã tiêu diệt được 5 tên ác ôn, trong đó có tên Nguyễn Hoàng Phước, Cảnh sát trưởng bót Hàng Keo, Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn.
Ông Cảnh nhớ lại: Nguyễn Hoàng Phước là tên ác ôn khét tiếng, với phương châm “không có đánh cho có, có đánh cho chừa”, mỗi khi bắt được các chiến sĩ cách mạng hoặc người hắn nghi là “Việt Cộng”. Vì thế, tên Phước thường dùng những đòn tra tấn rất man rợ như: Quấn giẻ lên mười ngón tay rồi đốt, bắt uống nước xà phòng, gí bóng đèn điện đang cháy vào người… Hành vi tội ác của hắn đã bị tổ chức của ta nhiều lần gửi thư cảnh cáo nhưng hắn vẫn phớt lờ, vì vậy Đội K41 quyết định trừ khử tên Phước và nhiệm vụ được trao cho đội viên Lê Cảnh.
Nhà tên Phước trên đường Lê Lợi, phường 4, Gò Vấp. Vợ Phước bán tạp hóa, hắn có 2 cô con gái khá xinh. Trong vai một công tử chơi bời và háo sắc, hằng ngày Lê Cảnh chạy xe Honda lượn lờ trước cửa nhà Phước để điều nghiên, nếu có ai nghi ngờ chặn hỏi thì anh nói thấy con gái đẹp muốn làm quen. Một hôm, phát hiện tên Phước về nhà, trong vai người mua hàng, Cảnh bước vào hỏi: “Có anh Phước ở nhà không?”, một người đàn ông đứng dậy: “Tôi, Phước đây”. Phát hiện chính xác mục tiêu, anh rút súng bắn ngay. Tên Phước ngã lăn nhưng chưa chết hẳn, Lê Cảnh chạy ra đường nhìn vào, định quay lại bồi thêm một phát nữa nhưng lúc này vợ và mấy đứa con của hắn la hét, sợ bị lộ nên anh quyết định rút lui. Tuy nhiên, sau đó tên Phước đã chết trên đường đưa vào bệnh viện.
Gặp người trong bức ảnh lịch sử 294523492013060616131978
Ông Lê Thanh Cảnh bên tấm ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh.
Chiến công mừng sinh nhật Bác
Về lai lịch bức ảnh, ông Cảnh kể. “Sau Mậu Thân 1968, tình hình tại Sài Gòn rất căng thẳng. Địch ra sức thanh lọc “Việt cộng” bằng các cuộc bố ráp. Vì vậy, chủ trương của trên là tạm ngưng mọi hoạt động nhưng lúc đó tôi là đảng viên trẻ vừa kết nạp được 2 tháng, lại mới phát triển được 2 đội viên võ trang, nên vẫn xin cấp trên cho đánh vào Chi cảnh sát Gò Vấp để lập công mừng sinh nhật Bác”.
Sáng 18-5-1969, 3 chiến sĩ gồm đội trưởng Lê Cảnh cùng 2 đội viên là Phạm Minh Thắng và Nguyễn Văn Tư áp sát trụ sở Chi Cảnh sát Gò Vấp. Khi bọn cảnh sát tập trung ngoài sân chuẩn bị đi làm nhiệm vụ, Cảnh ra hiệu cho Chiến và Tư dùng lựu đạn ném vào sân; lựu đạn nổ tung, một tên chết, hai tên bị thương. Địch phát hiện, tổ chức vây bắt, Cảnh dùng súng bắn cản để Chiến và Tư rút lui an toàn, còn anh khi chạy tới trước bót quân cảnh đường Phan Thanh Giản (nay là Nguyễn Thái Sơn) rất không may bị 1 tốp cảnh sát đi tuần giữ lại, trong khi phía sau là bọn quân cảnh đang ập tới. Biết không thể thoát, Cảnh bắn viên đạn cuối cùng, tiêu diệt 1 tên. Địch trói tay anh, vừa đánh vừa kéo lê trên đường, đầu anh bị vỡ, máu chảy ướt đẫm lưng, áo quần rách tả tơi, miệng đầy cát. Thấy anh lè lưỡi lùa bớt đất cát ra khỏi miệng, địch tưởng anh cắn lưỡi tự tử nên dùng một cây sắt ngắn đưa vào giữa hai hàm răng.
 Lê Cảnh bị địch kết án tù khổ sai và giam giữ qua các nhà tù Côn Đảo, Chí Hòa, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt và Nhà lao Quảng Ngãi cho đến khi anh được cách mạng giải thoát ngày 23-3-1975. Sau ngày miền Nam giải phóng, một số cán bộ cách mạng khi vào tiếp quản Chi Cảnh sát Gò Vấp phát hiện ra bức ảnh được lưu trữ trong tập hồ sơ về “Việt Cộng nguy hiểm Lê Cảnh”. Bức ảnh sau đó được Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh sử dụng và trưng bày để tố cáo sự man rợ của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đối với đồng bào, chiến sĩ cách mạng miền Nam.