Làm trinh sát đã vất vả, trinh sát nữ còn gian khổ trăm bề, bởi họ còn phải mang thiên chức của người vợ, người mẹ. Tôi đã rất xúc động khi đọc được những dòng tâm sự của một nữ trinh sát của Phòng 3 Cục C47: “Mẹ lên đường đi làm đã 2, 3 ngày nay chưa về, trời rét ai lo cho con cơm nước, học hành... rồi nhớ đến những hôm con ốm nằm viện, nhận lệnh lên đường mà lòng thấy bất an, lo lắng…
Trong cuộc chiến đấu chống tội phạm ma túy, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đều xác định và chấp nhận hy sinh. Bởi họ luôn hiểu rằng, không phải con đường nào đến chiến thắng cũng rải bằng hoa hồng. Nhất là con đường quét sạch tội phạm ma túy đầy gian khổ và thử thách. Trong các cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy, sự hy sinh xương máu của các cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy luôn thường trực. Nhưng bên cạnh đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là các trinh sát của lực lượng đã phải chấp nhận khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh rất nhiều, về thời gian, gia đình, hạnh phúc riêng tư

>>CSĐT tội phạm về ma túy - Hy sinh cho sự sống hồi sinh
>> Máu xương đã đổ giữa thời bình…

Thời gian - luôn là tài sản quý giá của mỗi người. Nhưng với các cán bộ, chiến sỹ của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy, họ đã tự nguyện đem tài sản quý ấy để phục vụ cho các chuyên án. Ai cũng có ham muốn hưởng thụ, ai cũng có một gia đình để lo lắng, nhưng họ đã phải gác lại tất cả những nỗi niềm ấy vào một bên, bởi khi đứng trong hàng ngũ của lực lượng này, họ hiểu rằng, không chỉ là làm công tác chuyên môn, mà họ đang phải chiến đấu bởi một mục đích cao cả hơn, đó là loại trừ cái ác đang hủy hoại xã hội, hủy loại lớp trẻ.

Đánh án ma túy đa phần phải lên các vùng biên giới, từ biên giới Tây Bắc đến biên giới Tây Nam, khu vực miền Trung. Mỗi lần đi tuyến là một quãng thời gian rất dài, thậm chí hằng tháng của các trinh sát. Họ phải vào các bản làng, bám các đối tượng để phát hiện và bắt giữ các “ông trùm” ma túy. Sóng điện thoại nhiều khi không có, mọi âu lo, sự kiện xảy ra của gia đình đành dồn lên vai của người vợ.

Đại tá Nguyễn Trọng Điềm, Cục phó Cục C47, trong một chuyến công tác lên vùng biên giới Sơn La, điện thoại không bắt sóng nên đã không thể nhận được hung tin mẹ mất. Khi anh trở về nhà, mẹ anh đã ra đi, nước mắt người trinh sát ma túy chảy tràn nỗi đau khóc mẹ, nỗi xót xa khi không được gặp mẹ lần cuối.

Thượng tá Nguyễn Đức Thính, Phó trưởng Phòng 2, kể rằng, có lần anh phải nằm trinh sát cả tuần trong một bản vùng sâu của Sơn La không có sóng điện thoại, tự nhiên thấy nóng ruột quá nhưng vẫn phải đợi xong việc mới chạy ù được xuống thị trấn gọi điện thoại về nhà. Trả lời anh trong điện thoại là những giọt nước mắt tức tưởi của vợ anh, vì đứa con trai nhỏ đang phải nằm viện.

Anh rất thương vợ, bởi 2 vợ chồng sinh ra 3 đứa con đều bị bệnh bất đồng nhóm máu, đứa đầu tiên không phát hiện bệnh nên cháu đã mất sớm. Chính vì thế, mỗi khi 2 cháu còn lại bị ốm đau gì là vợ anh lo lắm, chị cứ cuống lên khi đưa con đến viện. Trong khi đó, chẳng lần nào anh có mặt bên vợ những tình huống ấy…

Điểm tựa hậu phương và sự hy sinh lặng thầm 5_bat2891-450
Bắt giữ đối tượng phạm tội ma túy.

Thượng tá Nguyễn Đức Thính, dù là lãnh đạo, lúc nào cũng vẫn tất bật, ngược xuôi với các chuyên án lớn. Anh chính là người thường xuyên xâm nhập vào các đường dây ma túy lớn, ở tuyến đầu, đối mặt với các đối tượng mua bán ma túy, tạo điều kiện cho đồng đội bắt giữ đối tượng. Trong một số chuyên án, khi kế hoạch thay đổi, anh phải tay không bắt giữ các đối tượng mua bán ma túy với súng đạn đầy người giữa những nơi hoang vu và rừng rậm. Không dưới 4 lần anh Thính bị thương tích, chảy máu, nhưng anh chưa bao giờ rút khỏi vị trí tuyến đầu này.

“Xâm nhập, tiếp xúc vào các đường dây ma túy, người trinh sát phải dùng lý trí và bản lĩnh để hành động”, anh Thính đã kể cho chúng tôi nghe chuyện anh phải ở mấy ngày đêm bên cạnh đối tượng nữ trong đường dây ma túy cực kỳ xinh đẹp. Anh cũng là đàn ông, anh cũng biết yêu thích cái đẹp, nhưng anh luôn xác định đó là đối tượng ma túy, là chiến tuyến ngược lại với anh để vững vàng trước mọi cám dỗ về thể xác của đối tượng.

Rồi sự cám dỗ về tiền bạc. Lính ma túy vốn nghèo, tội phạm ma túy thì lại rất giàu, chúng có thể bỏ ra nhiều tiền để mua chuộc các trinh sát hòng thoát tội. Có vụ, chúng hứa xây cho cán bộ trinh sát, điều tra viên mỗi người một ngôi nhà cao tầng, có vụ chúng dúi vào tay trinh sát hàng sấp đô la…

Cũng có những vụ có thể không ai biết được về cuộc “thương thảo” này, nhưng lính ma túy luôn tự hào rằng, họ đã chiến thắng được chính mình, “đói cho sạch”, kiên quyết không nhận hối lộ. Để sau 16 năm, trong báo cáo thành tích của Cục C47 tự hào viết rằng: “Không có cán bộ, chiến sỹ nào bị kỷ luật vì nhận hối lộ…”.

Nhiệm vụ của các trinh sát ma túy là luôn phải hóa thân để xâm nhập vào các đường dây, tụ điểm ma túy. Lúc mặc quân phục trông họ nghiêm trang, nhưng khi hóa thân vào vũ trường, tụ điểm lắc, trông ai cũng “ngầu” cả với những quần áo “hàng hiệu” cố trích lương ra sắm chỉ nhằm mục đích mặc khi trinh sát. Khổ nhất cho họ là trong quá trình tác nghiệp gặp người quen, người thân, không thể nào thanh minh được.

Thượng tá Nguyễn Thị Minh Lý kể rằng, đang trong lúc đèo một nữ trinh sát hóa trang dân chơi (váy ngắn, phấn son đậm đà) đến vũ trường nắm tình hình, tự nhiên, chị thấy cô gái nhảy phắt xuống, kéo xe dừng lại, ngoảnh mặt về phía hè đường. Hỏi ra, chị mới biết cô vừa thấy người yêu chạy xe lướt qua: “Nếu anh ấy mà thấy cháu trong hình hài này thì anh ấy bỏ cháu mất”.

Trong một lần đi trinh sát vũ trường New Century, một trinh sát nam cũng gặp cảnh dở khóc, dở cười khi anh đang tay trong tay với một trinh sát nữ đóng đôi tình nhân vào vũ trường thì gặp vợ sắp cưới. Cô gái này chạy theo đến tận cửa vũ trường, khóc hu hu. Nhưng anh trinh sát không thể giải thích được tại chỗ, đành làm nốt nhiệm vụ rồi sau đó mới trở về chịu lỗi với người yêu.

Các trinh sát của Phòng 3, C47, chuyên phải đóng vai dân nghiện xâm nhập vào các tụ điểm nên không dưới một lần bị lực lượng Công an sở tại, nơi có tụ điểm các anh đang trinh sát, tuần tra, truy quét, đưa về trụ sở Công an cùng các con nghiện khác. Vì lý do bí mật của chuyên án nên nhiều khi các trinh sát không mang bất cứ giấy tờ gì trong người, cũng không thể trình bày mình đang làm nhiệm vụ, chỉ có cách gọi điện cầu cứu chỉ huy Phòng đến giải vây. Những lúc như thế, họ chỉ ngại người quen biết được, lại mang tiếng rằng thằng này là Công an mà nghiện, từng bị bắt vào đồn Công an...

Xin trở lại câu chuyện về chị Lý, nữ trinh sát đầu tiên của Cục C47. Bởi chị chính là niềm tự hào và “kho kinh nghiệm” của các thế hệ nữ trinh sát ma túy của đơn vị Cục và lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn quốc. Khi nhắc về chị, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương luôn dành những lời lẽ cảm phục và ông còn nói rằng, ông đã rất may mắn có được những nữ trinh sát giỏi giang, sẵn sàng hy sinh vì công việc như chị Lý. Bất cứ chuyên án nào khó, dù vào thời điểm nào, khi được lãnh đạo giao nhiệm vụ là chị Lý sẵn sàng lên đường, không chút nề hà.

Còn nhớ một trưa 22 Tết, chị Lý nhận được điện thoại của lãnh đạo Vương: “Chuyên án này em phải đi mới thành công”. Chị cũng đắn đo lắm chứ, vì ngày mai ông Công, ông Táo chầu trời, chị lại là người phụ nữ trong gia đình. Chồng chị cũng rất cảm thông cho công việc của vợ, nhưng chị vẫn rất băn khoăn trong lòng. Nhưng vì sự gấp rút của chuyên án, chị cũng không thể chậm trễ. Qua 24h, chị trở dậy, lặng lẽ rút chân nhang, làm gà, thổi xôi, rồi xì xụp thắp hương, khấn đưa ông Công, ông Táo về chầu trời. 3h sáng, chị lặng lẽ ra khỏi nhà, lên chuyến xe khách sớm nhất đi vùng biên giới Sơn La làm nhiệm vụ. Rồi khi đánh các tụ điểm như Cầu Kho (TP HCM), Thanh Nhàn (Hà Nội)…, tụ điểm nào cũng “ngốn” của chị mấy tháng trời…

Làm trinh sát đã vất vả, trinh sát nữ còn gian khổ trăm bề, bởi họ còn phải mang thiên chức của người vợ, người mẹ. Tôi đã rất xúc động khi đọc được những dòng tâm sự của một nữ trinh sát của Phòng 3 Cục C47: “Mẹ lên đường đi làm đã 2, 3 ngày nay chưa về, trời rét ai lo cho con cơm nước, học hành... rồi nhớ đến những hôm con ốm nằm viện, nhận lệnh lên đường mà lòng thấy bất an, lo lắng…". Hàng loạt những trăn trở lo âu và khó khăn khi phụ nữ làm án mà chị em trinh sát phải trải qua. Những mơ ước thường nhật cho một cái Tết đoàn tụ, mong có những buổi chiều yên ả được về sớm đón con tan học như bao người phụ nữ khác. Ước có 365 ngày trong năm đêm nào cũng được nằm ngắm con ngủ….

Vâng! Những ước mơ tưởng chừng như rất đỗi giản đơn ấy lại quá khó thực hiện với những trinh sát nữ của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy. Nhưng họ chưa một lời ta thán, chưa một lần chùng bước, bởi họ hiểu và chấp nhận mọi sự hy sinh khi đã tuyên thệ và gia nhập lực lượng này.


Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục C47: Đoàn kết, thương yêu, gắn bó máu thịt với nhau để chiến đấu và chiến thắng

Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy luôn phải chiến đấu trong môi trường khó khăn, gian khổ, địa bàn chiến đấu là vùng rừng núi hiểm trở. Tội phạm ma túy lại ngày càng manh động, khi bị phát hiện thì tìm cách chống trả quyết liệt. Chính vì thế, chưa có lực lượng nào, sự đổ máu, hy sinh trong thời bình nhiều nhất như lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy. Rồi còn những sự hy sinh về vật chất, về tình cảm gia đình.

Để vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, hoàn thành nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sỹ của lực lượng phải rèn luyện, tu dưỡng, không so bì, tính toán thiệt hơn, phải xác định rằng, chúng ta chiến đấu để loại trừ mối hiểm họa to lớn đối với chính đồng bào, con em mình. Toàn lực lượng thực hiện đúng 6 điều Bác Hồ dạy CAND, kiên quyết chiến đấu đến cùng với kẻ thù.

Bên cạnh đó, do đặc thù chiến đấu nguy hiểm nên lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy có truyền thống đoàn kết, thương yêu, gắn bó máu thịt với nhau. Lãnh đạo đơn vị biết quan tâm, chăm lo, sẻ chia từng niềm vui, nỗi buồn với các cán bộ, chiến sỹ, luôn đi cùng anh em ở những điểm gian khổ nhất để họ không thấy đơn độc trong cuộc chiến gian khổ này.